Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Cần phá bỏ những rào cản để phát triển

Thứ Bảy, 18/09/2021, 08:29

Quỹ hỗ trợ điện ảnh và những quy định khắt khe trong hợp tác điện ảnh quốc tế là hai vấn đề nóng được nhiều chuyên gia quan tâm trong hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa diễn ra. Rõ ràng, nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp, chúng ta cần mạnh dạn phá bỏ những rào cản và có chiến lược dài hạn hơn để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

Quỹ hỗ trợ điện ảnh cần tài trợ đúng địa chỉ

Quỹ hỗ trợ điện ảnh là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Cho đến nay, sau 15 năm đề xuất thì ở Việt Nam quỹ vẫn chưa ra mắt. Trong Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) cũng chỉ nhắc đến quỹ nhưng chưa đề cập đến các nguồn thu hay phương cách duy trì quỹ lâu dài. Ai cũng hiểu, Quỹ hỗ trợ điện ảnh của một quốc gia rất cần thiết cho việc tài trợ, phát triển điện ảnh trong nước, nhất là hỗ trợ các tài năng trẻ. Điều này các nước trên thế giới đã làm từ lâu. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có. Và thực tế, nhiều năm qua, các đạo diễn trẻ của chúng ta phải lăn lộn ra nước ngoài tìm các nguồn tài trợ cho phim của mình.

Theo đạo diễn Bùi Trung Hải (Hãng Phim truyện Việt Nam): "Quỹ hỗ trợ điện ảnh là cần thiết, cần được cụ thể hóa, ngoài ra, nhìn rộng hơn chúng ta cần sự đầu tư mang tính chiến lược của nhà nước cho nền điện ảnh Việt Nam. Trên thế giới có nhiều mô hình quỹ hỗ trợ điện ảnh chúng ta có thể học hỏi, như nước Pháp, họ trợ giúp quỹ từ việc trích phần trăm doanh thu. Còn Trung Quốc kết hợp giữa điện ảnh và truyền hình, hiện tại luật chưa đề cập đến vấn đề đó".

tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có sự đầu tư của nhà nước đã rất thành công.jpg -0
Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có sự đầu tư của nhà nước đã rất thành công.

Bà Nguyễn Thị Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể  thao và Du lịch) cũng cho rằng: "Quỹ hỗ trợ điện ảnh phù hợp với xu hướng của thế giới, các nước đều duy trì nhưng họ quy định rõ nguồn thu để hoạt động, chia sẻ lợi nhuận từ đài truyền hình, từ doanh thu phòng vé... Trong dự thảo tôi đề nghị bổ sung quy định rõ nguồn thu để duy trì hoạt động của quỹ, như thu thường xuyên 3% từ doanh thu phim chẳng hạn...".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: "Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh nếu đi vào hoạt động cần sự thẩm định công tâm, chính xác và tiền hỗ trợ được trao đúng người đúng phim, tránh trường hợp quan hệ thân quen, hay những người liên quan đến khối nhà nước không được tiếp cận. Chúng ta biết có nhiều đạo diễn trẻ tài năng phải ra nước ngoài xin tài trợ trong khi trong nước không quan tâm. Nếu có quỹ nên hướng đến những người như thế".

Đồng quan điểm về vấn đề sự cần thiết của một quỹ hỗ trợ điện ảnh, đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng, hy vọng quỹ sẽ ra đời và góp phần không nhỏ kích hoạt sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, đặc biệt hỗ trợ các tài năng trẻ trên con đường sáng tạo của họ để họ vững vàng đi tiếp con đường của mình. "Họ là những nhân tố sẽ góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo của điện ảnh Việt trong tương lai", anh nhấn mạnh.

Nên phá bỏ những rào cản

Bà Nguyễn Thị Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế chia sẻ rằng: "Nếu phim "Kong" không làm về con vật chắc sẽ không được quay ở Việt Nam". Lý do bà đưa ra là những bất hợp lý về thủ tục hành chính đang làm khó các đoàn làm phim nước ngoài muốn hợp tác với Việt Nam. Bà cho rằng: "Trong hợp tác quốc tế vẫn còn nhiều điểm trống, tôi mong muốn trong tương lai với sự ra đời của luật sẽ thúc đẩy các hợp tác quốc tế về sản xuất phim và quay phim tại Việt Nam thuận lợi hơn".

Bà khẳng định Việt Nam có thế mạnh thu hút các đoàn làm phim thế giới. Nhiều đoàn làm phim nước ngoài muốn đến khai thác bối cảnh ở Việt Nam, nhưng rất tiếc họ đã sang Thái Lan, Philippines. Phim "Kong" quay tại Việt Nam cho thấy sức hút và hiệu quả của việc quảng bá du lịch. Nhưng để quay phim ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thẩm định kịch bản.

"Luật của chúng ta yêu cầu duyệt kịch bản trước làm khó nhà làm phim. Phim của họ quay ở nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam mà ta yêu cầu duyệt cả kịch bản thì rất khó. Tôi đề xuất, nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp thì các hoạt động về dịch vụ điện ảnh cần tháo gỡ thủ tục hành chính, khâu đột phá là kiểm duyệt kịch bản. Các nước có nền điện ảnh lớn có nhiều ưu đãi về hợp tác làm phim, họ thấy lợi ích của việc đầu tư 1 đồng đô la thì thu về 9 đồng đô la từ các hợp tác đó", bà Hòa khẳng định.

phim kong  quay tại việt nam mở ra nhiều cơ hội quảng bá du lịch.jpg -0
Phim “Kong” quay tại Việt Nam mở ra nhiều cơ hội quảng bá du lịch.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đạo diễn Bùi Trung Hải cũng cho rằng: "Điều 11 của Luật Điện ảnh ghi: "Những nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh", cần lưu ý rằng các nhà làm phim nước ngoài có quan điểm làm phim riêng của họ, ở nước họ cho phép, nếu chung ta cứng nhắc trong xử lý nội dung cấm thì chúng ta dễ gây hiểu nhầm, làm mất cơ hội hợp tác, cơ hội phát triển kinh tế và cơ hội cho các đạo diễn Việt Nam học hỏi nhiều mặt".

Ông cho rằng, các điều quy định về hợp tác sản xuất phim với nước ngoài là Điều 14 và Điều 44 nên có liên kết hoặc gộp lại. Ông nói: "Điều 44 là điều mới, có nhiều điều khoản khuyến khích, ưu đãi về chi phí thuế, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm hợp tác làm phim với nước ngoài thì cần hướng dẫn cụ thể hơn mới có thể thu hút các hãng phim nước ngoài hợp tác sản xuất tại Việt Nam".

Ông Hải cũng chia sẻ về việc năm 2015, chính phủ Úc thông qua Bộ Ngoại giao Úc, do đích thân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Juliie Bishop đàm phán với các hãng phim lớn của Mỹ. Họ đã đầu tư 47.25 triệu đô la Mỹ vào hai phim Mỹ "Thor: Ragnarok" và "Alien: Covenant". Đổi lại hai phim Mỹ đó đã tiến hành quay tại Úc. Chính phủ Úc cũng tuyên bố thu hút từ hai phim này khoảng 300 triệu đô la Mỹ, 3.000 việc làm và hàng ngàn cơ sở sản xuất của Úc được hưởng lợi. Đây là vấn đề khiến điện ảnh Việt Nam cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng vấn đề quảng bá xúc tiến điện ảnh sẽ vừa quảng bá đất nước, vừa đẩy mạnh chất lượng nhân lực điện ảnh. Phim "Kong" cho thấy hiệu ứng này. "Chúng ta thu hút hợp tác thì điện ảnh mới đi được xa, học được nghề chứ nếu không điện ảnh cứ cơm chấm cơm mãi. Xu hướng làm phim đa quốc gia cũng đang tăng lên. Nếu chăm chút, có cơ chế thúc đẩy hợp tác làm phim, dịch vụ làm phim đón đoàn nước ngoài vào sẽ khác", bà Lan nói.

Điện ảnh Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi, phá bỏ bớt những rào cản về thủ tục hành chính để phát triển. Ngoài hai vấn đề về Quỹ hỗ trợ điện ảnh và Hợp tác quốc tế thì một vấn đề cũng được giới chuyên môn quan tâm và đã có nhiều kiến nghị, đó là việc bảo hộ phim Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: "Người làm phim chúng tôi không cần giới hạn số lượng phim ngoại, khán giả lại càng không cần. Cái mà người làm phim cần nhà nước bảo hộ là hạn chế năng lực cạnh tranh của phim ngoại, đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh của phim Việt Nam trên thị trường Việt Nam. Một phim bom tấn của Hollywood khi công chiếu có thể chiếm tới hơn 20 suất chiếu/ngày ở khoảng thời gian 2 tuần đầu công chiếu. Khi tình huống này xảy ra thì bộ phim này sẽ chiếm gần 100% dung lượng của các rạp chiếu trong một thời gian rất dài. Chúng ta có thể đặt một trần bắt buộc (ví dụ 12 suất chiếu/ngày) cho tất cả các phim ngoại nhập. Như vậy chúng ta không hạn chế số lượng phim nước ngoài, nhưng làm giảm khả năng cạnh tranh của các phim nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, một số phim Việt Nam nhiều khi chỉ được các rạp sắp xếp dưới 3 suất một ngày trong 2 tuần đầu. Để cho phim Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, chúng ta có thể quy định bắt buộc các rạp phải sắp xếp tối thiểu 6 suất chiếu/ngày cho tất cả các phim Việt Nam (50% vốn đầu tư trong nước trở lên) trong khoảng thời gian 2 tuần đầu tiên sau ngày công chiếu chính thức. Như vậy phim Việt Nam sẽ có lợi thế nhất định tại thị trường Việt Nam".

Bảo Linh
.
.