Đề cử giải Oscar 2023: Khi phụ nữ thịnh nộ

Thứ Năm, 09/03/2023, 15:32

"Women Talking" là bộ phim mạnh mẽ, kích thích tư duy làm sáng tỏ những vấn đề bức bối như bạo lực tình dục, chế độ gia trưởng và đức tin. Sự miêu tả đầy sắc thái về trải nghiệm và cảm xúc của phụ nữ khiến nó trở thành bộ phim phải xem đối với bất kỳ ai quan tâm đến điện ảnh nữ quyền. Phụ nữ đã lên tiếng và giờ chúng ta sẽ là người lắng nghe.

Một buổi sáng năm 2005, tỉnh dậy với thân thể đau nhức nhối cùng những vết máu thấm đẫm quần áo và ga giường, những người phụ nữ ấy không hay biết rằng họ đã trở thành nạn nhân của “bóng ma hiếp dâm” tại chính cộng đồng giáo phái Mennoite khép kín tại Bolivia. Độ tuổi của nạn nhân trải dài từ 3 cho đến 65 tuổi. Sống trong một cộng đồng sùng đạo và ít được tiếp cận với giáo dục, người dân nơi đây đổ lỗi cho quỷ Satan, cho các linh hồn tội lỗi, hay tệ hơn, khi cho rằng chính những người phụ nữ bị hại đã bịa chuyện để gây chú ý.

328128228_709687497612131_2342880598663792185_n.jpg -0
Một cảnh trong bộ phim “Women Talking”.

Suốt 4 năm trời với số lượng nạn nhân trên thực tế có thể vượt hơn 300 người, vào tháng 6 năm 2019, những kẻ gây ra tội ác kinh hoàng này mới bị bắt. Hung thủ chính là 8 gã đàn ông, hầu hết là người cùng cộng đồng. Đến năm 2011, vụ án mới được đưa ra xét xử và đi đến hồi kết. Song, hồn ma của tội ác này vẫn mãi ám ảnh người dân nơi đây. Vụ án này đã truyền cảm hứng cho nữ tác giả Miriam Toews, cũng từng lớn lên tại một cộng đồng giáo phái Mennoite, viết nên tiểu thuyết “Women Talking”. Bộ phim cùng tên được chuyển thể từ cuốn sách này đã được đề cử cho hạng mục Phim xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất của Oscar 2023 sắp tới.

"Women Talking" (2022) của đạo diễn Sarah Polley đã dành bốn phút đầu phim để đặt người xem vào bối cảnh phim dựa trên tội ác có thật tại cộng đồng tôn giáo Mennoite, thời lượng khoảng 1h44 phút còn lại là câu chuyện giả tưởng về các phương án mà những nạn nhân tìm cách thoát ra khỏi hoàn cảnh của mình. Trong phiên bản giả tưởng này, tất cả đàn ông trong cộng đồng đã đứng ra bảo lãnh những kẻ hiếp dâm, còn những người phụ nữ thì tập hợp lại để tìm cách đối phó. Ba phương án được đưa ra: Ở lại, tha thứ cho hung thủ, coi như không có chuyện gì xảy ra; Ở lại trả thù những tên đàn ông; hoặc rời bỏ cộng đồng.

Cuộc tranh cãi chủ yếu xảy ra giữa ba người phụ nữ trẻ với quan điểm trái chiều: Ona (Rooney Mara), Salome (Claire Foy), và Mariche (Jessie Buckley). Ona là một phụ nữ độc thân, mang thai từ chính vụ hiếp dâm, song cô vẫn hết mực yêu thương đứa bé trong bụng mình. Ona luôn bao dung, kể cả với những kẻ gây ra tội ác ghê tởm. Với cô, cả phụ nữ lẫn đàn ông đều là nạn nhân của ngoại cảnh, của môi trường nuôi dưỡng.

Trái ngược hoàn toàn là Salome, khi quyết ở lại để trừng trị những gã đàn ông xấu xa. Đứa con gái mới 4 tuổi của Salome là nạn nhân và bị nhiễm căn bệnh lây qua đường tình dục, khiến cô sẵn sàng giết bất kì những kẻ dám làm tổn thương con cô lần nữa. Thái độ của Salome chính là cơn thịnh nộ của tình mẫu tử. Còn Mariche lại chọn phương án yên phận ở lại thay vì rời đi như Ona hay đấu tranh như Salome. Sau nhiều năm trời bị bạo hành bởi chính chồng mình, khao khát vươn lên của Mariche đã cạn kiệt, giờ đây cô chỉ biết cam chịu nhìn chồng đánh đập con gái mình. Ba người phụ nữ này tính cách khác biệt nhưng có thể nói họ là hiện thân cho ba đức tính đẹp đẽ của một người phụ nữ/người mẹ: lòng bao dung - sức mạnh để bảo vệ con cái - sự cam chịu (ở một mức độ hợp lý).

Các nhân vật và phần lớn tình tiết trong phim là giả tưởng, nhưng cá nhân tôi muốn gọi nó là mộng tưởng, là một niềm ao ước của tác giả hơn. Dù không được tiếp cận nền giáo dục cơ sở hay bất kì kiến thức nào ngoài những lời răn dạy của Chúa, nhưng những người phụ nữ trong "Women Talking" có thể đưa ra những lí luận sắc bén dựa trên quan điểm cá nhân sâu sắc đến bất ngờ, vừa mạnh mẽ vừa có hiểu biết để tự quyết định số phận của bản thân.

Đến cuối phim, họ quyết tâm ra đi tìm một miền đất hứa nơi họ có thể biến quyền bình đẳng giới trở thành hiện thực. Rất tiếc kết cục thực tế của vụ án này lại không được tốt đẹp tựa một giấc mơ như vậy. Bởi yếu tố văn hóa và tôn giáo của cộng đồng nghiêm cấm phụ nữ nơi đây quan hệ tình dục trước hôn nhân, vì vậy gia đình các nạn nhân từ chối cho họ đi khám nghiệm và làm chứng trước tòa. Thậm chí khi vụ án đã kết thúc và những kẻ hiếp dâm đã bị tống vào tù, tội ác này vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Cuối năm 2013, nữ phóng viên Jean Friedman-Rudovsky của trang tin tức Vice đến Manitoba để làm phóng sự, đã phát hiện ra ngoài bóng ma tổn thương tâm lý còn lởn vởn nơi đây, thì vẫn còn đó những bằng chứng cho thấy rằng nạn bạo hành tình dục, thậm chí loạn luân vẫn đang hoành hành tại cộng đồng khép kín này. Vậy nên cái kết của "Women Talking" là một giấc mơ tuyệt đẹp so với thực tại tàn khốc.

333590303_202910929053777_4064548351482005132_n.jpg -0
Phim “Everything Everywhere All at Once” đang dẫn đầu đề cử cho giải Oscar 2023.

"Women Talking" đã khám phá sự giao thoa giữa đức tin và lợi ích bản thân. Những phụ nữ bị giằng xé giữa sự tận tụy với tôn giáo của họ và mong muốn được tự chủ và tự quyết. Một mặt họ vẫn muốn nương tựa vào những lời răn dạy của Chúa để làm một con chiên ngoan đạo và được phép lên thiên đường sau khi chết, mặt khác họ lại nhận ra rằng chính tôn giáo lại bị đàn ông trong cộng đồng sử dụng như một thứ vũ khí để đàn áp và kìm hãm quyền làm người của mình. Họ không được khuyến khích đặt câu hỏi về hiện trạng và được dạy để tìm thấy niềm an ủi khi phục tùng đàn ông. Đó là lí do chính dẫn đến sự đấu tranh cho nữ quyền, cho những phong trào biểu tình chống lại luật lệ áp bức phụ nữ, gần đây nhất là đạo luật cấm phá thai tại nhiều bang của Hoa Kỳ năm 2022.

Cơn thịnh nộ của nữ giới (female rage) gần đây đã trở thành một phần của xu hướng lớn hơn trên các phương tiện truyền thông hướng tới việc thể hiện những trải nghiệm của phụ nữ một cách trung thực và phức tạp hơn. Bằng cách thể hiện phụ nữ là những cá nhân được nhận thức đầy đủ với những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của riêng họ, truyền thông có thể thách thức những định kiến và kỳ vọng truyền thống đã kìm hãm vai trò và cơ hội của nữ giới.

Trong phim, đức tin của nhân vật Salome dần bị lung lay và cô quay ra thách thức chính vị Chúa cô đã luôn tôn thờ thông qua màn độc thoại đầy nỗi oán hận: “Nếu Chúa toàn năng, tại sao Ngài ấy không bảo vệ phụ nữ và bé gái cộng đồng này? Tôi sẽ giết bất cứ sinh vật nào làm hại con tôi... Tôi sẽ thách thức Chúa Trời ngay khoảnh khắc trừng phạt tôi nếu tôi phạm tội vì bảo vệ con tôi khỏi tội ác, và vì hủy diệt cái ác đó để nó không thể hại thêm bất kỳ ai!....”.

Cơn thịnh nộ của phụ nữ là có thật và vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, chỉ là nó không được thể hiện nhiều trên phim ảnh của giới làm phim (chủ yếu là đàn ông, và phần lớn thuộc thế hệ cũ). Thịnh nộ là thứ cảm xúc khó bị tình dục hóa hơn hẳn so với các cảm xúc khác của người phụ nữ. Đó không phải là giận dỗi, nũng nịu hay nhõng nhẽo, mà là thịnh nộ và căm thù. Thứ cảm xúc này sẽ thúc đẩy nhân vật nữ vượt qua sự kiểm soát của kẻ mạnh để chiếm lại thế thượng phong, như The Bride trong "Kill Bill" hay Carey trong "Promising Young Woman".

Việc khắc họa cơn thịnh nộ của phụ nữ trong "Women Talking" vừa mạnh mẽ vừa cần thiết. Bộ phim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép phụ nữ bày tỏ tức giận và sử dụng điều đó để tạo ra sự thay đổi. Những người phụ nữ trong phim không bằng lòng chấp nhận số phận hoặc tìm cách trả thù những kẻ tấn công mình; thay vào đó, họ cùng nhau thách thức toàn bộ hệ thống đã áp bức họ.

Bằng cách thể hiện phụ nữ là tác nhân tích cực của sự thay đổi chứ không phải là nạn nhân thụ động, bộ phim thách thức những kỳ vọng và vai trò giới tính truyền thống.

Kinh Quốc
.
.