Đọc “Truyện Kiều” bằng cải lương đương đại

Thứ Năm, 22/09/2022, 14:16

Mang đậm chủ nghĩa “Nữ quyền sinh thái”, vở “Đợi Kiều” hứa hẹn mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ bởi tính thể nghiệm đột phá từ hình thức trình tấu cho đến phần âm nhạc. Ở đó, cả “Truyện Kiều” lẫn cải lương đều rất “trẻ”, rất gần với hơi thở đương đại.

Vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” là một dự án sân khấu độc lập của Yume Art Project. Vở do TS Đào Lê Na viết kịch bản và đạo diễn. Phần chuyển soạn cải lương do TS Lê Hồng Phước đảm trách. Dự kiến “Đợi Kiều” sẽ công diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh vào đêm 24 và 25-9.

1 doi kieu.jpg -0
Poster vở cải lương “Đợi Kiều”.

Ngay từ buổi đầu, vở đã gây chú ý với giới chuyên môn lẫn khán giả bởi cách kể “Truyện Kiều” bằng góc nhìn độc đáo. TS Đào Lê Na cho hay, vở không dàn dựng theo lớp lang sân khấu thông thường, thay vào đó “Đợi Kiều” được dựng theo cấu trúc bốn mùa. Mỗi mùa tương ứng với một nhân vật: Thúy Vân - mùa xuân, Hoạn Thư - mùa hè, Giác Duyên - mùa thu và Đạm Tiên - mùa đông.

Vở chỉ có bốn nhân vật nữ mà không có sự xuất hiện của tuyến nhân vật nam. Cấu trúc bốn mùa trên còn ẩn ý về cuộc đời người phụ nữ. Từ xinh đẹp, tràn đầy sức sống thanh xuân như Thúy Vân đến người phụ nữ trưởng thành, sâu sắc khi lập gia đình như Hoạn Thư. Giác Duyên là hình ảnh của một người phụ nữ từng trải, chiêm nghiệm sự đời. Và cuối cùng là hồn ma Đạm Tiên, tượng trưng cho sự lụi tàn. TS Đào Lê Na dàn dựng kết cấu này bởi cô muốn diễn giải góc nhìn của mình về Kiều theo chủ nghĩa “Nữ quyền sinh thái”.

Theo các nhà nghiên cứu, chủ nghĩa “Nữ quyền sinh thái” nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa phụ nữ và tự nhiên, qua đó khẳng định các sinh mệnh trên Trái Đất là một mạng lưới gắn kết với nhau, không phân chia cao thấp, không có sự phân tách nhị nguyên giữa con người với thiên nhiên (phản đối tư tưởng coi con người là chủng loài cao hơn thiên nhiên), giữa nam và nữ (phản đối tư tưởng trọng nam khinh nữ). Từ góc độ sinh lý nữ và thiên tính chăm sóc, bảo bọc con cái và gia đình, phụ nữ có thể kết nối mối quan hệ giữa những người khác trong xã hội với tự nhiên, chở che vạn vật trong tự nhiên, trong khi đàn ông thường đối xử một cách độc đoán, chuyên quyền với tự nhiên và phụ nữ.

TS Đào Lê Na chia sẻ: “Xưa nay, trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, thiên nhiên chỉ đóng vai trò phụ họa cho con người. Con người luôn luôn là nhân vật trung tâm. Nhưng tôi phát hiện trong “Truyện Kiều”, thiên nhiên có vai trò sâu sắc tác động đến tâm trạng con người. Nguyễn Du viết những câu thơ tả cảnh rất hay về bốn mùa để bày tỏ tâm trạng nhân vật. Bên cạnh đó, thông điệp nữ quyền trong “Truyện Kiều” cũng được đại thi hào thể hiện rất rõ. Ông tỏ thái độ thông cảm và bênh vực cho người phụ nữ bị xã hội phong kiến vùi dập. Những năm gần đây, khi quan tâm đến phong trào “Nữ quyền sinh thái”, tôi càng nhận rõ điều này trong “Truyện Kiều” và quyết tâm dàn dựng “Đợi Kiều” bằng góc nhìn đó. Khán giả sẽ thấy thiên nhiên tươi đẹp như thế nào, tương tác với nhân vật ra sao để khám phá từng tầng nghĩa thú vị”.

Cái ngông nhất của “Đợi Kiều” chính là vở chỉ có duy nhất một diễn viên. Một mình Hồng Bảo Ngọc (quán quân Bông lúa vàng 2020) sẽ hóa thân thành bốn nhân vật. Đây cũng là một thủ pháp sân khấu của đạo diễn. Muốn đối thoại với văn chương, muốn khán giả tưởng tượng ra điều gì đó thì bắt buộc phải độc diễn. Nhìn bề mặt, khán giả chỉ thấy có bốn nhân vật đang đợi Kiều. Có Kiều hay không có Kiều, chỉ khi kết thúc vở khán giả mới cảm nhận. Tâm huyết với “Đợi Kiều”, TS Đào Lê Na cho biết cô muốn thông qua một trong những đặc điểm mà mọi người thường hay nói về văn chương là “gợi sự tưởng tượng” để làm một tác phẩm sân khấu cũng “gợi sự tưởng tượng”, trong đó ngôn ngữ sân khấu phát huy tối đa hiệu quả kể chuyện của nó.

Tuy vậy, ekip thực hiện cũng thừa nhận việc một nghệ sĩ diễn xuyên suốt là một áp lực nặng nề với một tân binh như Bảo Ngọc. Nhất là khi Bảo Ngọc không chỉ ca diễn đơn thuần mà cô còn phải thể hiện các động tác múa đương đại. Bởi trên tinh thần nêu cao nữ quyền, chỉ có múa đương đại mới có những chuyển động tự do, phóng khoáng, khác với sự khuôn phép, gò bó của vũ đạo cải lương truyền thống. Nó cũng giúp vở cải lương gần gũi với khán giả trẻ hôm nay.

Thể nghiệm thứ ba của “Đợi Kiều” là phần âm nhạc. Ngoài các bài bản tổ truyền thống, âm nhạc còn có sự kết hợp giữa Đông và Tây, giữa mới và cũ. Nhóm nhạc Humm phụ trách phần “khó nhằn” này. Tương ứng với bốn mùa, nhóm phải chuyển soạn các bài nhạc mới sao cho khi nghe, những “fan ruột” đều nhận ra đó không phải là bài bản cải lương, họ thấy nó mới, trong khi đó những khán giả trẻ chưa tiếp cận cải lương nhiều lại tưởng đó là cải lương. Bản phối đảm bảo phần nhạc cụ dân tộc phải nổi lên nhạc cụ phương Tây. Tất cả tạo nên một sân khấu mới lạ nhưng vẫn mang những giai điệu đặc trưng của cải lương.

Tăng Ngọc Châu Nhi, đại diện nhóm Humm cho biết: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ việc phổ một bài hát mang âm hưởng cải lương không mấy khó khăn vì bài bản cải lương có bấy nhiêu đó thôi. Cứ theo các bài bản là xong. Nhưng viết xong bài đầu, đến bài thứ hai, thứ ba..., tôi bị lặp giai điệu, khó phối để mỗi bài ra chất riêng. Để giải quyết bế tắc, tôi lên mạng xem thêm nhiều vở cải lương, tìm kiếm giai điệu”. 

2 ekip doi kieu.jpg -0
Ekip thực hiện vở “Đợi Kiều” giao lưu với khán giả trước ngày công diễn.

Chọn cải lương chứ không phải hình thức diễn xướng khác cho “Đợi Kiều”, TS Đào Lê Na cho hay chỉ có cải lương mới đảm bảo hai yếu tố: vừa truyền thống, vừa làm mới. Hơn 100 năm thăng trầm cùng dòng chảy lịch sử, cải lương mang tinh hoa nghệ thuật của cha ông. Nhưng đồng thời, nó luôn luôn tự làm mới mình để hợp thời đại, đúng với câu “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Nhờ hai yếu tố ấy, cải lương mới dễ dàng tiếp cận người trẻ và làm cho họ yêu. Ngoài ra, những câu thơ trong “Truyện Kiều” lẫn tình cảm mà Nguyễn Du đặt vào nhân vật đều có sự gần gũi nhất định với cải lương.

Theo TS Lê Hồng Phước, bên cạnh những diễn giải và góc nhìn mới, vở “Đợi Kiều” được coi là số ít tác phẩm sân khấu khai thác về Kiều đưa vào rất nhiều lời thơ đẹp của đại thi hào Nguyễn Du. Khi chuyển soạn sang cải lương, ông cố gắng giữ hầu hết lời thơ này vì nó quá đẹp.

Từ khi ra đời, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã trở nên thân quen với đời sống văn hóa Việt Nam. Với những tư tưởng mới mẻ, văn phong lôi cuốn và mang đậm căn tính Việt, “Truyện Kiều” đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều thử nghiệm mới. Vài năm trở lại đây, hàng loạt tác phẩm sân khấu lẫn phim ảnh lấy cảm hứng từ Kiều ra đời như: vở “Ballet Kiều”, phim điện ảnh “Kiều”, vở múa rối “Thân phận nàng Kiều”, vở múa đương đại “Múa Kiều”, phim hoạt hình “Yêu Kiều”...

Riêng sân khấu cải lương, “Kim Vân Kiều” do gánh hát thầy Năm Tú trình diễn ở Mỹ Tho năm 1918 được coi là vở đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật cải lương. Từ đó đến nay, nàng Kiều liên tục xuất hiện trên sân khấu cải lương với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi như Bạch Tuyết, Hùng Cường, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ... Song thử nghiệm mới ở cải lương với “Truyện Kiều” thì rất ít.

“Đợi Kiều” bắt nhịp sự dấn thân táo bạo của thế hệ trẻ để mang lại cách diễn giải “Truyện Kiều” mới mẻ dưới góc nhìn đương đại. Qua việc làm mới cải lương, khán giả trẻ sẽ thấy cải lương không hề “quê và sến” mà “thật và đẹp”. Riêng nhóm Humm thì hy vọng khán giả lớn tuổi xem vở diễn sẽ thấy những người trẻ không chỉ biết mỗi nhạc ngoại quốc, nhạc trẻ mà thế hệ ấy còn rất yêu văn hóa dân tộc. Tình yêu đó được họ giữ gìn và phát huy theo cách riêng của người trẻ.

Lâu nay, những thể nghiệm mới trên những tác phẩm bất hủ thường gây ra tranh cãi trái chiều. “Truyện Kiều” và cải lương cũng không ngoại lệ. Ekip thực hiện “Đợi Kiều” cho biết, họ hiểu hết những tranh cãi đó, nhưng nếu cứ sợ búa rìu dư luận mà “bó tay” không làm thì càng tệ hơn. “Cái gì mới cũng có người thích, có người không. Nhưng sau đêm duyệt phúc khảo với các đơn vị chuyên môn, vở nhận được sự khích lệ rất lớn từ Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Nhìn nhận chất lượng của “Đợi Kiều”, các cô chú khuyên chúng tôi nên đưa vở đi thi Liên hoan sân khấu thể nghiệm. Với sân khấu, tôi không chắc vở diễn có thành công hay không cho đến khi vở kết thúc nhưng nhìn tâm huyết của các nghệ sĩ, tôi yên tâm vô cùng” – TS Đào Lê Na thổ lộ

Mai Quỳnh Nga
.
.