Điện ảnh 2022: Một năm thất bát

Thứ Sáu, 16/12/2022, 14:59

Năm 2022 chứng kiến hàng loạt cú "ngã ngựa" của phim Việt. Dù không ít nhà sản xuất thử nghiệm với đề tài mới lẫn vung tiền đầu tư mạnh tay, nhưng chưa bao giờ chất lượng phim nội lại tệ hại như năm nay khiến doanh thu xuống đáy kỷ lục.

Những tưởng dồn dập trở lại sau hai năm im ắng vì dịch COVID-19, phim nội được dịp hút khách. Nhưng thực tế phòng vé khiến giới chuyên môn lắc đầu ngao ngán. Cú "ngã đau" mới đây là phim cổ trang "Huyền sử vua Đinh" của đạo diễn Anthony Võ. Chiếu mới được bảy ngày, nhà sản xuất buộc phải rút phim khỏi rạp vì ... quá ế. Phim chỉ thu được 42 triệu đồng, trở thành một trong những phim Việt có doanh thu thấp nhất từ trước đến nay.

Trên các diễn đàn, khán giả chê bai "Huyền sử vua Đinh" thậm tệ. Vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân đáng lẽ là thỏi nam châm thu hút khán giả. Thế nhưng đoàn làm phim đã không tận dụng được điểm mạnh này. Ngược lại, câu chuyện thú vị đó lại được kể bằng những thước phim sơ sài, câu chuyện đơn giản, kỹ xảo cẩu thả như thập niên 90, hóa trang qua loa thua cả đoàn cải lương tỉnh.

2 duyen ma.jpg -0
Chất lượng tệ khiến phim "Duyên ma" không níu chân được khán giả.

Năm 2022 đánh dấu sự xuất hiện chính thức của đề tài zombie (xác sống) trên màn bạc Việt với tác phẩm "Cù lao xác sống" của đạo diễn Nguyễn Thành Nam. Gọi là chính thức bởi trước đó đã có phim "Rừng xác sống" của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Nhưng giai đoạn năm 2014, phim này không ra rạp được. Cho nên khi "Cù lao xác sống" được đàng hoàng ra rạp mà không bị yêu cầu chỉnh sửa, cắt xén, khỏi phải nói giới chuyên môn lẫn công chúng nức lòng và mong ngóng như thế nào. Bởi đây được coi như "phát súng" mở đường để các dự án phim zombie "made in Việt Nam" có cơ hội ra đời, dù "cũ người" nhưng "mới ta".

Trong ngày họp báo, Nhà sản xuất Nhất Trung không giấu giếm tham vọng về việc tạo nên một "vũ trụ xác sống" từ sau bộ phim này: "Khi bắt tay làm dự án "Cù lao xác sống" với đạo diễn Nguyễn Thành Nam, tôi cũng rất đắn đo vì phim cần sự đầu tư rất lớn về mặt hóa trang và nhân sự. Tôi không muốn làm một bộ phim zombie hời hợt. Tôi muốn mọi người nhìn thấy phim Việt mình có những dự án chỉn chu, hoành tráng về đề tài thảm họa".

Nhưng trái ngược với tuyên bố hùng hồn của nhà sản xuất, ngay ngày công chiếu, "Cù lao xác sống" đã gây thất vọng ê chề. Nhiều người ví "Cù lao xác sống" không khác gì nổi lẩu thập cẩm khó nuốt: vừa kinh dị, vừa hài, vừa mùi mẫn... Phim dính vô số "hạt sạn" do kịch bản lỏng lẻo, lan man, phi lý. Ai từng là fan của phim zombie nước ngoài, hẳn không khỏi kêu trời trước tạo hình của zombie "made in Việt Nam". Hóa trang thây ma vô cùng sơ sài. Nhìn họ không khác gì con zombie ngớ ngẩn, ngốc nghếch, đi đứng với tốc độ rùa bò.

Cú sốc với "Cù lao xác sống" khiến khán giả ngay lập tức dè chừng khi "Virus cuồng loạn" (Nguyễn Ngọc Nhất Duy đạo diễn) - bộ phim zombie "made in Việt Nam" thứ hai, xuất hiện. Họ không lầm. Những lỗi mà "Cù lao xác sống" vấp phải càng trở nên tệ hại hơn ở "Virus cuồng loạn". Kịch bản chắp vá, mạch phim hỗn độn, lời thoại dài dòng và ngô nghê, diễn xuất giả tạo, kỹ xảo sơ sài… là hàng loạt lỗi khiến "Virus cuồng loạn" trở thành thảm họa điện ảnh đúng nghĩa.

Danh sách phim thất thu năm 2022 còn rất dài. Nhiều phim khán giả còn không kịp biết tên dù nó đã trụ rạp cả tháng ròng. Có thể kể đến như: "Trò chơi tử thần", "Duyên ma", "Kẻ thứ ba", "578: Phát đạn của kẻ điên", "Kẻ đào mộ", "Qua bển làm chi"… Trong số đó, không ít phim chứng tỏ độ "chịu chơi" của nhà sản xuất.

Để làm nên cảnh rượt đuổi nghẹt thở bằng xe container trên dốc đá quanh co, đạo diễn Lương Đình Dũng chi đến 60 tỷ đồng cho "578: Phát đạn của kẻ điên". Thế nhưng cảnh hành động mãn nhãn không đủ sức cứu bộ phim khi kịch bản quá yếu. Rời rạp, phim lỗ nặng vì chỉ thu về hơn 3,5 tỷ (theo thống kê của Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Tương tự, vì chất lượng thấp nên "Kẻ thứ ba" - phim hợp tác với Hàn Quốc, cũng chỉ thu được một tỷ đồng dù tác phẩm được Lý Nhã Kỳ đầu tư đến 33 tỷ.

image001.jpg -0
Một cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Phim vừa nhận được giải thưởng danh giá “Khinh khí cầu Vàng” - hạng mục “Phim xuất sắc nhất” tại Liên hoan Phim quốc tế Ba châu lục.

Điểm sáng trong năm đến từ ba cái tên là "Đêm tối rực rỡ", "Em và Trịnh" và "Cô gái từ quá khứ". "Đêm tối rực rỡ" được giới chuyên môn hết lời khen ngợi và vụt sáng ở giải Cánh Diều. Tuy nhiên, phim đạt doanh thu thấp bởi đề tài hay nhưng khâu truyền thông, quảng bá chưa tốt. Trong thời gian phim ra rạp, nếu không theo sát thời sự điện ảnh thì ít người biết "Đêm tối rực rỡ" đang chiếu để mua vé thưởng thức. Tạm ổn ở hai phương diện chất lượng và doanh thu là "Cô gái từ quá khứ" của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito. Lần đầu thử sức với thể loại thriller (tâm lý = giật gân), bộ đôi đạo diễn đã thu về trên 50 tỷ đồng.

Gây hiệu ứng mạnh mẽ và đạt quán quân ăn khách trong năm 2022 thuộc về "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Đáng tiếc, bức tranh tổng quan của điện ảnh trong năm vẫn vô cùng ảm đạm. Hơn 97 tỷ đồng doanh thu của "Em và Trịnh" không là gì so với các bộ phim trong câu lạc bộ trăm tỷ. Thậm chí cá biệt có phim cán mốc 400 tỷ đồng như "Bố già" của Trấn Thành năm 2021.

Sau dịch COVID - 19, lượng phim nội địa ra rạp ồ ạt với nội dung vô cùng phong phú. Dễ hiểu bởi hai năm đại dịch, số phim bị "bế quan tỏa cảng" khá nhiều. Khi dịch bệnh tạm lắng, các dự án ứ đọng trước đó cộng với số phim quay mới khiến rạp chiếu trở nên sôi động. Nhưng đó là chuyện của nhà làm phim.

Còn về phía khán giả, dịch COVID -19 đã thay đổi thói quen ra rạp của họ. Kinh tế khó khăn, hầu bao bị thắt chặt khiến khán giả đắn đo, chọn lựa kỹ càng hơn tác phẩm mình sẽ chọn xem. Bộ phim nào muốn sống được, trước hết chất lượng nội dung phải tốt, nhiều điểm lôi cuốn. Nội dung ổn rồi thì phải có sự lan tỏa, truyền thông rộng rãi. Bởi khán giả thường dựa theo đánh giá (review) của người khác để quyết định đặt vé. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, thói quen mới này của công chúng là bộ lọc thúc đẩy nhà làm phim sáng tạo những tác phẩm hấp dẫn trong tương lai. Nếu phim Việt tiếp tục nối dài những bộ phim chất lượng tệ hại, khán giả sẽ dần mất niềm tin và quay lưng với nền điện ảnh nước nhà.

Hy vọng vớt vát cuối cùng của năm 2022 đổ đồn vào ba bộ phim ra rạp vào tháng 12 này gồm: "Tro tàn rực rỡ", "Đảo độc đắc" và "Thanh Sói". Ngoài "Đảo độc đắc" tiếp nối đề tài kinh dị của "Thất Sơn tâm linh" và không mấy nổi trội về mặt truyền thông thì mọi chú ý chia đều cho hai cái tên còn lại. "Thanh Sói" của Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khiến công chúng nóng lòng chờ đợi ngày ra rạp bởi đây là phần kế tiếp của "Hai Phượng" - tác phẩm hành động đình đám một thời với doanh thu ấn tượng. Phim khai thác cuộc đời thời trẻ của Thanh Sói, nhân vật đàn chị giang hồ, đối thủ đáng gờm của Hai Phượng. Đây cũng là nhân vật để lại nhiều cảm xúc cho khán giả để thúc đẩy Ngô Thanh Vân phát triển thành một bộ phim riêng.

"Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng được người yêu điện ảnh đặt nhiều kỳ vọng. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dựng nên những thước phim thật dung dị, thật đời mà cũng thật buồn của người phụ nữ miền Tây sông nước. Ở đó có những dư ba của tình yêu, của kiếp người tưởng lặng lẽ mà cháy bỏng, mãnh liệt, muôn đời như lửa, như nước. Bảo chứng cho chất lượng bộ phim còn là giải thưởng danh giá "Khinh khí cầu Vàng" - hạng mục "Phim xuất sắc nhất" tại Liên hoan Phim quốc tế Ba châu lục mà ekip đạt được hồi tháng 11 tại Pháp. Từ những điều kể trên, hai bộ phim xứng đáng để công chúng kỳ vọng một cú "quay xe" ngoạn mục cho điện ảnh Việt năm 2022, lấy lại niềm tin của khán giả.

Mai Quỳnh Nga
.
.