Để trẻ em được "trải nghiệm" cùng nghệ thuật
Những năm gần đây, cứ mỗi dịp hè đến là nhiều bậc phụ huynh lại tìm kiếm các trại hè, khóa học hè, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế sống ở đô thị.
Ngoài "Học kỳ quân đội", "Học kỳ công an" mà nhiều gia đình tranh thủ những ngày hè để con có thêm kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, còn có các câu lạc bộ (CLB) vẽ, múa, khiêu vũ... tạo ra sự đa dạng, tích cực với lựa chọn của các bậc phụ huynh khi quyết định cho con có trải nghiệm với các bộ môn nghệ thuật để phát triển toàn diện.
Vừa qua, khi những hình ảnh một bạn trẻ bị "vong nhập" trong một khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) với những lời giáo lý của sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh về "nghiệp quả", "báo ứng", "trả nghiệp"... tràn lan trên mạng đã gây ra một làn sóng phẫn nộ và bức xúc. Đến lúc này, chúng ta phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi về hiệu quả, "mặt trái" của các khóa tu mùa hè đã được tổ chức rầm rộ từ hàng chục năm nay. Trước khi phát đi thông báo vào ngày 21/6 tạm hoãn tổ chức các khóa tu mùa hè, khóa tu mùa hè đầu tiên của năm 2024 tại chùa Ba Vàng từ ngày 13 đến 19/6 đã kết thúc với trên 6.000 khóa sinh tham gia.
Không bàn đến nhu cầu và nhận thức cá nhân của các bậc phụ huynh khi họ lựa chọn gửi con vào các khóa tu mùa hè trên cả nước, nhưng nhìn con số đã tham gia khóa tu đợt 1 và danh sách đợt 2, đợt 3 có thể cũng rất dài, thì điều này cũng chứng tỏ "cơn khát sân chơi" vào mùa hè cho trẻ em, nhất là trẻ em thành thị sau nhiều năm vẫn chưa hạ nhiệt. Và, người lớn chúng ta phải làm gì, phải có cách nào đó để cho những đứa trẻ thế hệ mầm non tương lai của đất nước được tận hưởng những mùa hè lành mạnh, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.
Hơn chục năm trở lại đây, theo quan sát của phóng viên, có thể thấy ngoài mô hình các lớp ngoại khóa về vẽ, múa, khiêu vũ, người mẫu, MC được mở thường xuyên tại trung tâm văn hóa các quận, huyện, còn xuất hiện nhiều mô hình CLB dạy nghệ thuật cho trẻ, trong đó chủ yếu là do một số văn nghệ sĩ tâm huyết đứng ra thành lập, điều hành.
Từ mùa hè năm 2017, CLB Art Star do Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng tổ chức; họa sĩ Lê Tiến Vượng làm chủ nhiệm đã "chiêu sinh" các học viên nhí liên tục từ đó đến nay với các lớp: Mỹ thuật ứng dụng, Văn học, Báo chí, Nhiếp ảnh... CLB đã hoạt động sôi nổi suốt các mùa hè (trừ mùa hè năm 2021, do COVID-19, phải kết thúc sớm vì giãn cách xã hội) và trong năm học được duy trì mỗi cuối tuần. Mùa hè năm nay, CLB Art Star hoạt động cả ngày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu với khá đông bạn nhỏ tham gia.
Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Tiến Vượng: "Các cháu đến đây còn được học ăn học nói, học cách chia sẻ, quan tâm đến người khác, học cách xử lý tình huống và đặc biệt đó là không gian cho các cháu được hòa mình vào thế giới của sắc màu. Tạm rời xa các môn học bắt buộc ở trường như Toán - Văn - Anh..., rời xa máy tính, điện thoại để đến với những ý tưởng, khám phá mới lạ khác sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời!".
Quả thực, ở Việt Nam, hoạt động dạy và học nghệ thuật cho trẻ em sau nhiều lần đổi mới và cải cách giáo dục đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, kể cả trong hệ thống giáo dục chính thống của nhà trường cũng như tâm lý các phụ huynh. Trong nhà trường, các môn có liên quan đến nghệ thuật thường bị coi là "môn phụ" nên dạy còn sơ sài, rập khuôn máy móc chứ không chú trọng phát triển cá tính độc lập. Vì thế, bên cạnh sự nở rộ của các trại hè tiếng Anh, Học kỳ công an, Học kỳ quân đội, việc xuất hiện những CLB về nghệ thuật cho trẻ em trở thành những mô hình tiên tiến, đáng khích lệ.
Trong những mùa hè gần đây, nhiều phụ huynh có tư tưởng đổi mới thường tạo cơ hội cho con em mình đến với các lớp học ngắn hạn về nghệ thuật hay tham gia các hoạt động khá sôi động của CLB "Đọc sách cùng con" trong suốt cả năm, trong đó có trại hè EcoCamp do CLB này tổ chức đã được 11 mùa hè với khoảng 2.000 "trại viên nhí" của cô Thụy Anh. Ngay từ giữa tháng 5, sự kiện "Chào mùa hè" do CLB "Đọc sách cùng con" tổ chức đã lôi cuốn đông đảo các bậc phụ huynh, các em nhỏ tham gia.
Các em nhỏ được thử sức trong các hoạt động thú vị, khác biệt: một góc pha chế đồ uống mang tên "Vị cuộc sống" cho các em cơ hội học cách pha một số loại mocktail thú vị; cuộc thi sáng tạo "Hương vị mùa hè"; góc viết và góc vẽ dành cho các bạn say sưa sáng tác... Tháng 6 vừa qua, hai trại hè EcoCamp, trại hè Kỹ năng và hướng nghiệp do CLB "Đọc sách cùng con" tổ chức tại Hải Phòng cho gần 200 em nhỏ từ 6-15 tuổi.
Hy vọng rằng, ngày càng có nhiều CLB xã hội hóa hoạt động tích cực như thế được tổ chức, để trẻ em có những mùa hè được trải nghiệm, được tìm hiểu, khám phá thế giới nghệ thuật, làm phong phú tâm hồn, hướng các em đến với cái đẹp một cách tự nhiên, lành mạnh và bổ ích.
Nhà thơ, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con": Mùa hè là cơ hội cho các con trải nghiệm
Có nhiều cách cùng con thiết kế một kỳ nghỉ hài hòa giữa hoạt động thể chất và tinh thần. Chúng ta cũng có thể lựa chọn cho con một khóa học hay CLB nghệ thuật, thể thao trong hè. Ở CLB "Đọc sách cùng con" của chúng tôi luôn có khóa sinh hoạt hè với các hoạt động đọc, viết, chơi, nấu ăn, thí nghiệm, làm đồ thủ công... khá vui. Ngoài ra, còn có các tour đi thăm bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, các làng nghề quanh Hà Nội. Đây cũng có thể là ý tưởng để các bố mẹ cùng con thực hiện trong hè, để con có nhiều kỉ niệm với gia đình, là hành trang quý để bạn trẻ mang theo khi bước vào đời.
Mùa hè không phải là kỳ học thứ 3 và cũng không nên là một gánh nặng khiến các bố mẹ phải tìm nơi "trông trẻ". Mùa hè phải là một cơ hội cho các em trải nghiệm, va chạm với cuộc sống thật, tham gia tích cực vào cuộc sống, quan sát và để tâm đến những người xung quanh. Chính vì thế, không gian an toàn về thể chất và tinh thần như ở EcoCamp là một trong những không gian cần thiết để trẻ "thoát li" khỏi những không gian nhàm chán thường nhật, sẵn sàng thể hiện mình, khám phá bản thân ở các hoạt động khác biệt...
Các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả.... đã đồng hành cùng trại hè EcoCamp do CLB "Đọc sách cùng con" tổ chức đều chia sẻ cảm xúc hạnh phúc, tự hào cùng những người tổ chức trại hè. Tôi cho rằng, những giá trị của văn học nghệ thuật luôn là nền tảng nhân văn tốt nhất cho một đứa trẻ trong suốt quá trình hình thành nhân cách. Bản thân các môn nghệ thuật ấy cũng đã kết tinh tinh hoa của nhân loại và giúp cho trẻ biết rung động với cái đẹp của cuộc sống...
Họa sĩ Lê Tiến Vượng: Hãy để con được đắm mình trong không gian nghệ thuật mà chúng yêu thích
Trẻ yêu thích mỹ thuật sẽ có cơ hội tốt hơn cho sự phát triển khả năng quan sát, ghi nhớ, trí tưởng tượng, sự tự tin, biểu cảm, sáng tạo và lối suy nghĩ, phân tích. Trẻ cảm nhận được cái đẹp của hội họa sẽ giúp làm giàu thêm tâm hồn, vun đắp một hành trang đầy ắp lòng nhân ái và bao dung cho con người. Một đứa trẻ yêu hội họa thường sẽ yêu văn chương, âm nhạc..., là những yếu tố tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người mà chỉ khi trưởng thành mới thực sự phát huy tác dụng.
Các cha mẹ hãy cho con học với một tâm thế tự do tự tại, vì dù các con có đi theo con đường chuyên nghiệp hay không, không phải là vấn đề cần đặt nặng ở thời điểm này. Hãy nghĩ tới khi bé chúng ta không có điều kiện để học vẽ hay các môn nghệ thuật khác dù rất thích, nên bây giờ đi xem triển lãm tranh không biết tranh người ta đẹp chỗ nào, âm nhạc hay là do đâu. Vì vậy, hãy để con mình được đắm mình trong không gian của bộ môn nghệ thuật mà chúng yêu thích, thay vì chỉ chăm chăm học toán, văn, ngoại ngữ và các kỳ thi. Hãy nghĩ tới dù con mình sau này làm nghề gì, là ai, ở vị trí, cấp nào trong xã hội cũng sẽ đều là những con người biết thưởng thức cái đẹp của cuộc sống và những giá trị tinh hoa của nhân loại.