Đỗ Lệnh Hùng Vỹ - Người có duyên với "nhà phật"

Thứ Năm, 09/02/2023, 08:02

Có người đã nói vui rằng: “Cứ 10 vai diễn thì có tới 9 vai đóng nhà sư. Tay này duyên với nhà Phật lắm”. Người có “duyên với nhà Phật ấy chính là đạo diễn, nhà sản xuất phim kiêm diễn viên Đỗ Lệnh Hùng Vỹ”.

Khi tôi nhắc lại câu nhận xét trên, ông Đỗ Lệnh Hùng Vỹ cười bằng nụ cười nhìn ngỡ giống y chang ông Phật Di Lặc tốt bụng vậy. Bây giờ tôi mới hiểu, hóa ra cái tay “có duyên với nhà Phật” này rất có lợi thế về ngoại hình. Lợi thế đến nỗi chỉ cần hóa trang nhẹ cũng đã vào vai ngon ơ, chỉ cần diễn nhập vai nữa là ổn.

Cũng như người anh trai của mình là PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, đương kim Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Lệnh Hùng Vỹ đến với điện ảnh từ chân thiết kế mỹ thuật. Anh em nhà ông vốn xuất thân từ làng Mọc, một làng cổ bên sông Tô Lịch, vốn xưa là làng ven đô, còn giờ là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Làng Mọc vốn nổi tiếng với nhiều người tài, vốn nhiều lễ hội (làng có 5 lễ hội), lại là nơi từng diễn ra những trận đánh lịch sử dưới thời Vua Lê Thái Tổ và Vua Quang Trung.

1-(2).jpg -0
Nghệ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Vỹ bên Hồ Gươm một sáng mùa đông Hà Nội.

Cùng với những dòng họ nổi danh như họ Đặng, họ Vũ, họ Nguyễn, họ Lê ở làng Mọc, dòng họ Đỗ làng Mọc cũng danh giá. Cụ thân sinh ra ông Hùng Tú và Hùng Vỹ là Đỗ Lệnh Hùng. Cụ Đỗ Lệnh Hùng thời trước là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám. Nghiệp văn của cụ thân sinh lại không được hai người con trai của mình đi theo. Hai người con của cụ đam mê hội họa nhưng lại là hội họa gắn với điện ảnh mới “lạ” chứ. Hai người con chỉ “nối” nghiệp cha mình bằng chính tên họ đầy đủ của cha, chỉ thêm mỗi chữ Tú và chữ Vỹ mà thôi.

Có lẽ truyền thống làng quê và ảnh hưởng văn nghệ của người cha mà năm 17 tuổi, chàng trai Hùng Vỹ thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh học khoa đồ họa. Sau 5 năm “dùi mài” thì ra trường, vốn mê điện ảnh nên Hùng Vỹ xin được “chân” phụ dựng cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Làm phụ dựng mãi thấy chưa ổn nên đến năm 1989, Đỗ Lệnh Hùng Vỹ đi học quay phim ở Trường Điện ảnh Việt Nam phân hiệu TP Hồ Chí Minh. Tôi hỏi: “Thế nào mà ông lại học quay phim?”. Ông “sư” Hùng Vỹ cười cởi mở: “Năm 1986, tôi làm phụ dựng cho phim “Thủ lĩnh áo nâu” của Đạo diễn Tuấn Phương thấy những gợi ý về hình ảnh. Rồi lại năm 1987, cũng đi làm phụ dựng cho đạo diễn Bạch Diệp với phim “Ngõ hẹp”, tôi cũng nghĩ nhiều về hình ảnh trong phim. Tôi chợt có mong muốn được tự tay mình quay những bộ phim. Thế là tôi quyết định đi học quay phim”.

Và rồi sau 3 năm học quay phim, nhà quay phim trẻ Đỗ Lệnh Hùng Vỹ cuối cùng cũng đã  phần nào đạt được ước nguyện. Tuy nhiên, thoạt đầu anh chỉ “được” quay phim cho những bộ phim tài liệu của Xưởng phim Sách giáo khoa. Nghĩa là anh chỉ mới quay những gì mà hình ảnh đó hỗ trợ việc giảng dạy cho các Trung tâm dạy nghề thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo. Vậy là vẫn chưa “thoả chí”, Đỗ Lệnh Hùng Vỹ chuyển về Xưởng phim Thời sự tài liệu của TP Hồ Chí Minh. Cũng phải nói thêm rằng, từ khi bước chân vào học quay phim, “anh chàng làng Mọc” đã chuyển vào sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và anh “định cư” tại đó đến tận hôm nay.

Sống và làm việc trong lĩnh vực điện ảnh ở TP Hồ Chí Minh cũng được thời gian nhưng “ước muốn” vẫn còn xa xa. Từ năm 1997 đến năm 2002, Đỗ Lệnh Hùng Vỹ chỉ “loanh quanh” làm công tác phát hành phim ở Công ty phát hành phim TP Hồ Chí Minh mà thôi. Mãi cho đến khi Công ty giải thể thì Đỗ Lệnh Hùng Vỹ lại làm cuộc ''đi học'' lần nữa. Lần này, (năm 2002), Đỗ Lệnh Hùng Vỹ vào học đạo diễn Điện ảnh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, phân hiệu TP Hồ Chí Minh. Tôi lại hỏi lý do đi học thì Đỗ Lệnh Hùng Vỹ trả lời: “Công ty giải thể, tôi thành người “tự do”, đi học vừa là cách khỏi “thất nghiệp” vừa là để “nuôi” nghề Điện ảnh mà tôi theo đuổi suốt bao năm qua”.

Được biết, tuy đi học đạo diễn nhưng “anh chàng” Hùng Vỹ vẫn không chịu “mài đũng quần” trên ghế nhà trường, Hùng Vỹ vừa theo học vừa “làm thuê” cho các Đài Truyền hình như: VTV1, HTV ở  TP Hồ Chí Minh và cả các Hãng băng đĩa tư nhân nữa. Anh “thú nhận” là bởi thời kỳ này các đài truyền hình và các Hãng phim tư nhân đang “lên ngôi”, nghĩa là có nhiều việc để anh chàng được dịp “học nghiệp”.

Đạo diễn, nhà quay phim rồi Chủ nhiệm phim Đỗ Lệnh Hùng Vỹ cho biết, ông có cơ hội được làm việc với nhiều đạo diễn Điện ảnh nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh như: đạo diễn Châu Huế, đạo diễn Trần Cảnh Đôn, đạo diễn Nguyễn Võ Duy Ngọc và đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Được ở bên các đạo diễn tên tuổi nên Đỗ Lệnh Hũng Vỹ học hỏi được nhiều. Tuy nhiên, với các bậc đàn anh như vậy thì đạo diễn trẻ Đỗ Lệnh Hùng Vỹ “chỉ được” giao làm Chủ nhiệm phim, đôi khi được làm đồng đạo diễn. Lại có lúc trở về nghề cũ là làm Thiết kế mỹ thuật. Phải nói là Đỗ Lệnh Hùng Vỹ tuy tuổi Kỷ Hợi (1959) nhưng đâu chịu “ăn no ngủ kỹ”, ông lăn lộn làm mọi việc, miễn sao được “sống” với điện ảnh.

2-(2).jpg -0
Nghệ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Vỹ cùng đoàn làm phim "Tâm bão".

Thời gian này Đỗ Lệnh Hùng Vỹ đã tham gia làm các phim như: “Dòng sông định mệnh”; “Kẻ di trú”; “Giữa hai bờ thiện ác”; “Đảo ngọt”; “Trái tim không ngủ yên” (Đạo diễn Châu Huế). Và các phim: “Trái đắng”; “Định mệnh” (Đạo diễn Trần Cảnh Đôn). Cũng như các phim: “Cù lao lúa”; “Anh hùng làng Nà Mạ” (Đạo diễn Nguyễn Võ Duy Ngọc). Những phim này Đỗ Lệnh Hùng Vỹ tuy “chức trách” có vẻ khiêm tốn nhưng ông vẫn nhận được Giải thưởng xứng đáng như: Giải Cánh diều vàng năm 2008 cho Kịch bản và đồng đạo diễn cho phim “Đêm trắng”, phim này còn nhận được Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam cùng năm.

Ai nói là làm Tổ chức sản xuất phim không danh giá thì nói chứ với Đỗ Lệnh Hùng Vỹ, vai trò tưởng “chẳng là gì” này lại đem đến cho ông vinh dự. Đó là khi ông làm Tổ chức sản xuất cho phim “Cát đỏ” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Bộ phim đoạt giải Cánh diều vàng năm 2020. Thành công ấy dĩ nhiên có “sự lăn lộn” của Nhà tổ chức sản xuất phim Đỗ Lệnh Hùng Vỹ.

Đỗ Lệnh Hùng Vỹ vẫn rất say sưa với phim tài liệu, mảng ông từng có nhiều năm gắn bó. Nói chuyện với tôi, ông cho biết: “Không nhớ nổi đã làm bao nhiêu phim tài liệu nữa”. Rồi lặng yên chút chút thì ông tâm sự tiếp: “Tôi làm đủ việc theo yêu cầu của Đoàn làm phim, của đạo diễn nên qua đó, tôi học hỏi được rất nhiều về chuyên môn, về làm nghề và về cách thức tổ chức sản xuất một bộ phim. Tôi nhận ra rằng một bộ phim khi đưa vào sản xuất mà khâu tổ chức sản xuất không thông suốt thì bộ phim đó khó đáp ứng kỳ vọng được”.

Nghe Đỗ Lệnh Hùng Vỹ nói vậy tôi mới ớ ra. Thì ra xưa nay mình cứ nghĩ đơn giản là phim hay là phim có đạo diễn giỏi, có diễn viên đẹp. Tôi vội hỏi cắt ngang: “Vậy những vai nhà sư mà họ nói ông hay đóng đó như thế nào?”. Đỗ Lệnh Hùng Vỹ lại nở nụ cười giống y chang “Ông Phật Di Lặc tốt bụng”, ông cho biết: “Khi tham gia làm phim đôi khi có những vai mà đạo diễn thấy tôi có khả năng thì động viên tôi vào vai. Ban đầu cũng ngại lắm vì mình đâu có học diễn xuất, nhưng được động viên nên cũng nhận lời. Đúng là tôi hay được mời đóng vai các nhà sư thật”.

Tâm sự với tôi, Đỗ Lệnh Hùng Vỹ cho biết: “Các vai như đại đức, sư trụ trì hay là bậc tu hành là những vai thể hiện đức tính hiền lành, có đức độ và hay làm điều phước. Những điều này hình như ở trong tôi cũng có nên khi vào vai tôi diễn được mọi người khen ngợi. Đó là điều may mắn cho một diễn viên ông ạ”.

Rồi Đỗ Lệnh Hùng Vỹ kể cho tôi nghe về một số vai diễn “nhà sư” cho tôi biết. Đó là vai Nhà sư trụ trì trong một ngôi chùa miền Nam trong phim “Cát đỏ” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Rồi là vai vị Đại đức chân tu giữa một ngôi chùa tít ngoài đảo xa trong phim “Đảo ngọt” của đạo diễn Châu Huế. Ở vai này, tức vị Đại đức này, đã có những lời khuyên răn với một cô gái vì buồn chán chuyện tình mà bỏ lên chùa. Vị Đại đức từ bi đã lựa lời giúp cô trở lại cuộc sống đời thường như bao cô gái khác.

Nhiều lắm và nhiều lắm. Vai nhà sư có ở phim điện ảnh và có ở phim truyền hình, đó là những vai Đỗ Lệnh Hùng Vỹ rất tâm đắc. Ông cho hay: “Vào vai nhà sư tôi ngộ ra ở đời rất cần có những sẻ chia, những cảm thông và nâng đỡ. Cuộc sống muôn màu nhưng cái tốt, cái thiện cuối cùng sẽ thắng cái ác”.

Nguyễn Trọng
.
.