Đề tài chiến tranh - hậu chiến trên sân khấu: Sức sống bền lâu
Việt Nam là đất nước trải qua những năm dài chiến tranh và chia cắt, vì vậy mặc dù đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ, nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại vẫn còn âm ỉ. Trên sân khấu, những số phận, những mảnh đời vì chiến tranh mà phải hi sinh, phải chịu cảnh bất hạnh, bi thương nhưng vẫn đầy hy vọng luôn làm trái tim người xem khắc khoải...
Khắc khoải với đề tài hậu chiến
Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã có các buổi công diễn vở "Bến nước thời gian" - vở kịch được tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ tác phẩm "Mười ba bến nước" của nhà văn Sương Nguyệt Minh, do NSƯT Sĩ Tiến làm đạo diễn. "Bến nước thời gian" xoay quanh những số phận con người thời hậu chiến với những bi kịch riêng. Đó là Lãng (diễn viên Anh Tú đóng) sau khi trở về từ chiến trường, tưởng như sẽ được hạnh phúc bên gia đình thì lại phải đối diện với bi kịch đau đớn khi mang trong mình chất độc da cam quái ác và cảm giác có lỗi với người vợ bởi trách nhiệm phải có con nối dõi tông đường.
Đó là Sao - vợ Lãng (diễn viên Lương Thu Trang đóng) vốn nổi tiếng xinh đẹp, nết na, vừa làm đám cưới được 2 ngày thì chồng đi chiến đấu biền biệt khiến cô vừa phải đối diện với khao khát được làm vợ, vừa phải giữ mình trước sự ve vãn, săn đón của những người đàn ông trong làng. Cho đến khi chồng cô trở về, những tưởng cô sẽ được sống hạnh phúc để bù đắp thiệt thòi đã phải chịu đựng nhưng hết lần này đến lần khác, những đứa con không thành hình hài do chất độc da cam đã đẩy cuộc sống của cô vào tận cùng bất hạnh và đau đớn… Đó là Tào với nỗi đau khổ của việc vừa ra trận đã bị thương và bị vu oan là cố tình bắn súng vào chân để được trở về, tới khi về nhà lại đúng ngày người yêu đi lấy chồng...
Vở "Bến nước thời gian" chính là câu chuyện điển hình về số phận, những mất mát hy sinh của những người phụ nữ ở hậu phương, dù họ chưa một ngày phải xông pha nơi chiến trường khốc liệt. Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ rằng: "Qua vở diễn này, chúng tôi muốn tri ân không chỉ những người lính ngoài mặt trận mà tri ân cả những thiệt thòi của người phụ nữ ở hậu phương, đề cao tấm lòng nhân hậu, vị tha của những người phụ nữ. Chúng tôi muốn lớp khán giả trẻ hôm nay hiểu hơn, đồng cảm hơn trước sự hy sinh âm thầm của những người phụ nữ trong chiến tranh. Chúng ta may mắn được sống trong hòa bình nhiều thập niên, nhưng dư âm chiến tranh vẫn còn đâu đó trong những thân phận con người bé nhỏ. Vì thế, tôi muốn phác họa hình ảnh người phụ nữ - những người không được vinh danh sau mỗi cuộc chiến, nhưng đã âm thầm hy sinh, gánh chịu mọi nỗi đau ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc...".
Một vở kịch về đề tài hậu phương, hậu chiến khác gây được sự chú ý của nhiều khán giả là vở "Bến không chồng" (Kịch bản vở diễn do tác giả Vũ Thị Thu Phong chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng; đạo diễn Lâm Tùng và đạo diễn Kim Min Jeong (Hàn Quốc) dàn dựng theo chương trình hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP).
Theo Nhà hát Kịch Việt Nam, tháng 9/2023, "Bến không chồng" với sự tham gia của 13 diễn viên Việt Nam đã có 2 đêm biểu diễn thành công tại Hàn Quốc và các đối tác đang có các hoạt động xúc tiến để vở diễn sớm được công diễn tại Việt Nam. "Bến không chồng" là câu chuyện về những người phụ nữ mắc kẹt giữa những hủ tục, định kiến của dòng họ, xóm giềng với bao trắc trở, đổ vỡ và bi thương. Những lời dị nghị và định kiến truyền đời như những nhát dao cứa sâu vào mỗi người, nhưng vượt qua tất cả những bất hạnh đó, ở sâu thẳm bên trong là tình thương yêu, sự hy sinh và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng (Giải thưởng ở hạng mục văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam), đã được chuyển thể thành phim điện ảnh "Bến không chồng" và phim truyền hình "Thương nhớ ở ai" đều do Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn và gây được sự chú ý của khán giả. Chính vì thế, từ khi kế hoạch dàn dựng vở kịch "Bến không chồng" được công bố, nhiều khán giả cũng tò mò xem "Bến không chồng" sẽ có hình hài như thế nào ở phiên bản sân khấu.
Dòng chảy chưa vơi cạn
Có thể nói, đến nay vở kịch "Bắc Sơn" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chính là vở kịch đầu tiên ghi dấu ấn về đề tài chiến tranh cách mạng những năm đất nước vừa giành được độc lập và bước vào cuộc chiến tranh Vệ quốc. Sau đó, đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến, hàng loạt vở kịch phản ánh về đề tài cuộc chiến đấu của quân dân ta đã ra đời như: Thâm Tâm có "19 tháng 8", Thế Lữ có "Cụ Đạo sư ông", Học Phi có vở "Ngày mai", Đoàn Phú Tứ và Lê Ngọc Cầu viết chung vở "Trở về", Lộng Chương có vở "Chiến đấu trong lòng địch" và "Lớp học thôn đồi", Đình Quang có vở "Khăn tang kháng chiến"...
Kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ, sau đó đất nước lại bước vào giai đoạn chia cắt với 21 năm đầy mất mát, đau thương cũng chính là thời kỳ sân khấu có nhiều vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng ghi dấu ấn trong lòng công chúng như "Chị Nhàn", "Trang sổ tay chiến sĩ", "Nổi gió", "Đại đội trưởng của tôi" của Đào Hồng Cẩm; "Bà mẹ của những đứa con" của Xuân Trình, "Một vùng trời" của Tất Đạt...
Sau khi đất nước thống nhất, những câu chuyện về cuộc chiến, hậu phương, hậu chiến vẫn tiếp tục là một đề tài đầy cảm hứng của sân khấu cả nước, đồng thời có sự xuất hiện của những cây bút chuyên nghiệp mặc áo lính đắm đuối với mảng đề tài này như Đào Hồng Cẩm, Xuân Đức, Tạ Xuyên, Hoài Giao, Sỹ Hanh, Chu Nghi...
Trong số này, có thể kể tới những đóng góp của nhà văn Xuân Đức - nhà văn sinh ra, trưởng thành và gắn bó sâu nặng với mảnh đất quê hương Quảng Trị đau thương mà anh hùng của ông. Ông đã bén duyên với kịch bản sân khấu khá sớm khi có vở kịch ngắn "Trận địa" và trở thành một cây bút quen thuộc với hình tượng người lính như "Tổ quốc" (viết chung với Đào Hồng Cẩm), "Người mất tích", "Đợi đến bao giờ", "Đám cưới ly biệt", "Cái chết chẳng dễ dàng gì", "Vùng lạnh"... được nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước dàn dựng.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một số tác phẩm của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ như "Điều không thể mất", "Nguồn sáng trong đời", "Lời thề thứ 9" … cũng từng gây xúc động mạnh trong lòng khán giả cả nước. Điều này cho thấy, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là mảng đề tài luôn được khán giả cũng như các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ quan tâm và vẫn là dòng chảy bền bỉ, có sức sống bền lâu trong đời sống nghệ thuật.
Hồi tháng 6/2023, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức "Cuộc phát động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng" hướng tới các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm ngày Quốc khánh...
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Việc phát động các sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng nhằm huy động lực lượng sáng tác trong và ngoài ngành sân khấu tập trung tạo ra một số kịch bản đạt chất lượng cao để dàn dựng tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của dân tộc từ năm 2024-2030. Đồng thời, phấn đấu có những tác phẩm sân khấu giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về truyền thống hào hùng của dân tộc, phản ánh sâu sắc tinh thần yêu nước, những tấm gương anh dũng, bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, cuộc vận động sáng tác còn nhằm khắc phục tình trạng thiếu vắng những tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới...".
Có thể thấy, trên đất nước Việt Nam, có lẽ không gia đình nào không từng có người thân đi bộ đội, không có dòng họ nào không có người con hi sinh vì Tổ quốc. Đó cũng chính là lý do mà những vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng khi được công diễn thường khá đông khán giả, bởi dường như họ tìm thấy bản thân, gia đình, người thân của mình trong những vở diễn.