Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Thu hẹp khoảng cách giữa nhà làm phim và cơ quan quản lý
Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại buổi cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi. Sau đó, một số buổi thảo luận, tọa đàm được các nhà làm phim tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo đạo diễn, nhà sản xuất... Dù vẫn còn những quan điểm khác nhau nhưng những ý kiến đóng góp đều không ngoài mong muốn Luật Điện ảnh sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà làm phim, tạo điều kiện cho điện ảnh nước nhà phát triển.
Tại buổi cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sau 16 năm thực hiện, bên cạnh những quy định phù hợp, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh (năm 2006) đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích, phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển cách mạng khoa học kỹ thuật.
Có thể nói, Điện ảnh là một lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không chỉ có ý nghĩa quan trọng với đời sống tinh thần của con người, mà còn có khả năng đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Cùng với sự phát triển như vũ bão của điện ảnh thế giới, Điện ảnh Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình để bắt kịp với xu hướng quốc tế. Những thay đổi này là tất yếu để Điện ảnh Việt Nam đóng góp được vào nền kinh tế giống như các nước có nền "công nghiệp điện ảnh" đã làm được. Bên cạnh sự chủ động học hỏi, đổi mới của các nhà làm phim thì Luật Điện ảnh là điều tác động lớn tới hoạt động sản xuất phim.
Thực tế, Luật Điện ảnh ra đời đã 15 năm, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thế giới có nhiều thay đổi khiến cho nhiều quy định không còn phù hợp. Khác với trước đây, Luật Điện ảnh tiếp cận phim ảnh trên nền tảng như một loại hình nghệ thuật. Giờ đây, phim ảnh được tiếp cận trên nền tảng số và như một ngành công nghiệp văn hóa. Tác phẩm điện ảnh không chỉ là một tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp. Từ đó các quy luật kinh tế, nền tảng truyền thống và nền tảng số đều có ảnh hưởng tới điện ảnh.
Tại buổi cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), một trong những vấn đề nhận được khá nhiều quan tâm đó là việc phát hành phim trên mạng. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, đặc biệt dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, việc phát hành phim trên mạng đang trở thành một xu hướng khá phổ biến. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý nhiều băn khoăn trong việc làm thế nào để kiểm soát được khi khối lượng đăng tải và truy cập phim ngày càng lớn. Chưa kể tới việc sẽ có đủ mọi lứa tuổi có thể truy cập xem phim trên mạng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã thừa nhận hiện nay chưa có quy định về phổ biến phim trên không gian mạng. Vì thế, tại buổi lấy ý kiến, có 2 phương án được đưa ra.
Phương án 1: Các nhà phát hành tự kiểm và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ làm công tác hậu kiểm. Điều đó có nghĩa, các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại... đảm bảo không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm về nội dung phim. Đây được coi là cách tiếp cận mới và linh hoạt, giảm thiểu gánh nặng chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, phương án này còn tạo ra sự phân biệt thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Ngoài ra, khả năng để lọt sản phẩm vi phạm những điều cấm như xuyên tạc lịch sử, có hình ảnh bạo lực, khiêu dâm... là hoàn toàn có thể xảy ra.
Phương án 2: Phim chỉ được phổ biến khi có giấy phép phân loại do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động, Đài PT - TH được phép phổ biến trên không gian mạng. Phương án 3 được đề xuất là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, chỉ tiền kiểm đối với những phim ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh đối ngoại.
Ngoài ra, vấn đề Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh cũng được đưa ra bàn luận. Thực tế Quỹ này đã được quy định tại Luật Điện ảnh nhưng đến nay chưa được thành lập. Vẫn có 2 luồng ý kiến xung quanh vấn đề này. Một cho rằng hoạt động của Quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Một đề nghị Dự thảo Luật Điện ảnh có quy định về Quỹ nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, các nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng để tạo ra những tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu quan điểm đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước. Phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, đấu thầu cần có những quy định cụ thể tạo sự bình đẳng giữa đơn vị nhà nước và tư nhân
Ngay sau đó, ngày 26-9, một cuộc thảo luận, tọa đàm online của giới làm phim với tên gọi "Ai góp ý giơ tay lên" đã được tổ chức nhằm đưa ra kiến nghị, đóng góp cho Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tọa đàm có sự tham gia của nhiều đạo diễn như Cherlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Tạ Nguyên Hiệp, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn... cùng đại diện các đơn vị sản xuất như bà Ngô Bích Hạnh, Trần Bích Ngọc, Đồng Phương Thảo cùng một số người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, luật sư...
Có thể nói đây là một cuộc hội thảo với không gian mở, góc nhìn đa chiều và các sáng kiến từ chính những người tham gia sản xuất điện ảnh. Một vấn đề mà các đại biểu tọa đàm quan tâm là việc cấp phép phổ biến cho phim. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng đã có quy định về xếp loại phim theo độ tuổi nhưng nhiều phim lại không thể xếp loại do quy định quá ngặt nghèo. Ví dụ như quy định về "cảnh nóng kéo dài". Điều này có thể tạo nên những sự đong đếm cảm tính khiến phim không được ra rạp.
Các nội dung và hành vi cấm trong Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cũng được các đạo diễn đưa ra bàn luận. Đa phần đều cho rằng còn khá mơ hồ và thiếu cụ thể. Cần có những văn bản dưới luật hoặc thông tư mới để quy định được rõ ràng, cụ thể hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó có thể phân định rõ chỉ trong vài dòng. Nếu không rõ ràng có thể sẽ dẫn đến những diễn giải tùy ý, vô tình hoặc cố ý gây khó cho các nhà làm phim.
Việc cấp phép cho phim đi tham gia các LHP quốc tế cũng nhận được sự quan tâm của các nhà làm phim. Có ý kiến đề xuất cần thành lập riêng hội đồng thẩm định cho những phim tham dự LHP quốc tế. Có thể chấp nhận cấp giấy phép cho phim được chiếu và tham dự các LHP quốc tế ngay cả khi chưa có bản duyệt cuối cùng. Giấy phép cấp đi thi không phải là giấy phép phổ biến. Khi về Việt Nam vẫn cần giấy phép phổ biến phim.
Có thể nói, các ý kiến đóng góp cho Luật Điện ảnh sửa đổi đều rất thiết thực, tâm huyết theo từng góc nhìn của đại biểu. Trước ý kiến cho rằng, các đạo diễn, các nhà sản xuất muốn xóa bỏ các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong Dự thảo Luât Điện ảnh sửa đổi, phát biểu trên báo chí, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành giữ vững quan điểm không thể bỏ các điều cấm trong Luật Điện ảnh sửa đổi vì đó là hành lang pháp lý giúp các nhà làm phim biết được làm gì và giới hạn ở đâu trong sáng tạo nghệ thuật.
Ngoài ra, việc thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác quốc tế là cần thiết. Thực tế một số kịch bản của phim hợp tác gặp phải vấn đề phản ánh không đúng về chính trị, an ninh, sai sự kiện lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Điều quan trọng là Luật Điện ảnh được điều chỉnh phù hợp, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành nghệ thuật thứ Bảy.