Dự án phim "Mặt nạ": Khắc họa hình ảnh người cán bộ Tình báo CAND
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2025, dự án phim “Mặt nạ” đã được Điện ảnh CAND khởi động với buổi casting cho các vai diễn tại số 1 Lê Đức Thọ, Hà Nội. Với câu chuyện có thật về một cán bộ Tình báo CAND Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, đây là một trong những dự án phim đặc biệt hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Tình báo CAND (21/2/1946 - 21/2/2026).
Mặc dù tổ chức vào thời điểm sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ nhưng buổi casting cho các nhân vật trong phim “Mặt nạ” đã thu hút sự tham gia đông đảo với hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên ở nhiều lứa tuổi.

Ngoài đại diện Điện ảnh CAND, đạo diễn Trần Ka My, ngồi ghế ban giám khảo của buổi casting còn có sự góp mặt của NSND Minh Hòa và NSND Trung Anh. Với bề dày kinh nghiệm, các nghệ sĩ tên tuổi không chỉ giúp các diễn viên bộc lộ được khả năng diễn xuất mà còn đưa ra những đóng góp quý báu cho ê-kíp sản xuất. Buổi casting còn ghi nhận sự có mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Trần Đức, NSƯT Hồ Phong, NSƯT Hoàng Hải, nghệ sĩ Vĩnh Xương, Bá Anh... tới chúc mừng, ủng hộ dự án phim mới của Điện ảnh CAND.
Trung tá Trần Nam Chung, Giám đốc Điện ảnh CAND chia sẻ: “Ngay sau khi hoàn thành sê-ri phim “Đội điều tra số 7” (mùa 2) về những người lính hình sự, Điện ảnh CAND bắt tay vào triển khai nhiều dự án phim quan trọng của năm 2025, trong đó “Mặt nạ” là một bộ phim đặc biệt, khắc họa hình ảnh người Tình báo CAND thời kỳ chống Mỹ cứu nước”.
Theo Trung tá Vũ Liêm, Phó Giám đốc Điện ảnh CAND, kịch bản phim “Mặt nạ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lê Duy Nghĩa. Tiểu thuyết “Mặt nạ” được viết dựa trên câu chuyện có thật về một cán bộ Tình báo CAND Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hoạt động của nhân vật chủ yếu diễn ra trên đất Lào, từ năm 1957 đến 1977, khi lực lượng Pa Thét Lào dưới sự giúp đỡ của Việt Nam đã giải phóng đất nước Lào khỏi sự xâu xé của những quốc gia lớn. Do vị trí địa lý của Lào, những quốc gia đầy tham vọng đã muốn dùng Lào như một bàn đạp chính trị - quân sự có khả năng tác động đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đồng thời kiếm lợi ích từ những phi vụ sản xuất và buôn bán bạch phiến.
Tiểu thuyết “Mặt nạ” tái hiện một cuộc chiến thầm lặng đầy thách thức, hiểm nguy của lực lượng CAND Việt Nam chống lại những đối thủ tầm cỡ hàng đầu thế giới. Đặc biệt, cuộc chiến ấy lại diễn ra ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm ngăn chặn tận gốc những tham vọng xâm chiếm và làm suy yếu hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về những người chiến sĩ của lực lượng CAND Việt Nam.
Nhân vật chính Nguyễn Thành - một cán bộ tình báo của lực lượng CAND Việt Nam - hoạt động trong lòng những cơ quan tình báo khét tiếng cả về nghiệp vụ, điều kiện hoạt động và độ tàn bạo. Tuy nhiên, cuộc đối đầu của anh không chỉ là đối đầu về nghiệp vụ, mà còn là cuộc đối đầu giữa một con người có lý tưởng với những hệ thống tình báo quốc tế vốn được kết cấu bằng những tham vọng tiền - quyền - và lòng thù hận. Nhưng, “lý tưởng và sự tận hiến cho Tổ quốc” chính là điều mà các đối phương của anh không thể nhận biết, dù mọi thông tin về anh dường như đều đã bị phơi bày.
Tranh thủ những phút giải lao giữa buổi casting, đạo diễn Trần Ka My chia sẻ, kịch bản “Mặt nạ” đã cuốn hút anh với nhiều điều thú vị: “Ba tôi thời trẻ từng là biệt động thành, vì thế khi được thực hiện một bộ phim tái hiện phần nào công việc, nhiệm vụ đặc biệt của ba và các đồng đội là điều cuốn hút tôi mãnh liệt. Hơn nữa, làm phim về đề tài tình báo luôn là thách thức không nhỏ với bất kỳ đạo diễn nào, tôi muốn vượt qua những thử thách ấy để vươn tới giới hạn mới cho bản thân. Đơn cử như chúng tôi gặp khó khăn ngay từ việc casting vai diễn cho phim. Để chọn diễn viên phù hợp thì ngoài tiêu chí về hợp vai, khả năng diễn xuất..., yêu cầu đặt ra là phải chọn được những người có ngoại hình, gương mặt mang “thần thái” của con người giai đoạn lịch sử cách đây ngót 50 năm”.
Đạo diễn Trần Ka My cũng cho biết “Mặt nạ” là dự án phim cho anh có cơ duyên hợp tác với Điện ảnh CAND. Bộ phim thực hiện với mong muốn sẽ là món quà tri ân sự cống hiến, những hy sinh thầm lặng của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Tình báo CAND nói riêng đã không quản gian khổ, hy sinh làm nên những chiến công quan trọng trong một giai đoạn lịch sử cam go.

Lịch sử ghi nhận trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta có một lực lượng tình báo đông đảo và tinh nhuệ. Những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của người cán bộ tình báo luôn là đề tài hấp dẫn của lĩnh vực văn học, phim ảnh. Nhiều cán bộ tình báo có thật trong lịch sử đã đi vào phim ảnh, trong những bộ phim nổi tiếng.
Tiêu biểu có thể kể tới như bộ phim “Ván bài lật ngửa” với vai chính Nguyễn Thành Luân (nghệ sĩ Chánh Tín thủ vai), được lấy nguyên mẫu từ Đại tá Phạm Ngọc Thảo ngoài đời thực. Trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân), nhân vật tình báo Tư Chung (cố diễn viên Quang Thái thủ vai) được xây dựng từ nguyên mẫu Tư Chu - Nguyễn Đức Hùng. Ông là nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bộ phim truyền hình “Người đẹp Tây Đô” (đạo diễn Lê Cung Bắc) thực hiện năm 1996 được xây dựng dựa trên hồi ký của nhân vật có thật. Vai Bạch Cúc do Việt Trinh đảm nhiệm được khai thác từ chiến sĩ điệp báo Lâm Thị Phấn, người hoạt động trong lòng địch tại Cần Thơ thời cuối những năm 1950.
Phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ” (đạo diễn Bùi Cường) được phóng tác theo tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” của nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết. Nội dung phim dựa trên câu chuyện có thật về vị anh hùng tình báo huyền thoại, Thiếu tướng Đặng Trần Đức, tức Ba Quốc. Hay, “Ông cố vấn” - bộ phim truyền hình nhiều tập do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất, được chuyển thể từ tiểu thuyết “Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên” của nhà văn Hữu Mai. Trong đó, vai Hai Long (nghệ sĩ Vũ Đình Thân đảm nhiệm) có nguyên mẫu là Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ...
Vì vậy, với việc triển khai sản xuất bộ phim “Mặt nạ”, Điện ảnh CAND đã cho thấy bước đi mạnh dạn, sự mở rộng biên độ trong việc khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND, góp phần mang đến những thước phim chân thực, hấp dẫn cho khán giả.
Khẳng định đề tài người cán bộ tình báo luôn là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy thú vị, thử thách, đạo diễn Trần Ka My tâm sự: “Tôi cho rằng, cuộc đời mỗi cán bộ tình báo là một câu chuyện đặc biệt, riêng có. Vì thế, mong muốn của tôi ở “Mặt nạ” là khắc họa được hình ảnh cán bộ Tình báo CAND với tất cả phẩm chất “khác thường”. Đó là một con người cương nghị, cứng rắn và ẩn chứa nội tâm đa chiều với chiều sâu tâm lý.
Tôi thường trao đổi với nhóm biên kịch rằng, sẽ xây dựng nhân vật chính như một con người đa diện (không phải đa nhân cách). Vì yêu cầu nhiệm vụ, công tác, trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, họ “lấy ra” một con người, một bản thể nào đó để sống và giải quyết tình huống ấy. Người cán bộ tình báo không phải sống với con người giả, con người xây dựng lên mà vẫn chính là họ, trong thời điểm đó. Tôi hy vọng, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các bộ phận, phim sẽ khắc họa ra được con người đó”.
Đảm nhiệm vai trò Giám đốc sản xuất, Trung tá Vũ Liêm cho biết, phim “Mặt nạ” có độ dài 10 tập (mỗi tập 60 phút). Kịch bản phim được chắp bút bởi hai nữ biên kịch tên tuổi và giàu kinh nghiệm là Nguyễn Thị Thu Huệ và Trịnh Thanh Nhã. Vai trò đạo diễn được gửi gắm cho đạo diễn Trần Ka My. Phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam và Lào, dự kiến sẽ khởi quay ngay sau khi các khâu chuẩn bị hoàn thành.