Dòng chảy dân gian trong những giai âm đương đại
Kể câu chuyện văn hóa bằng nhạc cụ dân tộc, cất lên nỗi lòng người phụ nữ thời phong kiến trong từng lời ca, hay vẽ nên nỗi buồn đương đại bằng chất nhạc cổ phong, dòng chảy dân gian luôn ngấm vào những giai âm đa tầng của nhạc Việt đương đại, theo cách này hay cách khác.
Những dòng chảy mạnh mẽ vươn mình
Ngày 4/1 vừa qua, trong đêm công diễn 5 của chương trình “Chị đẹp đạp gió 2024”, ca sĩ Bùi Lan Hương thuộc thành viên nhóm Tóc Tiên đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi đưa thơ Hồ Xuân Hương và ca dao truyền thống vào phần trình diễn.
Cụ thể, bốn câu thơ được Bùi Lan Hương đưa vào bài hát thuộc thi phẩm “Tự tình II” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non/ Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Ngoài lời thơ được phổ lại theo thể loại chèo cổ Bùi Lan Hương còn khéo léo kết hợp hai câu ca dao: “Chàng về cởi áo lại đây/ Phòng khi thiếp nhớ cầm tay đỡ buồn”, khắc họa tâm trạng luyến thương da diết của người phụ nữ trong nỗi nhớ người yêu.
Theo miêu tả của Bùi Lan Hương, bài hát gốc “Từ chối em nhẹ nhàng thôi” đã là một câu chuyện với tình cảm đan xen, chồng chéo. Khi khéo léo lồng ghép phần X-part phổ từ thơ của Hồ Xuân Hương thì nỗi đau thân phận khi tuổi xuân đã trôi nhưng nhân duyên chưa trọn càng được khắc họa đậm nét. Với phần trình diễn kết hợp nhuần nhuyễn cả chất liệu văn học dân gian và âm nhạc hiện đại, nhóm ca sĩ Tóc Tiên đã xuất sắc giành vị trí dẫn đầu trong đêm thi. Tính đến ngày 11/1, tiết mục “Từ chối em nhẹ nhàng thôi” đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh mục âm nhạc thịnh hành Việt Nam.
Không chỉ là lời chèo cổ của Bùi Lan Hương, đêm công diễn 5 còn có sự góp mình của dòng chảy văn hóa dân gian trong điệu quan họ, nảy hạt của phong cách dân ca Bắc bộ; lời vọng cổ của Phương Thanh, Ngọc Thanh Tâm ngân giữa bài ca; điệu múa cầu lụa nhịp nhàng của Hoàng Yến Chibi hòa cùng tiếng đàn tranh của Thảo Trang, giai âm đàn bầu nẫu nuột của Ngọc Phước trong “In the dark”, phóng tác từ truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy của văn học dân gian Việt. Sự sáng tạo của các nữ nghệ sĩ không chỉ mang đến các phần trình diễn ấn tượng mà còn bồi đắp thêm giá trị thơ ca truyền thống trong nghệ thuật đương đại trong những ngày đầu năm 2025.
Trong nền âm nhạc thị trường hiện nay, khi đông đảo nghệ sĩ miệt mài theo đuổi phong cách hiện đại với dòng nhạc sôi động, bắt tai, đổi mới liên tục nhằm bắt nhịp cùng trào lưu âm nhạc khu vực và thế giới vẫn có một dòng chảy bền bỉ, dẫu lặng thầm hay mạnh mẽ, luôn ngấm vào từng điệu hát lời ca. Giao thoa giữa yếu tố dân tộc và xu thế hiện đại, đưa chất liệu dân gian vào sáng tác đang dần trở thành xu hướng âm nhạc mới, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho các ca sĩ, nhà sản xuất.
Sáng tạo trong những lớp áo mới
Chỉ trong tháng 1/2025, đã có các sản phẩm âm nhạc bén rễ từ văn hóa dân gian, âm nhạc dân tộc được trình làng. Trong những năm gần đây, nhạc cụ dân tộc và văn hóa dân gian đang trở thành kho tàng cảm hứng phong phú và là chất liệu âm nhạc hấp dẫn cho các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc.
Bộ đôi Hoàng Thùy Linh và nhà sản xuất âm nhạc DTAP đã thành công trong việc thể hiện các ca khúc bắt nguồn từ chất liệu lịch sử, văn học. Từ tiết tấu pop sôi động pha trộn chất nhạc dân gian ngũ cung ở “Ðể Mị nói cho mà nghe” đến “Duyên âm”, “Kẻ cắp gặp bà già”, “Tứ phủ” (2019); “Không một bài hát nào có thể nói hết được”; “Gieo quẻ”; “See tình” (2022); album “Link” (2023)... ở mỗi lần xuất hiện, bộ đôi đều “làm mưa, làm gió” trên thị trường nhạc Việt lẫn quốc tế.
Hòa cùng dòng chảy văn hóa dân gian, Hòa Minzy cũng là ca sĩ thành công đưa chất liệu dân gian vào nhạc Việt. Từ câu hát gây sốt mạng xã hội “Này thầy tiểu ơi/ Em là Thị Mầu…” năm 2023 với giai điệu bắt tai, cuốn hút; nhạc điệu, tiếng rao mõ làng đậm tính dân gian; đến năm 2024 giọng ca Bắc Ninh lại tiếp tục tạo cú hích với “Kén cá chọn canh” - nhạc phẩm đầy quyến rũ, độc đáo bởi sự pha trộn khéo léo giữa dân ca Bắc Bộ và âm nhạc điện tử hiện đại.
Là ca sĩ Gen Z, Phương Mỹ Chi đồng thời kiên trì theo đuổi âm nhạc truyền thống. Năm 2023, cô tạo tiếng vang lớn khi có sự kết hợp độc đáo cùng DTAP trong album “Vũ trụ cò bay”. Với 10 ca khúc lấy ý tưởng từ các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, album thể hiện ấn tượng chủ đề tôn vinh văn hóa truyền thống với âm nhạc đương đại khi kết hợp nhạc điện tử, dân ca, chầu văn, chèo với các nhạc cụ dân tộc gồm đàn nhị, sáo, đàn bầu và phổ biến văn hóa múa chén.
Không chỉ chất liệu dân gian đồng bằng Bắc Bộ, sông nước phương Nam, màu sắc văn hóa, âm nhạc của đồng bào thiểu số cũng được quan tâm. Những năm gần đây, nhiều sản phẩm đậm chất miền núi phía Bắc được trình làng, như: “À lôi”, “Người miền núi chất”, “Kéo em về làm vợ” của Double2T (2023), “Ðập nàng Khọt” của Hà Myo... qua nhịp điệu, thanh âm từ các nhạc cụ như khèn, sáo Mông,... hoặc các thể dân ca đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Đặc biệt, sự kết hợp giữa bolero và nhạc rap trong EP “Keep cầm ca” của Binz hay “Lướt trên con sóng” của Dangrangto (2024) khiến khán giả vô cùng thích thú, bất ngờ.
Sử nở rộ độc đáo này tạo nên một làn sóng âm nhạc đậm tính truyền thống nhưng hoàn toàn mới mẻ trong hơi thở đương đại.
Xu hướng hay vòng lặp tất yếu?
Sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm âm nhạc mang màu sắc văn hóa dân gian đồng thời đặt ra câu hỏi, liệu đây là vòng lặp có tính tất yếu hay chỉ là xu hướng nhất thời. Đi tìm lời giải cho câu hỏi đó, thiết nghĩ cần quay về với văn hóa Việt. Với sự hòa trộn bản sắc của 54 dân tộc, Việt Nam sở hữu nền tảng văn hóa đa dạng và đặc sắc. Nghiễm nhiên giữa thị trường âm nhạc không ngừng thay đổi, để có những sản phẩm đặc sắc cần sự phối hợp, đầu tư nghiêm túc giữa nhà sản xuất, nhà đầu tư và nghệ sĩ nhằm đem lại các tác phẩm giàu giá trị ngoài yếu tố giải trí đơn thuần.
Trên thực tế, các tác phẩm bén rễ từ văn hóa truyền thống không chỉ trong giai điệu mà còn ở văn học, thi ca, bối cảnh, phục trang... Là giai điệu thấm đẫm văn hóa dân gian phóng tác từ thi phẩm của Hồ Xuân Hương trong “Mời trầu” của Masew, Tuấn Cry (2022); là bàn tiệc âm nhạc thịnh soạn với những nguyên liệu dân gian đặc sắc được nhào nặn từ bộ đôi “bếp chính” Hoàng Thùy Linh, DTAP khuấy đảo thị trường âm nhạc; là anh trai bản trẻ trung kể chuyện tình yêu giữa núi rừng lãng mạn trong “À lôi” của Double2T, Masew (2023); là màu sắc tươi mới, duyên dáng trong những tà Việt phục, những giai điệu hay ở “Thị Mầu” (2023), “Kén cá chọn canh” của Hòa Minzy (2024);
là hơi thở văn hóa truyền thống của chầu văn, chèo; sáo trúc, đàn bầu… hợp nhất trong “Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi (2024); là điệu bolero trong màu áo mới ở EP “Keep cầm ca” của Binz (2024)... Từ nhạc phẩm, album của các nghệ sĩ solo đến “Trống cơm” bùng nổ (“Anh trai vượt ngàn chông gai” 2024), “Từ chối nhẹ nhàng thôi” độc đáo (“Chị đẹp đạp gió” mùa 2) ở các sân khấu lớn. Tất thảy cùng mang đến cho khán giả bàn tiệc âm nhạc thịnh soạn, đặc sắc và giàu tính thẩm mỹ của nhạc Việt.
Như một hạt giống mạnh mẽ luôn tìm cách nảy nở đâm chồi, hồn cốt dân tộc sẽ không bao giờ mất đi. Để mỗi khi hạt khô rơi xuống đất ẩm lại bén rễ vươn mình, đi tiếp một cuộc đời mới trên quê hương xứ sở. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một tương lai không xa, âm nhạc Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới bằng chính tinh hoa văn hóa độc đáo của dân tộc.