Dòng phim trinh thám cổ trang và hướng đi đầy hứa hẹn
Ra rạp giữa bối cảnh thể loại điều tra, phá án vẫn là vùng hoang địa trên bản đồ điện ảnh, “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” lại tạo cú hích trước cuộc chiến phòng vé sát sao dịp lễ vừa qua. Từ cảnh quay huyền ảo và ma mị, thi vị và thẳm sâu của cảnh sắc Việt Nam; khuôn hình mang đậm sắc thái văn hóa Bắc Bộ thế kỷ 19; đến sự đầu tư, chăm chút về phục trang, kỹ xảo... tác phẩm chính là dấu ấn mới của phim Việt, mở ra dòng chảy đầy tiềm năng cho điện ảnh nước nhà.
Dấu ấn mới từ dòng chảy tiềm năng
Phòng vé Việt dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua là cuộc chiến sát sao giữa hai ứng viên nặng ký là “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” và “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. Cả hai phim đều đã vượt mốc trăm tỷ. Tính đến 21h ngày 4/5, “Thám tử Kiên” chiếm vị trí á quân phòng vé với doanh thu 129 tỷ đồng, trong khi “Lật mặt 8” vẫn dẫn đầu với con số 147 tỷ đồng (Box Office Vietnam). Một cuộc rượt đuổi doanh thu kịch liệt!
Nhìn lại điện ảnh Việt những năm qua, dễ nhận thấy các phim có doanh thu cao nhất đều thuộc đề tài tâm lý, tình cảm gia đình. Từ mâu thuẫn thế hệ giữa những áp lực xã hội, đổi thay thời đại ở “Bố già” (2021) với doanh thu 427 tỷ; “Nhà bà Nữ” (2023) với 475 tỷ; “Mai” (2024) với 551 tỷ của đạo diễn Trấn Thành; đến sự kết hợp của các yếu tố hành động, hài hước cùng hướng khai thác sâu về tình cảm gia đình trong “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (2023) với 273 tỷ; “Lật mặt 7: Một điều ước” (2024) với 483 tỷ, và gần nhất là “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” của đạo diễn Lý Hải,... câu chuyện gia đình giản dị và quen thuộc vẫn luôn tạo nên cơn sốt phòng vé.
Trong những năm qua, phim kinh dị Việt liên tục tạo được cú hích phòng vé, có thể kể đến các tác phẩm như: “Quỷ cẩu”, “Kẻ ăn hồn” (2023), “Làm giàu với ma”, “Ma da”, “Cám” (2024), “Đèn âm hồn”, “Quỷ nhập tràng” (2025),… Từ đề tài tâm linh lưu truyền trong dân gian như “ma da kéo giò”, “ma gà”; hiện tượng linh dị dân gian nổi tiếng về “chó đội nón mê”; lớp áo mới cho câu chuyện cổ tích quen thuộc; đến truyền thuyết dân gian về quỷ nhập tràng và nghiệp quả báo ứng,… tất cả đều tạo được tiếng vang nhất định về doanh thu và chất lượng.
Dòng phim lịch sử vốn không mấy sôi động nay chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng và doanh thu. Với con số 170 tỷ đồng, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trở thành tác phẩm điện ảnh lịch sử, chiến tranh lọt top phim Việt có doanh thu cao nhất trong năm phát hành.
Ngoài các đề tài ăn khách trên, nỗ lực theo đuổi những hình tượng phổ biến của điện ảnh thế giới như ma cà rồng, zombie (xác sống), siêu anh hùng,... của điện ảnh Việt hầu hết đều thất bại ở phòng vé.
Trước “Thám tử Kiên”, năm 2022 Victor Vũ có series phim “Trại hoa đỏ” lấy cảm hứng từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Di Li. Kịch tính và kỳ bí, logic và mê hoặc, đây được đánh giá là series Việt chỉn chu mang đậm màu sắc điện ảnh. Vốn thủ vai phản diện của “Trại hoa đỏ”, Quốc Huy sau đó được Victor Vũ cho đảm nhận vai Kiên.
Phóng tác từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái, Victor Vũ không chỉ chuyển thể mà còn mở ra một vũ trụ điện ảnh riêng biệt. Từ nhân vật phụ có diễn xuất cuốn hút, đĩnh đạc trong “Người vợ cuối cùng”, Kiên - công sai của quan án sát sứ - nay trở thành nhân vật chính quyết tâm điều tra về một kỳ án bí ẩn với những cái xác không đầu trong “Thám tử Kiên”.Tác phẩm được khán giả và giới chuyên môn đánh giá là bộ phim chắc tay nhất từ trước đến nay của Victor Vũ.
Cơ hội và thách thức của điện ảnh Việt
Có thể nói những năm gần đây, dòng phim trinh thám gần như mất hút khỏi phòng vé Việt. Số lượng ít ỏi, chất lượng nhạt nhòa, doanh thu ảm đạm, phim trinh thám Việt Nam luôn tồn đọng nhiều hạt sạn cố hữu như: cú ngoặt thiếu bất ngờ, kịch bản vụng về, thiếu logic, hình tượng nhân vật mờ nhạt…
Trong dòng chảy điện ảnh châu Á, thể loại cổ trang cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với khán giả. Bởi lẽ không chỉ mang dấu ấn độc đáo về bản sắc, đây còn là thể loại có tính ưu thế so với các phim phương Tây. Thực tế, các quốc gia có ngành điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc đều liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm bom tấn cổ trang gây tiếng vang trong và ngoài nước.
Việt Nam sở hữu nhiều câu chuyện lịch sử, chất liệu văn hóa đặc sắc, mở ra góc nhìn đa dạng, độc đáo và tiềm năng cho các loại hình nghệ thuật bén rễ vươn mình, điện ảnh Việt cũng không đứng ngoài xu thế ấy. Có sức hấp dẫn mạnh mẽ với khán giả, giàu giá trị văn hóa, lịch sử, thế nhưng phim trinh thám cổ trang vẫn là thách thức lớn, khiến các nhà làm phim chùn bước, e dè.
Phần vì công chúng được tiếp cận với thể loại điều tra, phá án từ những bộ phim đình đám của điện ảnh Mỹ, Hàn trong thời đại số, tác phẩm, do đó, sẽ khó tránh khỏi việc được kỳ vọng, so sánh, đánh giá khắt khe hơn từ người xem. Phần vì kinh phí đầu tư cao, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, văn hóa; đầu tư chỉn chu về bối cảnh, phục trang. Trên thực tế, dòng phim này chỉ xuất hiện nhỏ lẻ, non kém và gần như thua lỗ, các dự án thành công hầu hết đều xuất phát từ nguồn vốn độc lập.
Ra rạp vào 2020, “Phượng Khấu” dù được nhiều điểm cộng từ trang phục, nhưng nhiều phân cảnh lại nhận về nhiều ý kiến trái chiều về yếu tố logic… Trường hợp “Huyền sử Vua Đinh” (2022) lại bị đánh giá thiếu chỉn chu từ đạo cụ đến phục trang. Không khó để khán giả phát hiện hàng loạt điểm bất hợp lý trong các cảnh quay như: lính nhuộm tóc đỏ, ngôi nhà hiện đại, cột điện xuất hiện trong tác phẩm cổ trang… khiến phim chỉ thu về được vỏn vẹn có 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu. Đáng buồn thay, đây là mức doanh thu thấp nhất lịch sử điện ảnh Việt.
Số lượng phim cổ trang Việt tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, do đó, chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm: “Đêm hội Long Trì” (1989), “Lửa cháy thành Đại La” (1989), “Thăng Long đệ nhất kiếm” (1990), “Long thành cầm giả ca” (2010), “Thiên mệnh anh hùng” (2012), “Người bất tử” (2018), “Người vợ cuối cùng” (2023)...
Trên bình diện chung ấy, “Thám tử Kiên” được xem là bước tiến quan trọng của Victor Vũ nói riêng và điện ảnh Việt nói chung. Là một tác phẩm không có ngôi sao phòng vé, cạnh tranh với các đối thủ nặng ký vào dịp lễ, nhưng cán mốc trăm tỷ chỉ trong 7 ngày ra rạp, thành công và bứt phá của “Thám tử Kiên” cùng tuyến truyện mà nhân vật dẫn dắt chứng minh đề tài trinh thám cổ trang pha trộn yếu tố tâm linh kinh dị vẫn được khán giả ưa chuộng tại thị trường phim Việt.
Trước hết điểm cộng của tác phẩm nằm ở cốt truyện chặt chẽ, cách dẫn dắt mạch lạc, logic nhưng vô cùng gay cấn, sở hữu nhiều cú twist bất ngờ về nạn nhân và hung thủ. Bên cạnh đó là những khung hình tuyệt đẹp về Việt Nam trong bữa tiệc thị giác mãn nhãn. Là cảnh toàn huyền ảo trên mặt hồ mờ sương của Hồ Bản Cài (Tuyên Quang), thẳm sâu kỳ vĩ của thác Cò Là, mênh mông thi vị của đồi Vinh Quý (Cao Bằng). Là khuôn hình đậm sắc thái văn hóa Bắc Bộ thế kỷ 19 của đình làng, bến nước, mái nhà tranh… mang đến cảm giác chân thực, man mác và đầy hoài niệm.
Không chỉ chỉn chu ở bối cảnh, ekip còn đầu tư và chăm chút về phục trang khi chọn may 1.000 bộ Việt phục cho các tuyến nhân vật, tạo hình kinh dị, kỹ xảo điện ảnh trau chuốt cũng là điểm cộng lớn cho phim. Tất cả cùng đồng điệu, cộng hưởng, làm tăng hiệu ứng cảm xúc cho khán giả, khiến mỗi phân cảnh đều mang tính ám ảnh rất riêng.
Phần khán giả, đừng hỏi “liệu họ có xem các phim Việt có đề tài độc lạ không?”, hãy hỏi các đạo diễn, nhà sản xuất đã dám mạo hiểm, dấn thân và đầu tư vào các dự án đặc sắc khiến khán giả háo hức mua vé, nôn nao thưởng thức tác phẩm hay chưa.