Để Tết Việt phát huy vẻ đẹp truyền thống
Tết truyền thống của người Việt với nhiều phong tục độc đáo chứa đựng những giá trị văn hóa quý báu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cuộc sống hiện đại đã khiến cho bản sắc Tết Việt có phần phôi pha. Với mong muốn nâng cao ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời đưa Tết trở thành một cơ hội giới thiệu văn hóa, du lịch tới bạn bè quốc tế, nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh Tết đã được các đơn vị, địa phương tổ chức.
Với mỗi người Việt Nam, Tết luôn là một khoảng thời gian đặc biệt. Không chỉ là dấu mốc chào đón một mùa xuân mới, một năm mới đến mà còn là thời điểm của sự đoàn viên, sum họp trong mỗi gia đình. Tết Giáp Thìn đang đến rất gần, trên mỗi ngả đường, trong từng lĩnh vực của đời sống, không khí chuẩn bị cho Tết ngày một rộn ràng.
Tuy nhiên, trong sự hối hả của cuộc sống hiện đại, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì Tết Việt còn là thời điểm để tôn vinh những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào với truyền thống của giới trẻ. Thông qua các trải nghiệm thú vị về văn hóa, ẩm thực, phong tục ngày Tết sẽ hướng tới việc đồng hành cùng ngành du lịch thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam vào thời điểm này.
Trong 2 ngày, 20 và 21/1/2024, chương trình Xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề "Tết làng Việt" chào xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức tại làng cổ Đường Lâm. Có mặt tại làng cổ Đường Lâm những ngày này, các tour trải nghiệm sẽ mang đến cho du khách trọn vẹn những nét đẹp truyền thống của Tết Việt với Không gian chợ Tết truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại sân đình Mông Phụ; tổ chức check - in tại những điểm đặc sắc nhất trong làng.
Trong đó, không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền có các hoạt động như ông đồ cho chữ, nặn tò he, gọt hoa thủy tiên… cùng các trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu… Những phong tục của người Việt trong dịp Tết cổ truyền cũng sẽ được giới thiệu tới du khách như lễ giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép, trải nghiệm gói bánh chưng, gói giò… Ngoài ra, những làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công cũng được giới thiệu tới du khách như nghề làm tương, sản xuất sản phẩm sơn mài…
Tương tự, tại mảnh đất phương Nam, những hoạt động quảng bá cho Tết truyền thống cũng đã bắt đầu khởi động. Với chủ đề "Tết Việt xưa và nay", Lễ hội Tết Việt 2024 do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam phối hợp cùng Sở Công thương tổ chức từ ngày 18/1 đến hết ngày 21/1 tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, thông qua các hoạt động được sân khấu hóa, du khách sẽ được tham gia và đắm mình vào các hoạt động thuộc các chủ đề Xem Tết, Ăn Tết, Du Tết, Chơi Tết và Chợ Tết.
Tiêu biểu ở hoạt động "Xem Tết", du khách được tham quan không gian Tết cổ truyền trong 3 ngôi nhà Việt đặc trưng cho 3 vùng Bắc - Trung - Nam qua cách phục dựng bài trí bàn thờ gia tiên, tranh ảnh hoa trái ngày Tết và mâm cỗ Tết truyền thống.
Bên cạnh các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại đặc sắc, chương trình "Xem Tết" sẽ tái hiện các nghi lễ quan trọng của ngày Tết cổ truyền nhằm mang đến cho giới trẻ những kiến thức về ngày lễ, truyền cảm hứng và nâng cao giá trị của gia đình.
Thông qua các hoạt động trình diễn như biểu diễn âm nhạc đầu xuân, lễ dựng cây Nêu, lễ cúng tổ tiên ông bà, lễ đón giao thừa, phong tục chúc tết, chúc phúc đầu năm, biểu diễn Lân - Sư - Rồng… sẽ giúp cho các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Từ đó hình thành ý thức giữ gìn, tiếp nối và quảng bá, giới thiệu cho bạn bè quốc tế.
Điểm nhấn của Lễ hội Tết Việt 2024 là chuỗi quảng bá ẩm thực 3 miền. Hoạt động "Du Tết" với chủ đề "Ẩm thực tương tác với du lịch" sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy sắc xuân của vùng đất phương Nam với hình ảnh một TP Hồ Chí Minh năng động, hội nhập và phát triển. Dự kiến lễ hội sẽ thu hút và đón tiếp trên 80.000 lượt khách tham dự trải nghiệm.
Bên cạnh sự kiện quảng bá Tết tiêu biểu diễn ra ở những thành phố lớn thì nhiều hoạt động tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của Tết Việt còn được từng cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức như những ngày văn hóa Việt tại các nước, triển lãm tranh, ảnh, trình diễn thời trang giới thiệu Tết xưa - Tết nay. Đặc biệt, để chào đón năm mới, bộ tem Tết Giáp Thìn gồm 2 mẫu tem và một bloc thể hiện hình ảnh con rồng cũng đã được ra mắt. Theo đó, hai mẫu tem đều thể hiện hình rồng vàng trên màu nền xanh và hồng tươi tắn, lấy ý tưởng từ hình ảnh rồng bay lên và rồng hạ xuống, biểu tượng cho 2 Di sản Thế giới của Việt Nam là Hoàng Thành Thăng Long và Vịnh Hạ Long…
Từ lâu, Tết truyền thống đã là ngày lễ đặc biệt quan trọng với người Việt. Tuy nhiên, có một thực tế là cuộc sống hiện đại đã có tác động không nhỏ tới quan niệm về Tết truyền thống, đặc biệt ở giới trẻ. Một số người trẻ quan niệm Tết chỉ là một kỳ nghỉ dài. Thay vì sum họp với gia đình, cùng nhau thực hành những nghi lễ truyền thống thì nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch. Do đó, sắc màu Tết truyền thống cũng ít nhiều phôi pha cùng sự tiện nghi của cuộc sống hiện đại.
Sự tiện lợi giúp chúng ta có thể sắm một cái Tết đủ đầy một cách nhanh chóng nhưng cũng làm mất đi những xốn xang, háo hức cùng người thân chuẩn bị lo liệu cho Tết. Không ít bạn trẻ lạ lẫm hoặc thờ ơ với những phong tục đón giao thừa, làm cơm cúng tổ tiên, dựng cây Nêu… ngày Tết. Rõ ràng, chỉ khi nào người Việt trẻ yêu Tết, thiết tha với Tết thì mới có thể góp phần làm Tết ngày một đặc biệt, hấp dẫn và cuốn hút du khách quốc tế.
Thực tế, những trải nghiệm đa dạng mang nét đặc trưng văn hóa truyền thống được sử dụng làm "chất liệu" để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo là điều mà nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… khai thác từ lâu. Và những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa ngày càng thu hút du khách quốc tế. Đơn cử như Thái Lan vẫn là điểm đến hàng đầu đối với khách nước ngoài, đặc biệt là trong dịp Lễ cổ truyền Songkran nổi tiếng. Dịch vụ Airbnb thống kê số lượng khách du lịch tìm kiếm chỗ trên nền tảng trong thời gian nghỉ lễ Songkran năm 2023 tăng 310% so với năm trước đó…
Với 54 dân tộc anh em sinh sống ở 64 tỉnh thành, mỗi dân tộc lại có một phong tục tập quán riêng tạo cho Việt Nam một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Điều đó còn thể rõ nét trong phong tục đón Tết Nguyên đán. Vì vậy, Tết cổ truyền được đánh giá là chất liệu quan trọng tạo nên những sản phẩm tour du lịch độc đáo thu hút du khách, đặc biệt là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ. Bài toán đặt ra là mỗi dân tộc cần giữ gìn được nét độc đáo, bản sắc riêng trong phong tục đón Tết truyền thống để thu hút du khách. Chỉ khi nào mỗi địa phương, dân tộc làm tốt được việc đó thì mới góp phần tạo nên bức tranh du lịch hấp dẫn, cuốn hút du khách quốc tế.
Tết Việt chứa đựng rất nhiều yếu tố văn hóa độc đáo, có thể hấp dẫn du khách đến từ các nước phương Tây. Trước nguy cơ Tết truyền thống phai lạt dần ý nghĩa trong đời sống, một vài năm trở lại đây, các đơn vị làm văn hóa đã tổ chức những hoạt động nhằm tôn vinh ý nghĩa của Tết Việt.
Tiêu biểu như hai năm qua, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng đã tổ chức chương trình "Tết Việt - Tết Phố" nhằm thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông; nâng cao ý thức của cộng đồng về một "lễ hội" lành mạnh, tiết kiệm, giàu bàn sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được diễn ra tại các địa điểm như Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc), Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, không gian phố bích họa Phùng Hưng…
Đại diện Ban tổ chức cho biết chương trình nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống cho các thế hệ mai sau, góp phần giới thiệu văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Vài năm trở lại đây, Tết Nguyên đán luôn là thời điểm lượng du khách lớn đổ về các địa phương như Hà Nội, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nam bộ... Đây là một tín hiệu vui để mỗi người Việt ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp của ngày Tết và góp phần mang vẻ đẹp ấy lan xa.