Đôi điều về Liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh

Thứ Sáu, 05/04/2024, 13:01

Liên hoan phim (LHP) Quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF - Ho Chi Minh City International Film Festival) dự kiến diễn ra từ ngày 6-13/4/2024. Trong năm nay, Việt Nam còn có hai LHP Quốc tế nữa là LHP Châu Á – Đà Nẵng vào mùa hè và LHP Quốc tế Hà Nội vào mùa thu. Các liên hoan phim quốc tế tổ chức trong nước có gì khác các sự kiện điện ảnh như LHP Việt Nam (Bông sen Vàng), Cánh diều Vàng, Ngôi sao Xanh, Mai vàng...?

Hai khái niệm bị trộn lẫn

Trong ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, có hai mô hình quan trọng tồn tại song song đánh giá các bộ phim, đó là Film Fest (International Film Festival – Liên hoan phim quốc tế) và Film Award (giải thưởng điện ảnh). LHP quốc tế đầu tiên trên thế giới là LHP Venice (Italia) ra đời từ năm 1932. Đến nay, toàn thế giới đã có gần một vạn LHP quốc tế ra đời, bao gồm cả những LHP chỉ duy trì được một hay một vài năm. Hiện thế giới có khoảng 3.000 LHP quốc tế đang hoạt động.

1.jpeg -0
Ba Liên hoan phim (LHP) Quốc tế của Việt Nam (từ trên xuống, trái qua): LHP Quốc tế TP Hồ Chí Minh, LHP Châu Á - Đà Nẵng và LHP Quốc tế Hà Nội.

Giải thưởng điện ảnh lâu đời nhất trên thế giới là giải Oscar (Mỹ), tổ chức trao giải lần đầu năm 1930. Đến nay, thế giới cũng có hàng ngàn giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, trong đó mỗi nước có vài đến hơn chục giải thưởng. Ở cấp khu vực và châu lục cũng có những giải thưởng dành cho các tác phẩm trong phạm vi này. Riêng Mỹ có đến vài chục giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, từ hàng đầu như Oscar, Quả cầu Vàng đến giải của các hiệp hội, tổ chức khác…

Trong khi thế giới đã tách bạch rõ hai khái niệm FILM FEST (LHP Quốc tế) và FILM AWARD (Giải thưởng điện ảnh) từ cách đây 90 năm cùng với sự ra đời của hai mô hình LHP Venice và giải Oscar, thì ở Việt Nam cho đến nay, nhiều người vẫn không phân biệt được hai khái niệm này. Thậm chí, đến ngay nhiều đơn vị tổ chức các giải thưởng điện ảnh quốc gia cũng chưa hiểu đúng tính chất sự kiện mà mình tổ chức và để xảy ra tình trạng thực hiện sai cách so với thông lệ trên thế giới. Nhiều cơ quan điện ảnh của nhà nước, các nghệ sĩ và giới nhà báo điện ảnh bao lâu nay cũng chưa hoàn toàn nhìn nhận sự khác biệt giữa hai khái niệm này.

Film Award: Giải thưởng tổng kết

Film Award là các giải thưởng điện ảnh tổng kết một giai đoạn phim ảnh của một vùng địa lý nhất định (một thành phố, một quốc gia, một châu lục). Đó là giải thưởng điện ảnh nội bộ của một vùng địa lý. Ví dụ: Giải thưởng của Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh dành cho các tác phẩm sản xuất bởi các hãng phim ở khu vực TP Hồ Chí Minh (không phải toàn quốc). Các giải Bông sen Vàng và Cánh diều Vàng là hai giải thưởng điện ảnh cho các tác phẩm của toàn Việt Nam. Các giải Kim Tượng, Kim Mã, Kim Kê (Tam Kim) là giải cho các tác phẩm của điện ảnh Hoa ngữ (Hồng Kong, Đài Loan, Trung Quốc). Các giải Baeksang, Grand Bell (Chuông Vàng), Blue Dragon (Rồng Xanh) là giải dành cho các phim Hàn Quốc.

Tương tự, ở cấp độ châu lục, European Film Awards (Giải thưởng Điện ảnh Châu Âu) là giải dành cho các phim trên toàn lãnh thổ châu Âu. Đây được coi là giải Oscar của châu Âu. Giải Asian Film Awards (Giải thưởng Điện ảnh Châu Á) là giải dành cho các phim trên toàn lãnh thổ châu Á, được coi là giải Oscar của châu Á.

Một số giải thưởng điện ảnh quốc gia của các nền điện ảnh lớn như Anh, Pháp, Mỹ thì mở rộng phạm vi địa lý hơn chút. Cụ thể: Giải Bafta (Anh quốc), Cesar (Pháp) và Oscar, Quả cầu Vàng (Mỹ) ngoài các hạng mục xét giải các tác phẩm nội bộ của quốc gia mình, thì còn một hạng mục "Phim quốc tế xuất sắc" để xét giải với các phim đến từ các nền điện ảnh khác.

Film Fest là cuộc chơi

Film Festival (Film Fest) là những liên hoan phim quốc tế, nơi trình chiếu và giới thiệu các tác phẩm điện ảnh mới ra mắt. Thông thường, các Film Fest mở rộng cửa cho các tác phẩm tham dự, không giới hạn về vùng địa lý xuất thân của phim.

Các LHP Big 5 như Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Venice (Italia), Sundance (Mỹ), Toronto (Canada) chào đón các bộ phim đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các LHP ít tiếng tăm hơn chút như Tribeca (Mỹ), Raindance (Mỹ), New York (Mỹ), Chicago (Mỹ), Melbourne (Úc), Vancouver (Canada)... cũng mở cửa đón nhận phim từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Các LHP hàng đầu châu Á như LHP Hong Kong (Trung Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất), Tokyo (Nhật), Busan (Hàn Quốc) cũng nhận phim từ mọi quốc gia.

Đến ngay ba LHP Quốc tế của Việt Nam cũng hầu như không giới hạn vùng lãnh thổ của các phim tham dự. Cụ thể, LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) và LHP Quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF) cũng hào hứng đón phim từ khắp thế giới. Còn LHP Châu Á - Đà Nẵng (DANAFF), đúng như tên gọi, mở cửa đón nhận phim từ khắp châu Á.

Sự khác nhau giữa Film Fest và Film Award

Film Fest là công chiếu và chấm giải với những tác phẩm lần đầu ra mắt (lần đầu công chiếu trên toàn thế giới, nếu không thì cũng là lần đầu công chiếu tại địa phương tổ chức LHP). Film Award là chấm giải (có thể chiếu hoặc không chiếu) với những tác phẩm đã được chiếu trước đó, tức là không phải tác phẩm mới lần đầu ra mắt.

2.jpeg -1
Ba giải thưởng điện ảnh của Việt Nam (từ trái qua): Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng và Ngôi sao Xanh.

Với Film Fest, Ban Giám khảo đến liên hoan mới ngồi xem các phim dự thi, do toàn bộ là phim mới. Với phim dự giải thưởng, Viện Hàn lâm Điện ảnh các nước, các châu lục không cần xem các phim (vì đã xem trước đó khi phim chiếu rạp rồi) mà chỉ bỏ phiếu ở từng hạng mục để chọn các giải. Film Fest không có danh sách đề cử cụ thể, mà tất cả các phim tranh giải cùng gọi là phim được đề cử. Hoàn toàn không có danh sách đề cử của các hạng mục cá nhân như Đạo diễn, Nam chính, Nữ chính... Ngược lại, Film Award luôn luôn có một bảng danh sách đề cử chi tiết, tranh chấp cụ thể ở từng hạng mục.

Với Film Fest, các phim chỉ có duy nhất đề cử cho phim (Cành cọ Vàng, Gấu Vàng, Sư tử Vàng...). Còn Film Award, các phim có thể có đến 9-10, thậm chí 13-14 đề cử (Phim “Oppenheimer” năm vừa qua có tới 13 đề cử Oscar).

Film Fest tôn vinh không giới hạn các bộ phim bất kể quốc tịch. Film award hầu như chỉ tôn vinh thành tựu của nền điện ảnh của một quốc gia, trừ một vài Film Award lớn như Oscar, Quả cầu Vàng, Bafta, Cesar… mở rộng xét giải với một số phim nước ngoài nổi bật khác.

Giải thưởng và Liên hoan phim ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện tại có 3 Film Fest: LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF), LHP châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) và LHP Quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF). Cả ba LHP này đều đi đúng hướng theo mô hình chuẩn của các Film Fest trên thế giới, khá ổn về cách thức tổ chức và tương đối đáng tin cậy về chất lượng giải.

Trên bình diện giải thưởng phim (Film Award), tình hình không được như vậy. Việt Nam có 3 Film Award ở lĩnh vực phim điện ảnh là Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng và Ngôi sao Xanh. Các giải Mai Vàng, Ngôi sao của năm và We Choice Award chưa được gọi là Film Award. Mai Vàng chỉ có giải cho diễn viên, không có giải cho phim và các thành phần khác. Ngôi sao của năm và We Choice Award chỉ có giải cho phim, không có giải cho bất cứ thành phần nào của đoàn phim.

Nhưng, ba Film Award của Việt Nam kể trên vẫn chưa có giải nào thực sự tốt. Bông sen Vàng (của Cục Điện ảnh) và Cánh diều Vàng (của Hội Điện ảnh) tổ chức chưa đúng cách của các Film Award. Chúng bản chất là Film Award nhưng suốt mấy chục năm nay luôn làm theo lối của các Film Fest. Dễ thấy là các giải này không có giai đoạn công bố đề cử - điều tiên quyết, thông lệ bắt buộc ở một Film Award.

Để dễ hình dung hơn, có thể đối chiếu rằng, tất cả các Film Award như Oscar, Quả cầu Vàng (Mỹ), Bafta (Anh), Cesar (Pháp), Kim Mã, Kim Tượng, Kim Kê (Hoa ngữ), Baeksang, Chuông Vàng, Rồng Xanh (Hàn Quốc)... đều có giai đoạn công bố danh sách đề cử trước lễ trao giải khoảng 1-2 tháng. Trong khi đó, giải Bông sen Vàng và Cánh diều Vàng không hề có giai đoạn đề cử, đến tận đêm trao giải mới trình chiếu lướt các đề cử trước khi xướng tên người thắng cuộc. Giải Ngôi sao Xanh thì có giai đoạn công bố đề cử nhưng lâu nay giải này thường không được đánh giá cao về chất lượng. Tóm lại, trong khi các Film Fest của Việt Nam đã tạm ổn thì các Film Award của Việt Nam cần phải thay đổi cách tổ chức để đúng chuẩn quốc tế.

Hoàng Lê
.
.