Dấu ấn nhân văn ở nơi phục thiện
Nằm cách TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên về phía Tây Bắc hơn 60km, Trại giam Xuân Phước thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an là nơi giam giữ cải tạo phạm nhân thi hành án hình sự đến từ nhiều địa phương trong nước.
Nơi ấy hơn 47 năm qua, nhiều thế hệ đảng viên, cán bộ - chiến sĩ (CBCS) Công an đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và hiểm nguy, cảm hóa, giáo dục hàng chục ngàn phạm nhân hoàn lương, hướng thiện, trong đó có những hoạt động đậm chất nhân văn từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Gắn bó với nơi này hơn 30 năm, Đại tá Trần Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Xuân Phước cho biết: “Tiền thân cơ sở này là Trại Cải tạo Binh vận - An ninh từ tháng 8/1961, một năm sau tách ra là Trại An ninh do Ban An ninh tỉnh Phú Yên quản lý, đến năm 1963 chuyển thành Trại A20. Gần một năm sau khi đất nước thống nhất, Bộ Nội vụ - là Bộ Công an quyết định thành lập Trại giam Xuân Phước ngày 2/1/1976 từ Trại A20”.
Thời đó, địa bàn xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân rừng thiêng nước độc, giao thông cách trở, lương thực thực phẩm khan hiếm. Một bên Trại giam Xuân Phước là sông Trà Bương, ba bề còn lại là những dãy đồi núi. Mùa nắng sông cạn đáy, đất đai cằn cỗi, khô hạn kéo dài; mùa mưa trút nước dai dẳng, lũ dữ ầm ào chia cắt. Không gian nhiều muỗi, sông suối lắm vắt dày bùn, có thời điểm hơn 40% CBCS Công an bị sốt rét rừng hành hạ, 9 CBCS vĩnh viễn ra đi. Bên trong trại giam, CBCS Công an và phạm nhân đều lưu trú nhà tranh, vách đất; thư báo mỗi tuần mới nhận một lần, mùa mưa lắm khi nửa tháng mới có, cả đơn vị chỉ một ti vi đen trắng, ăng ten đưa lên đồi chỉnh sửa mãi nhưng hình ảnh vẫn nhòe nhoẹt, âm thanh chệch choạc. Bữa cơm độn khoai mì ẩm mốc, thực phẩm cá khô, rau rừng, muối ớt hay nước mắm mặn chát là chuyện thường ngày.
Trong bối cảnh đó, Trại giam Xuân Phước tiếp nhận 1.316 đối tượng phản cách mạng trên tàu “Việt Nam Thương Tín” do Trần Đình Trụ, trung tá Hải quân chế độ Sài Gòn làm thuyền trưởng, từ đảo Guam của Mỹ trở về cảng Nha Trang chiều 27/10/1975 để thực hiện âm mưu cài cắm hoạt động chống phá chính quyền cách mạng và nhân dân lâu dài… Những năm sau đó, Trại giam Xuân Phước tiếp nhận phạm nhân 10 năm tù trở lên, hầu hết là dân giang hồ tứ chiếng, vào tù ra tội, trong đó có không ít đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, nên mỗi khi dẫn giải phạm nhân đi lao động phải dự báo, tính toán kỹ các phương án xử lý khi có tình huống xảy ra. Người trực chiến phải thức trắng đêm, người rời khỏi ca trực cũng không tròn giấc ngủ vì nỗi lo cứ chập chờn khi nghĩ đến đồng đội…
Đại tá Trần Văn Dũng cho biết, với 2 phân trại ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và 1 phân trại ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, những năm gần đây, mỗi năm Trại giam Xuân Phước quản lý, giáo dục gần 2.500 phạm nhân thi hành án hình sự về nhiều tội danh khác nhau. Trong số đó nhiều phạm nhân từng có tiền án, tiền sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm và hàng trăm trường hợp phải thi hành hình phạt tù từ 15 đến 30 năm, tù chung thân... nên phải tăng cường công tác trinh sát kết hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên rà soát, phân hóa, bóc tách, điều chuyển, không để cấu kết thành băng, nhóm đánh nhau, gây rối, mưu toan trốn khỏi nơi giam giữ; bảo đảm ổn định an ninh trật tự trại giam, không để xảy ra tình huống bị động, đột xuất, bất ngờ... Và điều đáng nói là hầu hết phạm nhân nhập trại đều không có nghề nghiệp, nên khi tiếp nhận, phải cẩn trọng rà soát từng trường hợp, độ tuổi, sức khỏe… để bố trí lao động, dạy nghề theo quy định pháp luật.
Bài toán về công tác dạy nghề cho phạm nhân không hề đơn giản, bởi lẽ mỗi năm đều phải dự báo, phân tích và tính toán cụ thể để xác lập kế hoạch dạy nghề, khai thác nguồn lực lao động, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, đặt hàng gia công sản phẩm...
Trung tá Ngô Thị Mỹ Linh - Đội trưởng Đội kế hoạch - xây dựng - hướng nghiệp dạy nghề cho biết, trong những năm qua, mỗi năm Trại giam Xuân Phước đã tổ chức dạy nghề may mặc, mộc dân dụng, đan lát… cho 800 - 1.200 phạm nhân, số còn lại được hướng dẫn lao động sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi để tạo nguồn rau sạch, thịt, cá tươi cung cấp cho CBCS và phạm nhân.
Phạm nhân Đặng Văn Cửu sinh năm 1989, trú ở thôn Tân Lập, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) phạm tội giết người, bị bắt từ giữa tháng 11/2011 bày tỏ: “Tôi nhập trại cuối tháng 7/2012, nhờ chấp hành tốt các quy định nên sau một thời gian đã được bố trí học nghề đan lát. Lúc đầu còn lúng túng nhưng nhờ cán bộ quản giáo động viên, phạm nhân có tay nghề tốt hướng dẫn từng thao tác nên sau vài tháng tôi đã đan thành thạo nhiều sản phẩm”. Nhìn Cửu và những phạm nhân có mặt trong phân xưởng thoáng mát đang cần mẫn đan sợi cho các sản phẩm ghế tựa lưng, giỏ hoa và một số đồ gia dụng, tôi cảm nhận mỗi đường nét sợi đan hoàn hảo đang dẫn dắt họ đi về nẻo thiện, để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Rời phân xưởng dạy nghề thủ công mỹ nghệ, chúng tôi đến lớp học xóa mù khi Đại úy Ngô Sinh Tồn, cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ đang đứng hướng dẫn cho 15 phạm nhân mù chữ tập viết và làm toán. Một trong số đó là phạm nhân Đặng Quang Vinh sinh năm 1980, trú ở xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) phạm tội trộm cắp tài sản, bị bắt từ cuối tháng 8/2020 và bị xử phạt 10 năm tù. Vinh mù chữ, nhập trại từ tháng 6/2021, nhưng đến nay Vinh không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn làm tốt những bài tập toán lớp 3.
Còn Rah Lan Rah sinh năm 1977, trú ở xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, bị bắt cuối tháng 1/2021 với mức án 6 năm tù. Nhập trại mới hơn một năm, nhưng Rah đã có thể viết thư gửi về gia đình nhờ sự tận tâm dạy chữ của những người thầy mặc sắc phục cảnh sát.
Trung tá Trần Văn Đức - Phó Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết, tỷ lệ người mù chữ trong cộng đồng còn rất ít nên học viên lớp học xóa mù ở trại giam cũng giảm dần, nhưng mỗi năm đơn vị vẫn tổ chức dạy học cho 13-20 phạm nhân; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Xuân hỗ trợ kiểm tra cuối kỳ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học.
Thêm một nét đẹp nhân văn được Trại giam Xuân Phước xây dựng và tổ chức hoạt động từ nhiều năm qua, đó là phong trào “Tương thân, tương ái”. Mỗi năm, ngoài việc trích nguồn thu lao động sản xuất, học nghề của phạm nhân để bổ sung mức ăn, thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động… theo quy định pháp luật với tổng trị giá từ 600-800 triệu đồng, Trại giam Xuân Phước còn xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng” trong phạm nhân để hỗ trợ những trường hợp ốm đau, khuyết tật, không có người thân đến thăm.
Phạm nhân Nguyễn Duy Quốc sinh năm 1994, trú ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt từ cuối tháng 6/2021 và bị phạt tù 16 năm, cho biết: “Vì hoàn cảnh mồ côi, khuyết tật, nên từ khi vào trại giam giữa tháng 8/2022 đến nay tôi không có thân nhân đến thăm, nhưng quỹ “Tấm lòng vàng” đã trở thành nguồn động viên, chia sẻ tình cảm cho tôi trong những ngày lễ, ngày tết”.
Còn phạm nhân Đinh Jét - sinh năm 1990, trú ở xã Kông Yang, huyện Kông Chrò (Gia Lai) phạm tội giết người phải lãnh án chung thân, bày tỏ: “Hơn 7 năm thi hành án ở Trại giam Xuân Phước, những ngày lễ, ngày tết tôi đều nhận được phần quà hỗ trợ từ quỹ “Tấm lòng vàng” nên cũng bớt tủi thân khi không có người thân đến thăm”.
Chỉ riêng hai năm (2021-2022) và 6 tháng đầu năm nay, quỹ “Tấm lòng vàng” của Trại giam Xuân Phước đã hỗ trợ 368 triệu đồng cho 1.843 lượt phạm nhân trong phong trào “Tương thân tương ái”. Những con số thật sự giàu ý nghĩa nhân văn đã được xây dựng từ sự nỗ lực của đảng viên, CBCS đơn vị.
Theo Đại tá Trần Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Xuân Phước, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, CBCS luôn được nâng cao, gắn với tăng cường giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên, CBCS có bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đủ khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị…
“Nếu như hoạt động dạy nghề giúp cho phạm nhân nhận thức giá trị chân chính trong lao động sản xuất, thì lớp học xóa mù và “quỹ tấm lòng vàng” giúp cho phạm nhân cảm nhận được tình người ở nơi đang phục thiện. Những hoạt động nhân văn nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, giáo dục và cảm hóa phạm nhân sớm hoàn lương, hướng thiện, nên Trại giam Xuân Phước tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa những hoạt động nêu trên” - Đại tá Trần Văn Dũng chia sẻ.