Đường xuân bốn mùa hoa

Thứ Sáu, 17/01/2025, 10:33

Đường phố Hoàng Hoa Thám (thuộc quận Ba Đình và Tây Hồ, Hà Nội) là con phố trên cao độc đáo nhất hiện nay ở Hà Nội. Con đường dài 3.320 mét, được xây dựng bồi đắp, tôn cao trên đất tường thành cổ phía bắc men sông Tô Lịch, kéo dài từ chợ Bưởi tới đầu phố Phan Đình Phùng (đi qua cửa Bắc thành Hà Nội).

Những thôn làng cổ bám dọc đường Hoàng Hoa Thám phải leo dốc đi lên phố. Quang cảnh thôn dã xưa chẳng khác gì leo núi bởi những con dốc dựng đứng. Phố trên cao là thế.

Rừng cây đường phố

Được mệnh danh là một trong những con phố dài nhất Thủ đô nhưng đường Hoàng Hoa Thám chỉ rộng chừng 8 mét. Riêng đoạn đầu phố chạy tới dốc Ngọc Hà, đường được mở rộng hơn 10 mét chạy dọc Vườn Bách Thảo. Trục đường còn lại dài hơn 3.000 mét hẹp đến nỗi chỉ cho ô tô đi một chiều. Đây là con đường có nhiều dốc phố cắt ngang như La pho, Ngọc Hà, Vĩnh Phúc, Tam Đa, Bưởi. Còn những dốc ngõ theo số nhà thì khó kể hết bởi Hoàng Hoa Thám nằm trên đất của nhiều thôn cổ, nay thuộc các phường Thụy Khuê, Bưởi (quận Tây Hồ), Ngọc Hà, Liễu Giai và Vĩnh Phúc (quận Ba Đình).

9-ngu%3fi tr%3fng hoa dón xuân trong v%3fn bách th%3fo.jpg -1
Người trồng hoa đón xuân trong vườn Bách Thảo.

Trong dân gian, những câu thơ học trò áo dài, guốc mộc xưa đã viết khi đi chợ hoa: “Tan chợ tôi theo em/ Vòng quanh mươi dốc ngõ/ Tà áo bay gió mềm/ Đi hoài không hết phố”. Những con dốc của ký ức theo thời gian vẫn được lưu giữ cho tới ngày nay. Đó là hình ảnh thơ mộng thân thương: “Đường cao lắm dốc ngõ/ Em hẹn tới chợ phiên/ Hoa đến mùa nở rộ/ Tìm đâu đôi mắt huyền”.

Hai bên đường, hàng trăm hộ kinh doanh, đủ các mặt hàng với nhiều quy mô lớn nhỏ rất nhộn nhịp. Nếu các chợ và khu phố cổ, phía đông thành Hà Nội được coi là trung tâm thương mại sầm uất nhất, thì đường Hoàng Hoa Thám cùng hai phố Thụy Khuê và Đội Cấn được coi là trung tâm thương mại phía Tây thành không kém phần sôi nổi. Cảnh tượng vào phiên chợ khách chen lấn bán mua và đường phố luôn bị ách tắc kéo dài. Không khí kẻ chợ bên dòng sông Tô Lịch xưa luôn đầy ắp những âm thanh náo nhiệt. Đặc biệt trên phố Hoàng Hoa Thám còn có hàng cây cổ trăm năm được trồng bên đường. Điển hình là một rừng cây ở đầu phố nằm trong công viên Bách Thảo được xây dựng vào năm 1890.

Quang cảnh núi Sưa và những hồ nước cùng các con đường dốc nghiêng trong công viên Bách Thảo thật thơ mộng. Nổi bật trong công viên rộng hơn 10ha là rừng cây cổ thụ. Thực ra ban đầu, Bách Thảo còn được người Pháp xây thêm những dãy chuồng nuôi thú để cho du khách tới xem. Một thuở người dân còn gọi đây là vườn thú. Đặc biệt có chuồng nuôi nhốt hổ và thú dữ khác như gấu, báo, trăn rắn…

Nhà thơ Thế Lữ một lần đi thăm vườn thú đã bất ngờ đứng lặng người trước chuồng nhốt một con hổ. Một ý tưởng chớp sáng ập tới trong tâm cảm sáng tạo văn chương. Hình ảnh con hổ bị giam cầm trong chuồng đã mang lại hiệu ứng nghệ thuật thi ca trong ông. Với sự liên tưởng sâu sắc giữa sự bế tắc trước cuộc đời như đang bị cầm tù, nhà thơ hóa thân và bày tỏ: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt.../ Khinh lũ người kia ngạo mạn., ngẩn ngơ/ Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm/ Nay bị sa cơ nhục nhằn tù hãm”. Đây là một tứ thơ tinh tế của nhà thơ có thể gieo ngòi nổ tâm trạng bi phẫn cho kiếp người bị đè nén áp bức. Càng về cuối, bài thơ càng nóng bỏng với tâm trạng khao khát sự trở về: “Có biết chăng trong những ngày ngao ngán/ Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn/ Để hồn ta phảng phất được gần người/ Hỡi cánh rừng ghê gớm của ta ơi!”.

Phiên chợ bến sông

Chợ Bưởi là dấu ấn kẻ chợ phía Tây Kinh thành Hà Nội bên sông Tô. Giao cắt cuối đường Hoàng Hoa Thám với đường Bưởi chính là đất Cồn Yến bến cập hàng chuyển vào chợ. Một thời, chợ Bưởi là nơi buôn bán đầu mối giống như khu thương mại Đồng Xuân vậy. Tuy nhiên, dấu ấn chợ quê vẫn còn lưu giữ theo phiên vào những ngày 4 và 9 ta hàng tháng. Cuối phố Hoàng Hoa Thám có dựng cổng chợ đề biển “Khu chợ phiên”. Đường đi xuống chợ dốc dài như xuống bến sông vậy. Khu vực này chuyên bán chó mèo giống cho những người yêu thích nuôi chúng trong nhà.

Còn từ đầu cổng chợ xuống dốc Bưởi chủ yếu là hàng hoa và cây cảnh. Cho tới nay chợ cây cảnh và hoa được kéo dài tới tận dốc Đốc Ngữ (chừng gần 1km). Chính vì thế đường Hoàng Hoa Thám còn được ví là đường bốn mùa hoa. Bởi những người trồng hoa ở các vùng như Nghi Tàm, Hữu Tiệp, Mê Linh, Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn từ xưa đã hội tụ về đây bán buôn theo phiên chợ. Dần dần nơi đây hình thành phố chợ hoa và cây cảnh quanh năm của Hà Nội.

2-ðu%3fng hoàng hoa thám.jpg -0
Đường Hoàng Hoa Thám.

Tuy nhiên, trên trục đường có nhiều mặt hàng khác được bày bán chứ không phải chỉ có hoa và cây cảnh. Phố chợ khá phong phú và kéo dài tới tận dốc Ngọc Hà. Trên phố còn hình thành một chợ bán đồ xưa, đồ cũ vào cuối tuần tại ngõ 456. Nơi đây có hàng trăm món đồ độc đáo như gốm sứ, bạc, đồng, nhôm, sắt... Dãy hàng đồ cũ, đồ xưa này tập hợp được hàng trăm nhà sưu tầm tìm tới thường xuyên trao đổi mua bán.

Ngoài không gian kẻ chợ, đường Hoàng Hoa Thám còn có một số cơ quan nhà nước, các công ty kinh doanh, trường học và bệnh viện tập trung ở nửa phố phía trên. Đặc biệt, trong đó có một số cơ quan văn hóa như Cục Điện ảnh (số nhà 147), Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh (147Đ) và Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (số nhà 465). Kèm theo đó là một số khu nhà tập thể của các nghệ sĩ của Xưởng Phim truyện Việt Nam (số 147 và ngõ 221).

Do đó, đường Hoàng Hoa Thám còn đậm sâu những ký ức của lớp nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên sinh sống tại đây. Có những người sống hàng chục năm hoặc tới nửa thế kỷ tại khu tập thể nghệ sĩ. Đầu tiên, phải kể tới NSND Trà Giang, Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và các đạo diễn như Hải Ninh, Long Vân, Hồng Sến, Đào Trọng Khánh… Cùng với họ là những diễn viên gạo cội cùng thời như Minh Đức, Ngọc Lan, Bích Hồng, Kim Chi.

Một kỷ niệm khó quên, bộ phim “Em bé Hà Nội” đã được các nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, Hải Ninh và Vương Đan Hoàn viết tại đây. Một dàn diễn viên ở khu tập thể Hoàng Hoa Thám cùng tham gia đóng phim như Trà Giang, Tuệ Minh, Thu An…

Bộ phim “Em bé Hà Nội” có số phận đặc biệt khi tác giả Hoàng Tích Chỉ khởi thảo và hoàn thành trong những đêm Hà Nội bị không quân Mỹ bắn phá và dội bom B52 (cuối tháng 12/1972). Bộ phim được khởi quay nửa năm sau đó và đem lại thành công vang dội cho điện ảnh Việt Nam. Đây là tác phẩm kinh điển gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Sự thành công của bộ phim gắn liền với tên tuổi tác giả Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh, nhạc sĩ Hoàng Vân và các nghệ sĩ Lan Hương (vai Ngọc Hà), Thế Anh (vai sĩ quan tên lửa).

Những hoạt động của Cục Điện ảnh, Hãng Phim truyện và Xưởng phim Tài liệu trên phố tạo nên một không gian văn hóa nghệ thuật sôi nổi suốt hơn 60 năm qua. Một thời, mọi người quanh vùng còn gọi Hoàng Hoa Thám là phố “Điện ảnh”.

Còn đó bản giao hưởng mùa thu

Ký ức sâu sắc mà người dân Thủ đô luôn ghi nhớ hình ảnh trong đêm dạ hội, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III, tại công viên Bách Thảo (3/9/1960). Khi dàn nhạc giao hưởng đang biểu diễn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn khách quốc tế tới dự. Một không khí trang trọng và vinh dự đến với mọi người trong đêm biểu diễn. Khán giả cùng các nghệ sĩ đứng dậy vỗ tay trong sự vui mừng bất ngờ. Ngỡ như gió mùa thu cũng bừng lên trong những tán lá cây xanh trong công viên.

Dàn đại hợp xướng hơn 1.000 nghệ sĩ đều sững sờ với niềm vui chợt tới. Trong khi đó Bác Hồ bước lên bục đón lấy chiếc đũa chỉ huy của nhạc trưởng. Người đã giơ cao đũa nhạc chỉ huy dàn hợp xướng hát bài ca “Kết đoàn”. Lời ca vang lên hùng tráng và phấn chấn hơn bao giờ hết: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/ Kết đoàn chúng ta là sắt gang…”. Giai điệu hành khúc như một hiệu triệu bất tử dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hồ Chí Minh. Một trời thu âm vang trong âm sắc hùng tráng dâng lên như sóng biển dạt dào. Hiện chiếc đũa nhạc do Bác chỉ huy dàn hợp xướng được giữ lại trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Vương Tâm
.
.