Gameshow truyền hình thực tế âm nhạc - Tìm hướng đi mới

Thứ Sáu, 07/07/2023, 09:39

Gameshow ca nhạc kết hợp du lịch đang hứa hẹn sẽ trở thành một hướng đi mới được nhiều khán giả quan tâm trong thời gian tới đây. Trong bối cảnh các gameshow ca nhạc trên truyền hình thoái trào thì những cách làm mới, chân thực, hướng tới và tôn trọng khán giả, chắc chắn sẽ thành công.

Show ca nhạc nhưng không chỉ là âm nhạc

Tối 25/6/2023, một chương trình thực tế kết hợp du lịch trải nghiệm và biểu diễn âm nhạc “mới toanh” mang tên “La cà hát ca” chính thức lên sóng vào khung giờ 20h30 trên HTV7 - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Với khẩu hiệu “vừa đi vừa ngân nga”, chương trình hướng đến một cuộc sống thanh nhàn, lạc quan, tìm đến sự cân bằng trong cuộc sống.

gameshow am nhac 1.jpeg -0
Dàn nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình “Biển của hy vọng”.

Ngay từ khi họp báo công bố chương trình, “La cà hát ca” đã nhận được sự chú ý của báo giới, đặc biệt là khán giả trẻ. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Đông Tây Entertainment - nhà sản xuất “La cà hát ca” là chủ nhân của “2 ngày một đêm” - chương trình truyền hình thực tế gây được tiếng vang lớn trong năm 2022, lọt top chương trình được yêu thích nhất châu Á. Format chương trình mới mẻ, đầy tính ngẫu hứng và độc đáo khi kết hợp cùng ba yếu tố du lịch - trải nghiệm - biểu diễn âm nhạc, pha trộn những tình huống mang đậm tính giải trí, hài hước.

Bên cạnh đó, danh sách năm nghệ sĩ chính tham gia chương trình cũng là những gương mặt thuộc top đầu trong làng giải trí Việt hiện nay: Ngô Kiến Huy, Jun Phạm, “Thánh mưa” Trung Quân, Myra Trần (Trần Minh Như, nhân vật Lady May trong “Ca sĩ mặt nạ” và Rapper Blacka. Dàn nghệ sĩ này hứa hẹn sẽ làm bùng nổ sân khấu “La cà hát ca” bởi họ không chỉ có giọng hát mà còn hội tụ đầy đủ các yếu tố giải trí để tạo nên thành công của chương trình truyền hình thực tế.

Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, “La cà hát ca” sẽ đưa khán giả tham quan ba miền Bắc - Trung - Nam, tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa, lao động của con người Việt Nam và truyền tải những điều lạc quan, tích cực trong đời sống thường ngày. “La cà hát ca” hướng đến xây dựng một chương trình thực tế nhẹ nhàng, mộc mạc, gần gũi. Điểm đến đầu tiên của “La cà hát ca” số 1 là Trường Đại học Đà Lạt. Sự xuất hiện của dàn ca sĩ trẻ đã tạo được sự bất ngờ, hào hứng với sinh viên Đà Lạt.

Trước đó, “Biển của hy vọng” do Viettel Media sản xuất, bắt đầu phát sóng từ trung tuần tháng 12/2022 trên HTV7 - Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh cũng mang đến cho khán giả trải nghiệm mới khi kết hợp giữa âm nhạc, ẩm thực và hoạt động bảo vệ môi trường. “Biển của hy vọng” được Việt hóa từ chương trình truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc - “Sea of Hope”.

“Biển của hy vọng” được xây dựng theo format một chương trình truyền hình thực tế, lấy âm nhạc làm chủ đạo. Âm nhạc sử dụng trong chương trình là sự kết hợp của rất nhiều thể loại từ nhạc của những năm 2010 đến nhạc trẻ mới nhất hiện nay. Các ca khúc sẽ được hòa âm, phối khí lại với màu sắc hiện đại, thư giãn, vỗ về, có chiều sâu và giàu cảm xúc như những con sóng biển, truyền đi thông điệp về tình yêu thương, gắn kết sự đồng điệu giữa âm nhạc, biển và khán giả.

Những nghệ sĩ tham gia sẽ có những sân khấu live “khủng” giữa biển trời bao la tại những tỉnh, thành phố có bãi biển đẹp nhất. Mỗi bài hát là một câu chuyện, lời tự sự của chính các nghệ sĩ về nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Tham gia chương trình cũng là dàn ca sĩ trẻ đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả như Hòa Minzy, Tiên Cookie, Isaac, Đức Phúc, Quân A.P. Ngoài việc trình diễn các ca khúc, các nghệ sĩ còn lần đầu tiên được trải nghiệm những công việc của các nhân viên nhà hàng như quản lý, đầu bếp, pha chế, phục vụ, sáng tạo… Họ vừa kinh doanh quán bar vừa là người biểu diễn trong ban nhạc hát live.

Có thể nói rằng, “La cà hát ca”, “Biển của hy vọng” là những show truyền hình ca nhạc thực tế đầu tiên có sự kết hợp giữa âm nhạc, du lịch, ẩm thực. Mặc dù trước đó, việc làm show ca nhạc đơn lẻ tại các địa danh du lịch nổi tiếng trong, ngoài nước đã được không ít ca sĩ Việt thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

Cần chạm tới những khoảng trống trong cảm xúc của khán giả

Thời gian gần đây, nhiều chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc rục rịch quay trở lại sau thời gian tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như thị trường bão hòa. Phần lớn trong số đó vẫn là những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc được Việt hóa từ phiên bản nước ngoài. Điều này dễ hiểu, bởi âm nhạc vẫn là sân chơi có tính đại chúng cao so với các loại hình giải trí khác. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình thực tế đã không còn đủ hấp dẫn để cuốn hút khán giả, một phần vì format chương trình “na ná” nhau.

gameshow am nhac 2.jpeg -1
Chương trình “La cà hát ca” tập đầu tiên lên sóng HTV7.

Với truyền hình thực tế, chất liệu quan trọng hàng đầu để tạo nên thành công chính là yếu tố người tham gia. Tài năng, câu chuyện thú vị của người chơi sẽ quyết định lớn đến sức hút của chương trình. Để chương trình không bị rơi vào quên lãng, nhà sản xuất buộc phải sử dụng đến chiêu trò khi thiếu chất liệu quan trọng để xây dựng chương trình. Câu chuyện về đời tư thí sinh, chuyện bên lề cuộc thi, những màn tranh cãi nảy lửa giữa các huấn luyện viên… được sử dụng như chất xúc tác để làm nóng chương trình. Chính chiêu trò đã khiến khán giả ngán ngẩm với truyền hình thực tế. Thế mạnh của truyền hình thực tế là yếu tố “thực”, “sự chân thực” của chương trình và người chơi nhưng khi đã dùng đến chiêu trò, yếu tố “thực” không còn nữa. Truyền hình thực tế đang đánh mất chính mình và tất nhiên, cũng đánh mất luôn khán giả.

Về thị hiếu khán giả, với truyền hình thực tế, khán giả có xu hướng thích xem các chương trình có tính chân thực, mang tính giải trí cao, gần gũi nhưng phải có yếu tố hài hước, bất ngờ. Khán giả, trong đó có khán giả trẻ, ngoài việc yêu thích ca khúc có tiết tấu nhanh, sôi động cũng có xu hướng tìm đến âm nhạc tràn đầy cảm xúc với giai điệu êm ái, nhẹ nhàng, hướng tới những thứ đơn giản, tự nhiên nhất, để có cảm giác thư giãn, giảm stress khi thưởng thức âm nhạc. Nghe nhạc để được trở về với chính mình, đánh thức những cảm xúc sâu thẳm trong lòng mình, để “chữa lành”, “xoa dịu” những ồn ào, xô bồ của cuộc sống hiện đại… Có lẽ, đó vẫn là những khoảng trống trong cảm xúc khán giả mà các gameshow ca nhạc chưa chạm tới.

Trở lại câu chuyện của “La cà hát ca” và “Biển của hy vọng” có thể thấy rằng, điều đáng ghi nhận ở đây là sự nỗ lực đổi mới, thoát ra những cách làm cũ trong xây dựng gameshow ca nhạc trên truyền hình hiện nay. Và tất nhiên, không phải lúc nào, những cách làm mới cũng mang lại ngay kết quả như mong muốn. “Biển của hy vọng” không tạo được dấu ấn truyền thông như kỳ vọng, thậm chí còn có ý kiến đánh giá là nhạt nhòa. Điều này có nhiều lý do, có thể do phiên bản gốc “Sea of Hope” do Đài JTBC Hàn Quốc sản xuất tạo được hiệu ứng quá tốt và phiên bản “remake” (làm lại) bị so sánh là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, những màn tương tác, trò chuyện của các nghệ sĩ tham gia chưa đủ hấp dẫn, thiếu sự gắn kết, các ca khúc được cover lại vẫn khá mờ nhạt, các cảnh quay trên biển chưa làm bật lên nét đẹp vốn có của cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam. Với “La cà hát ca”, vì mới lên sóng tập đầu tiên nên chưa thể đánh giá hết hiệu ứng của chương trình. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, chương trình đang thiên về yếu tố giải trí nhiều hơn so với âm nhạc. Các tiết mục biểu diễn âm nhạc trong chương trình chưa thực sự mang lại ấn tượng đậm nét với khán giả.

Nói gì thì nói, tôi vẫn ủng hộ những hướng đi mới như “Biển của hy vọng” và “La cà hát ca”. Lắng nghe khán giả, tiếp tục sáng tạo để đổi mới và hướng tới khán giả, chắc chắn đó sẽ là chìa khóa tạo nên sức hấp dẫn của chương trình.

Tường Phạm
.
.