Du ngoạn qua những vùng âm nhạc

Thứ Bảy, 13/04/2024, 10:48

Tôi nhớ, nhạc sĩ jazz Nguyên Lê đã từng gọi Ngô Hồng Quang là "người nghệ sĩ truyền thống của ngày nay" bởi hành trình sáng tạo và dấn thân của Ngô Hồng Quang đang tạo ra những sản phẩm âm nhạc thú vị, khác biệt từ chất liệu truyền thống. Với Quang, đó là những chuyến du ngoạn qua những miền âm nhạc để tạo ra những sản phẩm mang tính giá trị, thời đại và văn hóa.

1. Trong không gian nhỏ ấm cúng ở Hà Nội và những người bạn, Ngô Hồng Quang chơi live những tác phẩm mới nhất của mình dành tặng khán giả. Một cuộc trình diễn thú vị. Ở đó, thế giới âm nhạc của Quang được kết nối giữa đàn tính, đàn môi, đàn tranh với beatbox Trung Bảo, cùng nhiều nhạc cụ và nghệ sĩ quốc tế và luôn mang lại những điều bất ngờ, mới mẻ. Âm nhạc, với Ngô Hồng Quang là sự phá bỏ những giới hạn, không gian và thời gian.

akk. 128 copy.jpg -0
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang.

Ngô Hồng Quang chia sẻ: "Rạng Đông là một album ghi lại những cảm xúc riêng biệt của tôi sau nhiều lần đi điền dã tới những vùng đất mới lạ nhưng vô cùng quen thuộc. Trong không gian bao la rộng lớn ấy, mỗi một khu rừng tôi băng qua, mỗi một ngọn núi tôi vươn tới, từng câu chuyện, tiếng đàn, khúc ru tôi được nghe hay từng con người giản dị trong những ngôi nhà nhỏ trình tường nằm trên những bản làng mãi phía đằng xa ấy mà tôi từng gặp là một dấu ấn thực sự khó quên, kết nối hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh cuộc sống, thiên nhiên sinh động đầy màu sắc, mà tôi muốn lưu giữ lại bằng tình yêu chân thực và cách biểu đạt âm nhạc riêng biệt của mình".

Vì thế "Rạng Đông" vừa là tên một sáng tác mới trong album cũng vừa là một hình ảnh đầy ý niệm về một ngày mới, một sự khởi đầu mới, những sự sinh sôi nảy nở vừa mới bắt đầu, những nguồn năng lượng tích cực mới hay cũng là những ước mơ vươn tới sự hướng thượng, khát khao sức sống mãnh liệt để vượt thắng mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống của những người dân bản địa tại miền núi cao hiểm trở.

"Rạng Đông" là album đầu tiên biểu đạt những khoảnh khắc văn hóa âm nhạc bản địa xuyên suốt từ Đông qua Tây Bắc và kéo dài tới vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Trong album có 8 tác phẩm, hầu như mỗi một tác phẩm đều mang một màu sắc âm nhạc riêng biệt của từng nhóm sắc tộc thiểu số Việt Nam. Từ âm nhạc của người Tày, Nùng, Pa Dí, Xá, Mông tới âm nhạc của người Chăm, "Rạng Đông" sẽ ló ra và khởi đầu cho một chuyến du ngoạn văn hóa miền sơn cước thông qua ngôn ngữ âm nhạc đương đại đầy màu sắc và sáng tạo của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang.

Vẫn tiếp nối mạch sáng tác của Ngô Hồng Quang, nhưng ở dự án mới này, anh có những sự phát triển cao hơn, mở ra nhiều chiều không gian trong âm nhạc. Một cách tự nhiên nào đó, khi trải nghiệm nhiều hơn, nghe nhiều và cởi mở hơn đã cho anh cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống, và âm nhạc của Quang, cũng vì thế mà lớp lang hơn. "Tôi là cầu nối đưa âm nhạc của các vùng dân tộc Việt Nam ra thế giới. Tôi là người đứng giữa nên phải rất hiểu hai bên, tiếp nhận cái mới và trân trọng cái cũ mới làm hay được nếu không chúng ta sẽ chiếm dụng văn hóa của họ. Đó là những sản phẩm vừa mang tính giá trị, tính thời đại và văn hóa".

Điều đặc biệt trong hành trình sáng tạo lần này, Quang khám phá thêm một vùng văn hóa ngoài màu Đông Bắc (dân tộc Tày, Nùng, Mông) mà anh đã thuộc nằm lòng, đó là văn hóa Chăm. Những ngôi đền cổ luôn hướng về phía mặt trời của họ hấp dẫn anh. Âm nhạc của họ quá khác biệt và mới mẻ, vì thế Quang viết "Rạng Đông" và lấy tinh thần khởi nguyên ấy cho toàn bộ dự án của mình.

2. Ngô Hồng Quang sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Từ nhỏ Quang đã được kết nối với âm nhạc truyền thống qua ông nội của mình - một người chơi đàn nhị có tiếng trong những gánh hát địa phương. Chính nhờ có ông mà cậu bé Quang đã say mê tiếng đàn và dần dà tiếp thu, cảm thụ một cách tinh tế những làn điệu hát dân gian như chèo, quan họ, chầu văn, xẩm... Quang nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với dòng nhạc chứa đựng tâm hồn dân tộc và được cha mẹ cho theo học đàn nhị tại Nhạc viện Hà Nội từ sơ cấp đến đại học từ năm 1995 tới 2006.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2006, Ngô Hồng Quang được giữ lại làm giảng viên bộ môn đàn nhị tại khoa Âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Thế nhưng, anh không bó mình trong nghề dạy mà nung nấu khát vọng phát triển thế mạnh của cây đàn nhị cũng như các nhạc cụ dân tộc khác để truyền đến khán giả trong và ngoài nước những giá trị văn hóa âm nhạc độc đáo của người Việt theo một hướng đi mới, một cách thể hiện mới, thông qua sự sáng tạo riêng biệt, sự kết hợp và giao thoa với các nền văn hóa âm nhạc khác trên thế giới.

nghệ sĩ ngô hông quang và album mới của anh.jpg -1
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và album mới của anh.

Năm 2014, với đề tài nghiên cứu về việc sưu tầm, phát triển và lan tỏa âm nhạc của người Mông, nhóm người dân tộc thiểu số sinh sống chính tại các vùng núi cao phía Bắc của Việt Nam, anh đã thi đỗ và giành được học bổng toàn phần của chính phủ Hà Lan để theo học bộ môn sáng tác âm nhạc đương đại tại Nhạc viện hoàng gia Hà Lan và tốt nghiệp xuất sắc khóa học sau đó 2 năm.

Ngô Hồng Quang là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau như đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn K'ny, đàn tính, đàn Chiêng Dây... và sở hữu một giọng hát đậm màu sắc dân gian. Sẵn đam mê sáng tạo cùng với mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới thông qua "lăng kính" của riêng mình, kết hợp với những kiến thức được tiếp thu tại môi trường học tập châu Âu, Quang luôn sẵn sàng bước vào những cuộc tìm tòi sáng tạo nghệ thuật âm nhạc đầy khám phá và thử thách.

Nhưng đến thời điểm này, sau một hành trình sáng tạo không mệt mỏi để tạo ra một không gian âm nhạc riêng của Ngô Hồng Quang - một hành trình khá đơn độc, Quang cần sự chia sẻ và kết nối. Một ban nhạc mang tên "Thiên Thanh" ra đời, nơi gặp gỡ của những người chơi nhạc truyền thống. Qua sự kết nối và đào tạo của Quang, họ sẽ cùng anh khám phá những không gian âm nhạc mới mẻ hơn.

Sắp tới, đêm diễn "Về Kinh Bắc" lấy cảm hứng từ những làn điệu quan họ sẽ được trình diễn tại rạp Hồng Hà. Vẫn là liền chị, liền anh, vẫn "ngồi tựa mạn thuyền" nhưng sẽ mang một âm hưởng mới của đương đại do chính Quang sáng tác. Lần này, Ngô Hồng Quang sẽ đóng vai trò Giám đốc Âm nhạc cho chuỗi dự án của các nghệ sĩ trẻ để lan tỏa hơn những giá trị mà anh đang theo đuổi, để con đường Quang đi sẽ không còn đơn độc.

Ngô Hồng Quang hiện đang làm việc và biểu diễn tại cả Việt Nam và châu Âu. Những dự án gần đây nhất của anh bao gồm "Nón" với nghệ sĩ múa đương đại Vũ Ngọc Khải năm 2016, "Hanoi Duo" (Song tấu Hà Nội) với nghệ sĩ guitar nhạc jazz Nguyên Lê năm 2017, "Looking Back" (Nhìn Lại) năm 2019 với nhà thơ Phan Lê Hà, "Overseas" năm 2019 và "Tình Đàn" năm 2021".

Nghệ sĩ guitar nhạc jazz Nguyên Lê:

"Sự đa dạng về tài năng của Ngô Hồng Quang được thể hiện qua giọng hát của anh, qua các nhạc cụ diễn tấu đơn âm và đa âm như đàn nhị, nhạc cụ kéo 2 dây, đàn bầu, loại nhạc cụ 1 dây đặc biệt chơi bằng cách uốn những bồi âm để tạo ra những âm sắc như giọng hát khá ám ảnh và một số nhạc cụ dân tộc thiểu số của Việt Nam như đàn K'ny, một loại nhạc cụ kéo với hộp cộng hưởng là miệng của người chơi (giống như thiết bị tiếng nói mộc), đàn môi hoặc Jews Harp (loại nhạc cụ đặc biệt tới mức khi anh chơi người nghe khó lòng có thể hình dung ra được những âm thanh kỳ lạ lại được phát ra từ chính nhạc cụ nhỏ bé và đơn giản đó). Quang là một biểu tượng tuyệt vời của điều mà tôi muốn gọi là "người nghệ sĩ truyền thống của ngày nay", đó là những nghệ sĩ điêu luyện, những người chịu khó học tập, truyền đạt và là hiện thân truyền thống của nước họ ở mức độ cao nhất, nhưng họ rất trẻ, ao ước được cởi mở và chia sẻ những đặc tính của họ với thế giới. Họ học hỏi từ thế giới phương Tây mà không từ bỏ quá khứ của họ. Hiện đại không những không thay thế truyền thống, mà còn đưa truyền thống tới một mức độ mới của sự sôi nổi”.

Linh Nguyễn
.
.