Điện ảnh Việt 2024: Dấu ấn bản địa lên ngôi

Chủ Nhật, 29/12/2024, 10:57

Khoảng 30 phim Việt đổ bộ rạp chiếu năm 2024. Có thể xem đây là năm điện ảnh Việt chính thức lấy lại sự nhộn nhịp như thời trước dịch COVID. Văn hóa dân tộc, tiếng nói bản địa được coi là dấu ấn nổi bật của điện ảnh nước nhà trong năm nay. Dấu ấn này lấn át cả những bộ phim Việt đình đám nhưng nặng sắc màu ngoại lai.

Theo thống kê của Box Office Vietnam - đơn vị theo dõi phòng vé độc lập, chỉ tính từ tháng 1 đến hết tháng 11, tổng doanh thu phòng vé Việt đã vượt mức 4.400 tỷ đồng. Con số này tiếp tục tăng trưởng bởi tháng 12 chưa khép lại khi nhiều phim Việt vẫn đang trụ rạp.

Ông Nguyễn Khánh Dương, nhà sáng lập và vận hành Box Office Vietnam khẳng định: doanh thu phòng vé Việt 2024 đã vượt năm 2019, lập kỷ lục mới về tổng doanh thu phòng vé quốc nội. Góp công lớn cho con số ấn tượng này là “Mai” của Trấn Thành (hơn 550 tỷ), “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải (hơn 480 tỷ), “Làm giàu với ma” của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung (gần 130 tỷ), “Ma da” (127 tỷ)… .

z6157066903565_f00d75c89ac1a5739b2396fe1c870cd6.jpg -0
Sắc màu tín ngưỡng dân gian được tái hiện trong phim “Linh miêu”.

Nhìn tổng quan bên thắng - bên bại, có thể nhận ra nguyên do vì đâu nên nỗi. Vài năm trở lại đây, khán giả ngày càng chuộng những bộ phim thuần Việt đúng nghĩa: thuần Việt từ bối cảnh, câu chuyện, tinh thần thông điệp. Năm 2024 nổi lên ba dòng chính.

Đầu tiên là phim kinh dị khai thác chất liệu văn hóa dân gian. Có thể kể đến “Quỷ cẩu” (khai thác tích chó đội nón mê), “Linh miêu” (truyền thuyết dân gian về quỷ nhập tràng), “Con Cám” (tác phẩm kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám), “Ma da” (sự tích ma da kéo chân ở vùng sông nước miền Tây)…

Dòng thứ hai là phim mang câu chuyện lịch sử, câu chuyện mang tính hoài niệm về một thời chưa xa hay giai thoại về nhân vật nổi tiếng lên màn bạc như “Đào, phở và piano”, “Công tử Bạc Liêu”, “Ngày xưa có một chuyện tình”…

Cuối cùng là dòng phim sở hữu câu chuyện và bối cảnh đời thường gần gũi với đại đa số công chúng Việt. “Mai”, “Lật mặt 7: Một điều ước”, “Chị dâu”, “Làm giàu với ma”… phác họa cuộc sống của giới bình dân đầy bon chen, xô bồ giữa chốn thị thành nhưng điều đáng quý nhất là họ vẫn giữ được tình nghĩa giữa người với người. Những câu chuyện nho nhỏ xoay quanh tình cảm gia đình, giản dị, chặt chẽ và được khai thác đào sâu đến tận cùng dễ dàng chạm đến khán giả.

Xem những thước phim phác họa nên chính dân tộc mình, lịch sử nước mình, những con người bình dị hiện diện quanh mình…, khán giả cảm thấy mến thương và đầy tự hào. Qua câu chuyện nhân văn, cảm động hay đôi lúc là ghê rợn, xấu xa, nhưng sau hết, họ hiểu hơn về di sản văn hóa quý giá của dân tộc, những chiến công hiển hách, nhưng tâm tư nhân văn ẩn trong bao số phận nghèo khó, giản dị để nghiêng mình trước người xưa, thương sao dân tộc hiền hòa. Nhìn về dân tộc để tự thấy tâm hồn thanh sạch hơn, lắng bao ưu phiền, gạt bớt những nhỏ nhen, toan tính ở đời, tự hào viết tiếp những lẽ tốt điều hay cho hiện tại hôm nay.

Trước lòng tự tôn dân tộc, có vẻ như những phim mang phong vị “hương xa” không còn ghi điểm. Trên màn bạc mấy năm trở lại đây dần vắng bóng dạng phim remake (làm lại phim có kịch bản của nước ngoài). Trong khi giai đoạn 2014 - 2020, phim remake xuất hiện ồ ạt ở rạp chiếu với các tác phẩm “làm mưa làm gió” như: “Em là bà nội của anh”, “Bạn gái tôi là sếp”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Tháng năm rực rỡ”, “Tiệc trăng máu”… Năm nay, chỉ có “Án mạng lầu 4” là phim remake, nhưng nó xuất hiện khi dòng phim này không còn chủ lưu nên thất bại rất rõ. Chưa kể câu chuyện bên xứ sở Iran xa xôi khi đưa vào bối cảnh Việt bỗng trở nên khiên cưỡng, vô lý. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng nói thẳng: “Nếu có những kịch bản thuần Việt chất lượng tốt thì chúng tôi không dại gì làm phim remake”.

Hầu hết phim “ngã ngựa” năm nay đều nặng màu sắc vọng ngoại. “Biệt đội hotgirl” không những có bối cảnh quay tại năm nước châu Á mà còn quy tụ dàn nữ diễn viên xinh đẹp đến từ sáu quốc gia: Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Dù lấy đề tài xã hội đen về giới tội phạm ma túy, buôn người xuyên lục địa nhưng phim vấp vô số sạn về kịch bản, lời thoại, kỹ xảo…

Cũng khai thác thế giới ngầm, “Domino: Lối thoát cuối cùng” xoáy sâu vào cuộc thanh trừng của các băng đảng người Việt tại Mỹ. Dù hình ảnh và pha hành động rất mãn nhãn nhưng bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương lại mang đậm kiểu phim hành động của Hollywood. Nếu thử bỏ lời thoại tiếng Việt mà lồng tiếng Anh vào thì người xem dễ dàng nhầm lẫn. Phác họa cuộc sống của giới nghệ sĩ Việt tại Mỹ nhưng “Đóa hoa mong manh” lại ưa khoe mẽ phong cảnh Mỹ hay tiệc tùng hào nhoáng nên nội dung vốn khá ủy mị bỗng trở nên lạc quẻ.

z6157067704047_66b2e99065b04d764c39d64315708e62.jpg -1
Nghệ sĩ Việt Hương đóng vai chính trong phim “Chị dâu”.

Trong đó, “ngã đau” nhất có thể kể đến “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn. So với số phim thảm bại, “Móng vuốt” được đầu tư kinh phí lớn, được đạo diễn ấp ủ trong nhiều năm và có chiến dịch truyền thông ồn ào từ khi kịch bản còn nằm trên giấy cho đến khi phim đóng máy. Tạo hình con gấu trong phim khiến đạo diễn Lê Thanh Sơn cùng ekip kỹ xảo mất một thời gian dài mới hoàn thành.

Nhiều người nghĩ bộ phim đề tài sinh tồn - quái thú đầu tiên của Việt Nam sẽ chóng trở thành “bom tấn” phòng vé. Thực tế, đây lại trở thành “bom xịt”. Phim chỉ thu về gần 4 tỷ, lỗ nặng so với chi phí ước chừng hàng chục tỷ đồng. Với khán giả, đề tài sinh tồn - quái thú không có gì mới mẻ. Xem “Móng vuốt”, họ vẫn thấy phảng phất kiểu bắt chước dòng phim này của Thái Lan, Hàn Quốc hay Mỹ. Phong cách thời trang của dàn nhân vật trong phim cũng đầy nổi loạn, đậm chất Tây phương.

Ngoài nội dung thuần Việt, hầu hết phim thắng lớn đều làm rất tốt ở khâu kịch bản và diễn xuất. Câu chuyện bình dị về một người cha thương con trong “Làm giàu với ma” hay diễn xuất chân chất của hoa hậu Thùy Tiên trong “Linh miêu” đều thuyết phục người xem, khiến họ tin vào câu chuyện. Bên cạnh đó, khâu quảng bá bài bản và rầm rộ từ lúc dự án mới khởi động đến khi phim ra rạp là liều “doping” cuối cùng biến những bộ phim trên trở thành “ngựa ô” phòng vé. Trong khi đa số phim ế ẩm có chất lượng kém cũng như thiếu kinh phí để quảng bá rộng rãi. Ngoài “Án mạng lầu 4” thì “Trà”, “Biệt đội hotgirl”, “Trước giờ yêu”… đều có kịch bản lỏng lẻo, phi lý đến mắc cười. Motip khai thác cũ kỹ trong “Móng vuốt”, “Domino: Lối thoát cuối cùng”, “Đóa hoa mong manh” cũng khiến khán giả nhanh chán ngán.

Bước sang năm 2025, bản sắc Việt tiếp tục được các nhà làm phim lựa chọn. Nổi bật có “Đèn âm hồn” - phim kinh dị lấy cảm hứng từ “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, “Số đỏ” - tác phẩm điện ảnh do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng. Bên cạnh đó còn có phim hài “Nhà gia tiên”, phim kinh dị “Đồi thông hai mộ”… Người xem háo hức mong chờ một năm phim mang dấu ấn dân tộc đậm nét tiếp tục đổ bộ phòng vé, khẳng định bản sắc và giá trị riêng biệt của điện ảnh Việt.

Mai Quỳnh Nga
.
.