Đường Văn hứa hẹn những mùa vui

Thứ Sáu, 14/02/2025, 21:36

Lễ Tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn 2023-2024 do chuyên san văn học - nghệ thuật Đường Văn thuộc Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các tổ chức, diễn ra hồi trung tuần tháng 10/2024, đến nay đã hơn 3 tháng. Từ đó đến nay, đã có nhiều bài viết trên báo chí và trên mạng xã hội bàn luận về cuộc thi này.

Tựu trung là vui, mừng... và cảm thông, khích lệ. Tất nhiên cũng có những nhận xét kiểu “đáng tiếc là...”, “giá như mà...” nhưng trên tinh thần thấu cảm thiện chí; đặc biệt là không có những chê bai chỉ trích nhằm vào Ban tổ chức, Ban giám khảo và các tác phẩm đoạt giải... như thường thấy ở nhiều cuộc thi văn chương ở các cấp lâu nay. Có thể nói đó là một thành công rất đáng kể của cuộc thi văn chương xã hội hóa này.

duongvan1.jpg -0
Ban tổ chức Trại sáng tác Đường Văn 2024 và các nhà văn tham dự trại.

Cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn 2023- 2024 được phát động trong thời gian 1 năm, từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2024, với mục tiêu đặt ra là thu hút tất cả các cây bút viết văn, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc và thành phần xã hội, các tổ chức Văn học nghệ thuật trên mọi vùng miền đất nước. Ban sơ khảo cuộc thi là các nhà văn thuộc Hội đồng cố vấn chuyên san Đường Văn; Ban chung khảo gồm các nhà văn: Hà Phạm Phú, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Chí Hoan, Phan Mai Hương và dịch giả Linh Chi.

Tổ chức cuộc thi này, chuyên san Đường Văn tham vọng tìm kiếm những gương mặt mới trong văn học Việt Nam đương đại. Đồng thời, qua cuộc thi này, Đường Văn mong muốn khơi gợi tinh thần cống hiến cho văn học của mọi cây bút thuộc mọi thế hệ khắp mọi miền đất nước và cả những tác giả người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Tính đến ngày kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 truyện ngắn của các tác giả trong cả nước và nước ngoài gửi về. Trong số đó có các tác giả chuyên nghiệp, các nhà văn đã có tên tuổi trên văn đàn nước nhà, như: Trần Thị Trường, Lê Ngọc Minh, Phạm Thanh Khương, Đoàn Hữu Nam, Đinh Ngọc Lâm, Ngô Văn Giá, Kiều Bích Hậu, Tống Ngọc Hân, Kiều Duy Khánh, Lưu Bạch Liễu, Nguyễn Cẩm Hương, Du An v.v...

Cùng đó là những tác giả mà tên tuổi còn rất mới trong dòng chảy văn chương đương đại, như: Nguyễn Thị Thanh Thúy, Ngô Tú Ngân, Nguyễn Thị Minh Hoa, Yukiko Tengo (Nguyễn Văn Toàn), Dương Thành Phát, Tạ Tư Vũ, Phạm Giai Quỳnh, Ngân Kim, Nguyễn Đình Ảnh, Hà Minh Hưng, Phan Ngọc Chính, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Anh Tuấn, Đinh Thành Trung, Trần Ngọc Mỹ, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Học, Bùi Tuấn Minh, Kiều Duy Khánh, Ry An Phạm, Ny An v.v...

Cuộc thi còn có sự tham gia của cây bút hải ngoại Quyên Gavoye, hiện nay chị đang sống và làm việc tại nước Pháp. Đặc biệt là “dàn” tác giả thế hệ “9x” với những giọng điệu mới mẻ, trẻ trung, hồn nhiên như: Ngô Tú Quyên, Phát Dương, Phạm Giai Quỳnh, Mạc Yên, Tạ Thị Thanh Hải, Nguyễn Thanh Thúy, Lê Vi Thủy, Phát Dương Ryan Phạm... Họ như những “ngôi sao” mới xuất hiện, bắt đầu tỏa sáng với những ánh tia lấp lánh. Họ đã thiết thực góp phần làm cho cuộc thi truyện ngắn Đường Văn khởi sắc và bước đầu có những đóng góp đáng kể cho nền văn học Việt Nam đương đại, với tư duy trẻ trung cùng phong cách đột phá sáng tạo, phóng khoáng và tự tin.

Xin điểm danh một vài trường hợp là những cây bút trẻ khá ấn tượng: Tác giả Nguyễn Thanh Thúy với chùm 2 truyện "Thênh thang Mađrăk" và "Sao Cát Xanh" đã chứng tỏ cây bút khá nhuần nhuyễn những nét đặc trưng văn hóa Tây Nguyên, đi vào đời sống tâm hồn một cách đầy ấn tượng và lạ lẫm đến bất ngờ. Cây bút trẻ Bùi Tuấn Minh lại thể hiện sức hút và sức viết khá già dặn qua chùm truyện ngắn "Ba trăm năm" và "Những cơn mưa".

Nhà văn Kiều Duy Khánh có cuộc sống gắn bó với vùng miền núi Tây Bắc, nơi núi non khắc nghiệt đã nuôi dưỡng cây bút của anh tràn trề nhựa sống. Truyện ngắn "Giấc mơ đá cổ" của anh mang đậm màu sắc, hương vị gió sương miền Tây Bắc qua mảng đời sống của đồng bào dân tộc Mông, sống gắn bó với đá, cứng rắn như đá và xót xa phận người như sương muối miền Tây Bắc...

Đặc biệt, cây bút nữ Ngô Tú Ngân với truyện ngắn "Mỵ Châu" đã trình ra một gương mặt mới đặc sắc, với giọng văn ấn tượng mang tiết tấu của nhạc rock và biết sử dụng một thứ ngôn từ tiếng Việt vô cùng đẹp đẽ. Ngô Tú Ngân đã cố gắng tìm ra sự cân bằng hài hòa giữa vẻ đẹp ngôn từ hiện đại và cái khuôn sáo, cách điệu của truyền thống. Tác giả thế hệ “8x đời chót” này đã có một tập truyện ngắn "Lời nguyền gái miền Tây", cùng khá nhiều truyện ngắn được đăng trên các báo trung ương và địa phương những năm gần đây, đang được bạn đọc chú ý.

Tháng 9/-2024, cô đã được trao giải Nhì cuộc thi viết Chuyện của những dòng sông do báo VietnamNet tổ chức. Và giải Nhất đầy thuyết phục của cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn 2023-2024 trao cho tác phẩm "Mỵ Châu" của Ngô Tú Ngân là thêm một ghi nhận những đam mê và nỗ lực của nữ tác giả trẻ nhiều hứa hẹn này.

duongvan2.jpg -1
Tác giả Ngô Tú Ngân, giải Nhất cuộc thi, phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Hà Phan

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn 2023-2024, đầu năm 2024 chuyên san Đường Văn và Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các phối hợp với Nhà sáng tác Tam Đảo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tổ chức Trại sáng tác văn học với sự tham gia của 10 nhà văn, phần lớn là những tác giả văn xuôi đã có thành tựu văn học, như: Hà Phạm Phú, Đinh Ngọc Lâm, Văn Giá, Lê Ngọc Minh, Đoàn Hữu Nam, Phạm Thanh Khương, Bùi Minh Vũ, Phạm Giai Quỳnh, Phan Mai Hương, Linh Chi...

Kết thúc Trại sáng tác, Ban tổ chức đã nhận được 12 truyện ngắn chất lượng khá tốt, như: "Mặt nạ hai chiều" và "Tượng đài" của Đinh Ngọc Lâm; "Đẻ rơi" và "Vạ vướng quyền uy" của Lê Ngọc Minh; "Dây mài lụi giữa sương mù" của Đoàn Hữu Nam; "Khúc ca vĩnh cửu" Phạm Giai Quỳnh; "Quán Ông già" của Văn Giá; "Thợ câu sông" của Phạm Thanh Khương; "Hạt cà phê nặng như một lâu đài" và "Anh bay như một tiếng chiêng ngân" của Bùi Minh Vũ; "Lính mới" và "Vua cờ" của Hà Phạm Phú; "Mùa cam ra trái" của Phan Mai Hương...

Có thể nói rằng, Trại sáng tác Đường Văn 2024 tại Tam Đảo là một trại sáng tác văn học “hiếm có”, do một tổ chức văn chương “xã hội hóa” thực hiện rất chuyên nghiệp, với sự “bảo trợ” của một Công ty văn hóa tư nhân.

Còn nhớ, phát biểu tại Lễ khai mạc trại sáng tác, ông Nguyễn Trọng Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các, tâm sự: “Cho dù phải vật lộn với kinh tế thị trường, phải đem tinh thần lãng mạn bươn trải giữa cả một sa mạc của sự thực dụng; cho dù hụt hơi giữa cả dòng thác lũ của kỉ nguyên số cũng như sự ngoảnh mặt của độc giả với văn học truyền thống, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ lấy sự tinh khiết của linh hồn và sự thánh thiện của văn học, giữ cho ngọn lửa đam mê của văn học không bao giờ tắt. Ai đó có thể mất niềm tin vào văn học, mất niềm tin vào sự tồn tại của tinh thần lãng mạn trong cuộc sống thực dụng này, nhưng chúng tôi thì không. Chúng tôi vẫn tin rằng, sự lãng mạn của linh hồn thể hiện qua văn học nghệ thuật là thứ luôn tồn tại và xứng đáng được tồn tại, bằng tình yêu và sự đam mê, chúng tôi sẽ gìn giữ và bảo vệ nó...”.

Những năm gần đây, xuất hiện khá nhiều những tổ chức văn học-nghệ thuật và những cuộc thi văn chương theo hướng xã hội hóa, tạo nên những nét mới trong đời sống văn học nước nhà. Những thành công bước đầu của chuyên san Đường Văn thuộc Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các, với sự tài trợ của Tập đoàn Gelex là thêm một minh chứng thuyết phục cho chủ trương xã hội hóa sự nghiệp văn hóa của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thúc đẩy các hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển.

Ngay sau lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn 2023-2024, chuyên san Đường Văn và Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các, với sự tiếp tục tài trợ của Tập đoàn Gelex đã phát động cuộc thi Truyện ngắn hay Đường Văn 2024-2026 với cơ cấu và trị giá giải thưởng nhiều hơn, cao hơn. Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 8/10/2024 và “khóa sổ” nhận tác phẩm vào lúc 0h ngày 30/6/2026. Đường Văn đang mở ra một chặng mới hứa hẹn nhiều niềm vui mới...

Mai Nam Thắng
.
.