Điện ảnh Việt đầu năm 2024: "Kẻ ăn không hết người lần không ra"
Trong khi “Mai”, “Gặp lại chị bầu”, “Đào, phở và piano”... “làm mưa làm gió” tại phòng chiếu hoặc đạt được doanh thu đáng mơ ước thì “Sáng đèn”, “Trà”, “Quý cô thừa kế 2”... lại phải lặng lẽ rút sớm khỏi rạp vì không có người xem. Đây là những sắc thái đối lập trong bức tranh điện ảnh Việt đầu năm 2024.
1. Những ngày này, tại các cụm rạp, ghi nhận lượng khán giả đến xem phim vẫn khá đông, tuy nhiên với những đại diện của điện ảnh Việt thì kết quả lại không mấy khả quan. Mới đây nhất, bộ phim “Quý cô thừa kế 2” (đạo diễn Hoàng Duy) đã phải rời rạp sau 20 ngày ra rạp, thu về 6,4 tỷ đồng. Với doanh thu này, bộ phim đứng trước nguy cơ lỗ vốn hàng chục tỷ đồng, bởi theo ê-kíp sản xuất, bộ phim phải thu được 40 tỷ mới hòa vốn.
“Quý cô thừa kế 2” cũng là một trong những phim Việt có doanh thu thấp nhất từ đầu năm. Trên website của Galaxy Cinema - đơn vị phát hành thì bộ phim này phải nhường cho các “bom tấn” quốc tế như “Godzilla x Kong: The new Empire” (Mỹ), “Quật mộ trùng ma” (Hàn Quốc)...
Nguy cơ cùng chung số phận với “Quý cô thừa kế 2” là “Sáng đèn” - một bộ phim có đề tài về bộ môn cải lương. Đây là bộ phim khá “lận đận”. Bộ phim được ra mắt vào dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, vì sức lấn lướt của “Mai” nên ê-kíp sản xuất chỉ công chiếu 2 ngày (doanh thu 700 triệu đồng) sau đó dời sang 22/3. Ở thời điểm ra mắt lần đầu tiên, phim chỉ đạt 448 suất diễn/ngày. Trong khi “Mai” là 3.554 suất/ngày và “Gặp lại chị bầu” là 1.454 suất/ngày. Tuy nhiên, ở lần thứ hai ra rạp, sau tuần đầu tiên công chiếu, bộ phim chỉ thu về 2,6 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị đo số lượng người xem độc lập thì mỗi ngày bộ phim chỉ có khoảng hơn 200 suất chiếu trên toàn quốc. Doanh thu từng ngày của “Sáng đèn” là 35 triệu đồng trong khi “Muôn vị nhân gian” (đạo diễn Trần Anh Hùng) ra rạp cùng thời điểm là 51 triệu đồng còn “Mai” là 56 triệu đồng. Điều đáng nói là, so với mức đầu tư của phim khá cao cho khâu bối cảnh, mỹ thuật, phục trang... để tái hiện không khí các đoàn cải lương đầu thập niên 1990 thì doanh thu như hiện nay khiến phim đang đứng trước nguy cơ lỗ vốn.
Cũng từng là một trong số những bộ phim có mặt trong đường đua phim Tết, “Trà” (đạo diễn Lê Hoàng) nhận được khá nhiều kỳ vọng nhưng cuối cùng lại “yểu mệnh” hơn tất thảy. Khai thác chủ đề khá “hot” hiện nay là ngoại tình trong hôn nhân, ngoài ra, phim còn đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lê Hoàng, người từng tạo cơn sốt phòng vé với một số bộ phim như “Gái nhảy”, “Trai nhảy”... nhưng “Trà” lại thất bại thảm hại. Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, nhà phát hành phim “Trà” thông báo: “Vì một vài lý do bất đắc dĩ, đường đua phim Tết sẽ tạm thời vắng bóng “Trà”". Trước khi rời rạp, phim “Trà” chỉ có doanh thu vẻn vẹn 1,3 tỷ đồng.
Trong khi “Trà”, “Sáng đèn”, “Quý cô thừa kế 2” đều chịu chung kết cục là rời khỏi rạp chiếu sớm vì doanh thu thấp thì bức tranh điện ảnh Việt đầu năm 2024 đã có điểm sáng bằng những bộ phim có doanh thu khủng. Hiện, dẫn đầu cuộc đua phòng vé vẫn là “Mai” của Trấn Thành. Trong nước, theo đơn vị phát hành CJ phim thu về 520 tỷ đồng sau 41 ngày phát hành. Mới đây, ê-kíp sản xuất “Mai” còn lận lưng thêm 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) trong tuần đầu phát hành ở Mỹ, Canada, châu Âu. Dù không có doanh thu khủng như “Mai” nhưng “Gặp lại chị bầu” (đạo diễn Nhất Trung) cũng được đánh giá là thành công khi mang về hơn 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong đời sống điện ảnh đầu năm 2021, có một điểm nhấn thú vị không thể không kể tới là “cơn sốt” mà “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Lần đầu tiên, một bộ phim do Nhà nước đặt hàng về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng đã vượt mốc doanh thu hơn chục tỷ đồng, tạo nên bất ngờ trong đời sống điện ảnh. Và, gần đây nhất, sự ra mắt của bộ phim “Muôn vị nhân gian” (đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng) cũng đang hứa hẹn đem lại những điểm thú vị trong bức tranh điện ảnh Việt.
2. Lâu nay, việc phim ăn khách, phim không ăn khách, đã không còn là chuyện lạ trong đời sống điện ảnh đã sôi động sau COVID-19. Tuy nhiên, việc chia thành hai mảng đối lập cũng là một hiện tượng riêng có khá đặc biệt. Trong đó, sức hút của “Đào, phở và piano” là hiện tượng hy hữu.
Bộ phim này công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từ ngày 10/2/2024 (mùng 1 Tết Nguyên đán) với 3 suất chiếu/ngày. Do lượng khán giả có nhu cầu xem phim tăng đột biến, đến ngày 20/2 là 18 suất chiếu/ ngày, tuy nhiên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Điện ảnh làm việc với một số đơn vị phát hành, phổ biến phim.
Theo quan điểm của nhà báo Nguyễn Phong Việt thì “Đào, phở và piano" là trường hợp “bất chiến tự nhiên thành” mà chỉ có thể lý giải sức hút của nó bằng sức mạnh của mạng xã hội. Ra rạp tại một cụm rạp nhỏ tại Hà Nội, đúng vào mùa phim ồn ào nhất trong năm nhưng bộ phim lại không chịu cảnh lặng lẽ rời rạp mà lại gây sốt sau một vài clip review ngắn trên mạng”.
NSND Trần Lực thì cho rằng, bộ phim đề cập đến tình yêu trong chiến tranh nhưng không đi theo thị hiếu bình thường của khán giả. Bộ phim có chiến tranh, có sự gay cấn giữa sống và chết nhưng có sự lãng mạn, không thể thiếu trong đời sống, lại đầy ắp tính nhân văn. Mặc dù, cho đến nay, phim vẫn nhận được quan điểm khen - chê khác nhau nhưng việc một bộ phim Nhà nước đặt hàng, về đề tài lịch sử được nhiều khán giả trẻ mua vé xem là một tín hiệu vui đáng khích lệ.
Lý giải sự thất bại của những phim “Trà”, “Sáng đèn”, “Quý cô thừa kế 2”... đầu tiên phải kể tới yếu tố khách quan. Những bộ phim này khi ra rạp đều phải “đối đầu” những đối thủ nặng ký trong và ngoài nước. Ngay từ khi ra mắt. “Trà” đã lép vế trước sự khuynh đảo của “Mai”, “Gặp lại chị bầu”. Dù dời ngày chiếu để tránh đối đầu với “Mai” nhưng “Sáng đèn” lại va phải những bộ phim “bom tấn” của Mỹ, Hàn Quốc hay bộ phim có phong cách độc đáo, lạ lạ “Muôn vị nhân gian” của Trần Anh Hùng. Điều này cũng xảy ra tương tự với “Quý cô thừa kế 2”.
Đáng tiếc nhất phải kể tới “Sáng đèn” - bộ phim được giới chuyên môn khen là có ý tưởng, làm phim kỹ lưỡng nhưng dường như đề tài về loại hình nghệ thuật cải lương không thu hút được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Thực trạng này, bộ phim cùng chung đề tài là “Song lang” cũng đã từng gặp phải trước đó. Phim “Sáng đèn” lấy bối cảnh những năm 1990 của thế kỷ trước, giai đoạn nhiều đoàn cải lương miền Tây bắt đầu tan rã, gánh hát Viễn Phương của ông Bầu (Hữu Châu thủ vai) chật vật mưu sinh nuôi nghề. Từ một đoàn ca cổ phải chấp nhận trở thành gánh tạp kỹ với đủ thể loại từ tuồng, xiếc, tấu hài... Để trang trải cuộc sống, bản thân mỗi nghệ sĩ phải làm đủ mọi nghề, từ vác gạo, đánh bóng bàn ghế... Dàn nghệ sĩ tên tuổi như NSND Hồng Vân, Hữu Châu, Kim Tử Long, Lê Phương, Bạch Công Khanh, Cao Minh Đạt... với diễn xuất tốt nhưng vẫn chưa mang lại may mắn cho phim.
Ngoài “Sáng đèn” là bộ phim nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn, những phim còn lại đều gặp vấn đề về chất lượng. “Trà” của đạo diễn Lê Hoàng bị đánh giá là kịch bản vụng, nhiều tình tiết vô lý. Đạo diễn ôm đồm từ hồi hộp, gay cấn, hài hước đến phê phán xã hội, cuối cùng mọi thứ đều vụn vặt, không phục vụ cho kịch bản phim. Được hứa hẹn từ việc là “drama hấp dẫn” đến tràn ngập cảnh nóng nhưng cuối cùng “Trà” lại khiến khán giả ngán ngẩm khi câu chuyện cách làm phim cũ, thậm chí kết phim lại gây tranh cãi vì thông điệp như ngầm cổ xúy cho việc ngoại tình.
Tương tự, câu chuyện “Quý cô thừa kế 2” xoay quanh đời sống hôn nhân với những bi kịch giấu kín. Gia đình Cao Minh (Huy Khánh thủ vai) và Hải Đường (Trang Nhung thủ vai) với vỏ bọc hạnh phúc nhưng phía sau lại đứng trước bờ vực ly hôn. Phim bị chê mắc lỗi kịch bản, ôm đồm thông thiệp, lạm dụng nhiều tình tiết giật gân nhưng thiếu các cảnh đi sâu vào nội tâm nhân vật. Ngoài ra, diễn xuất của Trang Nhung trong phim cũng bị cho là nhạt nhòa. Phần 1 của phim “Quý cô thừa kế” cũng có doanh thu thấp, chỉ 1,7 tỷ đồng với những lỗi như hài cũ kỹ, gượng ép. Như vậy, ngoài những yếu tố “thiên thời, địa lợi” thì điều quan trọng nhất là phim cần có nội dung đánh trúng thị hiếu khán giả và được làm một cách kỹ lưỡng, tâm huyết.