Đổi mới sân khấu thời 4.0
Trước sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sân khấu cũng rục rịch tìm cách tận dụng công nghệ để thu hút khán giả. Cuộc lột xác này không chỉ diễn ra ở cách dàn dựng vở diễn mà còn ở cách quảng bá, tiếp cận công chúng.
Tái ngộ khán giả phương Nam, vở cải lương "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" của đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhanh chóng gây sốt. Các buổi biểu diễn đều kín rạp khiến ekip không khỏi nức lòng. Sau khi giành giải cao tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô hồi tháng 10, ekip vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" còn nhận được nhiều lời mời tái diễn tại Hà Nội của các cơ quan, đoàn thể.
"Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên" không phải là vở diễn duy nhất hút khán giả. Thời gian gần đây, sân khấu cải lương lẫn kịch nói có rất nhiều vở để lại tiếng vang. Ở nghệ thuật cải lương, có thể kể đến một số cái tên nổi bật như "Đợi Kiều", "Thành phố buổi bình minh", "Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ", "Đêm trước giờ hoàng đạo"... Các đêm diễn đều kín rạp và nhận về phản hồi tích cực từ công chúng. Thậm chí nhiều vở "cháy vé" - hiện tượng cực hiếm với cải lương thời nay. Ở địa hạt kịch nói có vở "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" của Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh, "Mưa bóng mây" của đạo diễn Ngọc Hùng...
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, ngoài chất lượng kịch bản và diễn xuất, yếu tố quan trọng để vở hút khách còn bởi phong cách dàn dựng đặc sắc với sự hỗ trợ tối ưu của các ứng dụng công nghệ. Thực tế, các đơn vị, đoàn hát không ngừng nỗ lực để đưa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống như cải lương đến gần với giới trẻ bằng việc ứng dụng công nghệ, cảnh trí hiện đại, bắt mắt. Ở vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên", cảnh nhân vật Tống Thị Quyên bị dìm nước đến chết để lại nhiều ám ảnh, day dứt cho khán giả bởi màn diễn xuất tuyệt vời của nghệ sĩ Bình Tinh trong ảo ảnh màn hình led và ánh sáng sống động.
Màn hình led được coi như công nghệ hỗ trợ không thể thiếu của sân khấu hiện đại. Tại Liên hoan Cải lương Toàn quốc 2021, hơn hai phần ba vở tham dự sử dụng công nghệ này. Trong đó, gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ và góp phần đẩy cảm xúc khán giả lên cao trào là vở "Bên dòng Long Khốt". Họa sĩ Hồng Vân như một "phù thủy" đầy biến hóa khi kết hợp hài hòa giữa màn hình led, ánh sáng và cảnh trí cứng phía trước để tái hiện sinh động vùng biên giới Việt Nam - Campuchia những năm chống Pol Pot.
Ngoài màn hình led, nhiều đơn vị bắt đầu tìm tòi, ứng dụng công nghệ hologram hay màn hình gauze khiến bối cảnh chân thật hơn và đậm chất điện ảnh. "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" có thể coi là tác phẩm sân khấu đầu tiên của Việt Nam ứng dụng màn hình gauze. Trong khi màn hình led làm phông nền sân khấu để tái hiện những vạt rừng đước mênh mông, cuộc rượt đuổi tàu sắt, máy bay thả bom, khói ngút trời... thì màn hình gauze phía trước có nhiệm vụ mang đến màu hoài niệm, cũ kỹ cho toàn bộ sàn diễn. Chính vì vậy, "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" dù là vở diễn "sống" nhưng lại đậm chất điện ảnh, khiến câu chuyện về hành trình tìm kiếm bức chân dung Bác Hồ của những đứa trẻ miền Tây trở nên lôi cuốn hơn bao giờ hết.
Ngoài việc nâng cao hình thức dàn dựng, công nghệ còn được đưa vào khâu quảng bá, bán vé. "Chuyện tình Khau Vai" có thể xem là vở cải lương đầu tiên tích cực tiếp cận khán giả bằng tiện ích mạng xã hội. Ekip lập fanpage để liên tục thông tin về vở diễn, cập nhật chuyện hậu trường, hình ảnh diễn viên đang tập luyện. Clip ghi lại chuyến hành trình về miền núi phía Bắc tìm hiểu Khau Vai của các nghệ sĩ phía Nam cũng được "nhá hàng" trước giờ công diễn khiến khán giả vô cùng tò mò.
Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đẩy mạnh bán vé online và giao vé tận nhà cho khán giả. Buổi tập dượt của nghệ sĩ, thông tin vở diễn… được cập nhật liên tục trên kênh YouTube hay trang fanpage để khán giả tiện theo dõi. Đặc biệt, nghệ thuật cải lương tỏ ra không thua kém phim điện ảnh khi tung trailer (clip ngắn tóm tắt, giới thiệu nội dung) đậm kịch tính. Trên fanpage "Chuyện tình Khau Vai" còn có mini game đố vui cho khán giả với phần thưởng là vé mời, đây là điều mà ít sân khấu thực hiện.
Theo Tiến sĩ văn hóa Mai Mỹ Duyên, một số vở diễn như "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên", "Huyền thoại Gò Rồng Ấp", "Cuộc hành trình tìm bức chân dung"... tận dụng kịp thời và áp dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ trong việc tổ chức dàn dựng hay các chiến lược quảng cáo, quảng bá, tiếp thị là động thái rất đáng hoan nghênh. Bà cho rằng cách làm này cần được nhân rộng, nhất là việc triển khai bán vé, cập nhật thông tin vở diễn, chăm sóc khán giả trên mạng xã hội. Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, bất cứ khán giả nào cũng có thể mua vé, nhận quà tặng, đón chờ vở diễn mà không phải cất công đến rạp. Để làm được điều đó, các sân khấu phải có cơ sở vật chất tiên tiến và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ, biết nắm bắt xu hướng.
Tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để cách tân sân khấu cả về mặt dàn dựng lẫn tổ chức biểu diễn là đòi hỏi thiết yếu nếu muốn sân khấu hấp dẫn, mời gọi khán giả trẻ. Bởi theo đạo diễn Hoàng Duẩn, một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến khán giả quay lưng với sân khấu là do: sân khấu chưa vận dụng được sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc dàn dựng và tổ chức biểu diễn.
"Thực tế cho thấy, sau hàng trăm năm phát triển thì sân khấu thành phố vẫn còn loay hoay với bục, bệ, phông, màn, pa-nô... với cách xử lý vốn đã có "tuổi đời" cách đây nhiều thập niên. Hệ thống ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật âm thanh còn quá lạc hậu, nhiều khi gây trở ngại trong biểu diễn, làm giảm cảm xúc của khán giả. Sân khấu rất cần những loại đèn chuyên dụng với công nghệ hiện đại để xử lý nghệ thuật, cắt và tạo hiệu ứng không gian và thời gian cho nghệ sĩ cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. Hệ thống âm thanh thì đứng đầu bảng xếp hạng về sự tụt hậu. Nhiều khi, diễn viên đang thoại thì mất luôn cả tiếng, hay âm thanh "rột rẹt" là chuyện thường ngày. Thực tế đó đã hạn chế rất nhiều sự sáng tạo của đạo diễn, nhất là những đạo diễn khao khát muốn xử lý nghệ thuật, muốn dàn dựng các vở diễn hoành tráng" - đạo diễn Hoàng Duẩn bức xúc.
Ông cho hay ở các nước trên thế giới, họ không chỉ tận dụng hết không gian sân khấu mà phần lớn đều có sự can thiệp của công nghệ, thậm chí là tự động hóa. Hệ thống điều khiển ánh sáng hiện đại, hoàn toàn tự động trong điều khiển, pha màu, nhuộm màu, các loại đèn kỹ xảo tạo hiệu ứng, công nghệ 3D mappin...
Trước yêu cầu đổi mới, nhất là đổi mới nghệ thuật truyền thống như cải lương, không ít người e ngại, chần chừ. Đáp trả e ngại này, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng: "Chúng ta không nên sợ đưa kỹ thuật công nghệ cao của thế giới vào sân khấu cải lương là phá cải lương. Bởi các vở diễn hiện đại vẫn còn sử dụng âm nhạc, làn điệu cải lương thì nó vẫn mãi mang thần thái hồn phách của cải lương. Điều quan trọng là sử dụng kỹ thuật công nghệ đó như thế nào? Có phù hợp không? Từ thuở manh nha, nghệ thuật cải lương đã mang trong mình sự tiếp nhận, giao thoa và đổi mới. Vậy thì thế kỷ 21 với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể không đổi mới sân khấu cải lương. Chúng ta không thể mãi bám vào quá khứ rồi bảo thủ, duy ý chí, làm thế thì nền sân khấu của Việt Nam sẽ yếu kém toàn diện so với khu vực và trên thế giới".
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cũng gây ra tác dụng ngược nếu ekip quá tay hoặc không có sự kết hợp nhuần nhị với cảnh trí thực. Không hiếm vở cải lương chỉ việc bật màn hình led lên, đặt thêm vài bộ bàn ghế là coi như đã xong cảnh trí. Việc sử dụng màn hình led vô tội vạ khiến vở diễn trở nên đơn điệu, khô cứng. Thiếu hài hòa với ánh sáng, đạo cụ thực khiến diễn viên bị lu mờ trước màn hình led hoặc xảy ra hiện tượng cảnh sau một đằng, cảnh trước một nẻo.
NSƯT Kim Tử Long cho rằng những người dàn dựng cần hiểu màn hình led, hologram hay bất kỳ kỹ thuật tiên tiến nào cũng chỉ là công cụ, góp phần hỗ trợ nội dung vở diễn. Để lấy được cảm xúc của khán giả, tất cả phụ thuộc vào óc sáng tạo của người nghệ sĩ khi họ biết tung hứng với những công cụ hay ho đó.