Đừng để biến tướng những lễ hội ngày xuân

Thứ Năm, 10/03/2022, 16:33

Từ lâu, mùa xuân đã được xem là mùa của lễ hội. Những lễ hội lớn nhỏ trải dài trên khắp cả nước. Lễ hội là nét văn hoá độc đáo lâu đời không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Tính đến nay, hằng năm cả nước có hơn 8000 lễ hội, trong đó có lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo...

Thấy gì từ lễ hội mùa xuân?

Ngoài những lễ hội mang yếu tố gắn kết cộng đồng hướng đến những giá trị văn hoá tinh thần đích thực thì có những lễ hội vẫn có những lệ cũ không còn phù hợp và có những lễ hội bị biến tướng theo chiều hướng cực đoan, phản văn hóa. Bên cạnh đó có những lễ hội mang đậm tính dã man, hành hạ súc vật, cướp bóc đồ cúng... rất cần phải được xem lại.

Đừng để biến tướng những lễ hội ngày xuân -0
Lễ nghinh rước bát hương thờ Phù Đổng Thiên Vương tại đền Hạ Mã.

Nhiều lễ hội chúng ta vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc, hướng đến giá trị tốt đẹp của dân tộc, như lễ hội đền Trần, lễ hội đền Hùng, lễ hội Phủ Giày, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Hương... nhưng cũng có không ít lễ hội xuất phát từ làng bản của địa phương không còn phù hợp với thời đại mới, con người mới. Có thể tính chất thì giữ được nhưng hình thức biểu hiện thì không còn phù hợp với lối sống, tư duy văn minh của con người hiện đại. Chính vì vậy mới gây nên tranh cãi như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh hay chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Cùng với nhiều lễ hội tại một số nơi vẫn giữ những tục như tranh cướp lộc thánh, cướp ấn, cướp chiếu, cướp giò hoa tre, cướp người, cướp trầu cau. Một số nơi ẩu đả giữa thanh niên làng này với thanh niên làng kia, gây nên không khí cạnh tranh căng thẳng. GS Ngô Đức Thịnh, thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia khi sinh thời đã lên án những hành động này: "Đó là sự lợi dụng truyền thống để thoả mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân, chứ không có chút gì là văn hoá".

PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái - Không nên biến lễ hội địa phương thành nơi “hốt tiền”

Đừng để biến tướng những lễ hội ngày xuân -0

- Là một người nghiên cứu văn hoá, bà có cái nhìn như thế nào về lễ hội ở nước ta?

+ Lễ hội là một di trường về văn hoá ở trong đời sống tinh thần của người Việt. Lễ hội giống như một bảo tàng dân tộc, là nơi lưu giữ tất cả các thói quen dân tộc này với những nghi lễ thờ phụng con người và thờ phụng tự nhiên của dân tộc đối với đất nước. Người ta chia ra nhiều loại lễ hội như lễ hội căn cơ nhất mà người ta gọi một cái tên cực kì giản dị là lễ hội tổ chức ở làng, trong các địa điểm hết sức linh thiêng như đình chùa.

Không phải ngẫu nhiên mà có một bộ phim của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh nói về "chợ Âm Dương". Nó cũng như lễ hội tổ chức cho người dương và người âm gặp nhau trong những định kì nhất định rất náo nức, vì là một cái chợ. Đi cái chợ đấy người ta sẽ gặp lại cái người cũ, và cái đấy được duy trì mỗi năm một lần, người ta ao ước trở về lễ hội đấy. Nó giống như là một cái chợ âm phủ để gặp nhau. Điều này bắt nguồn từ quan niệm rất riêng biệt của người Việt, vì người Việt quan niệm: "Chết không phải là hết", chết là sự di chuyển từ cõi dương sang cõi âm. Và cái sự di chuyển ấy người ta quan niệm như suối vàng, nên người ta phải có đò để chở qua cái con suối đấy. Thì mới có cái gọi là chèo đò đưa linh.

Cái căn cơ nhất là lễ hội dân gian, mà lễ hội dân gian của Việt Nam là lễ hội nông nghiệp ở làng thường diễn ra nên người ta gọi vắn tắt là: "Hội làng". Hễ có hội là người ta phải đi ngay. Hội lại theo chu kì của sản xuất nông nghiệp, mỗi một năm có một chu kì quay tròn, có 2 vụ lúa thì cái nhịp nghỉ trong sự sản xuất nông nghiệp bận rộn, lúc công việc đồng áng ngơi gọi là lúc nông nhàn, nhàn việc nhà nông người ta tổ chức lễ hội.

Xuân thu nhị kì đến hẹn lại lên. Tại vì mùa xuân ngơi việc, khi cây mạ lên xanh ở cánh đồng không còn việc gì làm nữa thì người ta tổ chức lễ hội vào lúc đấy, vào mùa thu lúa đã nằm im trong bồ rồi người ta tổ chức đi chơi. Trong lễ hội có những hoạt động văn nghệ, người ta gọi là hội nhưng trong hội bao giờ cũng có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức để vào lễ hội, còn phần hội là phần chơi, giao lưu, thể dục thể thao, đánh đu, đánh vật, chơi cầu... Những cái đấy quyến rũ toàn bộ dân tộc này bởi vì dân tộc này khi xưa chỉ có mỗi một việc nông dân làm lúa, chỉ chờ đúng hai kì đấy để giao lưu "Nghe trống giục chèo bế bụng đi xem".

Cuộc sống làm ruộng của người dân quê Việt Nam, lễ hội được tổ chức vào dịp nông nghiệp nông nhàn. Nhàn người ta nghĩ ra đủ thứ để vui chơi và rất đông vui, đầy đủ, nhịp điệu, cuốn hút, nên người ta bảo đông như nêm cối, đông như trảy hội. Người ta mới bảo: "Tấp nập như trẩy hội" là ai cũng đi hết, chẳng có ai ở nhà cả. Đi hội là đi chơi, kết duyên, người ta thường gặp nhau để nên duyên vợ chồng ở những lễ hội còn bình thường ra đồng làm quần quật lấy đâu ra thời gian không gian để giao duyên.

Lễ hội căn cơ nhất ẩn sâu tiềm năng văn hoá của người Việt chính là lễ hội nông nghiệp, mang gốc tích văn hoá nhất của người Việt và được coi là bảo tàng lịch sử của người Việt.

- Như bà nói lễ hội là văn hoá của người Việt, mà đã là văn hoá thì bao giờ cũng theo hai hướng bảo tồn và phát triển. Thời đại ngày nay lễ hội cũng đang phản ánh văn hoá của tộc người đấy, vùng miền đấy, quốc gia đấy...

+ Lễ hội thì phải phát triển theo chiều hướng hiện đại của xã hội hiện đại Việt Nam, mà xã hội hiện đại Việt Nam bây giờ là xã hội của nền kinh tế thị trường trong sự phát triển cực kì vũ bão của AiTi (IT), thành ra lễ hội bị pha tạp, xuống cấp, biến tấu và bị gần xé rách bản chất thuần tuý ngày xưa.

Cũng không thể nói là trả lễ hội về nguồn gốc được bởi vì bản thân cái nguồn gốc ấy nó chỉ có giá trị nguồn gốc thôi trong sự phát triển của xã hội hiện đại  nó phải nương theo sự phát triển của thời đại mới. Nhưng người ta vẫn bảo tồn những lễ hội Cổ Loa, lễ hội Thánh Gióng, lễ hội quan họ… người ta vẫn giữ những nét ấy trong xã hội hiện đại vì nó là những nét văn hoá truyền thống nhưng tiếc thay bên cạnh nó là nội dung bị xuyên tạc. Ví dụ như hát quan họ lại cầm micro chõ sang nhau, bên cạnh là mùi mực nướng thơm ngát, thức ăn thơm phức cả lên và gợi nhớ đến việc ngồi đánh chén... Hát quan họ thì không hát mộc mà chơi vào míc và chìa cái nón ra để xin tiền.

Pha tạp lắm, văn hoá lễ hội tại sao xuống cấp, giữ cái gì, bỏ cái gì và làm thế nào để trả lễ hội về bản chất dân gian của nó là ở làng, hội làng không biến thành cái nơi mua bán. Nhiều hiện tượng khi muốn đến dự hội làng thì phải bỏ tiền ra để mua vé vào cổng, bỏ tiền ra gửi xe, xong bỏ tiền ra mua lễ vật đến để lễ. Người ta biến những lễ hội địa phương thành nơi cát cứ của quan chức địa phương và lấy tiền, buôn bán. Có những lễ hội rất đẹp thời ngày xưa như lễ hội Bà Chúa Kho thì giờ thành nơi để người ta cầu xin có tài lộc...

Ông Nguyễn Viết Cương - Phó phòng Quản lý Di tích (Khu du lịch và di tích đền Sóc Sơn) - Cố gắng phục dựng lại lễ hội cổ truyền

Đừng để biến tướng những lễ hội ngày xuân -0

- Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có hai hội Gióng tiêu biểu của Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và Hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ông cho biết hội Gióng lưu giữ nét văn hoá đặc biệt đặc sắc nào?

+ Hội Gióng là một lễ hội văn hoá cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó để nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiều năm hội Gióng có số người tham dự lên đến hàng nghìn, hàng vạn người nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà 3 năm nay, hội Gióng được diễn ra một cách bình lặng và nhẹ nhàng hơn. Theo truyền thuyết xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng về trời, nên hàng năm cứ vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, dân làng ở đây lại mở hội tại Khu di tích đền Sóc với các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Trước ngày hội diễn ra, tám thôn làng đại diện cho tám xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở hội chính. Ngoài ra còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo... Những cụ ông được chọn ra là những người tiêu biểu để mặc áo the, khăn xếp, lên dâng hương đền Thượng phải là những cụ ông khoẻ mạnh, có trình độ, tri thức được dân làng tôn kính và nhất thiết gia đình cụ ông đó phải có đủ cả cụ bà. Nếu cụ ông khoẻ mạnh mà cụ bà mất thì cụ ông đấy cũng không được làm lễ dâng hương đền Thượng, và tiêu chuẩn nữa là gia đình văn hoá tiêu biểu, con cháu phải ngoan, hiếu thảo.

Ngay việc làng chọn ra người đóng nữ tướng để rước kiệu tướng cũng phải chọn thanh nữ chưa chồng, nhan sắc xinh đẹp, thông minh, học giỏi. Nhưng khoảng mươi năm trở lại đây, việc chọn ra người đóng nữ tướng đủ tiêu chuẩn ngày càng khó khăn. Ngoài việc chọn nữ tướng lại chọn nam nhân để đủ tiêu chuẩn rước kiệu phải là những trai làng khoẻ mạnh, lực lưỡng.

Nhiều năm trở lại đây, một số nhà nghiên cứu di sản đã về đây để phục dựng lại lễ hội đền Sóc cho đúng với tính chất cổ truyền của ngày xưa nhưng đến nay điều này vẫn chưa thực hiện được vì 3 năm vừa qua vướng vào đại dịch COVID -19, các làng ở Đông Anh, Mê Linh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên chưa tham gia vào lễ hội đền Sóc được. Theo tài liệu cổ là các làng ở các huyện khác cũng tham gia vào lễ hội đền Sóc.

Khi chưa có đại dịch, người ta đến dự lễ hội này đông đến độ chỉ còn 500m vào được Đền mà phải đi nhích từng bước chân, không có cái xe máy, xe đạp nào đi lọt vào được, còn giờ do dịch dã hoành hành nên lễ hội quy mô nhỏ hẹp, làng nào làng nấy tự tổ chức và không tụ tập quá trên mấy chục người. 

Nhà nghiên cứu di sản, TS Nguyễn Đức Bá (Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá Việt): Những lễ hội không còn phù hợp chúng ta nên thay đổi

Đừng để biến tướng những lễ hội ngày xuân -0

- Cho đến nay người ta ước tính cả nước có trên 8000 lễ hội lớn nhỏ, điều đấy có nói lên sự phong phú và đa dạng trong đời sống tinh thần của người Việt không thưa ông?

+ Lễ hội được hình thành từ xa xưa, thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ với những người có công với đất nước, làng xã, dân tộc. Ngay kể cả như lễ hội tôn giáo thì cũng hình thành từ các vị thần, nhân thần, thiên thần, những vị thần hình thành trong tín ngưỡng. Những vị thần lịch sử, những vị thần thiên nhiên, người dân mong muốn được các vị thần che chở và bảo vệ cho mình. Tri ân và biết ơn những vị thần, thánh cũng từ những giá trị đấy mà nên.

Thường thì sau mỗi dịp Tết sang 3 tháng mùa xuân là lễ hội trải dài trong cả nước. Người ta chọn một ngày liên quan đến vị thần, vị thánh nào đấy để người ta thực hiện nghi thức lễ hội. Mùa xuân là lúc tâm hồn sảng khoái và dư giả thời gian thì lễ hội diễn ra trên mọi miền của đất nước tuỳ vào từng vùng miền, dân tộc, để họ hướng đến vị thần, vị thánh của đại dân tộc, tiểu dân tộc, của các thôn làng, bản xã.

Lễ hội dân gian có ý nghĩa trong đời sống của người Việt ở xã hội xưa là nơi con người quy tụ và quây quần lại tại một thời điểm để cùng nhau hướng tới  mục đích chung, để dâng lên vị thần quanh năm phù hộ cho họ, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an hạnh phúc. Trong tổ chức phần lễ rồi thì người ta tổ chức sang phần hội. Hội là được vui chơi, giải trí.

Đầu năm vào mùa xuân người ta hướng đến giá trị tinh thần, được thưởng thức niềm vui để chuẩn bị vào một cuộc sống mới. Người ta mong cầu người già thì được khoẻ, trẻ con chăm ngoan, học giỏi, giá trị đấy là niềm tin, và là nguyện vọng được trình bày, họ được hoà mình vào chung những nơi tập hợp lại để cùng nhau hun đúc một cái cấu kết cộng đồng của làng xã. Niềm tin đấy hình thành từ ngày xưa và khi xã hội ngày càng phát triển người ta có điều kiện hơn cho những việc đấy, người ta càng mong muốn có không gian và thời gian để được cùng nhau vui chơi thưởng thức những giá trị tinh thần ấy. Về sau khi mà có điều kiện vật chất càng cho phép thì càng bộc lộ rõ hơn.

- Địa hình của nước ta đa dạng có trung du, đồng bằng, hải đảo miền núi… nên cũng có nhiều hình thức lễ hội của các cấp từ cấp làng xã, địa phương cho đến trung ương, quốc gia. Theo nhà nghiên cứu di sản thì sự phân cấp lễ hội này đã tồn tại và có ý nghĩa như thế nào...?

+ Trong quy mô phân cấp của lễ hội chúng ta biết cấp Trung ương đến cấp làng xã thì căn cứ vào công trạng của những vị được thờ trong không gian của lễ hội đấy. Ví dụ như có vị có công với đất nước từ xưa đến nay, hoặc những di tích ở đấy có tầm quy mô lớn và được Nhà nước công nhận, hai giá trị đấy quy tụ lại thì sẽ xét theo quy mô và phân cấp quản lý cũng như phân cấp về không gian lễ hội. Phân cấp quy mô và vai trò của các vị thần trong không gian lễ hội, thì có vị là nhân vật lịch sử có thật, có công trạng với đất nước đương nhiên được Nhà nước lưu tâm và phụng thờ mà mang tính chất nghi thức quốc gia, ví dụ như lễ hội đền Hùng (gắn liền với thời Hùng Vương), lễ hội gò Đống Đa (gắn liền với chiến công của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ), lễ hội đền Trần (gắn liền với 14 vị vua triều Trần), hay lễ hội đền Đô (gắn liền với 8 vị vua thời nhà Lý). 

Và cũng có những vị thần được hình thành từ thiên nhiên nhưng sau đấy quy mô hun đúc lên và trở thành giá trị tinh thần của một dân tộc thì nó cũng trở thành di tích quốc gia. Khi người ta hướng đến giá trị có vai trò và sự che chở của vị thần vị thánh đấy cũng đại diện cho cả dân tộc, đất nước ví dụ như lễ hội Thánh Gióng (đền Sóc). Và khi phát triển giá trị bên ngoài đấy thì cũng là hình thức đại diện cho một dân tộc, bên cạnh cũng có những lễ hội cấp làng xã, như lễ hội Bà chúa kho, lễ hội đền Bà Tấm... những người được thờ là những vị thần, thánh có công trạng với bản địa, địa phương cũng là giá trị của người dân địa phương hướng đến mà thôi.

Lễ hội bản chất là niềm tin, toàn thể dân tộc đoàn kết hướng đến giá trị chung, cấu kết cộng đồng với lòng biết ơn với những người có công với dân tộc, đất nước, bản làng, thôn xóm.

- Trải dài theo thời gian sự hình thành và phát triển cho đến ngày nay, người ta thấy có những lễ hội không còn phù hợp nữa, ví dụ như ngày xưa người dân ta sống chủ yếu là nền nông nghiệp lúa nước, còn ngày nay là của thời đại công nghệ 4.0, người ta cần một lễ hội văn minh chứ không nên chém lợn, giết trâu...

+ Nhiều nơi người ta cũng đã bàn về vấn đề này. Chúng ta đều hiểu lễ hội hình thành trong một thời điểm và thời gian nhất định, nó tồn tại và được nhiều người công nhận hay không là do giá trị của nó mang lại. Có nhiều lễ hội hình thành trong quy mô không gian và nhận thức của con người từ xưa nhưng trải qua thời gian khi xã hội ngày nay vận hành và phát triển, tư duy con người cũng phản ánh sự phát triển và suy nghĩ khác đi thì có những lễ hội đến thời điểm ngày nay thấy không còn phù hợp nữa.

Vậy thì vấn đề đặt ra là làm sao người ta vẫn giữ được chất của lễ hội, nhà quản lý và những người thực hiện lễ hội cần phải nghiên cứu thay đổi như thế nào cho phù hợp với cuộc sống văn minh của con người mới. Tôi vẫn cho rằng những giá trị gốc, lễ hội lớn đã được mọi người trải nghiệm và hàm thụ những giá trị đó từ xưa đến nay tồn tại vĩnh hằng rồi, nhưng bên cạnh đấy cũng có một số lễ hội không còn phù hợp với cuộc sống mới nữa thì chúng ta cũng nên thay đổi làm sao cho phù hợp bằng một hình thức nào đó. Người ta vẫn thay đổi biến hoạt thế nào để mọi người tìm đến giá trị đấy nhưng mà có những động thái thay đổi để làm sao phù hợp với cuộc sống mới, góc nhìn mới, con người mới trong xã hội hiện đại đổi mới ngày nay. Người ta hướng đến cuộc sống hoà bình, an nhiên, không còn những lễ hội chém giết, tranh giành, dẫn đến xô xát, cướp bóc... Những tiểu tiết đấy thì chúng ta nên thay đổi.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.