Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"

Chủ Nhật, 01/09/2024, 13:22

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với phở Hà Nội, phở Nam Định, mì Quảng và 14 di sản văn hóa phi vật thể khác. Như vậy, tổng số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được nâng lên thành 502. Câu hỏi đặt ra là, với số di sản lớn như thế này, bảo tồn và phát huy giá trị như thế nào để tương xứng với danh hiệu đã có?

“Bội thực” di sản quốc gia?

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này có các hạng mục: Ở loại hình tri thức dân gian, ngoài phở Hà Nội, phở Nam Định, mì Quảng (Quảng Nam), còn có tri thức may - mặc áo dài Huế; Ở loại hình nghề thủ công truyền thống có: nghề làm nhang (Tây Ninh), nghề làm gốm ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), nghề ướp trà sen Quảng An (Hà Nội), nghề dệt thổ cẩm của người Mường (Phú Thọ), nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer (Trà Vinh); Ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng có: lễ hội giã cốm của người Tày (Tuyên Quang), nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Cor (Quảng Ngãi), lễ Xên đông (cúng rừng) của người Thái (Yên Bái), lễ hội Gầu tào của người Mông (Yên Bái), nghi lễ tết Xíp xí của người Thái trắng (Sơn La); lễ hội đền Tiên La (Bắc Giang), lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (Bắc Giang); Ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có Ru ún (hát ru) của người Mường (Thanh Hóa).

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
Sau gần 15 năm được UNESCO ghi danh, đến nay nghệ thuật ca trù vẫn loay hoay chưa thoát khỏi tình trạng "cần bảo vệ khẩn cấp".

Có thể thấy, việc “ghi danh” các di sản trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là tín hiệu vui với địa phương sở hữu di sản đó, mà còn mở ra cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch cho địa phương, giúp di sản có cơ hội đến gần hơn với công chúng cả nước. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được vinh danh.

Đến nay, trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng về loại hình: từ các sản phẩm thủ công truyền thống, nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật cho tới những tri thức bản địa. Ngoài những yêu cầu về bảo tồn theo Luật Di sản và các nghị định, các chuyên gia cũng đề cập đến sự “lo ngại” khi thời gian gần đây có quá nhiều di sản được vinh danh, trong đó có những di sản còn khá... xa lạ đối với công chúng. Phải chăng, ngành di sản văn hóa đang có hiện tượng “chạy theo số lượng” và đang diễn ra một cuộc đua, cạnh tranh ngầm giữa các địa phương về việc sở hữu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?

Nhìn vào danh mục hơn 500 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công bố trong hơn 10 năm qua kể từ năm 2012, có thể thấy rõ với 33 di sản được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt đầu tiên theo Quyết định 5079/QĐ-BVHTTDL Ngày 27/12/2012, thì đây đều là những di sản rất đặc sắc như:

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát ca trù, Hát xoan ở Phú Thọ, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví giặm xứ Nghệ, Múa rối nước, Lễ hội nhảy lửa Pà Thẻn, Tranh Đông Hồ, Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, Lễ hội Thổ Hà, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Nghi lễ chầu Văn của người Việt, Nghề làm gốm Chăm...

Trong số này, có nhiều hạng mục di sản phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh trước khi trở thành Di sản quốc gia như: Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hát ca trù.

Vậy là sau 12 năm, số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tăng lên chóng mặt, từ 33 lên 502. Tuy nhiên, câu chuyện “hậu vinh danh” vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí đã có ý kiến cho rằng, việc vinh danh tràn lan, ồ ạt trong một thời gian ngắn như hiện nay cũng là một biểu hiện “căn bệnh thành tích” của ngành văn hóa. Bởi vì sau khi được vinh danh, di sản không hoặc rất ít phát huy được giá trị trong đời sống, phục vụ cộng đồng mà chỉ sôi động ở giai đoạn... lập hồ sơ. Hơn nữa, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, của hiếm thì mới quý, việc phong danh hiệu một cách ồ ạt như hiện nay, vô hình trung còn làm mất đi sự thiêng liêng của cái tên “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Loay hoay câu chuyện bảo tồn

Sau khi Luật Di sản văn hóa 2001 có hiệu lực thi hành, việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Nghị định 98/2010/NĐ-CP cùng với việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa vật thể như: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh, cổ vật - bảo vật quốc gia. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp và trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam (theo quy định của Luật Di sản văn hóa, di sản trong danh sách của UNESCO và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Hành lang pháp lý là vậy, nhưng việc thực hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập ở địa phương, cơ sở có di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
Di sản Hát xoan Phú Thọ được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có phần đóng góp lớn của các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - người có thâm niên gắn bó với các di sản phi vật thể nổi bật ở Việt Nam như Nghệ thuật hát ca trù, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: “Tháng 4/2021, tôi có dịp trở lại Tây Nguyên, trở lại ngôi làng mình từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm thì không còn gặp một nghệ nhân nào nữa. Hỏi ra mới biết, một số nghệ nhân già đã mất, số còn lại đều phải đi làm ăn mưu sinh ở xa. Nhìn thấy sự tan tác, tan vỡ, biến dạng và mai một đó, tôi cũng chẳng biết nói thế nào, chỉ thấy rất xót xa! Sau khi cồng chiêng thành di sản, người dân và các buôn làng có ý thức giữ gìn cồng chiêng, nhưng lại không có người để chơi nó vì không có đội ngũ kế cận! Chuyến về lại Tây Nguyên tham gia hội thảo về việc bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên năm 2021, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền buồn rầu chia sẻ: “Hội thảo nào cũng... giống nhau, cũng phản ánh thực trạng và đưa ra giải pháp, nhưng cuối cùng vẫn chẳng đi đến đâu. Ai cũng nói một công thức là “phải truyền dạy”, “phải phát huy”..., nhưng áp dụng vào thực tế thì không được. Với cách làm chỉ có tính chất “động viên”, “khuyến khích tinh thần” thì không thể có hiệu quả lâu dài...”.

Ngày 20/8 vừa qua, Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên" đã được tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ở miền Trung - Tây Nguyên có 5 di sản, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).

Các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã đề xuất nhiều kiến nghị với 4 nhóm giải pháp chính, trong đó nhấn mạnh đến việc phải cụ thể hóa những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân trong các loại hình nghệ thuật truyền thống này như: quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho địa phương, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ, các địa phương duy trì thường xuyên hoạt động thực hành di sản...

Điều này cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của yếu tố con người, của chính sách quản lý và chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân, người thực hành di sản đã rõ nét hơn. Một đất nước sở hữu đa dạng các loại hình văn hóa phi vật thể quốc gia là rất quý, nhưng không cần số lượng phải quá nhiều mà phải thực sự đặc sắc. Và, điều mấu chốt là, phải làm sao cho nó được bảo tồn tốt, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, cũng như tự hào giới thiệu được nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam ra thế giới.

Nguyệt Hà
.
.