Điêu khắc ngoài trời: Phố thiếu, xưởng thừa
Tác phẩm điêu khắc không chỉ đơn thuần điểm tô, trang trí cho không gian đô thị mà còn góp phần nâng tầm mỹ quan nghệ thuật cho đô thị đó. Thế nhưng ở TP Hồ Chí Minh, số tác phẩm điêu khắc ngoài trời hiện diện rất khiêm tốn, trong khi hàng loạt tác phẩm xuất sắc của các trại sáng tác lại bị bỏ mặc chỏng chơ.
Nhận định về ngành điêu khắc của Thành phố, các nhà nghiên cứu thừa nhận điêu khắc TP Hồ Chí Minh ngày càng tiệm cận với thế giới về loại hình, xu hướng sáng tác. Số nhà điêu khắc có điều kiện sáng tác ngày càng đông và kinh phí đầu tư của Thành phố cho mỗi tác phẩm điêu khắc ngoài trời ngày càng lớn, nhất là lĩnh vực tượng đài.
Họa sĩ Siêu Quý đánh giá: “Trong 10 năm gần đây, tôi nhận thấy rõ nhiều tác phẩm điêu khắc có xu hướng trưng bày ở không gian ngoài trời, quy mô kích thước lớn, chất liệu bền vững, đa sắc đa diện, ngôn ngữ tạo hình đương đại”.
Các trại sáng tác điêu khắc có quy mô trong nước lẫn quốc tế cũng liên tục mở ra thu hút nhiều tài năng. Theo thống kê, từ năm 1997 đến nay, Việt Nam đã tổ chức trên 30 trại điêu khắc. Con số này chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả Rập. Triển lãm điêu khắc tuy có số lượng khiêm tốn hơn các triển lãm mỹ thuật thông thường nhưng đã xuất hiện nhiều tác phẩm giá trị, phù hợp với không gian công cộng. Tuy nhiên sản phẩm của các trại sáng tác hay triển lãm được xếp giải, giới thiệu xong rồi thì bỏ xó hoặc vứt lăn lóc trong xưởng vì không có nơi trưng bày.
Nhà điêu khắc Lê Lang Biên cho biết, số tác phẩm của Trại Điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015 vẫn chưa có điểm đặt, đành để nằm phơi nắng phơi mưa ở Công viên Lịch sử Văn hóa – Dân tộc, TP Thủ Đức. Nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc quốc tế bị bỏ mặc đến nỗi hư hỏng nặng, gây bức xúc cho giới yêu mỹ thuật lẫn dư luận trong nhiều năm qua. Trong khi số tác phẩm này đều dự kiến sẽ lắp đặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, trục đường Võ Văn Kiệt, hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...
Riêng số tác phẩm của Trại Điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2005 thì bị dồn vào một góc công viên Tao Đàn, sắp đặt tùy tiện như cửa hàng bán tượng. Một số tượng đã hư hại, gãy đổ nhưng không được chỉnh sửa, phục hồi. Chẳng hạn tác phẩm “Hình khối 2005” của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn bị cành cây làm gãy phần đầu tượng hay tác phẩm “Quê hương” của tác giả Nguyễn Xuân Tiên bị người dân lấy trộm mất cây sáo.
Tại Hội thảo “Điêu khắc với sự phát triển của không gian đô thị” do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các nhà nghiên cứu, điêu khắc gia, kiến trúc sư đều bày tỏ lo lắng trước thực trạng bất cập của mỹ quan đô thị thành phố.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, các tác phẩm điêu khắc trong không gian đô thị thường là những nét văn hóa hấp dẫn nhất, tạo điểm nhìn, gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên đối với du khách khi ghé thăm thành phố. Chiêm ngưỡng tác phẩm, người ta còn có thể đánh giá được trình độ dân trí, trình độ phát triển và văn minh của đô thị đó. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của khu vực Nam bộ và cả nước nên yêu cầu cần có không gian mỹ thuật đô thị đúng chuẩn, hiện đại là công việc bức bách cần làm ngay. Bởi thực tế, thành phố còn rất nhiều không gian công cộng “khát” tác phẩm điêu khắc vừa mang tính chất trang trí vừa mang nét thẩm mỹ có tính nhân văn, văn hóa. Hiện nay, chỉ một số công trình tượng đài cũ và mới được đặt ở các vòng xoay nút giao thông, một vài công viên có tượng mang tính chất mỹ nghệ - tức tượng được thực hiện bởi nghệ nhân chứ không phải bởi các nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Đã vậy, tượng lại dựng ở không gian không phù hợp, thiếu phông cảnh hay bị trơ trọi giữa ngã tư, ngã sáu với vô vàn cờ xí, bảng hiệu... giăng kín mít.
Kiến trúc sư Võ Xuân Trung cho rằng, vấn đề quy hoạch các khu đô thị cũ và mới hiện nay không gian dành cho điêu khắc ngoài trời chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ngoài trời mất cân đối, chỗ thừa, chỗ thiếu. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, theo thống kê, thành phố đang có 50 công trình tượng, tượng đài gồm 10 tượng đài trước năm 1975 và 40 tượng đài mới. Trong đó, có 76% tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, danh nhân, các sự kiện lịch sử cách mạng, còn lại là các tượng đài về các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử các triều đại phong kiến, tôn giáo và biểu tượng. Rõ ràng, hệ thống điêu khắc mang tính biểu tượng, tượng trang trí tại các công viên, góc phố, các trung tâm thương mại, khu công nghiệp hoàn toàn bị lép vế. Có rất ít công trình điêu khắc được đặt ở quảng trường, vườn hoa công cộng ở trung tâm thành phố để làm điểm nhấn biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ đô thị. Ngay như phố đi bộ Nguyễn Huệ rất rộng rãi, số tượng hiện diện đếm chưa quá đầu ngón tay. Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng một tác phẩm điêu khắc nào.
Giữa nhu cầu rất lớn và nguồn cung dồi dào, lẽ ra ngành điêu khắc đã có cái bắt tay chặt chẽ với không gian đô thị. Nhưng hiện tại, thành phố vẫn thiếu vắng công trình điêu khắc xứng tầm ở nơi công cộng còn tượng thì cứ bị bỏ mặc lăn lóc trong xưởng hoặc bên vệ đường. Việc hóa giải các vướng mắc là bài toán khiến người trong giới đau đầu nhiều năm nay.
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên cho rằng: “Nguyên nhân cốt lõi nhất đó là chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, thiếu quy hoạch tổng thể của đô thị, làm việc một cách chộp giật, chắp vá. Trong quan niệm xã hội nói chung và các nhà quản lý nói riêng vẫn thường coi trọng kiến trúc và coi nhẹ mỹ thuật, trong đó có điêu khắc. Họ chỉ coi điêu khắc là một bộ phận của kiến trúc”. Chính vì thế mới xảy ra quy trình ngược: tượng tạc xong rồi mới loay hoay tìm chỗ đặt. Thành ra tác phẩm bị đặt tùy tiện theo kiểu “điền vào chỗ trống” ở những vị trí không ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh, thậm chí làm cho cảnh quan thêm rối rắm, chắp vá.
Không gian bao quanh của tác phẩm điêu khắc với những yếu tố tối ưu về ánh sáng, chiều kích, cảnh quan... chiếm đến 50% giá trị nghệ thuật và là khâu cuối cùng quyết định sự thành công của tác phẩm. Do đó, để điêu khắc ngoài trời tại các đô thị hiệu quả, khởi sắc trong thời gian tới cần sự kết hợp hài hòa giữa điêu khắc - quy hoạch - kiến trúc.
Kiến trúc sư Võ Xuân Trung cho rằng khi các đơn vị tư vấn thực hiện công tác quy hoạch đô thị cần kết hợp đưa vào ngay quy hoạch tổng thể hệ thống các công trình điêu khắc trang trí ngoài trời. Để đảm bảo chuyên môn, quá trình này cần có thêm sự tham gia của các nhà điêu khắc uy tín, nhà lý luận phê bình mỹ thuật để góp ý ngay từ đầu về không gian dành cho điêu khắc, các chỉ tiêu về quy mô, thậm chí cả chất liệu. Ở các khu vực cần thiết phải có điểm nhấn bằng tác phẩm điêu khắc ngoài trời, tránh tình trạng điêu khắc và trang trí ngoài trời luôn chạy theo sau sự phát triển không gian đô thị. Điều này muốn thực hiện được thì phải có những quy định cụ thể mang tính pháp lý của nhà nước.
Bên cạnh đó, người dân cần được nâng cao nhận thức thẩm mỹ để có thể thưởng thức trọn vẹn và chung tay giữ gìn, giới thiệu tác phẩm đến du khách bốn phương. Về phần các nhà điêu khắc, có ý kiến cho rằng chính bản thân họ cũng phải chủ động để “đứa con tinh thần” của mình có đầu ra. Thay vì bó mình trong bốn bức tường và tung tẩy sáng tác, họ nên đi thực tế thường xuyên, khảo sát các không gian thiếu vắng tượng đài, tham khảo về định hướng quy hoạch không gian trong tương lai để cho ra đời những tác phẩm điêu khắc vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa phù hợp với cảnh quan.
“Riêng với trại điêu khắc, các địa phương tổ chức trại nên có phương án quy hoạch nơi trưng bày cho tác phẩm trước khi tổ chức trại. Có như vậy tác phẩm mới có chỗ đứng phù hợp, phát huy được giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm trong không gian đô thị, tránh lãng phí công sức và tâm huyết của người sáng tạo” - nhà điêu khắc Lê Lang Biên đề xuất.