Đạo diễn Vạn Nguyễn: Nhạc trữ tình vẫn chảy bền bỉ trong tầm hồn người Việt

Thứ Năm, 23/06/2022, 14:40

Vạn Nguyễn được đông đảo khán giả biết tới với vai trò đạo diễn của nhiều chương trình nghệ thuật ấn tượng, đặc biệt là chuỗi chương trình về chân dung các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Lam Phương... Chuyên đề Văn nghệ công an đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Vạn Nguyễn khi liveshow "Trăm nhớ ngàn thương" số thứ 6 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

- Trở lại với thị trường ca nhạc bằng show diễn hoành tráng "Trăm nhớ ngàn thương 6" giới thiệu 2 chân dung âm nhạc lớn của dòng nhạc trữ tình là nhạc sĩ Lam Phương và nhạc sĩ Trúc Phương, đạo diễn cho biết tại sao lại có sự kết hợp này?

+ Nếu nói ở góc độ duy tâm một chút có lẽ đó là cái "duyên". Tôi làm gì cũng đều xuất phát từ việc thực sự yêu thích điều đó. Tôi đến với âm nhạc của bác Lam Phương vì quá yêu những ca khúc "Như giấc chiêm bao", "Thành phố buồn", "Cỏ úa"… từ khi còn nhỏ. Đến năm 2017 tôi bắt đầu thực hiện chương trình đầu tiên và đến năm 2019 là làm chuỗi chương trình. Với tôi, việc thực hiện những chương trình về nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay các dòng nhạc mang âm hưởng dân gian truyền thống khác đều tự nhiên từ lòng say mê đó. Vì thế, khi có điều kiện và có thể làm thì lập tức tôi sẽ làm cái muốn làm.

Thời gian qua, tôi đã thực hiện được 5 chương trình về nhạc sĩ Lam Phương ở nhiều địa phương khác nhau. Lần này, ngoài chân dung nhạc sĩ Lam Phương, tôi giới thiệu thêm với khán giả một số ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương, người được mệnh danh là "ông hoàng Bolero" vì hai nhạc sĩ này có cùng giai đoạn và phong cách sáng tác dù khuynh hướng khác nhau.

van-nguyen-trong-con-say-voi-tuyet-pham-lam-phuong.jpg -0
Đạo diễn Vạn Nguyễn.

Nhạc sĩ Lam Phương có một gia tài sáng tác đồ sộ với 2 dòng chủ yếu là Trữ tình và Bolero. Nhạc trữ tình của ông nhiều bài mang phong cách mới, cụ thể là mang hơi thở, âm hưởng nhạc Pháp lãng mạn như "Mưa lệ", "Cho em quên tuổi ngọc", "Một mình"… Nhưng những bài như "Thành phố buồn", "Giọt lệ sầu", "Duyên kiếp"… lại gần gũi với nhạc Bolero. Tương tự, những ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương như "Ai cho tôi tình yêu", "Mưa nửa đêm", "Con đường mang tên em"… rất hay, nhiều khán giả thuộc. Có một sự thật là tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng nhiều khán giả chỉ biết bài hát mà không biết tên tác giả. Vì thế, Vạn Show chỉ mong muốn góp phần là đưa tên tuổi các nhạc sĩ gần công chúng hơn.

- Nhắc tới Vạn Show là khán giả nhớ tới chuỗi chương trình chân dung các nhạc sĩ tên tuổi đã thực hiện trong thời gian qua như "Trịnh ca", "Trăm nhớ ngàn thương"… Làm show về chân dung các nhạc sĩ luôn kỳ công, vất vả hơn so với những chương trình ca nhạc thông thường vậy sao anh vẫn cứ đắm đuổi?

+ Làm chương trình về một tác giả luôn khó khăn hơn vì phải chọn lựa rất kỹ. Phải là những tác giả có nhiều ca khúc hay, nổi tiếng. Ngoài ra, có một hạn chế là không phải ca sĩ nào cũng hát thành công những ca khúc. Có ca khúc chỉ gắn liền với 1, 2 giọng hát. Trong khi, làm chuỗi chương trình về 1 tác giả thì không thể cứ mời mãi 1, 2 ca sĩ đó. Điều đó khiến tôi luôn luôn phải thay đổi, làm mới trong từng chương trình để khán giả vừa thấy thân quen, vừa thấy mới mẻ.

Điều tôi có được khi làm chương trình về chân dung nhạc sĩ là nhiều cảm xúc và trải nghiệm đáng nhớ. Ví dụ khi đêm nhạc Lam Phương "Trăm nhớ ngàn thương" số thứ 3 vừa diễn ra thì nhạc sĩ Lam Phương qua đời. Thời điểm chuẩn bị cho chương trình khó khăn vô cùng. Diễn ra tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) vào tháng 12/2020, trước thời điểm dịch bệnh COVID - 19 bùng phát lần thứ 2, khán giả lo ngại dịch bệnh nên vé bán rất chậm. Đã có lúc tôi nghĩ hay dừng lại, không làm nữa. Nhưng rồi lại quyết tâm làm bởi tôi nghĩ: dịch bệnh khó lường, không biết thế nào nên tranh thủ thực hiện lúc hết giãn cách. Sau chương trình đúng 3 ngày, nhạc sĩ Lam Phương qua đời. Khi biết tin, các nghệ sĩ vừa tham gia chương trình như ca sĩ Giao Linh, ca sĩ Cẩm Vân, ca sĩ Thanh Hà… đều gọi điện cho tôi nghẹn ngào. Lúc ấy, tôi mới thấy quyết tâm thực hiện chương trình là đúng. Liveshow "Trăm nhớ ngàn thương 3" đã trở thành đêm nhạc cuối cùng khi nhạc sĩ Lam Phương còn sống. Nếu khi ấy, vì khó khăn tôi dừng lại thì sẽ vô cùng áy náy. Âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương được khán giả trong và ngoài nước yêu thích nhưng vì điều kiện sức khỏe nên rất lâu ông chưa về thăm được quê hương, hẳn nỗi nhớ trong ông đau đáu lắm. Với một nhạc sĩ, có một chuỗi chương trình thực hiện ở nơi mình sinh ra, lớn lên chắc là mong muốn lớn nhất. 

Sau đó, đầu tháng 1/2021, tôi lại tổ chức "Trăm nhớ ngàn thương 4" tại Quảng Ninh, trở thành liveshow đầu tiên tưởng nhớ nhạc sĩ sau khi ông qua đời. Chính vì thế, với tôi, hành trình "Trăm nhớ ngàn thương" là 1 hành trình đầy kỷ niệm.

các chương trình ca nhạc do đạo diễn vạn nguyễn thực hiện luôn mang đến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc.jpg -0
Các chương trình do đạo diễn Vạn Nguyễn thực hiện luôn là những “bữa tiệc” âm nhạc đầy màu sắc.

- Dịch bệnh COVID -19 kéo dài 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của xã hội. Điều đó có tác động thế nào sân khấu ca nhạc thưa đạo diễn?

+ Thú thực là có làm chương trình mới thấy rõ dịch bệnh gây nên những tổn thương với xã hội và đời sống người dân như thế nào. Đây là lần thứ 3 Vạn Show tổ chức chuỗi đêm nhạc Lam Phương ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ thấy khán giả mua vé mà cân nhắc lâu đến thế. Chương trình được khán giả rất quan tâm, nhắn tin hỏi rất nhiều nhưng quyết định mua lại chần chừ. Nhiều khán giả hỏi đơn vị sản xuất là có thể giảm giá không... Chúng tôi rất hiểu, với 1 cặp vé có giá từ 3 triệu đến 7 triệu đồng là cả tháng lương của một lao động bình thường, hoặc bằng chi phí một chuyến đi du lịch của cả nhà nên khán giả cân nhắc là điều dễ hiểu. Và dịch bệnh đã khiến phân hóa giàu - nghèo trong xã hội lại càng cao. Lượng vé có mức giá từ trung bình đến cao lại được khán giả mua hết từ sớm nhưng vé có mức giá thấp lại bán rất chậm. Bởi người có thu nhập tốt, họ mua không cần phải suy nghĩ gì. Nhưng người có thu nhập trung bình lại cân nhắc rất nhiều. Dịch bệnh khiến người thu nhập trung bình thành thu nhập thấp, người thu nhập thấp có khi thành không có thu nhập. Đặt câu chuyện lỗ lãi sang một bên, tôi rất đồng cảm với những khán giả có thu nhập thấp. Từ câu chuyện đó, tôi đang xây dựng chiến lược với mục tiêu giá vé thật vừa phải để đông đảo khán giả được thưởng thức những đêm nhạc chất lượng.

- Là đạo diễn của nhiều chương trình nghệ thuật trên khắp cả nước nhưng anh vẫn dành một phần tâm huyết cho dòng nhạc trữ tình. Theo anh, vai trò của dòng nhạc ấy trong đời sống hiện đại ngày nay như thế nào?

+ Tôi luôn nhìn bức tranh âm nhạc theo góc nhìn thực tiễn tâm lý con người. Đời sống tinh thần của khán giả có lẽ cũng giống như cơ thể con người. Thiếu gì người ta sẽ cần cái đó. Như khi khát thì ta cần uống nước, đói thì cần ăn. Với mỗi giai đoạn lịch sử thì đời sống âm nhạc lại mang đặc trưng. Ví dụ như giai đoạn những năm cuối thập niên 90, đầu năm 2000 của thế kỷ trước, đất nước bắt đầu mở cửa, nền kinh tế khởi sắc nên dòng nhạc trẻ lên ngôi. Đó là quy luật đời sống, quy luật tâm lý con người gắn liền với thực tại đời sống.

Nhưng, trong suốt thời gian vừa qua, dù đời sống nhiều thay đổi nhưng nhạc trữ tình vẫn chảy một cách lặng lẽ và bền bỉ trong tâm hồn con người. Người Việt vốn duy tình, "một bồ cái lý không bằng một tí cái tình" nên với nhiều người, âm nhạc trữ tình như một nơi trú ngụ tâm hồn một cách toàn năng, giúp cho con người ta như được động viên, an ủi sau những vất vả của đời sống. Và vì thế dòng nhạc trữ tình luôn là dòng sông chở mọi cảm xúc trong tâm hồn người Việt

- Giờ đây, Hà Nội trở thành điểm đến của những show diễn ca nhạc lớn. Điều này rất khác so với trước đây. Theo anh, thị trường âm nhạc Thủ đô chứa đựng những điểm khác biệt gì?

+ Tôi cho rằng Hà Nội là nơi vừa màu mỡ nhất vừa là nơi khắc nghiệt nhất của thị trường âm nhạc. Màu mỡ vì khán giả Hà Nội sẵn sàng mua vé giá cao miễn là chương trình hay. Đó là việc không phổ biến ở các nơi khác.

Nhưng để bán được vé cho người Hà Nội thì phải hiểu được tâm lý, gu thẩm mỹ của người Thủ đô. Và mỗi người làm chương trình lại chắt lọc theo nghiệm trải riêng. Nhưng với tôi, người Hà Nội thích cảm xúc sâu sắc, không màu mè hoa mỹ. Làm chương trình cứ đúng tiêu chí tinh tế, chân thành, mộc mạc là sống bền với khán giả Hà Nội. Khán giả Hà Nội không cần chương trình với những "pha xử lý cồng kềnh" mà luôn yêu những chương trình tinh tế và có giá trị nghệ thuật cao.

- Xin cảm ơn và chúc đạo diễn có thêm nhiều chương trình hay mang tới cho khán giả!

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.