Đinh Phong: Cơn gió lạ của nghệ thuật Việt

Thứ Sáu, 03/06/2022, 14:47

Xuất hiện khá muộn trong làng hội họa, khi đã thành danh với vai trò là một doanh nhân, nhưng tranh và tượng của Đinh Phong gây ấn tượng bởi một cá tính riêng. Cầm cọ vẽ trong những ngày giãn cách vì COVID-19, anh bị cuốn vào một cơn say dài trong hai năm với hàng trăm bức tranh, tượng và 3 triển lãm cá nhân. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói, "Đinh Phong từ một người không biết vẽ, giờ chỉ biết vẽ".

Anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, rồi vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, trở thành một doanh nhân thành công trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Công việc làm ăn và mưu sinh tưởng như đã cuốn anh đi với những bộn bề của cuộc sống. Nhưng với Đinh Phong, anh vẫn dành cho hội họa một tình yêu đặc biệt. Anh yêu hội họa từ nhỏ, đọc nhiều, tìm hiểu sâu về hội họa Việt Nam và thế giới. Anh bị hấp lực bởi những cuộc chơi sắc màu của Pablo Picasso, của Salvador Dali...

screen shot 2022-06-03 at 14.48.18.jpg -0
Họa sĩ Đinh Phong tại xưởng vẽ của anh.

Anh cũng là người sở hữu những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Trần Hải Minh.... Bộ sưu tập của anh có thể làm thành một bảo tàng cá nhân nhỏ với những tác phẩm anh yêu quý và trân trọng. Đọc, nghiên cứu và có vốn kiến văn đáng nể về hội họa, Đinh Phong chưa bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó anh sẽ cầm cọ để rồi sống chết với nó và coi nó như là cuộc sống của mình. Đó là một ngày tháng 6 năm 2020, những ngày TP Hồ Chí Minh đang bị cách ly bởi COVID- 19. Anh mua toan và màu về vẽ, như một cuộc chơi cho "đỡ buồn". Đến bây giờ Đinh Phong vẫn nhớ cảm giác lần đầu cầm cọ: "Chuẩn bị mọi dụng cụ, mọi thứ đầy đủ ngon lành. Ấy thế mà đứng trước toan trắng, người cứ run bắn lên. Căng thẳng, hồi hộp, tim đập thình thịch, vã mồ hôi". Và từ những nét vẽ đầu tiên, Đinh Phong đã đi theo một giấc mơ dài với hội họa.

Anh nói: "Tôi sống trong không gian toàn tranh, tượng, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vẽ. Nhưng niềm đam mê đọc, nghiên cứu chuyên sâu hội họa khiến tôi luôn suy tưởng và mong muốn được chạm vào bút vẽ, màu, sơn, để tạo ra những tác phẩm của riêng mình. Khi tôi nhìn sâu vào chính mình, tập trung vào thế giới quan bên trong. Tôi càng cảm nhận rõ hơn những ám ảnh và khao khát này". Sau sáu tháng vẽ như lên đồng, người sút 6kg, anh đã có một gia tài và triển lãm cá nhân ở Hà Nội.

"Người bay và những giấc mơ siêu thực 1" đã gây ấn tượng với công chúng Thủ đô và những người làm nghề. Sau cú hích đầu tiên ít nhiều thành công đó, Đinh Phong tiếp tục "Người bay và những giấc mơ siêu thực 2" tại TP Hồ Chí Minh.

"Khi tập trung, tôi quên cả ăn, cứ như thế, hội họa như chất kích thích, dẫn dắt tâm trí tôi đi từ lúc chạm cọ cho đến khi bức tranh dần hình thành. Nhiều tháng nay tôi vẽ, tôi làm điêu khắc trong niềm đam mê và say sưa triền miên. Tất cả những điều đã được nghe, được học từ những nghệ sĩ đàn anh. Hay nghiên cứu lưu trữ trong tiềm thức, giúp tôi hiểu rõ về phong cách hội họa mà mình theo đuổi, rồi thể hiện bằng phương pháp mới". Một năm sau, anh trình làng triển lãm thứ 3, cùng với nhà điêu khắc Đào Hải Châu tại Hà Nội.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá: "Đinh Phong đã tự biến cái ý chí, ý thích, cái giấc mơ muộn màng được "sống chết với/vì nghệ thuật thành sinh hoạt hàng ngày của một họa sĩ chuyên nghiệp. Từ không biết vẽ thành "chỉ biết vẽ". Có thể quá sớm, quá yêu để nói về một phong cách hay vài thủ pháp của cá nhân tác giả, nhưng sự hấp dẫn của một chất giọng lạ, sức thuyết phục của một năng lực quán xuyến ngôn ngữ, khối và màu, nét miếng và tiết tấu vẫn còn tươi như khởi xuân đầu tiên".

screen shot 2022-06-03 at 14.48.23.jpg -0
screen shot 2022-06-03 at 14.48.29.jpg -1
Một số tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Đinh Phong.

Còn họa sĩ, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn viết: "Tranh Đinh Phong với tôi đó là chuỗi mắt xích thời gian vào nhau, một không gian quy ước tạo những ám ảnh, những bí mật bay đi xuyên qua màn đêm, có thể giấc mộng luôn có mặt, luôn hiện hữu. Màu sắc đề tài cốt nhất chủ đích vẽ chỉ để thỏa mãn ước nguyện. Đó là ảnh hình đôi lúc chúng ta đã thấy quay cuồng cõi tâm linh, bây giờ dưới cọ họa sĩ lại chỉ như một phác thảo nét giải mã. Tôi nghĩ rất khó diễn giải chúng. Nhưng với tên từng tác phẩm như: "Phật hóa", "Cái cờ và lũ quái ngây thơ có đuôi", "Không tên", "Chuyển", "Đột ngột", "Vỉa", "Tĩnh tụ"… thì Đinh Phong càng cho thấy nghệ thuật là không có ranh giới".

Nhà nghiên cứu Phạm Long "giải mã" Đinh Phong: "Bí quyết nào tạo nên thành công bước đầu của "hiện tượng Đinh Phong? Theo tôi, trước hết là nhờ ông đã sáng tạo bằng "sự thôi thúc bên trong" hay nói như Kandinsky, ông đã muốn hiện thực hóa những giấc mơ của bản thân chỉ bởi "nhu cầu thiết yếu nội tâm" chứ không vì bất cứ lý do nào khác. Vì thế, các tác phẩm của ông toát lên sự ung dung, tự tại và chân thành. Ngoài ra, phải chăng, nhờ luyện môn phái võ Vĩnh Xuân nhiều năm nên ông đã tới ngưỡng có thể vận dụng nội công và linh giác vào quá trình thực hiện hành nghệ thuật thị giác để biến những thứ trừu tượng trong mơ thành hiện hữu khả tri - dù vẫn phi khách thể".

Còn với Đinh Phong, vẽ với anh lúc này là một niềm hạnh phúc, nơi anh được chìm đắm trong thế giới của mình, của những đau khổ, niềm vui. Trạng thái khi anh vẽ giống như Thiền, thanh sạch và thế giới bỗng chốc rộng mở đến những biên độ khác. Anh thấy bầu trời xanh ngát, rộng mở và tự do. Một thế giới khác đang rộng mở trong tâm tưởng anh. Lúc đó, anh quên hết mọi thứ, không biết ngày/đêm, không quan tâm đến ăn uống. Vì thế, ngắm tranh của Đinh Phong, chúng ta cảm nhận được sự dữ dội trong bút lực của anh. Anh quan niệm: "Vẽ là âm u trong cõi điếc/Vẽ là tuyệt vọng lộ trình câm/Vẽ là ám ảnh là đam mê ghê rợn/Vẽ là hạnh phúc ngập tràn chứa chan/Vẽ là dằn vặt đầy đau khổ/ Vẽ là đường dài cõi cốc u minh...". Những câu thơ anh viết cũng được coi là "tuyên ngôn" nghệ thuật của anh.

Nhiều người bảo Đinh Phong là một "ca lạ" của hội họa Việt Nam, là ca "đột biến", "trời cho". Nhưng với Đinh Phong đó là một quá trình tích lũy và đam mê, chứ không phải tự dưng mà có. "Tôi không nghĩ được mọi người đón nhận và yêu thương như thế và tôi hạnh phúc được dấn thân trên con đường khổ ải này", anh chia sẻ.

Những bức tranh anh đề "Không tên", bởi anh không muốn hướng người xem vào một chủ đề nào đó, anh muốn để mọi người tự do suy tưởng. Đó là những giấc mơ. Siêu thực không có nghĩa là anh vẽ theo trường phái siêu thực mà "tôi vẽ cái thực hơn là sự thực. Đó là những hình ảnh tôi nhìn thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức. Giấc mơ của tôi là có thật. Tôi nhìn thấy nó rõ ràng và tôi chỉ thể hiện được một phần trên toan mà thôi. Những giấc mơ dữ dội, mãnh liệt về đời sống", anh nói.

Đinh Phong cảm nhận niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau của một người làm nghệ thuật. Đó là những đau khổ, dằn vặt từ bên trong, những giằng xé nội tâm trước những giấc mơ, những suy tưởng về cuộc sống. Tôi hỏi đùa, nếu được chọn, anh thích làm doanh nhân hay nghệ sĩ hơn. Đinh Phong cười: "Vẽ là một công việc vô cùng tự do và hạnh phúc nhưng cũng đau khổ hơn, hao tổn tinh thần nhiều hơn". Thế giới của anh bây giờ chỉ có vẽ và làm điêu khắc.

Đinh Phong nói, xong mỗi cuộc triển lãm, với anh là những trăn trở mới. Nhiều người khuyên anh nên chậm lại, tiết giảm hơn, nhưng tiết giảm làm sao, chậm lại làm sao khi nội tâm anh thôi thúc dữ dội, khi anh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến vẽ. Và cũng vì mê đắm với "người tình" nghệ thuât, anh đã xây dựng một không gian nghệ thuật ở Mỹ Tho - Đinh Phong Art space, nơi có một bảo tàng tranh nho nhỏ để trưng bày tượng và tranh, nơi gặp gỡ của những công chúng, bạn bè yêu nghệ thuật, nơi anh có thể tổ chức những workshop mời anh em, bạn bè về sáng tác. Còn gì hạnh phúc hơn, khi người cầm cọ được vẽ những thứ mình muốn mà không vướng bận bởi cơm áo gạo tiền. Có vẻ như Đinh Phong sẽ đi đường dài, nghiêm túc với cuộc chơi của mình, của một người chuyên nghiệp và đam mê. Hy vọng, như nhà nghiên cứu Phạm Long viết rằng: "Anh không chỉ là "cơn gió lạ" nhất thời mà sẽ là làn gió mát lành, bền lâu trong bầu khí quyển của nghệ thuật Việt".

V.Hà
.
.