Đức tin mù quáng
Thật khó định nghĩa "Tịnh thất bồng lai" hay "Thiền am bên bờ vũ trụ" nó là cái gì? Bởi cho đến nay, cơ sở này chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Hiểu nôm na nó là một nơi tự tu tập của một nhóm người, mà thành phần thật sự hổ lốn. Người trong thiền am thì bảo những đứa trẻ sinh sống trong ấy là trẻ mồ côi.
Cơ quan chức năng thì bảo, chúng có mẹ ruột và mẹ ruột chúng sinh sống ngay trong thiền am. Tạm gác lại tất cả nguồn gốc nhân thân của mỗi cá nhân trong đó, thử đi tìm câu trả lời cho cái gọi là đức tin của những người đã không tiếc tiền cúng tiến vào cái nơi tai tiếng, đứng đầu là một người đã gần đất xa trời, được gọi với một cái tên mà dù cố gắng cũng không giải nghĩa được "thầy ông nội" là gì.
1."Thầy ông nội" tên thật là Lê Tùng Vân, 89 tuổi, được dư luận nhắc đến như một "đại ca" trong cái tịnh thất được xây dựng trên đất do bà Cao Thị Cúc (ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) đứng tên. Sinh sống trong đó là mấy chục con người từ già đến trẻ. Cơ quan chức năng đã nhiều lần xác định đây không phải là cơ sở tự viện Phật giáo, ông Vân cũng như các thành viên còn lại không phải là tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên họ vẫn mặc quần áo như người tu hành và tự nhận là tu sĩ. Tịnh thất này càng nổi tiếng hơn từ ngày 5 "chú tiểu" đi thi "Thách thức danh hài" và được giới thiệu là trẻ mồ côi, được ông Lê Tùng Vân nuôi dưỡng. Thế là người ta đổ xô tới ủng hộ từ thiện, để người đứng đầu tịnh thất có tiền nuôi những đứa trẻ này.
Tuy nhiên, dư luận địa phương cũng như những người đã tìm hiểu kĩ về cái “tổ hợp phức tạp” này, lại lắc đầu ngán ngẩm, bởi vì có nhiều câu chuyện cho thấy bản chất của người lập ra cái tịnh thất này "có vấn đề", như dụ dỗ phụ nữ, trẻ em làm những việc trái với luân thường đạo lý, lợi dụng lòng tin u mê của một số người để kêu gọi ủng hộ từ thiện.
Đôi khi tôi tự hỏi, phong trào làm từ thiện, gửi tiền ủng hộ từ thiện của một số người, không chỉ trong vụ tịnh thất này, nở rộ thời gian gần đây, mà không chịu suy xét kỹ càng vấn đề cũng như đối tượng cần trợ giúp, rút cục là vì lý do gì? Là để thỏa mãn chính mình, vuốt ve chính mình trong cái gọi là từ thiện, hay họ có niềm tin thực sự vào ông Lê Tùng Vân và những câu chuyện nhân văn, nhận trẻ mồ côi về nuôi dưỡng mà ông này dựng lên? Tôi tin là nhiều người sẽ trả lời, làm từ thiện cho thanh thản trong lòng, đôi khi cũng không cần quá quan tâm có đúng mục đích, đúng đối tượng hay không, nó là tâm lý không ít thì nhiều, chắc chắn một phần tiền mình gửi sẽ được sử dụng đúng mục đích.
Nếu hỏi những người đã từng ghé thăm thiền am hoặc từng đến đây tu tập, họ có lòng tin hay không đối với "thầy ông nội"? Tôi chắc rằng họ sẽ trả lời có. Bởi vì phải có niềm tin thì họ mới mất thời gian, mất công sức, mất tiền bạc đến một nơi như vậy. Nhưng vì sao họ lại có niềm tin đối với một nơi tai tiếng với nguồn gốc rất mờ ám của những nhân vật nơi đây, câu trả lời có lẽ là, bởi vì họ đã mất niềm tin vào quá nhiều chuyện, nhiều con người trong cuộc sống, và thiền am của ông Vân như một nơi để họ bấu víu, như người chết đuối giữa dòng vớ được cành củi, dù đó là cành củi mục thì người ta vẫn đặt hết hy vọng vào đó. Đó là lý do tại sao dư luận vẫn 50-50, người lên án ông Vân cũng nhiều mà người ủng hộ ông Vân cũng không phải ít. Thoáng nghĩ thì thấy đơn giản, nhưng vấn đề "thiền am bên bờ vũ trụ" và những tổ chức tương tự như thế này, đã đến lúc cần phải đặt ra cho cơ quan chức năng một bài toán về công tác quản lý. Nếu mỗi một tổ chức như "thầy ông nội" mà truyền bá tư tưởng, lối sống không đúng đắn, nguy hiểm hơn là xuyên tạc chính trị, nhồi nhét vào đầu óc đám con nhang đệ tử những giáo lý tà đạo, thì sẽ rất nguy hiểm.
Chỉ đến khi một người con ruột của ông Lê Tùng Vân lên tiếng trước công luận, tố cáo ông Vân cùng những nhập nhèm trong chốn tu tập hổ lốn này, thì dư luận mới lại một phen nháo nhác, và có vẻ như lần này, mọi việc sẽ được chính quyền giải quyết dứt điểm. Nhưng đó chỉ là bề ngoài là những thủ tục hành chính, còn những người đã đặt niềm tin mù quáng như cô gái Diễm My, đã bỏ nhà, từ cả bố mẹ đi đến thiền am sinh sống cũng như nhiều người khác ủng hộ ông Vân, đến bao giờ họ mới tỉnh ngộ? Tương lai nào cho một cô gái như Diễm My?
2. Một cô gái 22 tuổi, sinh ra đã "ngậm thìa vàng" như Diễm My, cách đây hai năm đã bỏ nhà, bỏ cả cha mẹ để đến thiền am của ông Vân tu tập, khiến bố mẹ hết sức buồn lòng. Mẹ cô gái này có lần đã ngất trước cửa nhà ông Vân vì đau đớn không chịu nổi sự thật, con gái mình lại bỏ nhà đến một nơi phức tạp như thế này để ở. Vợ chồng bà đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của chính quyền, nhưng cứ đưa Diễm My về hôm trước, hôm sau cô ta lại trốn nhà ra đi.
Cũng chỉ vì căm hận bố mẹ đã ngăn cản việc bỏ nhà ra đi của mình, cô ta đã bất chấp đạo đức, đã làm một cái việc đáng lên án là tố cáo bố đẻ, dù sự việc không có thật. Kể từ lần đầu tiên bỏ nhà đến thiền am "tu tập", tính đến nay đã nhiều lần cô gái này có những hành động tương tự.
Dù rất giận con nhưng bố mẹ Diễm My vẫn liên tục dùng mọi biện pháp tìm kiếm đứa con “cứng đầu, cứng cổ” này. Có điều, đến nay cô gái này đang trốn ở đâu, được ai chứa chấp, vẫn không mấy người biết. Bởi tịnh thất của ông Vân bây giờ kín cổng cao tường, người lạ không được ra vào. Dư luận cho rằng, Diễm My đang ẩn náu trong đó và nếu sự việc đúng như thế thì đó là một điều đáng buồn cho chính cô ta. 22 tuổi là đã bước qua tuổi trưởng thành mấy năm rồi và việc cô ta muốn sinh sống ở đâu, pháp luật không can thiệp được, có điều, những người đã đặt niềm tin mù quáng vào ông Vân và nơi "tu tập" của ông ta, cần phải tự ngẫm lại mình.
Không hiểu cô gái này đã tu tập, học được những gì từ các "tu sĩ" tại thiền am của "thầy ông nội", mà lại sẵn sàng lên mạng xã hội tố cáo bố đẻ đã có những hành vi khiếm nhã với mình, thậm chí xâm hại thân thể, khiến dư luận hết sức bất bình, bức xúc thay cho bố mẹ của cô gái. Phải khẳng định ngay rằng, nếu có sự việc bố đẻ hiếp dâm con gái và bị con gái lên tiếng tố cáo công khai như thế, Công an đã vào cuộc điều tra và bắt ông bố lâu rồi, chứ không phải để cô gái này ròng rã từ ngày này sang ngày khác có những hành động, phát ngôn thiếu chuẩn mực, xúc phạm bố mẹ, thậm chí vi phạm pháp luật khi cố tình vu khống bố đẻ. Chúng tôi cho rằng, Diễm My có dấu hiệu của người bị ảnh hưởng thần kinh, tâm lý bị ức chế lâu dài hoặc đã bị nhồi nhét những suy nghĩ, tư tưởng sai lệch. Dù thế nào thì gia đình và cơ quan chức năng cũng nên có biện pháp đưa cô gái này đi chữa bệnh, đó cũng là một cách làm ổn định trật tự không gian mạng.
Mỗi người đều có thể tự lựa chọn cách sống của riêng mình, nhưng trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Ông Lê Tùng Vân và nhóm người của ông ta có thể "tu tập" theo cách của ông ta, theo "giáo lý" của ông ta, nhưng nhất định không được lợi dụng niềm tin tôn giáo của một số người để trục lợi cũng như không được lợi dụng trẻ em để kêu gọi ủng hộ từ thiện trái pháp luật.
Người tu tập, người được dạy giáo lý nhà Phật, không ai lên mạng xã hội để tố cáo bố mẹ mình. Chưa nói đến việc những tố cáo đó là vô căn cứ, thậm trí là vu khống, là vi phạm pháp luật. Vậy thì Diễm My đã học được những gì từ ông Vân và chốn "tu tập" của ông ta? Hỏi đã là trả lời!