Diệu Thuần - cô gái của Nắng
Còn nhớ, cách đây 3 năm, tôi gặp Diệu Thuần trên giường bệnh, khi đó cô yếu ớt chống chọi với sự sống từng ngày. Thuần đang chờ đợi ca ghép tủy để hy vọng có thể kéo dài sự sống. Lúc đó, Thuần buồn lắm. Nhưng ngay cả khi tuyệt vọng nhất thì cô cũng chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống. Giữa những cơn đau, giữa những ngày chống chọi với bệnh tật, Thuần vẫn viết sách, làm thơ và chơi ghita. Hồi đó, Thuần viết "Như hoa hướng dương", một cuốn nhật ký ghi lại suy nghĩ, cảm xúc của những tháng ngày trên giường bệnh, nhưng khi phát hành đã nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người.
Còn bây giờ, ngồi bên cạnh tôi, một cô bé nhỏ nhắn, thông minh và đáng yêu như bệnh tật chưa bao giờ ghé qua, như nỗi đau đớn và những tháng ngày khắc nghiệt chưa từng đi qua cuộc đời mình. Thuần không nói với tôi về nỗi buồn. Câu chuyện của cô là hành trình tiếp tục của sự sống. Ca ghép tủy của Diệu Thuần đã thành công. Sự sống, niềm tin và nụ cười đã được trả lại trên gương mặt cô bé đáng yêu này. Thuần luôn có cảm giác mang ơn cuộc sống, nếu không có bạn bè, những người đồng hành cùng cô trong hành trình 10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, có lẽ Thuần sẽ không có nụ cười hôm nay.
Ngày 20 tháng 12 này, Diệu Thuần sẽ ra mắt cuốn sách "Muôn ánh mặt trời", kể về hành trình điều trị căn bệnh ung thư máu của cô. Thuần viết, với một mong muốn giản dị, những người bệnh như cô sẽ đọc và hiểu hơn về bệnh của mình để có thêm nghị lực chiến đấu. Những cuốn sách do Thuần tự in dành một phần tặng chính những bệnh nhân ung thư. Viết như một sự sẻ chia, tri ân với cuộc đời đã dành lại cho Thuần sự sống.
Một cuốn tự truyện xúc động, giản dị. Ở đó là những câu chuyện về hành trình tìm lại sự sống của Thuần. Có những lúc tưởng như tuyệt vọng, khi cơ thể gầy héo, tóc rụng hết, mặt đen nhẻm. Nhưng cô gái ấy, ngay cả những lúc cùng cực nhất của số phận, vẫn chưa bao giờ ngừng tin phía trước luôn có ánh sáng.
Cuốn tự truyện mở đầu bằng những dòng: "Nhiều khi mơ mộng, tôi tưởng tượng mình như một đóa hoa hướng dương yếu ớt, còn các chiến hữu là muôn ánh mặt trời rực rỡ. Họ không thôi chăm sóc, yêu thương để tôi được sống khỏe mạnh. Có lúc tôi cũng loay hoay học làm tia nắng, dù còn nhỏ nhoi và yếu ớt lắm nhưng hạnh phúc thật sự ngọt ngào. Cảm giác lúc được cho đi đúng là sự kỳ diệu, như được uống một cốc nước có dư vị mát lành vậy. Và đây, cuốn sách nhỏ bé này là những suy tư của tôi trong thời gian điều trị ghép tủy. Có cả niềm hy vọng lẫn lo lắng, cả giây phút đau đớn lẫn khoảnh khắc hạnh phúc khi hồi phục.
Tôi biết mình không phải là người bệnh nặng nhất, càng không phải là người nỗ lực nhất. Tôi cũng như hầu hết các bệnh nhân ung thư khác, không còn cách lựa chọn nào hơn là phải cố gắng. Tôi hiểu rằng ai sống trên đời cũng có những khó khăn và mỗi người đều có cách nỗ lực của riêng mình. Tôi cũng vậy, nhưng để sống chạm được đến ngày hôm nay phần lớn là nhờ sự yêu thương của rất nhiều người. Đó là những người mà tôi xem như muôn ánh mặt trời tươi đẹp nhất".
18 tuổi, chúng ta sẽ đối diện với nỗi đau như thế nào? 18 tuổi, tôi không hình dung nổi những mảng tối phía sau sự lạc quan cô kể cho mọi người nghe. Nhưng tôi hiểu, Thuần đã sống bằng nghị lực sống của cả một đời người. Được sinh ra và đấu tranh với nỗi đau, cô không chọn, không ai trong chúng ta chọn.
Diệu Thuần sinh ra trong một gia đình công chức ở Nghệ An. Cô bước chân vào giảng đường đại học với rất nhiều ước mơ và mộng tưởng. Thế nhưng, căn bệnh ung thư máu đã làm Thuần ngã quỵ ngay từ năm đầu tiên của cuộc đời sinh viên. Thuần phải bảo lưu kết quả học để bắt đầu hành trình chữa trị. Người gầy rộc đi. Cơ thể gần như suy kiệt. Sau một năm chạy chữa, Thuần quyết định trở lại giảng đường, vừa học, vừa điều trị. Hai năm đầu, tâm trạng mệt mỏi, chán chường, Thuần không chú tâm vào kết quả học mà chỉ mong cho qua. Bởi lúc đó, chính Thuần cũng không tin mình sẽ sống. Hai năm chìm trong buồn bã và cô độc. Cho đến lúc, nhìn kết quả học tập, cô giật mình. Từ đó, cô nỗ lực học, vật vã qua những cơn đau để hoàn thành 4 năm đại học với tấm bằng khá.
Thông thường, người bị bệnh ung thư máu chỉ kéo dài sự sống được 6, 7 năm. Thuần cũng đã chứng kiến rất nhiều cuộc ra đi đẫm nước mắt khi những giấc mơ vẫn còn dang dở. Có những lúc gần như tuyệt vọng, vì Thuần suy kiệt về sức khỏe và tinh thần. Nhưng "Cuộc sống ngoài kia thật tươi đẹp và tôi luôn muốn nhìn thấy nó". Ý nghĩ đó đã giúp cô dũng cảm đứng lên, chống chọi lại với "lão già số phận" khắc nghiệt của mình. Và Thuần đã thực sự đứng lên, khi ca ghép tủy của cô thành công.
Bìa cuốn "Muôn ánh mặt trời". |
Đó là những tháng ngày dài bằng thế kỷ với một cô gái giàu bạn bè, nhiều khát vọng sống như Thuần: "Với tôi, thời gian nằm ở phòng cách ly giống như bị mắc kẹt trong một thế giới vắng lặng, buồn tẻ mà mỗi ngày trôi qua thật chậm, rất chậm. Tôi mong chờ từng phút từng giây để được ra khỏi đó nhưng lại cũng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến việc mọi người nhìn thấy mình với bộ dạng như lúc này - một cô gái sắp tròn hai mươi lăm tuổi mà chỉ với ba mươi tư cân, da sạm đen như bị hun cháy, đầu không tóc trong khi lông lá mọc khắp mặt mũi "như gấu". Thôi thì, nếu đã khiến người khác cười vui, mà lại là một bệnh nhân ghép, thì xem ra vẻ xấu xí của tôi không đến nỗi vô ích và đáng buồn cho lắm...".
Những cảm xúc của Thuần đó, chân thực và giản dị. Ở đó có nỗi đau, có những hoang mang, lo lắng. Ở đó có cả những ký ức đẹp về tuổi thơ, về những giấc mơ đã nuôi dưỡng tâm hồn cô gái xứ Nghệ, để rồi, khi đứng trước những khắc nghiệt của số phận, cô đã dũng cảm đối diện và vượt qua nó. Nhưng ở đó, không gọi tên niềm tuyệt vọng. Trong tâm hồn cô bé ấy luôn mang tinh thần sống lạc quan, yêu thương cuộc đời này.
Sau khi ghép tủy, là những cơn sốt, là những đau đớn, phải mất một thời gian dài sức khỏe Thuần mới bình phục dần. Nhưng cùng với đó là sự suy kiệt về kinh tế của gia đình. Hơn ai hết, Thuần thấm hiểu điều đó, sự hy sinh của bố, mẹ, của anh trai. "Điều vui sướng nhất của tôi khi được trở về nhà có lẽ là được nhìn thấy bố bình an. Sau lần đưa tôi vào nhập viện cho đợt điều trị đầu tiên vào năm 2005 thì bố không trở lại đó thêm lần nào nữa. Bố đã quá nhiều tuổi và già yếu. Thay vào đó là mẹ, lúc nào mẹ cũng ở bên tôi mỗi đợt điều trị.
Tôi không thể yên lòng khi nhìn dáng bố già yếu, liêu xiêu nhòa trong nỗi buồn thảm và ám ảnh nơi bệnh viện. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là mẹ phải chịu vất vả nhiều hơn. Mẹ thậm chí đã phải xin nghỉ hưu sớm để có nhiều thời gian hơn theo tôi đi viện. Anh Long cũng từng vì tôi mà bỏ dở nhiều dự định tuổi trẻ tốt đẹp của mình. Tôi luôn cảm ơn số phận đã cho tôi được làm con của cậu mẹ, được làm em gái của anh. Bởi nếu như không phải là họ nuôi dưỡng và bên cạnh yêu thương tôi thì biết đâu được, tôi chẳng thể có nhiều may mắn như ngày hôm nay".
Giờ Diệu Thuần làm biên kịch cho công ty Sunrise, viết kịch bản cho chương trình Cuộc sống tươi đẹp. Thuần đang tận hưởng niềm vui giản dị của cuộc sống, có công việc yêu thích để làm, có một gia đình để yêu thương và bạn bè luôn sẵn sàng lắng nghe mọi điều cô muốn chia sẻ. "Đó đúng là món quà ngọt ngào nhất của thời gian và lão già số phận quái tính, sau biết bao thử thách và trò đùa dai dẳng của lão".
Món quà bất ngờ của số phận
Ta thèm làm cánh chim kia
Dang rộng niềm đau co quắp
Ôi vẫn là ta đơn độc!
Kiêu bạc giữa đời mênh mông.
Ta thèm làm gió chiều đông
Rủ rê lòng người lạnh giá
Ôi vẫn là ta đơn độc!
Lững thững giữa đời mênh mông
Ta thèm làm sóng trên sông
Lênh đênh khát khao bờ bãi
Ôi vẫn là ta đơn độc!
Ì oạp giữa đời mênh mông.
Ta thèm là ta… còn không?
Ngác ngơ niềm tin bỏ ngỏ
Thì vẫn là ta đơn độc!
Lặng lẽ giữa đời mênh mông.