Don Quixote và giấc mơ ballet của các nghệ sĩ Việt
Lần đầu tiên, một kiệt tác ballet kinh điển của thế giới, tồn tại hơn 150 năm được các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng và trình diễn tại Hà Nội. Hai đêm diễn của vở ballet "Don Quixote" đã minh chứng cho tài năng của các nghệ sĩ ballet Việt và giấc mơ chinh phục những vở diễn kinh điển của thế giới đã thành hiện thực.
Cuộc phiêu lưu giữa "mộng" và "thực"
Tồn tại hơn 150 năm, vở Ballet "Don Quixote" vẫn được thế giới yêu thích nhờ khả năng cân bằng giữa kịch tính và kỹ thuật, giữa tiếng cười hài hước và sự cảm động. Nó phản ánh tinh thần lạc quan của nghệ thuật ballet. Vì vậy, "Don Quixote" được xếp trong Top 10 các tác phẩm Ballet cổ điển sống cùng thời gian.
Tuy nhiên, khán giả ở Việt Nam vẫn chưa có cơ hội thưởng thức tác phẩm vĩ đại này với phiên bản gốc của biên đạo nổi tiếng Marius Petipa. Giờ đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tự hào khẳng định kiệt tác "Don Quixote" chính thức ra mắt người yêu múa tại Nhà hát Hồ Gươm đêm 27 và 28 tháng 6.
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cervantes, vở ballet do huyền thoại Marius Petipa biên đạo năm 1869, âm nhạc của Ludwig Minkus, đưa khán giả lạc vào cuộc phiêu lưu giữa "mộng" và "thực" của hiệp sĩ Don Quixote.
Nhân vật Don Quixote là hiện thân của lý tưởng lãng mạn - một con người đắm chìm trong thế giới huyễn hoặc, nơi tình yêu và lòng dũng cảm được thần thánh hóa. Người quý tộc già của sứ Mancha đưa khán giả vào bối cảnh lãng mạn của tình yêu, của cuộc sống đầy sôi động tại Tây Ban Nha cùng với những biến chuyển của xã hội và những giá trị căn bản đã được đưa lên sân khấu với sự hài hước và châm biếm nhẹ nhàng thông qua ngôn ngữ múa.
Petipa đã chọn một mảnh ghép nhỏ từ nguyên tác - câu chuyện tình của Kitri và Basilio - để xây dựng thành một vở ballet tràn đầy năng lượng. Ông biến tính phức tạp của văn học thành sự thuần khiết của cảm xúc, phù hợp với ngôn ngữ ballet vốn dựa vào đường nét hình thể và âm nhạc.
Tác phẩm tập trung khắc họa mối tình sôi nổi giữa Kitri và Basilio - nơi những bước chân Flamenco cuồng nhiệt, tiếng Castanet rộn ràng hòa quyện cùng kỹ thuật ballet đỉnh cao như Fouetté hay Grand jeté. Sự pha trộn độc đáo giữa vũ điệu Tây Ban Nha và ngôn ngữ ballet cổ điển tạo nên cuộc đối thoại kịch tính về khát vọng yêu thương và dám sống với giấc mơ.
Vượt lên câu chuyện lãng mạn trung tâm của Kitri và Basilio, vở ballet "Don Quixote" được kiến tạo bởi một kết cấu nghệ thuật tinh tế, nơi hình tượng Hiệp sĩ Don Quixote đóng vai trò như một cầu nối đầy chất thơ giữa hai thế giới.
Người xem sẽ được dẫn dắt từ bối cảnh đời thường sôi động, đầy sắc màu của chợ trời Tây Ban Nha, bước vào những không gian mộng tưởng kỳ ảo mà chàng hiệp sĩ già khơi mở - nơi ngôn ngữ múa đạt đến độ trừu tượng cao, phô diễn những hình ảnh siêu thực đầy ám gợi.
Sự đan xen giữa khung cảnh hiện thực tràn đầy nhựa sống và những phân cảnh phiêu lưu mộng ảo không chỉ tạo nên sự tương phản mạnh mẽ về thị giác và cảm xúc, mà còn là phương tiện nghệ thuật đắc địa để khám phá tầng sâu triết lý của tác phẩm.
Chính sự chuyển dịch liên tục giữa "thực" và "mộng" này đã tạo nên sức hút đặc biệt, biến "Don Quixote" không chỉ là một kiệt tác giải trí mà còn là một tuyên ngôn nghệ thuật sâu sắc về khát vọng, ảo tưởng và bản chất của hạnh phúc con người.
Làn gió mới của nghệ thuật biểu diễn
Lần đầu tiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đã dàn dựng lại vở diễn kinh điển này. Hai đêm diễn ở Nhà hát Hồ Gươm, các nghệ sĩ thực sự đã tỏa sáng trên từng bước nhảy, từng điệu nhạc. Ở đó, âm nhạc và vũ đạo hòa quyện, làm nên một bức tranh lộng lẫy của nghệ thuật ballet.
Vở diễn quy tụ khoảng 150 người, trong đó có tới gần 60 diễn viên múa, hơn 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng và ekip sáng tạo, sản xuất, hậu đài,… Đặc biệt, vở diễn có sự tham gia của các thế hệ ballet của Việt Nam như NSƯT Cao Chí Thành, NSUT Phan Lương, Bùi Tuấn Anh, Phùng Quang Minh…, những nghệ sĩ đang độ chín như NSƯT Phạm Thu Hằng, Vũ Anh… đến thế hệ gen Z của nhà hát như Nguyễn Đức Hiếu, Vũ Khánh Băng, Trần Bảo Ngọc,…. Dàn dựng vở ballet là biên đạo múa, NSƯT Lưu Thu Lan và Phạm Minh - nghệ sĩ tài năng tốt nghiệp Trường Ballet Quốc gia Kiev, từng biểu diễn tại Ballet du Capitole (Toulouse) và hiện là Giám đốc Trường Múa La SALLE (Pháp)
Sự xuất hiện của các nghệ sĩ là mảnh ghép hoàn thiện đầy giá trị cho vở ballet "Don Quixote". Kỹ thuật tinh tế và chiều sâu cảm xúc mà họ mang theo được trui rèn qua nhiều vai diễn và trải nghiệm sân khấu, sẽ hiện lên rõ nét qua từng chuyển động uyển chuyển, từng biểu cảm chân thực trên gương mặt và ánh mắt truyền cảm.
Đặc biệt với những phân cảnh đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn và diễn xuất đa sắc thái, sự góp mặt của họ càng thêm phần ý nghĩa. Như những viên gạch cuối cùng đặt vào vị trí, tài năng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các nghệ sĩ này sẽ góp phần vững chắc cho tổng thể tác phẩm, thổi hồn vào câu chuyện, chạm đến trái tim khán giả và khẳng định sức sống trọn vẹn của vở diễn kinh điển này.
Nghệ sĩ Vũ Khánh Băng- người đảm nhận vai Kitri chia sẻ tâm huyết mà cô dành cho nhân vật của mình: "Khi nhận được vai Kitri, tôi vô cùng hào hứng. Với tôi, Kitri là một cô gái vừa quyến rũ, cuốn hút lại vừa lém lỉnh, vui tươi. Nhưng ẩn sâu bên trong lớp vỏ ấy là một cô gái chân thật, có chiều sâu. Được tham gia một vở ballet quy mô lớn không chỉ là cơ hội để thử thách bản thân mà còn là dịp tôi cùng các bạn đồng nghiệp trẻ mang một làn gió mới, một nguồn năng lượng trẻ, đầy nhiệt huyết cho sân khấu biểu diễn. Đó không chỉ là vai diễn mà còn là hành trình tôi khám phá chính mình".
Còn nghệ sĩ Cao Chí Thành, vai Don Quixote cho biết: "Tôi vào vai Don Quixote và cảm thấy có sự đồng điệu với chính mình vì tôi vốn rất mê tiểu thuyết kiếm hiệp. Tôi yêu thích tinh thần hiệp sĩ quả cảm, luôn đấu tranh để bảo vệ cho tình yêu và lẽ phải với những lý tưởng cao đẹp của nhân vật. Tất cả chúng tôi, những nghệ sĩ tham gia vở diễn đều nỗ lực hết mình để mang đến cho khán giả những đêm diễn trọn vẹn cảm xúc".
Với nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu, đó là một giấc mơ không thể nào quên, vì anh đã tỏa sáng đầy xúc động trên sân khấu. Trái ngược với sự rực rỡ của người yêu Kitri, Basilio (Nguyễn Đức Hiếu) hiện lên giản dị trong màu áo sơ mi phai màu và đôi tay chai dần, nhưng toát lên trí thông minh, sắc sảo. Thông qua ngôn ngữ hình thể khéo léo, những bước nhảy phóng khoáng, những cú soát gọn gàng nhưng dứt khoát, Đức Hiếu thể hiện tài năng của một thế hệ trẻ ballet Việt Nam.
NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi biết là khó khi phải vượt qua rất nhiều trở ngại như nguồn diễn viên, thời gian, tài chính… khi quyết định dàn dựng "Don Quixote" nhưng với quyết tâm đưa những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao của thế giới về với Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật xứng tầm của khán giả, VNOB đã sẵn sàng đưa "Don Quixote" lên sân khấu Việt".
Điểm nhấn của vở diễn chính là phần âm nhạc đẹp, tinh tế và cũng vô cùng rực rỡ mang phong cách Tây Ban Nha - sôi nổi, rực lửa và cuốn hút. Âm hưởng flamenco, castanet và những giai điệu đặc trưng của xứ sở bò tót được nhạc trưởng Đồng Quang Vinh dẫn dắt Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam mang đến cho khán giả những trải nghiệm tuyệt vời.
Có thể nói, thời gian qua, Hà Nội đã trở thành điểm đến của nhiều dàn nhạc danh tiếng thế giới. Những vở nhạc kịch, ballet kinh điển cũng được diễn ở Việt Nam, giúp khán giả có cơ hội tiếp cận với nền âm nhạc hàn lâm của nhân loại.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vế. Muốn phát triển nghệ thuật hàn lâm phải đi từ chính nội tại của mình. Việc Nhà hát Nhạc Vũ kịch dàn dựng và trình diễn một trong những kiệt tác ballet kinh điển thế giới đã góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc hàn lâm trong nước. Chúng ta không chỉ thưởng thức các tác phẩm của thế giới, do các nghệ sĩ danh tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn mà chúng ta, những nghệ sĩ Việt cũng có khả năng dàn dựng, biểu diễn những tác phẩm khó.
"Don Quixote" là một thách thức tài năng không chỉ với diễn viên mà còn là giấc mơ chinh phục của các nhà hát ballet danh tiếng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và chúng ta có thể tự hào, Việt Nam đã làm được, bằng một diện mạo khác lạ, tươi mới, trẻ trung, đầy năng lượng mà vẫn giữ vững tinh thần học thuật, sự chuẩn mực của ballet cổ điển.