Gameshow truyền hình giữa mùa dịch: Đã nhạt nay còn ẩu

Thứ Năm, 09/12/2021, 13:12

Gameshow truyền hình đang bước vào giai đoạn thoái trào. Điều đó ai cũng biết. Nhưng khi dịch COVID xuất hiện và giáng đòn chí tử vào làng giải trí thì gameshow càng mất sức hút vì sự nhàm chán, cẩu thả. Nhiều nhà đài nhanh nhạy loại bỏ gameshow khỏi sóng giờ vàng để thay thế chương trình giải trí khác hấp dẫn hơn.

Dịch COVID khiến nhiều gameshow phải tạm dừng ghi hình hoặc tìm cách thích ứng. Đợt giãn cách xã hội hồi đầu tháng 7 tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tình thành phía Nam, các chương trình như "Cuộc đua kỳ thú", "Thách thức danh hài", "Nhóm nhảy siêu Việt", "Siêu tài năng nhí", "A đây rồi"… buộc phải ngưng sóng dù đã đi được vài số.

Thông thường, các gameshow chỉ quay vài ba tập gối đầu. Vừa quay vừa phát nên khi gặp chuyện, họ nhanh chóng bị động. Nhưng khi đợt giãn cách kéo dài hơn dự kiến, các nhà sản xuất không còn ngồi yên được nữa. Họ phải tìm cách sống chung với dịch. Vì thế, gameshow theo phong cách quay hình tại gia ra đời.

Là tân binh, "Sàn đấu vũ đạo" cũng phải hạn chế lượng thí sinh so với dự kiến ban đầu là 12 đội. Vì dịch bùng phát mạnh, các thí sinh được yêu cầu tự ghi hình phần thi nhảy rồi gửi đến chương trình. Nghệ sĩ và vũ công chia sẻ các câu chuyện hậu trường, tham gia một số thử thách nhỏ tại nhà mà ban tổ chức đề ra.

1 erik.jpg -0
Ca sĩ Erik thành quán quân "The Heroes" 2021 trong lặng lẽ.

"Ghép đôi thần tốc", "Cuộc đua kỳ thú", "Tâm đầu ý hợp", "Ông mai hẹn hò", "Mẹ chồng nàng dâu", "Ca sĩ bí ẩn"… đều kết nối người chơi bằng video call. Nhiều chương trình khác, từ MC, thí sinh đến giám khảo đều tự biên tự diễn ở nhà và ghi hình bằng điện thoại, máy ảnh rồi gửi cho nhà sản xuất dựng lại. Hậu trường ghi hình của danh hài Trường Giang trong chương trình "Nhanh như chớp" khiến nhiều người cười bò khi anh tận dụng quạt máy, bóng đèn, máy hình để ghi hình ở nhà. Vì để nghệ sĩ, người chơi tự quay hình hoặc kết nối online nên chất lượng hình ảnh, âm thanh luôn bị khán giả la ó. Hình bị tối, âm thanh thì tiếng được tiếng mất hoặc bị rè. Nhiều nghệ sĩ ăn mặc luộm thuộm, phông cảnh ở nhà bừa bộn, tạm bợ nhưng vẫn để y nguyên khi lên hình. Để sản xuất nhanh, kịp tiến độ phát sóng, nhà sản xuất lắm khi bê nguyên xi những khung hình dễ dãi, cẩu thả như thế lên đài.

Sự cẩu thả còn bộc lộ ở khâu biên tập. Trong chương trình "Rap Việt", thí sinh Lập Nguyên thể hiện bản rap trên nền ca khúc "Bay giữa ngân hà" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ca khúc này từng được ca sĩ Nam Cường trình bày rất thành công. Thế nhưng trong khung giới thiệu trên màn hình, ekip chương trình lại ghi ca sĩ Nam Cường ở phần tác giả mà bỏ quên cha đẻ ca khúc. Phải đến khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phát hiện và lên tiếng thì họ mới sửa lại ở bản phát lại trên YouTube.

"Rap Việt" còn bị tố vi phạm bản quyền. Cụ thể, hình ảnh poster gameshow có sử dụng hình ảnh đồ họa của một nhà thiết kế nước ngoài nhưng ekip lại chưa hề xin phép nhà thiết kế này. Không chỉ một mà liên tiếp ba tấm poster được ekip thực hiện để quảng bá chương trình bị tố vi phạm bản quyền. "Rap Việt" còn vướng phải tranh cãi khi sử dụng khẩu trang của một thương hiệu mà không xin phép. Việc vi phạm bản quyền hình ảnh với một chương trình lớn như "Rap Việt" được người trong ngành đánh giá là vô cùng cẩu thả và nghiêm trọng.

Ngoài sự sơ sài, cẩu thả về kỹ thuật, hình thức thì nội dung nhàm chán cũng khiến gameshow mùa dịch trở thành thảm họa. "The Heroes" quay được vài số ở trường quay cũng phải chơi chiến thuật "ai ở đâu, ở yên đó". Gameshow tranh tài ca hát bỗng chốc hóa thành talkshow xoay quanh chuyện: Nghệ sĩ ở nhà chống dịch thế nào, tâm tư của họ mùa dịch, nghệ sĩ động viên nhau vượt qua dịch bệnh… Liên tiếp nhiều tập liền, "The Heroes" chỉ xoay quanh đề tài như vậy khiến khán giả ngán ngẩm chuyển kênh.

2 rap viet.jpeg -0
"Rap Việt" mùa 2 kém lôi cuốn và vướng nhiều lùm xùm.

Khi cả nước mở cửa trở lại, việc quay hình trực tiếp được phép nhưng nhà sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu chống dịch nghiêm ngặt. Trường quay hoàn toàn vắng khán giả. Thí sinh, giám khảo và ekip sản xuất đều phải tiêm đủ hai mũi vaccine và được xét nghiệm nhanh trước mỗi buổi ghi hình. Vào trường quay, khẩu trang, tấm chắn giọt bắn luôn là vật bất ly thân. Chỉ khi biểu diễn, người chơi mới được tháo ra.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu ngoại trừ những quy tắc rườm rà trên, chất lượng gameshow vẫn đảm bảo. Tuy vậy, dịch bệnh đã và đang khiến gameshow hụt hơi trên đường trở lại thời hoàng kim. Chưa bao giờ tuổi thọ của một gameshow lại ngắn ngủi như bây giờ. Nếu thời hoàng kim của gameshow (giai đoạn năm 2005 - 2015), các chương trình như "Việt Nam Idol", "Giọng hát Việt", "Bước nhảy hoàn vũ", "Việt Nam Next Top Model", "Gương mặt thương hiệu", "Siêu đầu bếp", "The Remix", "Gương mặt thân quen"… đều giữ được sức nóng đến bốn, năm mùa thì hiện nay, bước đến mùa hai là gameshow hạ nhiệt.

"Rap Việt" và "The Heroes" là ví dụ. Mùa đầu tiên, "Rap Việt" là tân binh khuấy đảo làng gameshow. Vì là gameshow đầu tiên về dòng nhạc rap nên nó được cộng đồng yêu nhạc đặc biệt chú ý. Các tiết mục thi cho đến dàn giám khảo đều tạo nên những cú nổ truyền thông và hiệu ứng trên mạng. Lượt view tăng chóng mặt, thiên hạ không ngừng bàn tán về phần thi của thí sinh lẫn sản phẩm riêng của dàn giám khảo. Có thể kể đến các bản rap ấn tượng như "Bắc kim thang" của Ricky Star, "Người cha câm" của Hydra , "Dám hay không dám" của Yuno Bigboi…

Dịch COVID bùng phát mạnh trong năm 2021 khiến lượng thí sinh "Rap Việt" mùa 2 bị hạn chế. Chiếm phần lớn trong số các thí sinh là những gương mặt kỳ cựu làng rap. Thậm chí có người trình độ rap còn hơn hẳn dàn huấn luyện viên như Sol7, Blacka, Lil Wuyn, Seachains, Obito… Nếu Sol7 được coi là "thầy của giới rap" thì Blacka từng làm giám khảo của nhiều cuộc thi nhạc rap nổi tiếng cùng với Beck'Stage - Unexpected Rap. Lý do họ cắp cặp đi thi thì nói như Sol7: "Tôi tới đây vì chưa thành công như mong đợi".

Sự lấn sân của hàng loạt gương mặt cũ đã khiến "Rap Việt" 2021 không còn tính bất ngờ, đột phá vì khán giả đã biết trước họ có thế mạnh gì. Số thí sinh mới thì chất lượng lại tàng tàng, không hội tụ nhiều nhân tố thú vị, hay ho như năm ngoái. Đến nay, các tiết mục gây bùng nổ trên các diễn đàn yêu nhạc gần như không có.

Chào sân trong mùa dịch, "The Heroes" (Thần tượng đối đầu thần tượng) cũng lâm phải tình cảnh tương tự. Nghe qua tên, người ta cứ tưởng đây là gameshow mới toanh. Nhưng thực chất "The Heroes" chính là phiên bản của gameshow "The Remix" (Hòa âm - Ánh sáng) đình đám một thời. Bình mới nhưng rượu vẫn cũ. Rượu này không những cũ mà còn nhạt. Nếu ngày xưa "The Remix" liên tục khuấy đảo nhiều mùa với những cái tên nghệ sĩ nóng sốt như Tóc Tiên, Sơn Tùng M-TP, Bảo Anh… tham gia tranh tài thì "The Heroes" toàn quy tụ những cái tên lạ hoắc. Chỉ có ca sĩ Erik là người được đông đảo khán giả biết đến với nhiều bản hit. Riêng số nghệ sĩ còn lại đều là những tên tuổi ít gây chú ý như Orange, Han Sara, Lona, Mỹ Anh, JSol, VP Bá Vương, Cara… Chính vì dàn thí sinh như vậy nên "The Heroes" diễn ra khá lặng lẽ với đêm chung kết cuối tháng 11 vừa qua.

Một đạo diễn kỳ cựu hay tham gia cầm cân nảy mực các gameshow cho rằng: "Tôi nghĩ gameshow có hai yếu tố tạo nên sự hấp dẫn. Thứ nhất là format của chương trình phải mới và hay, thứ hai là người chơi phải giỏi. Các gameshow hiện nay không đáp ứng được hai yếu tố này". Format gameshow đã na ná nhau trong khi chất lượng ngày một giảm thì khán giả quay lưng là điều đương nhiên. Sự cẩu thả, kém chất trong mùa dịch càng khẳng định lỗ hổng chết người của các chương trình này.

Thực trạng trên khiến nhiều nhà đài bây giờ không còn coi gameshow là món ngon trên sóng truyền hình. Cái thời gameshow là con gà đẻ trứng vàng đã trở thành quá vãng. Đài Truyền hình Vĩnh Long có lẽ thấm thía hơn ai hết bởi đây là "ông trùm" gameshow. Một thời, các chương trình về bolero, hài như "Solo cùng bolero", "Người hát tình ca", "Cười xuyên Việt", "Tiếu lâm tứ trụ"… làm mưa làm gió trên đài. Thế nhưng mới đây, nhà đài này buộc phải loại bỏ hai gameshow trên sóng giờ vàng để chiếu phim nước ngoài. Đây là động thái nhanh nhạy để phục vụ nhu cầu khán giả mùa dịch khi gameshow đã là món ăn quá chán ngán.

Phan Thi Uyên
.
.