Điện ảnh Việt 2025: Tiềm năng và thử thách
Tiếp nối thành công nổi bật về doanh thu trong năm 2024, một bức tranh đa sắc về mùa phim Tết cạnh tranh, một diện mạo mới đầy tiềm năng ở thị trường phim thương mại, những cơn sốt phòng vé song hành cùng các tác phẩm nghệ thuật đầy dấu ấn, sẵn sàng đương đầu với những thử thách luôn tiềm ẩn... là điều được kỳ vọng ở điện ảnh Việt năm 2025.
Nhộn nhịp phim thương mại và nghệ thuật
Trong năm 2024, doanh thu của thị trường rạp Việt vượt mốc 4.600 tỷ đồng; riêng phim Việt Nam thu được khoảng 1.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng doanh thu (theo số liệu của đơn vị thống kê doanh thu phòng vé Box Office Vietnam). Trên bình diện chung, với doanh thu 670 tỷ đồng ở năm 2022, 1.500 tỷ đồng ở năm 2023, cột mốc 1.900 tỷ đồng được xem là thành tích cao nhất từ trước đến nay của phim Việt. Sau thành công nổi bật về doanh thu trong năm 2024, điện ảnh Việt được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm mới.

Ngay những ngày đầu năm, “Mưa trên cánh bướm” - bộ phim nghệ thuật đoạt 2 giải thưởng tại LHP Venice của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh, đã chính thức có mặt tại rạp Việt sau thời gian khuấy đảo nhiều liên hoan phim quốc tế. Đây là bộ phim điện ảnh độc lập lấy bối cảnh Hà Nội hiện đại với các khu tập thể cũ, quán ăn vỉa hè, ngõ nhỏ chen đông...
Bằng ngôn ngữ hình ảnh giàu chất thơ, kết hợp với cuộc đối thoại thẳng thắn về tính nữ và gia đình, “Mưa trên cánh bướm” kể nên câu chuyện về những lát cắt trong mâu thuẫn gia đình Việt. Sau 2 tuần ra rạp, phim cán mốc doanh thu hơn 515 triệu đồng, một con số tuy chưa cao nhưng cũng khá ấn tượng với một tác phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật tại Việt Nam.
Ngoài đứa con tinh thần của Dương Diệu Linh, “Skin of youth” (đạo diễn Nguyễn Phương Anh) cũng ấn định lịch công chiếu tháng 3 ở Nhật Bản, dự kiến sớm ra rạp tại quê nhà. Trước đó, Phương Anh từng gây chú ý với dự án đầu tay “Vợ ba” ra mắt năm 2018.
Là tác phẩm của Nguyễn Võ Nghiêm Minh - đạo diễn thành công chinh phục giải “Phim xuất sắc nhất” tại liên hoan phim quốc tế Amiens 2004 với “Mùa len trâu” - “Chớp bóng” (Picturehouse) cũng trở thành đại diện đáng chú ý của dòng phim indie Việt trong năm nay. Phim đã công bố casting vào tháng 11/2024. Theo thông tin ban đầu, dự án thuộc thể loại tâm lý (coming-of-age) và bán tự truyện, theo chân hành trình trưởng thành của một thiếu niên tên Quang trong chiến tranh.
Năm 2025 cũng được dự đoán có một mùa phim Tết đầy cạnh tranh và bùng nổ. Nếu thị trường phim rạp dịp Tết 2024 gặt hái vụ mùa bội thu với cột mốc hơn 700 tỷ đồng, thì mùa phim Tết 2025 vừa được tiếp thêm xung lực cho đường đua phòng vé, vừa được kỳ vọng mang đến các sản phẩm điện ảnh đa dạng và đặc sắc, đáp ứng kỳ vọng của nhiều đối tượng khán giả.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3 tác phẩm công bố chính thức ra rạp trong dịp Tết Ất Tỵ gồm: “Bộ tứ báo thủ” (đạo diễn Trấn Thành), “Nụ hôn bạc tỷ” (đạo diễn Thu Trang) và “Yêu nhầm bạn thân” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Diệp Thế Vinh). Với tận 3 phim của những tên tuổi nổi bật cùng tham chiến trên đường đua, mùa phim Tết 2025 có khả năng bùng nổ với tổng doanh thu phòng vé lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, cuộc đua vẫn còn nhiều diễn biến phía trước và sau khi ra rạp “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành đang bị khán giả chê kịch liệt vì vừa nhạt vừa nhảm.
Hậu Tết Nguyên đán, thị trường phim Việt ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm ấn tượng trong những tháng tiếp theo. Từ góc nhìn đa diện về đời sống tâm linh và dấu ấn văn hóa trong “Đèn âm hồn” (dự kiến ra rạp 7/2) của đạo diễn Hoàng Nam, “Nhà gia tiên” của Huỳnh Lập (21/2); khát khao lan tỏa giá trị tích cực về những điều giản dị, chân thành trong “Chốt đơn” của Bảo Nhân - Namcito (7/3); màu sắc kinh dị đậm chất dân gian trong “Quỷ nhập tràng” của Pom Nguyễn (7/3),
“Âm dương lộ” của Hoàng Tuấn Cường (28/3); câu chuyện kế tiếp từ “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” trong chuỗi phim đình đám của Lý Hải (30/4); sự trở lại của thể loại trinh thám trong “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của Victor Vũ (16/5); màn xuất hiện đầy hứa hẹn của ca sĩ Mono trong “Số đỏ” của Phan Gia Nhật Linh; đến các thước phim hào hùng về những cuộc chiến lịch sử, những bước chân lên đường, những ngày đêm đỏ lửa của quân dân ta trong “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” (4/2025) của Bùi Thạc Chuyên, “Mưa đỏ” (9/2025) của Đặng Thái Huyền,...
Từ dòng phim kinh dị tâm linh, hài hước tâm lý đến các tác phẩm nghệ thuật, lịch sử, với đa dạng thể loại và chất liệu, độc đáo câu chuyện và hướng đi, sức hấp dẫn của các đề tài lớn trong điện ảnh Việt vẫn luôn vẹn nguyên giữa năm 2025 nhiều biến động.
Cơ hội và thách thức
Có thể nói, Tết Nguyên đán luôn là thời điểm vàng của thị trường điện ảnh nội địa nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Dù đã gặt hái những thành công lớn trong năm 2024 với hàng loạt kỷ lục nhưng bên cạnh những cơ hội, năm 2025 vẫn được dự đoán có nhiều thách thức đối với các nhà làm phim.
Trước hết, việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ có những tác động trực tiếp đến thị trường điện ảnh. Là kênh đầu tư tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, mạo hiểm, việc kêu gọi đầu tư cho sản xuất phim điện ảnh cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Bên cạnh đó, các đơn vị phát hành, nhà làm phim sẽ phải cẩn thận tìm ra phương hướng thích hợp nhằm cân bằng giữa chi phí sản xuất và giá vé ấn định trong thời gian tới để vừa đảm bảo doanh thu, vừa hợp hầu bao của đa số khán giả.
Hơn hết, thị trường phòng vé như một ẩn số luôn đổi thay và lắm biến chuyển. Năm 2024, “Công tử Bạc Liêu”, tác phẩm được đầu tư mạnh tay và nhận nhiều kỳ vọng của đạo diễn Lý Minh Thắng, vấp phải nhiều tranh luận xoay quanh nội dung, đối diện nguy cơ thua lỗ khi hiện tại chỉ chạm mốc 36 tỷ đồng. Hay “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma” của đạo diễn Võ Thanh Hòa, dù chuyển thể từ truyện dài ăn khách của Nguyễn Nhật Ánh, cũng chỉ thu về gần 6 tỉ đồng sau hơn 20 ngày ra rạp.
Trong khi đó, với kinh phí đầu tư thấp, bối cảnh hẹp, “Chị dâu” của đạo diễn Khương Ngọc lại trở thành cú hích phòng vé với doanh thu 88 tỷ đồng (sau 10 ngày công chiếu). Ngoài việc tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt trên mạng xã hội, phim còn được khen về diễn xuất chân thực của Hồng Đào, Việt Hương, Lê Khánh, Đinh Y Nhung, Ngọc Trinh; quá trình tìm tòi, đầu tư nghiêm túc, chỉn chu của Khương Ngọc; kịch bản đậm chất Việt,… tất cả đã tạo nên một “Chị dâu” đầy dấu ấn.
Thế nên để chinh phục công chúng và tạo được bứt phá về doanh thu trong năm 2025, các nhà làm phim vừa phải tạo ra sản phẩm chỉn chu ở nội dung kịch bản trong những câu chuyện nhân văn, gắn bó với đời sống, văn hóa; vừa đi sâu vào khai thác, phân tích tâm lý nhân vật. Bên cạnh đó, khâu đầu tư kỹ thuật, hiệu ứng hình ảnh và đa dạng thể loại phim cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, mở rộng kết hợp với các đối tác quốc tế cũng sẽ đem lại kinh nghiệm và mở rộng cơ hội cho thị trường Việt.
Sau một năm 2024 nhiều thăng trầm, theo đánh giá của chuyên trang điện ảnh uy tín Deadline của Mỹ, điện ảnh Việt vẫn tiếp tục vươn mình với sức sống mới của “một nền điện ảnh có tốc độ tăng trưởng mạnh hàng đầu trên thế giới”. Đường đua càng xuất hiện nhiều sản phẩm độc đáo, tạo cú hích thì những dự án sẽ ngày càng chất lượng và thu hút khán giả.
Hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về bức tranh điện ảnh Việt 2025. Song, với những cái tên bảo chứng cho chất lượng và doanh thu; tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách bằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất; những dự án đa sắc được tạo nên từ quá trình đầu tư nghiêm túc của các đạo diễn, diễn viên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về một năm bùng nổ của điện ảnh nước nhà.