Đỗ Minh Tuấn: Lập trình thơ bằng những suy tưởng mới

Thứ Bảy, 05/10/2024, 15:38

Trong số những nhà thơ thuộc thế hệ đổi mới xuất hiện sau 1975, Đỗ Minh Tuấn (Giải nhất cuộc thi Thơ Báo Văn nghệ năm 1990) là một gương mặt thơ khá độc đáo và đặc biệt.

Đỗ Minh Tuấn, sinh năm 1952, quê Quốc Oai, Hà Tây, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn và Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Từ năm 1986 đến nay anh làm đạo diễn chính tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Năm 1990, làm Giám đốc Hãng phim Nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Anh đã in 4 tập thơ: “Những cánh hoa tiên tri” (1992), “Tỉnh giấc” (1992), “Con chim giấy” (1992), “Thơ tình” (1993); tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” và một số tập phê bình tiểu luận, được tặng nhiều giải thưởng về thơ và điện ảnh.

Những liên tưởng thơ mang tính ẩn dụ nhân văn

Theo tôi, thơ Đỗ Minh Tuấn độc đáo ở chỗ, trong rất nhiều bài thơ của mình, anh đã gây ấn tượng bởi một hình thức tư duy ngôn ngữ đặc biệt theo kiểu lập trình thơ bằng những suy tưởng mới. Trong kiểu lập trình thơ này, Đỗ Minh Tuấn đã có sự đóng góp bằng những sáng tạo có giá trị kể cả về mặt ngôn từ và tính nghệ thuật cho nền thơ đương đại của chúng ta.

Như trong một tứ thơ không có gì mới về những-người-vĩ-đại đã làm thay đổi nhân-sinh-quan của một nhà thơ, Đỗ Minh Tuấn đã viết thế này: “Khi tôi ngồi bên mành trúc lưa thưa/ Đếm từng đốt xương của gió/ Nghe từng tiếng vặn mình của khung cửa sổ/ Trái tim như ngựa phi lách cách dọc chân trời/ Thì các anh đang đi ngược chiều gió thổi/ mái nhà co trong đáy ba lô/ Cơn sốt rét như mùa đông mất ngủ/ Khi ai đó trên tháp ngà chót vót/ Cắn sợi khói làm đôi chia sẻ với suy tư/ Có nghĩ gì về những nhà thơ/ Trong cơn sốt run người/ Vẫn day dứt điệu vần thế kỷ/ Những nhà thơ chiến sĩ/ Đã ra đi chẳng ngồi đợi thu sang...”.

Đỗ Minh Tuấn: Lập trình thơ bằng những suy tưởng mới -1
Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn.

Tứ thơ trên, Chế Lan Viên từng viết trước đó hàng chục năm trong bài thơ “Người thay đổi đời tôi - người thay đổi thơ tôi” nhưng trong bài “Trang thơ của lính”, Đỗ Minh Tuấn lại có những suy tưởng thơ rất mới và độc đáo về những nhà thơ chiến sĩ: “Đã ra đi với áo màu lá cỏ/ Hồn thơ của Uytman bạc phếch trên vai”.

Về những nhà thơ chiến sĩ này, Đỗ Minh Tuấn thường có những hình ảnh liên tưởng so sánh rất hồn hậu và thú vị: “Tôi yêu thơ của các anh/ Sắc và vui như kính vỡ/ Buồn chân thật như đất nằm trên mộ/ Đây những vần thơ của chính đất đai/ Đất đai không vay mượn của ai/ Trần trụi với tháng năm/ Với lửa và với máu/ Nhà thơ ơi, những nền thơ chiến đấu/ Đã từng len lỏi dưới giàn nho”.

Có thể nói, những suy tưởng thơ với các hình ảnh độc đáo như trên là một thế mạnh, một phong cách tư duy kiểu Đỗ Minh Tuấn, không chịu giống ai, không lẫn được với ai và là một đặc thù riêng của thơ anh. Vẫn trong khuôn khổ một hình thức cũ, một nhịp điệu cũ (của thể thơ 8 chữ, nhịp 4 câu một khổ thơ) như trong bài thơ “Hãy may thêm một bộ quần áo lính”, anh viết: “Hãy may thêm một bộ quần áo lính/ Để mặc cho tia nắng ngày mai/ Thời gian cũng là người lính dẻo dai/ Đứng với ta trong từng đội ngũ/ Hãy may thêm một bộ quần áo lính/ Để mặc cho hình bóng trong mơ/ Giấc ngủ của ta cũng là một phòng chờ/ Để người lính bước vào trận đánh/ Hãy may thêm một bộ quần áo lính/ Để mặc cho câu hát trên môi/ Những lời ca chỉ sống bằng khí trời/ Cũng chiến đấu hết mình cho hạnh phúc/ Hãy may thêm một bộ quần áo lính/ Để mặc cho khoảng vắng không người/ Ở đấy ngày mai sẽ có một cuộc đời/ Vụt hiện ra, đứng vào trong đội ngũ”.

Và, nhà thơ yêu cầu may thêm nhiều bộ quần áo lính nữa để mặc cho hình bóng những giấc mơ, để mặc cho những khoảng vắng không người... và để mặc cho các “mệnh đề” khác. Điều thú vị là đọc xong bài thơ với những hình ảnh khôi hài tưởng như chỉ có trong suy tưởng thơ của Đỗ Minh Tuấn, ta lại thấy có một thông điệp ẩn dụ khác mang tính nhân văn về xã hội, về con người, về một nỗi buồn chiến tranh cứ day dứt ta đằng sau những con chữ thơ lạ lùng nơi thơ anh.

Dường như, trong thơ mình, Đỗ Minh Tuấn muốn lặng lẽ làm mới các con chữ ở những chiều liên-tưởng-thơ khác nhau để có được hình ảnh, hình tượng thơ có sức ám ảnh, khơi gợi và lay động người đọc như bài thơ “Chờ đợi” này: “Người vợ vẫn thản nhiên vặn nhỏ ngọn đèn/ Chị âm thầm chờ đợi/ Anh ấy đi xa, hẹn sẽ trở về/ Sẽ trở về - treo áo lính lên kia/ Chị đóng sẵn chiếc đinh vào chỗ ấy/ Như đóng chặt cái ngày chưa tới/ vào cuộc đời mình/ Chị âm thầm góp nhặt cho anh/ Từng mảnh sân con anh sẽ ngồi hong nắng/ Từng vỏ ốc nhặt về từ bãi biển/ Để anh đựng những tàn tro đầy suy nghĩ của mình/ Những suy nghĩ chị chưa hiểu hết/ Nhưng bao giờ cũng tin/ Được chia phần một chiếc áo trẻ con/ Chị lặng lẽ cất vào trong tủ/ Trong khi ấy cái tủ kia quá mệt/ Nó đã chật căng những mộng mơ rồi/ Chị không quên ngồi bấm đốt ngón tay/ Chị khum tay che đèn, đi trong gió...”.

Đời sống được tái sinh trong trí tưởng tượng của nhà thơ

Chỉ trong 2 năm 1992 và 1993, Đỗ Minh Tuấn in liền 4 tập thơ với tổng độ dày gần 500 trang viết. Anh là một tài năng thơ khá đa dạng và thử sức mình ở nhiều thể loại thơ: từ có vần tới không vần, từ cổ điển tới hiện đại, từ thơ ngắn, thơ dài tới trường ca. Theo tôi, xét về mặt hình thức thể hiện thì thơ Đỗ Minh Tuấn không có những cách tân đột biến, mặc dù anh đã có nhiều cố gắng bứt phá về mặt nghệ thuật trên những nền tảng thơ cũ.

Nhưng, tôi cho rằng, tính đổi mới đích thực của thơ Đỗ Minh Tuấn chính là cách tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các bài thơ, làm cho những con-chữ-thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn như theo cách anh viết một bài thơ tình: “Anh như sợi khói buồn mảnh dẻ/ Không đáng cho em ôm trọn vòng tay/ Trên môi anh ngổn ngang lời Chúa/ Cứ nhắc em những điều em run sợ/ Anh chỉ là một cuốn sách thôi/ Mùa xuân đến chữ giăng ngang như một loài hoa héo/ Em đã chạm bàn tay hờ hững/ Kinh nguyện cầu trên giấy rưng rưng/ Anh biết mình là một chàng trai/ Đốt da thịt thành thơ xếp ùn trên mặt giấy/ Nên xa cách mới tủi hờn đến vậy/ Em hãy hôn lên bóng lá màu trăng/ Đó cũng chính là tâm hồn anh đấy/ Còn đôi môi anh, em cứ để yên cho lời tuôn chảy/ Anh không có gì ngoài những câu thơ/ Như lũ trẻ bò lê trên giấy trắng/ Mon men đến mắt em, đến bên bờ vực thẳm/ Đến ngã trong chiều sâu vô tội, mung lung...”.

Đỗ Minh Tuấn: Lập trình thơ bằng những suy tưởng mới -0
Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn (trái) và tác giả bài viết.

Phải chăng, đó cũng là một hướng cách tân của thơ đương đại, khi một số nhà thơ đang xem trọng sự đổi mới về “chất suy tưởng” của nội dung thơ hơn là sự đổi mới về mặt hình thức nghệ thuật câu chữ trong thơ. Và, bài thơ "Anh vẫn âm thầm chờ đợi" của Đỗ Minh Tuấn dưới đây là một gợi mở theo một lập-trình-thơ đó: “Người yêu ơi! Ngoài kia trời không mưa trời xanh thẳm như tấm phông che những màn bi kịch/ Nhưng anh cứ đứng ngoài bậc cửa, chờ em xuất hiện giữa đời, mặc cho anh chiếc áo chở che/ Anh biết khi ngón tay em gài những chiếc khuy, gió sẽ giật tung ra cho em gài thêm lần nữa/ Trái tim tàng hình đi trong gió, năm ngón tay em sẽ thức dậy cả linh hồn cô độc sâu xa/ Anh biết trời đang xanh sẽ run rẩy tuôn mưa/ để ném những nhịp tim rộn ràng trên vạt áo/ Trái tim anh bỗng khát thèm dông bão/ Tha thứ cho anh, nếu anh quá nghèo/ hy vọng với niềm vui/ Người yêu ơi! Ngoài kia trời trong veo/ như giấy bóng choàng lên vũ trụ/ Tưởng như nhìn xuyên qua thế giới bên kia/ sẽ thấy hết vui buồn/ Nhưng anh vẫn mù trước hạnh phúc tình yêu/ Anh với âm thầm chờ đợi tay em, với chiếc gậy vô hình dắt anh đi trong tầm mắt Chúa/ Những đồ đạc trong thế gian phủ một màu đau khổ/ Khi tay em chạm vào. Khi tay em cầm lên trao tặng cho anh tất cả hóa niềm vui/ Anh luôn mù trước hạnh phúc, tình yêu/ hãy đến với anh, chăm sóc anh và dẫn dắt anh/ đi trong mê cung hư ảo/ Hãy giằng khỏi tay anh những bóng ma ghê rợn/ mà anh đã ôm ghì vô vọng/ Tha thứ cho anh: nếu anh quá nghèo hy vọng và niềm vui” (thơ Đỗ Minh Tuấn).

Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Tôi cho rằng, văn chương phải vươn tới những hình tượng có sức ám ảnh khơi gợi và bừng ngộ. Muốn vậy, nó phải bắt rễ vào đời sống lịch sử xã hội, hút nhụy tâm linh dân tộc và nở hoa trong cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn. Tách khỏi gốc rễ đời sống và lịch sử, những bông hoa chữ nghĩa chỉ là hoa trang trí cắm trong lọ, không thơm lâu được. Nhưng, nếu không được tái sinh trong trí tưởng tượng của nhà văn, đời sống và lịch sử chỉ là những xác ướp trong chữ nghĩa. Nếu trong lịch sử trầm luân của nó, văn chương đích thực được sự hòa điệu của cả cộng đồng thì đó là cái ngày nó lên ngôi, ngày đầy phúc lành của nó, chứ không phải là cái ngày nó bán đi vị Chúa nó hằng tôn thờ là cái Tôi nghệ sĩ thiêng liêng. Đức hạnh lớn nhất của văn chương là sáng tạo và trách nhiệm”.

Nguyễn Việt Chiến
.
.