Di vật chiến tranh ở một không gian khác
Từ ký ức hãi hùng
Với những ai lần đầu tới quán cà phê Hè tại 27 Lê Ngô Cát, TP Huế, chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác bất ngờ trước không gian được trang trí bằng các loại sản phẩm từ phế liệu chiến tranh. Ngay tấm bảng mộc mạc được treo trước quán, ngoài tên quán, thực khách dễ dàng nhận ra dòng chữ: "Yêu… không chiến tranh" được viết nắn nót bằng sơn màu trắng, như một thông điệp đầy ý nghĩa mà chủ nhân muốn gửi gắm tới tất cả mọi người.
Chủ nhân của cà phê Hè chính là Nguyễn Văn Hè, một họa sĩ trẻ đương đại của Huế. Hè sinh năm 1981 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Theo lời kể của Hè, nhà anh nằm ở chiến khu Hòa Mỹ, một căn cứ cách mạng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong ký ức tuổi thơ của mình, Hè vẫn chưa bao giờ quên những ngày tháng đi nhặt nhạnh đồ phế liệu do chiến tranh để lại, bán lấy tiền phụ bố mẹ. Không chỉ trẻ con, mà người lớn quê Hè cũng hăng hái tham gia vào công việc mưu sinh đầy bất trắc này. Đã có hàng trăm người dân, trong đó có người thân của anh phải bỏ mạng bởi hậu quả tàn khốc của các loại bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại.
Cà phê Hè, một địa chỉ cho những người yêu... không chiến tranh. |
Hè nhớ lại: "Năm 1991, người chú ruột của tôi vì mưu sinh, kiếm tiền nuôi con nên phải đi đào phế liệu. Trong một lần như vậy, không may chú đào phải mìn. Quả mìn phát nổ, và chú đã không còn nguyên xác. Cho đến bây giờ, người vợ của chú vẫn còn đau khổ và ám ảnh bởi cái chết của chồng. Hai đứa con do điều kiện khó khăn nên cũng không được ăn học đầy đủ".
Lớn lên, Hè vào Đại nội học Đại học Nghệ thuật. Trong các buổi vẽ ngoài trời, Hè phát hiện ra các mảnh đạn vẫn còn găm đầy trên các bức tường xung quanh Đại nội. Hay mỗi lần ra chợ Thiên Lộc, rồi tới đường Trần Hưng Đạo, Hè cũng thấy ở đó người ta bày bán rất nhiều phế liệu. Thế là từ đó, mỗi lần kiếm được tiền Hè đều dành mua những đồ phế liệu để giữ lại cho mình dù lúc đó, anh vẫn chưa nghĩ được gì xa xôi, chưa biết sẽ dùng vào mục đích gì. Sau này đi làm, có điều kiện rong ruổi từ Nam ra Bắc, đến một địa phương nào đó, Hè thường tìm đến bảo tàng, các chiến khu hay tìm gặp các nhà sưu tầm để bổ sung cho bộ sưu tập của mình.
Đầu năm 2014, tận dụng mặt bằng đang thuê làm nhà ở và xưởng vẽ, Hè quyết định mở quán cà phê mang tên mình và dùng những phế liệu mà mình đang có làm đồ trang trí với mong muốn cùng mọi người hướng đến một thế giới yên bình, không có chiến tranh.
Nói đến chiến tranh là nói đến tang thương, mất mát, chia lìa. Và đặc biệt, với những người từng đi qua chiến tranh thì đó là những ký ức khốc liệt mà không ai muốn nhớ đến. Hè cũng hiểu điều này nhưng anh có lý do của mình: "Khi tới đây, một số người ít nhiều cũng liên tưởng tới quá khứ và cảm thấy rờn rợn. Nhưng thực sự, chiến tranh không phải đã là chuyện của quá khứ, mà hiện tại nó vẫn đang diễn ra. Nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải chịu cảnh đau buồn, thương tâm do chiến tranh gây ra.
Có thể, trong không gian này, nó sẽ gợi nên những điều không nên nhớ về chiến tranh. Nhưng tôi hy vọng rằng, chính từ suy nghĩ đó, chúng ta sẽ chung tay xóa bỏ chiến tranh, để người với người sống nhẹ nhàng, gần gũi và yêu thương nhau nhiều hơn".
Từ những góp nhặt hồi sinh viên, đến nay quán cà phê của Hè đã có hơn 200 vật dụng, tư trang, các loại vũ khí đạn dược phần lớn của quân đội Mỹ còn sót lại. Không chỉ giới trẻ mà những người luống tuổi đến với cà phê Hè, ai cũng đều ngạc nhiên khi tận mắt thấy những kệ sách làm bằng két đạn, những chiếc thẻ bài của lính Mỹ ở sân bay Tà Cơn (Khe Sanh), những xác pháo 150 ly ở vùng đồi A So (A Lưới), rồi một phần thân xác máy bay được phát hiện ở vịnh Lăng Cô hay chiếc máy tính trong cuộc chiến chống Iraq đang được sử dụng ở quầy bar…
Vì một thế giới không còn chiến tranh
Người giới thiệu quán cà phê Hè cho tôi là nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang. Nhớ lần ra Huế, vừa gặp nhau, Giang đã bỏ nhỏ, giọng Huế đặc sệt: "Có quán cà phê ni hay lắm. Đây là một trong những địa chỉ tụ tập của nhiều bạn trẻ ở Huế. Ngồi nhâm nhi một li cà phê chờ hoàng hôn ở đây thì khỏi chê luôn. Mỗi lần lòng đầy tâm tư, tui vẫn thường lên đây "lạc cảnh" để rồi sau đó thấy lòng nhẹ nhõm đi nhiều lắm!".
Tôi theo Giang tới quán cà phê Hè, không được đắm mình trong khoảnh khắc chờ hoàng hôn vì lúc đó đang là chập trưa nhưng đặt chân vào đây, cảm giác nuối tiếc kia không còn nữa. Không gian của quán đậm chất nghệ thuật từ ý tưởng thiết kế đến sắp đặt nhưng tràn ngập không khí hoài cổ về một ký ức đau thương chưa xa của đất nước mình. Giang giới thiệu tôi với Hè, đó là một chàng trai có nước da rám nắng, có lẽ là kết quả của chuỗi ngày rong ruổi từ Nam ra Bắc để tìm kiếm những đồ phế liệu chiến tranh. Hè để tóc dài, và được búi gọn ra sau. Ở Hè vừa toát lên chất nghệ sĩ nhưng cũng phảng phất chất bụi bặm của một người quen sống đời lang bạt.
Được biết, hồi mới mở quán, Hè gặp không ít khó khăn. Nhưng rồi sau đó, biết mục đích và ý nghĩa mà Hè đang theo đuổi thì mọi người chuyển sang ủng hộ anh. Chỉ sau thời gian ra đời không lâu, cà phê Hè với thông điệp "Yêu… không chiến tranh" thu hút không chỉ thực khách của thành phố mà rất nhiều khách du lịch đến Huế cũng ghé quán.
Không còn mang cảm giác chết chóc, bi lụy, những phế liệu của thời chiến đã được Hè tái chế và hoán đổi công năng sử dụng: Những chiếc vỏ đạn biến thành lọ cắm hoa, chiếc thùng phuy nhiên liệu nay được sử dụng làm logo bảng hiệu, những tấm ri sắt dùng lót đường cho xe qua nay trở thành chiếc bàn của quán, những két sắt nay trở thành ghế ngồi để bạn bè quây quần, hàn huyên bên nhau…
Anh bạn nhà văn trẻ của Huế bảo: "Chiến tranh đã lùi xa và việc trưng bày những "di vật" mà chủ quán sưu tập đó, là cả một đam mê và đánh đổi. Đây như một bảo tàng "rời", bảo tàng cá nhân sinh động, sưu tập các hiện vật phong cách và có ý đồ nghệ thuật. Quán cà phê giờ đây là một địa chỉ để chúng ta có cái nhìn trực quan hơn, cụ thể hơn về chiến tranh, lịch sử, và cả nỗi đau, mất mát không thể xóa nhòa. Các bạn trẻ nếu được tiếp xúc với không gian này sẽ có cái nhìn mới về một góc chiến tranh".
Ở cà phê Hè, những phế liệu từ chiến tranh đã được thay đổi công năng sử dụng. |
Vốn là một họa sĩ trẻ đương đại, cho nên ý niệm "không chiến tranh" không chỉ được thể hiện ở không gian của quán cà phê, mà nó còn xuyên suốt trên con đường hội họa của Nguyễn Văn Hè. Anh chọn vẽ về chiến tranh, để người xem thấy được những hậu quả đau thương mà chiến tranh mang lại. Những bức vẽ của anh vì thế đầy sức lay động lòng người.
Hè đã có nhiều bức tranh, tham gia nhiều cuộc triển lãm và cũng đạt nhiều giải thưởng như: giải Ba Festival Mỹ thuật đương đại Việt Nam 2011 tại Hà Nội, với tác phẩm "Cảm nhận" (trình diễn); Giải C giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V 2008 - 2013, với tác phẩm "Thế trận" (trình diễn); Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung tại Huế năm 2014, với tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh"…
Như đã lựa chọn được con đường đi cho riêng mình, thời gian tới Hè vẫn tiếp tục vẽ về chiến tranh cũng như tái sử dụng những vật dụng phế liệu từ chiến tranh để trưng bày tại quán cà phê của mình. Đặc biệt, trong năm nay anh sẽ mở triển lãm cá nhân về "Hóa thạch vũ khí".
Nguyễn Văn Hè bật mí: "Có rất nhiều vũ khí nằm ở dưới đất mà sau hàng chục năm, khi đào lên nó vẫn phát nổ. Tôi muốn lấy những loại vũ khí đó, cho vào trong một chiếc hộp rồi dùng một hợp chất hóa học để đông cứng và hóa thạch chúng lại. Khi đó, những loại vũ khí trên không còn sử dụng được nữa. Và tôi sẽ đưa chúng vào triển lãm sắp tới của mình. Với triển lãm này, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là trên trái đất này sẽ chấm dứt việc sản xuất vũ khí".
Ý tưởng đầy nhân văn của Nguyễn Văn Hè nhận được sự đồng cảm của nhiều người, trong đó có những người trẻ sinh ra khi đất nước đã được thống nhất. Lê Vũ Trường Giang chia sẻ: "Nguyễn Văn Hè là một họa sĩ, một nghệ sĩ trình diễn có nhiều tác phẩm thành danh. Quán cà phê của anh không nằm ngoài những mục đích nghệ thuật đầy táo bạo và phong cách. Chính tâm hồn của một nghệ sĩ luôn đau đáu với quá khứ, nỗi đau đã làm nên một không gian cho riêng anh và cho những người muốn hiểu thêm một gương mặt khác của chiến tranh".