Diễn viên hài Phương Nam: Với hài độc thoại, tôi mới là chính mình
Là gương mặt nổi bật nhất của nhóm Sài Gòn Tếu, mỗi lần xuất hiện, Phương Nam luôn khiến khán giả cười nghiêng ngả bằng những câu chuyện thường nhật quanh ta. Góc nhìn hóm hỉnh, lạ lẫm của chàng diễn viên trẻ không chỉ là lời tâm sự về bản thân mà còn mang một tham vọng lớn hơn: kiến tạo một cộng đồng hài độc thoại Việt Nam thấm đẫm tính chữa lành.
- Là một trong bốn người sáng lập nhóm Sài Gòn Tếu - được coi là nhóm hài độc thoại tiếng Việt đầu tiên, cơ duyên nào đưa đẩy bạn đến với bộ môn nghệ thuật còn khá lạ lẫm này?
+ Hồi năm thứ ba đại học năm 2019, tôi cảm giác cuộc sống của mình như một vòng tròn chán ngắt. Mọi thứ trong một ngày lặp đi lặp lại y như cuốn băng tẻ nhạt, chẳng có gì mới hết. Tôi mò mẫm trong cái vòng tròn đó và tự hỏi “Tôi là ai?”, “Tại sao một người nhiều năng lượng, có rất nhiều điều muốn làm mà tôi lại ngồi bó gối ở đây trong khi bạn bè đang bay nhảy ngoài kia?”, “Ý nghĩa của cuộc sống của tôi là gì?”… Tôi như trôi trong vô định, không biết mình sống vì điều gì, không biết làm sao để thoát ra khỏi vòng tròn kia.
Cho đến một hôm, tôi tìm được lối thoát khi ngồi xem thời sự với ba. Chương trình nói về một người đàn ông nước ngoài tiên phong đem hài độc thoại về Việt Nam và gây dựng thành một câu lạc bộ hài độc thoại bằng tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh. Vốn mê hài độc thoại do xem các clip của nghệ sĩ nước ngoài trên YouTube nên tôi tìm ngay trang Facebook của ông ấy rồi nhắn đại ý rằng “Tôi rất thích hài độc thoại và muốn ông giúp đỡ, hướng dẫn”. Ông đồng ý và hẹn tôi đến quán cà phê là điểm sinh hoạt của cộng đồng hài độc thoại. Tôi cứ tưởng ông ấy sẽ dạy mình cách diễn hài. Không ngờ ông ấy hỏi: “Em có diễn không? Nếu không diễn thì có thể ngồi xem”. Hôm đó là buổi open mic, tức là buổi để các diễn viên tập luyện và thử các mảng miếng mới. Những khán giả ngồi xem cũng có thể tham gia diễn thử bằng tiếng Anh. Cuối buổi, tôi xung phong lên diễn một set chừng 5 phút. Diễn xong, tôi vơi bớt ưu phiền và may mắn là mọi người khen quá chừng. Vừa bước xuống sân khấu thì anh Uy Nguyễn đến làm quen và hỏi: “Em có muốn diễn hài độc thoại bằng tiếng Việt không?”. Tôi gật đầu liền. Vài tháng sau, khoảng tháng 4/2020, anh Uy Nguyễn, tôi, anh Tùng BT và Uy Lê cùng lập ra nhóm Sài Gòn Tếu để tạo lập cộng đồng hài độc thoại tiếng Việt.
- Tại sao bạn lại chọn hài độc thoại mà không phải thể loại hài khác?
+ Tôi thích cái cảm giác được đứng trên sân khấu nói lên suy nghĩ hay câu chuyện của mình. Ở phía dưới, mọi người lắng nghe tôi và cười với câu chuyện của tôi. Đó là cảm xúc mà tôi luôn mong muốn trong các cuộc trò chuyện. Tôi thích thể loại này còn vì nó rất gần gũi và mang tính chữa lành. Hài độc thoại hay ở chỗ là người diễn viên không đóng vai một nhân vật nào hết, không sống một cuộc đời nào khác. Khi tôi lên sân khấu, tôi là chính mình. Tôi chia sẻ những thứ thuộc về mình, nói những gì mình nghĩ từ góc nhìn cá nhân đầy chân thật, từ đó tạo một sự kết nối để mọi người cùng cười với nhau. Câu chuyện đó có thể là niềm vui, có thể là nỗi đau, thậm chí là những điều mà mình rất sợ nhưng mình dám nói trên sân khấu và được mọi người lắng nghe, chia sẻ. Mọi thứ đều được hài độc thoại cho phép thể hiện. Tất cả điều đó khiến hài độc thoại mang tính chữa lành rất lớn.
- Các set diễn của bạn được khán giả nhận xét là rất tự nhiên như họ đang ngồi nghe một thằng bạn ngồi kể chuyện tếu về gia đình, bạn bè, sinh hoạt thường ngày… Người ta có cảm tưởng bạn không mấy nhọc công khi viết kịch bản mà chỉ việc bê mọi thứ diễn ra quanh mình lên sân khấu?
+ Anh em trong nghề có câu: diễn viên hài độc thoại không phải là người đi kể chuyện vui mà là người kể mọi thứ một cách vui vẻ, hài hước. Nhiều người coi tôi diễn thì hay nhầm lẫn là mấy anh này kể chuyện hài. Họ nghĩ cuộc sống của tôi lúc nào cũng vui nhộn như thế. Không phải đâu, cuộc sống của tôi cũng đủ mọi vui buồn, đau khổ, mất mát... Nếu những câu chuyện đó mà kể theo kiểu bình thường thì nó chẳng hề hài tí nào. Để khiến khán giả cười, diễn viên hài độc thoại phải động não, vận dụng nhiều thao tác, mảng miếng rồi luyện tập này nọ.
Nói không nhọc công thì cũng không hẳn nhưng cách chuẩn bị và luyện tập cho một set diễn của tôi khác hoàn toàn với mọi người. Nếu trước đây tôi vạch ra các ý, từ khóa ra giấy rồi tưởng tượng đường dây câu chuyện, cách thể hiện ra sao thì giờ đây tôi chỉ suy nghĩ trong đầu rồi kể thử cho đồng nghiệp, bạn bè nghe. Kể cho khoảng ba người thì tôi đã thuộc kịch bản. Khi lên sân khấu, mình thêm thắt, tung hứng thêm 50% vào kịch bản sao cho tự nhiên nhất là xong chứ tôi không có thói quen tập luyện trước gương.
Tôn chỉ của Sài Gòn Tếu là diễn viên hãy diễn cái gì mình quan tâm, mình có cảm xúc nhất. Thì riêng tôi, tôi diễn về gia đình và những gì gần gũi với giới trẻ như tình yêu, tình bạn… Thậm chí có những thứ tào lao, siêu bình thường nhưng tôi cũng cố gắng biến nó thành thú vị qua lăng kính của mình. Có người hay hỏi rằng có khi nào tụi tôi cạn ý tưởng không? Thật ra giới trong nghề không gọi là ý tưởng mà gọi là chất liệu. Vì tính chất của hài độc thoại là chân thật, là đời sống. Mà đã là chất liệu thì chẳng bao giờ cạn. Cuộc sống quanh ta luôn ngồn ngộn chất liệu. Cái khó là làm sao tạo ra một set diễn hay bởi hài độc thoại thường chỉ diễn một lần. Một khán giả coi lại lần hai, họ sẽ không còn ấn tượng mấy.
- Nhóm hài Sài Gòn Tếu đã trải qua ba năm phát triển. Đến nay các bạn đã gặt hái được những thành công gì và định hướng sắp tới ra sao?
+ Chúng tôi thành lập Sài Gòn Tếu với mong muốn giới thiệu và tạo dựng một cộng đồng hài độc thoại cho người Việt. Ba năm qua, điều tôi rất vui mừng là nhóm phát triển rất nhanh. Ít ra đến giờ nhắc đến hài độc thoại, nhắc đến Sài Gòn Tếu, nhiều bạn trẻ không còn thấy xa lạ như trước đây. Khi mới ra đời, chúng tôi chỉ diễn ở quán cà phê rồi năn nỉ bạn bè, người thân đến xem thử vì đa số chưa biết thể loại hài này. Nói về nghề nghiệp của mình, chúng tôi phải mất vài phút giải thích về hài độc thoại cho mọi người. Giờ thì nhóm đã bước ra sân khấu lớn, có không ít show “cháy vé”.
Mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi hướng đến đó là đưa hài độc thoại đến nhiều người nhất có thể. Do vậy, nhóm hay tổ chức các buổi “open mic” để ai cũng có thể tham gia diễn thử, trải nghiệm giá trị đặc biệt mà hài độc thoại mang lại. Bởi như tôi đã nói, hài độc thoại có tính trị liệu tinh thần rất tốt nên chúng tôi luôn khuyến khích, thậm chí lôi kéo, dụ dỗ mọi người tham gia để thử nói hết những điều họ không dám nói qua lăng kính hài hước. Tôi nhớ mãi một chị khán giả lên diễn thử về một vấn đề mà chị không dám bày tỏ với gia đình. Ở dưới khán giả chăm chú lắng nghe và cười ngặt nghẽo, vỗ tay rần rần. Điều đó khiến chị vỡ òa. Chị khóc và nói với chúng tôi rằng: đây là trải nghiệm tuyệt vời. Nó giúp chị nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực hơn và kết nối lại với gia đình. Chứng kiến hình ảnh ấy, tôi hiểu rằng đó là sứ mệnh của nhóm.
- Với những bạn trẻ muốn thử dấn thân vào con đường hài độc thoại, bạn sẽ nói gì với tư cách người mở đường?
+ Lúc đầu tôi nghĩ hài độc thoại không phải là một cái nghề. Tôi đến với nó giống như một sở thích, kiểu như hàng tuần đi đá bóng, đi hát karaoke với bạn bè… Hài độc thoại cũng là một hoạt động mà hàng tuần tôi đi diễn cho vui. Nhưng đến khi mình cầm đồng catse đầu tiên từ hoạt động này, mình mang lại ý nghĩa, giá trị cho mọi người, tôi mới ngạc nhiên khi mình đang góp phần tạo dựng một ngành nghề, một lĩnh vực mới. Và tôi tin ngành nghề này sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai. Nên các bạn trẻ muốn thử làm diễn viên hài độc thoại, cứ mạnh dạn. Và như tinh thần của thể loại này, mình cứ là chính mình, thoải mái thể hiện bản thân chứ đừng bắt chước ai cả, thì tự nhiên duyên nghề sẽ đến.
- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!