Đạo diễn Trần Lực: Sân khấu phải khác biệt và hấp dẫn

Chủ Nhật, 20/08/2023, 08:54

Khá lâu rồi, sân khấu Hà Nội mới sôi động trở lại, với một vở diễn độc đáo, hấp dẫn mang tên “Búp bê” của Lucteam. Một Lê Hoàng tinh quái, sâu cay và một Trần Lực “sành nghề” biết Ta biết Tây, biết xưa biết nay, biết truyền thống biết hiện đại, biết tạo sàn diễn cho các diễn viên trẻ đang là học trò của mình đã tạo nên một kiểu sân khấu trẻ trung, mới lạ, sống động, gần gũi và hấp dẫn người xem.

Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Lực về vở kịch mới và những trăn trở của anh với đời sống sân khấu hôm nay.

đạo diễn trần lực.jpg -1

- Chúc mừng anh và Lucteam với vở diễn mới rất thú vị mang tên “Búp bê”. Kịch bản của Lê Hoàng vốn là một thử thách với các đạo diễn, vì sao anh chọn “Búp bê”?

+ Thực ra tôi được tiếp xúc với kịch bản của Lê Hoàng từ những năm 1990, tôi rất thích vì nó hợp với ngôn ngữ sân khấu ước lệ mà tôi theo đuổi. Tôi định dựng vở “Cô gái Hà Nội” nhưng ngày đó, chúng ta chưa cho phép sân khấu tư nhân hoạt động. Khi thành lập Lucteam, với một ngôn ngữ sân khấu quá mới mẻ biểu hiện - ước lệ, tôi phải dựng những vở nổi tiếng mà sân khấu kịch truyền thống đã làm như “Quẫn” của Lộng Chương, “Bạch đàn liễu” của NSND Xuân Trình, rồi kịch phi lý “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Cơn ghen của Lọ Lem” để khán giả có sự so sánh, đối chiếu, để họ thấy rằng đây là một ngôn ngữ sân khấu mới sẽ làm giàu thêm đời sống sân khấu ở Hà Nội. Đến bây giờ, tôi tự tin để làm những vở kịch đương đại. “Búp bê” của Lê Hoàng là vở đầu tiên.

“Búp bê” rất hợp với sân khấu biểu hiện - ước lệ của Lucteam. Kịch bản của Lê Hoàng viết không có tên nhân vật cụ thể mà chỉ có chàng trai, cô gái, anh bồi. Thế nên, khi dàn dựng, đạo diễn có thể thoải mái tưởng tượng ra nhân vật của mình, ví dụ anh bồi cao hay thấp, béo hay gầy... Với những nhân vật được dựng lên như vậy cũng đã có tính ước lệ trong đó rồi.

- Quả thật sân khấu biểu hiện - ước lệ cùng với phong cách kịch hiện đại, phóng khoáng và giễu nhại của Lê Hoàng đã khiến “Búp bê” thực sự hấp dẫn. Có thể nói đó là một sự kết hợp hoàn hảo để tạo ra một ngôn ngữ sân khấu mới mẻ, vừa đương đại vừa truyền thống và gần gũi với người xem. Rõ ràng, dấu ấn đạo diễn của anh ở “Búp bê” rất đậm nét?

+ Kịch của Lê Hoàng đi thẳng vào vấn đề, tránh được sự trình bày dài dòng, giải thích, nên hành động trong kịch của ông đầy ắp, sau thoại là hành động, thậm chí trong đối thoại đã tạo nên xung đột và hành động rồi. Sân khấu Lucteam ngoài việc thể hiện tâm lý còn có một điều rất quan trọng là cảm xúc, tình cảm của nhân vật được thể hiện bằng hành động, sự chuyển động của cơ thể. Kịch của Lê Hoàng bản thân câu thoại đã có hành động và xung đột, cáu giận là cáu giận luôn, yêu là yêu luôn nên diễn viên có thể diễn tả tình cảm, trạng thái của mình thông qua động tác hình thể.

Kịch của Lê Hoàng luôn đặt ra những vấn đề hiện đại của nhân loại. Đó là vấn đề trí tuệ nhân tạo, con người sáng tạo ra nó, nhưng đến một lúc, chính con người phải đối mặt với những cỗ máy biết yêu, biết ghét. Nhân vật Búp bê rất hoàn thiện và một khi nó có đầy đủ cảm xúc, tình yêu của con người thì không hiểu trái đất này, nhân loại này sẽ như thế nào? Ngoài ra, “Búp bê” của Lê Hoàng cũng đặt ra vấn đề đồng tính một cách thẳng thắn và chân thực. Sân khấu từ trước đến nay vẫn dè dặt về vấn đề nhạy cảm này. Nhưng qua “Búp bê” khán giả thấy rằng, những người đồng tính cũng như chúng ta thôi, họ có quyền yêu và khát vọng về hạnh phúc.

- Điều thú vị là 4 diễn viên của sân khấu Lucteam đều diễn như lên đồng, họ diễn mà như không diễn. Anh đã truyền lửa cho học trò của mình như thế nào trong bối cảnh sân khấu ảm đạm này?

+ Thực ra sân khấu của tôi là sân khấu đương đại, tôn trọng sáng tạo của từng cá nhân. Nhiệm vụ của tôi khi làm việc với các học trò của mình là phát hiện ra họ mạnh cái gì, có thể làm được gì để khi dàn dựng tôi khai thác điểm mạnh nhất của họ. Thế nên khi diễn, họ diễn như lên đồng, diễn như không diễn bởi họ được là chính mình. Tôi tôn trọng sáng tạo cá nhân của từng diễn viên. Có những bạn trẻ chưa biết có thể làm được gì, khả năng đến đâu, nhưng khi tôi đào tạo, họ diễn rất hay. Tôi chủ trương dùng ánh sáng âm u, có chút "hù dọa" để làm nổi bật diễn xuất hình thể của diễn viên. Đặc biệt, ý tưởng sẽ có hai kíp diễn với những cách thể hiện khác nhau cho mỗi suất diễn. Các vở diễn của Lucteam sẽ luôn luôn thay đổi, không chỉ ở việc thay đổi diễn viên mà vẫn vở kịch và diễn viên ấy - mỗi đêm sẽ mang lại một cảm xúc khác biệt. Đó chính là thế mạnh của sân khấu.

cảnh trong vở búp bê.jpg -0
Một cảnh trong vở “Búp bê”.

- Quả thật, xem xong “Búp bê” tôi tự hỏi, sân khấu hấp dẫn thế cơ mà, sao khán giả có thể quay lưng được?

+ Sân khấu không bao giờ chết, chỉ do những người làm sân khấu không thay đổi, không chịu vận động theo sự phát triển của xã hội. Đừng bắt khán giả thời nay xem theo sân khấu cũ. Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, kinh tế, công nghệ phát triển như vũ bão, khán giả muốn xem gì cũng có. Bây giờ với khán giả, sự giải trí đơn giản lắm, muốn cho sân khấu tồn tại thì sân khấu phải có sự khác biệt với những loại hình nghệ thuật khác như phim, ca nhạc, hội họa, games... Tại sao tôi thành lập Lucteam, bởi tôi thấy tính ước lệ ở sân khấu có sức hấp dẫn mà điện ảnh không bao giờ có được, đấy là nét riêng của sân khấu. Nhiều người nói sân khấu chết rồi, cũng đúng, nếu chúng ta cứ nằm ì, không chuyển động theo sự phát triển của xã hội đương đại.

Hãy thử nhìn chương trình, kịch mục của các nhà hát ở Hà Nội, từ tuồng, chèo đến các loại hình nghệ thuật biểu diễn không có gì mới mẻ cả. Sân khấu quá cũ, nhìn nó như 50 năm trước (ngôn ngữ và hình thức sân khấu). Vì thế, chính sân khấu đánh mất khán giả của mình.

- Rõ ràng, sân khấu hiện nay đứng trước nhiều thách thức khi càng ngày càng thưa vắng khán giả. Vậy để Lucteam - một đoàn kịch tư nhân tồn tại khi hàng đêm phải đi thuê rạp diễn, thuê nơi tập,anh và các học trò đã nỗ lực như thế nào?

+ Thầy trò tôi rất yêu và đam mê sân khấu nên phải làm mọi cách để tồn tại. Ở châu Âu, một sân khấu như Nhà hát Tuổi trẻ sẽ không thuộc sở hữu của ai mà chỉ có một nhóm quản lý, nếu tôi mang “Búp bê” đến, thuyết phục được họ, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư và tổ chức biểu diễn. Một ngày, tại rạp đó có thể có nhiều vở diễn khác nhau của nhiều đoàn. Còn chúng tôi, sân khấu tư nhân ở Hà Nội rất bị động, không có chỗ diễn, luôn bị “ra rìa” trong các vấn đề thuộc về quyền lợi của sân khấu. Rất khó khăn nhưng tôi vẫn nói với học trò của mình rằng, chúng ta cứ làm đi, trời không phụ đâu. Bởi chúng ta đã làm cho đời sống sân khấu Hà Nội đa dạng, phong phú hơn. Có những giá trị mang lại cao hơn cả tiền bạc, đó là sự lan tỏa những điều mới mẻ trong cộng đồng. Các nhà hát bắt đầu có những thay đổi tích cực, khán giả của Lucteam có nhiều người mới, đặc biệt là khán giả trẻ. Thế là vui rồi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. 

“Búp bê”là câu chuyện ẩn dụ rất độc đáo, vừa đời thường, vừa mang tính giả định. Vở kịch chỉ bao gồm 4 nhân vật: một chàng trẻ tuổi đẹp trai, vừa tham vọng lại vừa suy tư với một thân phận kép ẩn giấu nhiều bí mật. Một cô gái trẻ mười tám đôi mươi nhiều mơ mộng nhưng lại bị "áo cơm ghì sát đất". Một người đàn ông trung niên giàu có đang muốn tìm vợ để che giấu con người thật và một má mì đầy thủ đoạn. Lời thoại cập nhật cách nói trend của giới trẻ góp phần chuyển tải thông điệp chính của“Búp bê”muốn gửi gắm, đó là cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối cuộc sống con người. Trong thế giới ảo ấy, con người hãy sống thật, chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim, như lời thoại của các nhân vật: "Nếu trí tuệ nhân tạo chiến thắng ở mọi mặt trận thì tình yêu cũng thế!".

V. Hà (thực hiện)
.
.