Để công nghệ là "cánh tay nối dài" đưa nghệ thuật ra thế giới

Thứ Năm, 17/07/2025, 15:34

Tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ đã tác động ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống văn hóa - xã hội. Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã làm thay đổi diện mạo, mang lại hiệu quả vượt bậc nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở lĩnh vực này.

Đó cũng chính là nội dung cuộc hội thảo do Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ ở các lĩnh vực.

Đa dạng ứng dụng công nghệ hiện đại

Trong "cơn lốc" của công nghệ hiện đại, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 thì nhiều phương thức trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật tại Việt Nam có sự thay đổi. Trong đó, công nghệ 4.0 được ứng dụng rộng rãi.

Nhiều đơn vị nghệ thuật đã ứng dụng hệ thống đặt vé online, quét mã QR và quản lý dữ liệu biểu diễn bằng phần mềm chuyên dụng. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa công tác tổ chức mà còn tạo điều kiện để phân tích sở thích khán giả và nâng cao hiệu quả truyền thông.

Một số nhà hát như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Tuổi trẻ... đã sử dụng kỹ thuật tích hợp màn hình LED, công nghệ trình chiếu 3D mapping, kỹ xảo ánh sáng... để tạo hiệu ứng thị giác trong nhiều chương trình.

Để công nghệ là
Nhiều chương trình nghệ thuật ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế sân khấu, biểu diễn.

Ở Việt Nam, dù bước đi còn chậm nhưng đã nỗ lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến này. Nhiều chương trình nghệ thuật trong nước như lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, các liveshow của ca sĩ Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn... đã ứng dụng đồng bộ hệ thống âm thanh - ánh sáng thông minh, màn hình LED, hologram và kỹ thuật mapping 3D...

Nhiều nghệ sĩ trẻ, đặc biệt trong các lĩnh vực âm nhạc, múa, sân khấu... đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để sáng tạo sản phẩm biểu diễn độc đáo, có khả năng tương tác với khán giả. Chương trình nhạc kịch bán thực cảnh "Ký ức để lại" của biên đạo múa Tuyết Minh đã áp dụng một phần công nghệ hiện đại, mang tới cảm xúc hào hùng cho khán giả khi thể hiện trên màn hình LED, kết hợp ánh sáng, âm nhạc, âm thanh... cùng lúc trên nhiều sân khấu.

Từ một "giải pháp pháp tình thế" trong giai đoạn dịch bệnh, giờ đây, việc biểu diễn trực tuyến và livestream vẫn thường xuyên được các nghệ sĩ sử dụng. Một số nhà hát đã tổ chức biểu diễn trực tuyến qua YouTube, Facebook hoặc các nền tảng số như Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với chương trình "Âm sắc núi rừng", Nhà hát Tuổi trẻ với vở kịch "Những điều còn lại" phát trực tiếp trên Facebook.

Công cuộc số hóa di sản nghệ thuật biểu diễn, xây dựng ngân hàng dữ liệu số, bảo tồn các trích đoạn sân khấu kinh điển... cũng đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhiều đơn vị triển khai.

Thông qua việc quay dựng, biên tập và phát hành các vở cải lương kinh điển như "Tiếng trống Mê Linh", "Lá sầu riêng" trên các nền tảng trực truyền hoặc các ứng dụng đã góp phần đưa nghệ thuật cải lương - vốn đang gặp khó khăn - đến gần hơn với khán giả trẻ.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phát triển không gian triển lãm văn hóa số metaverse, trưng bày các hiện vật từ Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ngoài ra, công nghệ Nomion và chip NFC tạo cho du khách trải nghiệm tương tác đa chiều với các hiện vật, kết hợp công nghệ blockchain để xác thực quyền sở hữu kỹ thuật số...

Ở góc độ một chuyên gia trong lĩnh vực múa, Tiến sĩ Lê Hải Minh cho rằng ngày càng có nhiều chương trình nghệ thuật lớn ứng dụng công nghệ 4.0. Có thể kể tới các chương trình như "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Quảng Nam vang mãi bản hùng ca" (ngày 24/3/2025) đã sử dụng laser mapping, màn hình LED... kết hợp với ca khúc, bản nhạc hiện đại, đem đến hiệu ứng mãn nhãn, tạo điểm nhấn ấn tượng cho đêm biểu diễn.

Tại TP Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Lê Thanh Tùng là một trong những nghệ sĩ đi tiên phong trong các dự án kết hợp giữa múa và công nghệ thị giác. Từ 2015 anh đã bắt đầu tiếp cận kỹ thuật VJing - hình thức trình diễn hình ảnh động được tạo lập và điều khiển theo thời gian thực. Nghệ sĩ Chinh Ba cùng các cộng sự tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 trong các dự án phim múa, khai thác ngôn ngữ biểu đạt của nghệ thuật múa qua hình thức thị giác hiện đại.

Tránh nguy cơ biến nghệ thuật thành "nồi lẩu thập cẩm"

Các chuyên gia có mặt tại hội thảo đều nhất trí, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào NTBD không phải là lựa chọn mà là con đường tất yếu để ngành nghệ thuật Việt Nam phát triển và hội nhập trong thời đại số. Nhiều năm trở lại đây, một số nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã rất chú trọng ứng dụng công nghệ vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Trong đó, phải kể tới Hatsune Miku là "ca sĩ ảo" của Nhật được tạo nên từ công nghệ tổng hợp giọng hát và mô hình 3D. Các nhà hát tại Tokyo từng thử nghiệm cho robot tham gia biểu diễn kịch và biểu diễn múa với những cử động đã được lập trình. Hàn Quốc thì đi đầu trong việc tổ chức concert trong metaverse - sân khấu ảo - nơi người hâm mộ có thể tương tác, di chuyển mua vật phẩm ảo và gặp gỡ thần tượng.

Để công nghệ là
Công nghệ hiện đại được ứng dụng trong chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện".

Theo Tiến sĩ Phạm Việt Hà (Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường) hạn chế lớn nhất trong ứng dụng công nghệ vào NTBD ở Việt Nam hiện nay là khó khăn về hạ tầng công nghệ. Phần lớn nhà hát, sân khấu ở Việt Nam đều trong tình trạng thiếu hụt thiết bị hiện đại như hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn quốc tế, màn hình trình chiếu lớn, công nghệ AR/VR, hologram... Không ít đơn vị vẫn hoạt động trong không gian cũ kỹ, xuống cấp, chưa đủ điều kiện để triển khai biểu diễn công nghệ cao.

Ngoài ra, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực nghệ thuật - công nghệ chất lượng cao, ngoài chuyên môn nghệ thuật còn được đào tạo bài bản về công nghệ. Đội ngũ đạo diễn, kỹ thuật viên sân khấu, chuyên gia công nghệ, thiết kế hình ảnh, âm thanh tương tác... của các đơn vị nghệ thuật còn mỏng, thiếu kỹ năng kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ. Các trường đào tạo nghệ thuật ở nước ta hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào chương trình và phương pháp truyền thống, thiếu chương trình giảng dạy tích hợp công nghệ số, thiết kế đa phương tiện, kỹ xảo sân khấu.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thẳng thắn chỉ ra việc chưa đồng bộ khiến nhiều chương trình nghệ thuật ứng dụng công nghệ chưa mang lại chất lượng cao. Khi quảng cáo, giới thiệu thì hoành tráng như thực tế biểu diễn thì hình ảnh lem nhem, thiếu thẩm mỹ. Tình trạng drone rơi, lệch hình trong quá trình biểu diễn là minh chứng cho việc nhiều khâu chưa đồng bộ, thống nhất.

Ông Thắng cũng chia sẻ: "Kinh phí chi cho một chương trình biểu diễn ứng dụng công nghệ cao thường rất lớn trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ và kêu gọi xã hội hóa nguồn lực cho NTBD chưa mạnh mẽ và thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nghệ hợp tác với nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật".

Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào NTBD là cần thiết nhưng phải dựa trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, truyền thống biểu diễn và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Chỉ khi đó, thì công nghệ 4.0 mới trở thành "cánh tay nối dài" giúp NTBD vươn ra thế giới, giúp các giá trị nghệ thuật Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ trong kỷ nguyên số - nhà nghiên cứu Bùi Lưu Phi Khanh (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) lưu ý.

Bởi, nếu không sẽ như lo ngại của Tiến sĩ Cao Xuân Ngọc (Đài Tiếng nói Việt Nam), việc lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, tôn sùng thái quá, thiếu đi sự tinh tế cũng sẽ biến nơi biểu diễn thành cuộc trình diễn của công nghệ lạnh lẽo chứ không lấy sự biểu diễn của nghệ sĩ làm trung tâm. Máy móc công nghệ nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng sẽ biến nghệ thuật thành "nồi lẩu thập cẩm".

Trước những khó khăn đó, để ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực NTBD hiệu quả, hơn bao giờ hết cần sự chủ động học hỏi và tiếp cận công nghệ mới, các kinh nghiệm quốc tế của các nghệ sĩ. Còn các cơ quan quản lý trên cơ sở xác định việc ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu góp phần đưa nghệ thuật Việt Nam tiếp cận thế giới và thế hệ khán giả mới, từ đó có được chính khách khuyến khích, hỗ trợ các dự án nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ kịp thời và thiết thực.

Khánh Thảo
.
.