Để phim lịch sử "rộng đường" ra rạp
Với con số trung bình 40 phim được sản xuất mỗi năm, năm 2024 số lượng phim Việt chiếm 50% thị phần, cho thấy bức tranh điện ảnh Việt vô cùng sôi động. Trong đó, dòng phim lịch sử đã trở thành tâm điểm chú ý với nhiều cơ hội, thách thức đặt ra. Những vấn đề đó đã được các nhà làm phim, các chuyên gia trong và ngoài nước bàn luận tại Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”, ngày 9/11 vừa qua.
Nhiều khó khăn, thách thức
Không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề trong sản xuất, phát hành phim lịch sử đã được đặt ra tại hội thảo quan trọng nhất trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Theo khảo sát của Galaxy, gần đây khán giả Việt rất hứng thú với phim có yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống. Không chỉ mang về doanh thu cao, với sự đầu tư lớn vào bối cảnh, trang phục, âm nhạc, cốt truyện... những bộ phim này đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc cho điện ảnh Việt.
Những phim như “Người vợ cuối cùng”, “Đất rừng Phương Nam”, đặc biệt là cơn sốt phòng vé mà “Đào, phở và piano” tạo ra trong năm 2023 đã cho thấy phim lịch sử luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống điện ảnh và người hâm mộ, hoàn toàn có thể tạo nên những kỷ lục về doanh thu ở dòng phim này, nếu có những tác phẩm chất lượng.
Với lịch sử mấy năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam có một bề dày lịch sử, văn hóa là “mỏ quặng” màu mỡ cho điện ảnh khai thác. Nhiều câu chuyện, sự kiện, nhân vật... lịch sử tầm vóc, thú vị có thể tạo thành những bộ phim điện ảnh hấp dẫn. Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm kinh điển như “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”... Hay, điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như “Long thành cầm giả ca”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ”...
Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thẳng thắn chỉ ra tại hội thảo: “Điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi, thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ một sự thật mà ông từng chứng kiến, nhiều bạn trẻ thuộc lịch sử nước ngoài nhiều hơn Việt Nam, biết nhiều nhân vật lịch sử nước ngoài hơn anh hùng Việt Nam...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, thách thức của dòng phim lịch sử đến từ chính các đạo diễn, nhà sản xuất, nhà quản lý và cả khán giả với một nỗi “sợ hãi mơ hồ”. Dường như, lâu nay, luôn có sự tự bó hẹp trong tư duy sáng tạo và quản lý. Trong khi, để có một bộ phim lịch sử hay, các nhà làm phim phải sáng tạo hết mình, trên cơ sở tôn trọng lịch sử. Các nhà quản lý cũng như khán giả cũng phải mở rộng tư duy của mình để không sa đà vào những yêu cầu cực đoan, những tranh luận ngụy biện.
Là đạo diễn của nhiều bộ phim lịch sử, đạo diễn Charlie Nguyễn chỉ ra hai áp lực với những nhà làm phim. Thứ nhất, khán giả thiếu cái nhìn rộng mở với bộ phim. Nhiều người không đón nhận bộ phim đó là tác phẩm nghệ thuật mà là một bộ phim lịch sử, tư liệu. Trong khi, nếu câu chuyện, nhân vật chỉ nhìn ở góc độ lịch sử thì sẽ rất khô khan, khó hấp dẫn khán giả. Thứ hai, ở góc độ những người làm phim lịch sử, có hai sự thật mà người làm phim phải tôn trọng. Thứ nhất là sự thật lịch sử “Ai, ở đâu, khi nào”. Bên cạnh đó phải đảm bảo sự thật cảm xúc, là hành trình nội tâm của nhân vật với những giằng xé, xung đột.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng sở dĩ khán giả trẻ không hiểu, không yêu nhân vật lịch sử vì nhiều khi chúng ta thần thánh hóa đến mức xa lạ nhân vật lịch sử. Nhân vật lịch sử thiếu cảm xúc, tâm lý của con người để gần gũi và “đời” hơn.
Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan chia sẻ một khó khăn mà các nhà làm phim lịch sử gặp phải đó là vấn đề tài chính. Sản xuất những bộ phim này rất tốn kém vì phải tạo dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ... theo đúng lịch sử nhưng lại không dễ thu hút khán giả khi ra rạp như dòng phim thương mại. Ông Nguyễn Trinh Hoan cho rằng: “Hiện tại chưa có những chính sách ưu đãi cho điện ảnh. Vì thế, chúng tôi rất khó thuyết phục được nhà đầu tư để có đủ vốn sản xuất. Các nhà đầu tư luôn hoài nghi: làm tốn nhiều tiền thế thì sao có thể hoàn vốn?”.
Cần sự chung tay “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Phim lịch sử là dòng phim quan trọng với người Việt. Những bộ phim này không chỉ mang đến thông điệp về nghệ thuật mà còn là thông điệp về lịch sử, chính trị, văn hóa, những bài học đạo đức... Vì vậy, cần thiết có nhiều bộ phim lịch sử chất lượng để mang đến những thông điệp hấp dẫn.
Chia sẻ với những khó khăn từ những nhà làm phim, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức của mọi người, trong đó có các văn nghệ sĩ. Luật Điện ảnh năm 2022 có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử trong phim ảnh. Những điều cấm này nhằm tránh việc bóp méo hay xuyên tạc sự thật lịch sử, có thể gây hiểu nhầm và tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng. Tôi cho rằng, tôn trọng lịch sử, nhưng ở mỗi sự kiện, nhân vật luôn có những “góc khuất” để các nghệ sĩ có thể sáng tạo, mang đến những tác phẩm hấp dẫn, dễ đi vào trái tim người xem”.
Để có được bộ phim lịch sử hay, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, bản thân đạo diễn khi làm phim lịch sử phải trong tâm thế của người hiểu sự kiện đó, nhân vật đó hơn bất kỳ ai. Ngoài ra, phải đảm bảo tôn trọng sự thật tinh thần của nhân vật đó.
Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan kiến nghị, cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước để thúc đẩy phát triển dòng phim lịch sử. Điện ảnh là một ngành nghề mang tính đặc thù cao và gặp nhiều rủi ro nên mức thuế giá trị gia tăng hiện hành (5%) là một gánh nặng cho các nhà sản xuất. Sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi, có thể giúp các nhà sản xuất giảm bớt rủi ro và mở rộng cơ hội thực hiện các bộ phim lịch sử.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa lại lưu ý tới vấn đề con người. Ông cho rằng, cần phải có chính sách phát triển nhân lực điện ảnh, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ. Chúng ta vẫn đào tạo nhân lực điện ảnh trong điều kiện giáo trình, cơ sở đào tạo khá cũ. Cần phải bổ sung giáo trình, cập nhật xu hướng làm phim hiện đại. Ngoài ra, thủ tục xin cấp phép làm phim lịch sử cần nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Ông Tiền Trọng Viễn, Giám đốc sản xuất As One Production, nhà sản xuất nhiều bộ phim lịch sử thành công của Trung Quốc chia sẻ về chính sách hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc cho các nhà làm phim. Theo ông, sự thành công của Trung Quốc trong sản xuất phim lịch sử là nhờ có sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ chính phủ, các chuyên gia lịch sử và nhà sản xuất. Nguồn tài chính cho quá trình sản xuất từ khâu viết kịch bản, kiểm duyệt, đến quay phim và ra rạp đều được hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp địa phương và cơ quan chức năng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, Nhà nước có những chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển dòng phim lịch sử như đặt hàng, tổ chức trại sáng tác... hay, hành lang pháp lý cho việc sản xuất phim. Tuy nhiên, cũng cần thời gian để chính sách đi vào phù hợp với thực tế đời sống. Trong khi đó, quan trọng nhất vẫn là tài năng là tâm huyết của các nhà làm phim dành cho phim lịch sử.