Để áo dài thành "Đại sứ văn hóa"

Thứ Năm, 09/03/2023, 11:06

Nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp tháng Ba về, trang phục áo dài truyền thống lại có cơ hội được tôn vinh qua nhiều hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, để tà áo mang "tâm hồn quê hương" ấy trở thành "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" thì rất cần lộ trình cụ thể, rõ ràng và hiệu quả.

Một trong những sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của những người yêu áo dài, đó chính là "Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh" lần thứ 9 được khai mạc tối 3/3 tại đường đi bộ Nguyễn Huệ. Với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", lễ hội có nhiều hoạt động thú vị như chương trình nghệ thuật về áo dài, chương trình diễu hành áo dài, triển lãm hình ảnh theo các chủ đề: Áo dài với gia đình, Lễ hội áo dài qua các năm, Con đường nghệ thuật áo dài tại công viên Lam Sơn và quảng trường trước Nhà hát thành phố.

ngày càng có nhiều ngày hội áo dài được tổ chức tại các địa phương.jpg -0
“Tuần lễ áo dài” ngày càng được nhiều đơn vị, địa phương tham gia hưởng ứng.

Ngoài ra, lễ hội còn có các cuộc thi như "Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh", cuộc thi "Áo dài online", cuộc thi vẽ trên áo dài, biểu diễn các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh như quan họ, ví, giặm, đờn ca tài tử… trong không gian triển lãm áo dài. Bên cạnh đó còn có tọa đàm "Nét đẹp áo dài Việt - Bảo tồn và phát triển" kết hợp workshop trang trí áo dài.

Lần đầu tiên, lễ hội ra mắt ứng dụng công nghệ tương tác trực tuyến thế giới ảo Metaverse để quảng bá áo dài. Ứng dụng này sẽ giúp người tham quan tham gia với hình ảnh các nhân vật mặc áo dài đi qua các điểm du lịch đặc sắc trên địa bàn. Lễ hội năm nay có sự đồng hành của nhiều văn nghệ sĩ với vai trò đại sứ hình ảnh như nghệ sĩ Phi Điểu, Kim Xuân, Trịnh Kim Chi, MC Quỳnh Hoa, hoa hậu H'Hen Niê, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương …

Ngay trong đêm khai mạc, khán giả đã được chiêm ngưỡng 21 bộ sưu tập áo dài đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng như Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Việt Hùng, Đức Huy, Trisha Võ, Trung Đinh, Vũ Huy, Liên Hương, Tuấn Hải… Mỗi nhà thiết kế (NTK) kể một câu chuyện về áo dài theo cách riêng của họ nhưng đều mang đậm nét đặc trưng của mảnh đất phía Nam. Các bộ sưu tập (BST) đã cho thấy tình yêu của các NTK với áo dài thông qua các thiết kế đa dạng về chất liệu, màu sắc, hoa văn.

Trong đó, khán giả đặc biệt ấn tượng với BST áo dài mang tên "Thành phố đi lên - Đất lành chim đậu" của NTK Việt Hùng với sự tham gia biểu diễn của 100 nghệ sĩ và các đại sứ. BST lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh chim mang khát khao, hy vọng. Hay NTK Vũ Huy là một người khiếm thính bẩm sinh mang đến BST "Hoa đồng cỏ nội", với sự trình diễn của các bạn có hoàn cảnh đặc biệt và các người mẫu. BST "Áo dài trên sông Sài Gòn" của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam lại tái hiện vẻ đẹp lung linh, hiện đại, năng động và đầy sức sống của mảnh đất được mệnh danh là "hòn ngọc Viễn đông". BST "Non nước Việt Nam" của nghệ nhân Trung Đinh lại sử dụng nền vải lụa truyền thống với phương pháp nhuộm màu thủ công. NTK Nguyễn Đức Huy (thương hiệu cổ phục Đông Phong) thì cho thấy sự công phu của mình qua những mẫu thiết kế áo tứ bình, ngũ thân, nhật bình, phượng bào… nằm trong BST "Nếp màu tự nhiên". Điểm đặc biệt nữa ở BST này là chất liệu vải được dệt bằng các loại cỏ cây thiên nhiên như vỏ củ nâu, lá ngải cứu... NTK Sĩ Hoàng mang đến cho công chúng yêu áo dài BST "Hương thầm" với áo dài ngũ thân cùng chất liệu lụa Việt Nam kết hợp với hội họa…

Có thể nói, một tín hiệu vui là nhiều năm gần đây "Tuần lễ áo dài" ngày càng thu hút đông đảo người tham gia. Là chủ trương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, "Tuần lễ áo dài" được triển khai từ năm 2019 và tổ chức định kỳ hàng năm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Năm nay, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động "Tuần lễ áo dài" từ ngày 1/3 đến ngày 8/3 trên toàn quốc. Không chỉ dừng lại ở việc mặc áo dài, các cấp hội phụ nữ của nhiều tỉnh, thành phố đã và đang có nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực, ý nghĩa như tổ chức bình chọn ảnh áo dài đẹp, thi nét đẹp "Duyên dáng áo dài", quyên góp tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đồng diễn áo dài… Đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động nguồn xã hội hóa để tặng hơn 2.000 bộ áo dài truyền thống cho phụ nữ khó khăn ở địa phương nhân dịp 8/3. "Ngày hội áo dài" năm nay được tổ chức tại phố đi bộ Hoàng thành nằm trong Kinh thành Huế. Hoạt động đã thu hút hàng nghìn phụ nữ, khách du lịch đến tham dự không khí vui tươi của ngày hội.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều cá nhân chủ động gom áo dài để tặng cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… Hưởng ứng chủ trương của Hội Liên hiệp phụ nữ, chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Phụ nữ Bộ Công an, Ban Phụ nữ CAND phát động ngày hội áo dài trong toàn thể phụ nữ CAND nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn lực lượng, cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Các hoạt động này không chỉ nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu áo dài, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn trở thành một sự kiện văn hóa độc đáo thu hút bạn bè quốc tế và du khách đến với đất nước Việt Nam.

một số mẫu áo dài được biểu diễn tại lễ hội áo dài lần thứ 9.jpg -0
Một số mẫu áo dài được biểu diễn tại “Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh” lần thứ 9.

Cùng với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, áo dài truyền thống ngày càng có chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, làm thế nào để áo dài trở thành một "đại sứ văn hóa", mang thông điệp của văn hóa Việt đến với thế giới cần một chiến lược rõ ràng và cụ thể. Sau 8 lần tổ chức, "Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh" đã đi gần với mục tiêu này. Lễ hội năm nay là lần đầu tiên chuẩn bị cho việc giới thiệu Lễ hội áo dài tại các thị trường nước ngoài. Theo đó, ngành du lịch thành phố sẽ quảng bá Lễ hội áo dài tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Asia 2023 (dự kiến vào tháng 10 tại Singapore). Các hoạt động năm nay được tổ chức ở các di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh TP Hồ Chí Minh là "Điểm đến an toàn - Hành trình sống động" tới mọi du khách.

Đã nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh kết hợp giữa lễ hội áo dài và du lịch. Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như: Phát động các nhà may, các đơn vị bán vải, áo dài, giảm giá, vận động các doanh nghiệp lữ hành bổ sung thêm hoặc thiết kế các tour có nội dung gắn với lễ hội áo dài, giảm giá cho du khách sử dụng dịch vụ du lịch khi mặc áo dài… Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi địa phương cần có kế hoạch tổ chức lễ hội áo dài thành một chương trình bài bản như TP Hồ Chí Minh mới có thể thu hút du khách đến mọi miền Tổ quốc. Ngoài ra, thông tin về lễ hội áo dài cần có sớm để các công ty lữ hành chủ động triển khai tour hiệu quả. Theo các công ty lữ hành, các du khách rất háo hức với trải nghiệm văn hóa liên quan tới áo dài. Tuy nhiên, thông tin về lễ hội có muộn, doanh nghiệp không đủ thời gian tổ chức tour mới nên chỉ có thể lồng ghép vào các tour sẵn có như một hoạt động tăng thêm.

Một niềm vui trong hành trình hoàn thiện hồ sơ tôn vinh áo dài Việt Nam là "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" là việc thành lập Câu lạc bộ Di sản Áo dài (CLB) (trực thuộc Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam). Chính thức ra mắt vào cuối tháng 12/2022, CLB mang sứ mệnh lan tỏa và bảo tồn nét văn hóa trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại". Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, CLB cần có một lộ trình thiết thực rõ ràng và hiệu quả để có thể xây dựng được không gian văn hóa áo dài, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO tôn vinh quốc phục Việt Nam. Theo đó, những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện là làm sao để áo dài phải là quốc phục về mặt pháp lý, cần có không gian văn hóa của áo dài, không gian nghề thủ công làm ra chiếc áo dài… Hy vọng rằng, cùng với tình yêu mỗi cá nhân, đơn vị đóng góp trách nhiệm của mình để ngày càng lan tỏa được vẻ đẹp của áo dài truyền thống, góp phần tôn vinh quốc phục Việt Nam.

Khánh Thảo
.
.