Điêu khắc trên cát “kén” nghệ nhân Việt

Thứ Năm, 24/03/2022, 20:11

Thuở bé thơ, mỗi lần được dắt ra biển, chắc ai cũng từng nghịch cát, nặn cho mình tòa lâu đài. Từ trò chơi con trẻ, một loại hình nghệ thuật độc đáo ra đời: điêu khắc trên cát. Điêu khắc trên cát khá phổ biến ở những bờ biển nổi tiếng thế giới, nhưng ở Việt Nam nó vẫn là loại hình nghệ thuật quá mới mẻ.

Điêu khắc trên cát là loại hình nghệ thuật đòi hỏi nhiều kỹ thuật sáng tạo, sự kiên nhẫn và đam mê. Bắt nguồn từ trò chơi thiếu nhi nhưng khi được đẩy lên thành bộ môn nghệ thuật, nó được các nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết để tạo nên tác phẩm vô cùng cầu kỳ, hoành tráng. Nội dung của nghệ thuật điêu khắc trên cát thường gần gũi, quen thuộc với con người như cái nôi mà nó ra đời. Đề tài thường rất đơn giản, dễ hiểu, không hề đánh đố người xem. Từ trẻ con đến người già, ai cũng có thể trở thành công chúng của nghệ thuật điêu khắc cát.

Điêu khắc trên cát “kén” nghệ nhân Việt -0

Các nghệ nhân quốc tế thực hiện tác phẩm trên cát ở Phan Thiết.

Cát được nén với nước, hoàn toàn không dùng bất cứ chất kết dính nào. Sau một thời gian, khối cát nén chặt sẽ khô dần và khá chắc. Tượng làm xong sẽ được xịt keo lên để giữ bề mặt và các tiểu tiết nhỏ được lâu hơn. Keo không thể thấm vào tầng sâu của tượng cát. Ưu điểm nổi bật của điêu khắc cát là người nghệ sĩ có thể phá bỏ tượng, nén lại cát rồi điêu khắc tác phẩm được thêm nhiều lần nữa. Đây cũng chính là nhược điểm của loại hình này. Tác động ngoại lực mạnh dễ làm hỏng tác phẩm.

Nếu tượng cát dễ bị phá bỏ như vậy thì tại sao lại phải kì công điêu khắc đến thế? Nghệ nhân Leonardo Ugolini (người Ý) lý giải: “Kí ức đối với bức tượng cát tôi tạo ra cho mọi người chiêm ngưỡng đôi khi còn đẹp hơn sự tồn tại của nó trước mắt”. Đồng quan điểm, nữ điêu khắc gia Agnese Rudzite Kirillova (nhà vô địch ba năm liên tiếp của “Lễ hội Điêu khắc tượng cát thế giới” 2013, 2014, 2015) chia sẻ: “Tôi cũng như các nghệ nhân khác đều hiểu rằng đây là môn nghệ thuật hữu hạn. Vậy nên, tôi không cảm thấy buồn khi tác phẩm của mình bị thời gian phá hủy. Tôi sống với đam mê, tận hưởng niềm vui trong thời gian tôi điêu khắc. Bức tượng này mất đi là lúc bắt tay sáng tạo bức tượng khác với niềm vui khác. Tuổi thọ của một tác phẩm tượng cát tuy ngắn ngủi, nhưng giá trị ký ức trong khách tham quan sẽ là mãi mãi”.

Điêu khắc trên cát được giới thiệu ở Việt Nam chủ yếu do công của những nghệ nhân ngoại quốc mà trước tiên phải kể đến hai nghệ nhân Leonardo Ugolini (người Ý) và Enguerrand David (người Bỉ). Năm 2016, họ thực hiện hai cụm tác phẩm “King Kong truyện” để giới thiệu nghệ thuật điêu khắc cát mới mẻ với công chúng Việt. Đây là hai bậc thầy về điêu khắc tượng cát, từng đoạt giải nhất cặp đôi chuyên nghiệp trong Lễ hội tượng cát Siesta Crystal Classic 2015 tại Mỹ. Ngày nào, khu vực các nghệ nhân điêu khắc tượng cũng vây kín người. Bọn trẻ rất thích thú và háo hức chờ đợi nhân vật nào sẽ xuất hiện tiếp theo. Chiều chiều đi học về là tụi nhóc kéo nhau ra biển coi hai chú người Tây nghịch cát làm thành con đười ươi to đùng, khu rừng cát với con khủng long cực ngầu…

Để kích thích trí tò mò khám phá của bọn trẻ, nghệ nhân Enguerrand David nghĩ ra sáng kiến. Ông đục một cái lỗ nhỏ sau lưng King Kong, bên trong có một cánh cửa nhỏ xíu cũng được làm khéo léo bằng cát. Bọn trẻ sau nhiều ngày ngắm nghía cũng phát hiện ra cái bí mật “động trời” ấy rồi mách nhỏ với nhau một cách thích thú. Lần khác, tới lượt nghệ nhân Leonardo Ugolini cạo cát làm mất con khủng long to bên cạnh King Kong khiến tụi trẻ hụt hẫng tiu nghỉu về nhà vì không còn khủng long nữa. Hôm sau, khi quay trở lại, bọn trẻ được phen làm thám tử. Sau một hồi tìm kiếm, bọn trẻ sung sướng chỉ cho nhau khi thấy chú khủng long mới bị hóa nhỏ đang nhe răng hung tợn giữa khu rừng cát sâu thẳm gần đó. Hóa ra, chiều hôm ấy nghệ nhân nán lại lâu hơn để làm cho xong chú khủng long nhỏ hơn này. Khi được hỏi tại sao phải tốn công điêu khắc lại chú khủng long này như thế, ông cười vui vẻ: “Tôi muốn bọn trẻ con khó kiếm thấy chú khủng long hơn. Chú khủng long đầu tiên dễ phát hiện ra quá!”. 

Điêu khắc trên cát “kén” nghệ nhân Việt -0
Tác phẩm điêu khắc tái hiện truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” cũng do các nghệ sĩ quốc tế đảm nhiệm.

Hiện nước ta chỉ có “Forgotten Land” (Phan Thiết, Bình Thuận) là nơi duy nhất để công chúng thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đây là công viên tượng cát đầu tiên ở Việt Nam. Các bức tượng tại đây do 14 nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm đến từ các nước như Mỹ, Canada, Brazil, Bỉ, Ý, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Nga, Nhật, Singapore… sáng tạo. Người có thế mạnh về điêu khắc chân dung, người chuyên về con vật, người giỏi về trang phục, kiến trúc… Mỗi nghệ nhân của mỗi quốc gia lại mang đến một sắc thái văn hóa, phong cách điêu khắc khác nhau làm nên diện mạo phong phú cho công viên.

Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, 11 cụm tác phẩm trải dài trên bờ biển Mũi Né, Phan Thiết tái hiện thế giới thần tiên. Nào là cô bé Lọ Lem, nào là chú mèo đi hia, cô bé quàng khăn đỏ, cậu bé người gỗ… Nào là các con vật trong truyện ngụ ngôn răn dạy người đời. Điểm nhấn đặc biệt cho công viên mà ekip thực hiện phải bỏ nhiều công sức nhất chính là cụm tượng tái dựng câu chuyện cổ đã thất truyền ở châu Phi. Để nghiên cứu cốt truyện kỹ lưỡng, ekip phải lặn lội lục tìm trong các thư viện Pháp.

Ngoài cổ tích thế giới, các câu chuyện cổ Việt Nam như: “Cóc kiện trời”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh, “Sự tích thạch sùng”, “Con Rồng cháu Tiên”… là mang hơi thở, bản sắc dân tộc. Điều đáng ngạc nhiên là thực hiện cụm tượng Việt cũng do các nghệ nhân nước ngoài đảm nhận. Bà Lê Kim Anh, Giám đốc nghệ thuật Công ty Nghệ thuật Cát Việt - đơn vị thực hiện, giải thích: “Loại hình nghệ thuật điêu khắc tượng cát có xuất xứ từ nước Mỹ này tuy đã rất thịnh hành ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng nó vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Đơn vị tổ chức vẫn đang đợi chờ và tìm kiếm những nghệ nhân điêu khắc tượng cát tiềm năng của Việt Nam xuất hiện trong tương lai không xa để giới thiệu đến khách tham quan. Vì là người nước ngoài nên để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và giữ được hồn Việt, trước khi thực hiện, các nghệ nhân nước ngoài phải dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ nội dung truyện cổ Việt Nam. Thậm chí, họ còn nhờ bạn bè Việt Nam giải thích cặn kẽ về trang phục, về giống loài cóc, thạch sùng ở đây khác như thế nào so với các vùng trên thế giới”. 

Cũng đáng buồn thay khi Lễ hội Điêu khắc tượng cát thế giới diễn ra lần đầu ở Việt Nam cách đây vài năm không hề có một nghệ nhân người Việt nào. Phải thừa nhận rằng giới điêu khắc Việt Nam vẫn chưa nhiều người gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Chỉ một vài người tập tành sáng tác cho vui chứ không trở thành nghệ nhân chuyên nghiệp. Lâu nay, không gian dành cho điêu khắc trên cát gần như không có dù nước ta có vô số bờ biển đẹp và thu hút du khách. Ngoài Forgotten Land, thì trước đó chưa hề có một đơn vị nào tạo sân chơi và không gian cho điêu khắc trên cát. Bên cạnh đó, đặc thù tác phẩm của loại hình này đòi hỏi sự kỳ công nhưng lại rất dễ hỏng do tác động thời tiết lẫn sự vô ý của người thưởng lãm nên việc tạo một không gian đúng nghĩa để sáng tác và trưng bày là yếu tố quyết định đầu tiên.

Nhắc về ngành điêu khắc Việt Nam, giới chuyên môn thường hay thở dài cám cảnh. Bởi ngay như các trường phái điêu khắc chính thống vẫn tìm cách tồn tại chật vật khi trình độ thưởng lãm của dân chúng chưa cao. Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho biết  giới điêu khắc Việt Nam vẫn chưa thể sống được với những đứa con tinh thần đậm tính “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Các tác phẩm của họ gần như chưa có một thị trường đúng nghĩa để có thể phát triển. Anh tiết lộ để mưu sinh và có nguồn kinh phí “chơi” nghệ thuật, hầu hết các tác giả đều làm nghề tay trái hoặc những công việc mang tính công năng, thời vụ.

Theo giới chuyên môn, việc phát triển nghệ thuật điêu khắc trên cát trong cộng đồng nghệ nhân Việt là điều rất đáng lưu tâm. Bởi không ai am hiểu và truyền đạt văn hóa Việt hiệu quả hơn chính bản thân mình. Nhất là khi nước ta có rất nhiều bờ biển đẹp để sáng tác và trưng bày tác phẩm. Nó không chỉ góp phần cho nghệ sĩ thỏa mãn đam mê mà còn tạo điểm nhấn du lịch, qua đó quảng bá và tôn vinh văn hóa Việt Nam với du khách năm châu.

Phan Thi Uyên
.
.