Đạo diễn Phan Đăng Di: Quốc gia cần có tiếng nói trong nghệ thuật

Thứ Tư, 20/03/2024, 16:16

Đạo diễn Phan Đăng Di là người am hiểu hơn ai hết về đường đi đến các liên hoan phim (LHP) quốc tế hàng đầu của các phim độc lập, trên tư cách nhà làm phim và người hướng dẫn các nhà làm phim. Anh là người tổ chức “Gặp gỡ mùa thu” - chương trình dành cho các nhà làm phim trẻ. Anh đã có buổi trò chuyện với chúng tôi nhân dịp một loạt phim của các đạo diễn trẻ Việt Nam đoạt giải tại các LHP quốc tế những năm qua.

"Culi không bao giờ khóc" - nhiều lớp lang lịch sử

đạo diễn phan đăng di..jpg -1
Đạo diễn Phan Đăng Di.

- Tin bộ phim "Culi không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân giành giải Phim đầu tay hay nhất tại LHP Berlin 2024 là một tin vui nức lòng cho điện ảnh Việt. Có lẽ phải chúc mừng cả anh nữa nhỉ, vì trên một số trang điện ảnh thế giới ghi danh anh trong vị trí nhà sản xuất tiền kỳ? Anh tiếp xúc kịch bản này đầu tiên từ lúc nào?

+ Thực ra tôi biết Lân từ thời làm phim ngắn. Các phim ngắn của Lân rất tốt. Khi Lân có kịch bản này thì hai anh em trao đổi. Lúc đó, tôi nghĩ nên gửi hồ sơ phim đến chợ dự án ở LHP Busan (Hàn Quốc). Tôi là người đứng tên sản xuất để cùng Lân đến Busan năm đó (năm 2016 - PV). Trước đó Lân cũng đã có các phim ngắn được chiếu ở Berlin. Quy trình của một dự án phim nghệ thuật là sau khi giới thiệu ở Busan (chợ dự án phim lớn nhất châu Á), thì như tất cả các dự án khác là giới thiệu ở các quỹ, đi gặp các nhà sản xuất. Đi rất nhiều nơi sau đó, bao gồm cả LHP Cannes 2017.

- Đến Cannes là được lựa chọn tham dự hoạt động L'Atelier của Quỹ điện ảnh Cinefondation như phim "Bi, đừng sợ" của anh hồi năm 2008?

+ Đúng, quy trình của các dự án phim nghệ thuật là như vậy. L'Atelier của Cannes năm đó (2017), lần đầu tiên họ mời 2 dự án của cùng một quốc gia là Việt Nam. Mỗi năm, L'Atelier chọn 15 dự án từ khắp thế giới gửi về và thường mỗi nước họ chọn một dự án, nhưng đây là lần đầu tiên một nước có 2 dự án. Đó là "Vị" của Lê Bảo và "Culi không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân. Sau khi đã đến được những chỗ uy tín nhất, dự án tiếp tục được gửi đi các nơi để xin hỗ trợ kinh phí làm phim. Sau Cannes còn đến Lorcano. Tôi với chị Ngọc (nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc - PV) đã đi theo cả Lân và Bảo từ “Gặp gỡ mùa thu” - chương trình do tôi tổ chức ở Việt Nam dành cho các nhà làm phim trẻ. Dự án này của Lân tôi theo từ giai đoạn đầu, giới thiệu cho Lân một cánh cửa ra mở thế giới. Sau giới thiệu kết nối, tôi thuyết phục chị Ngọc làm nhà sản xuất.

- Theo anh, đâu là điều khiến kịch bản phim ấy chinh phục được một loạt cửa dự án quan trọng nhất trong khu vực phim nghệ thuật và mới đây là chiến thắng phim đầu tay tại Berlin?

+ Kịch bản này có nhiều nét độc đáo. Không phải ở chỗ gay cấn mà nó có nhiều lớp lang về lịch sử. Đó là câu chuyện của Việt Nam trong quan hệ với khối Xã hội chủ nghĩa. Nó là một cái nhìn về lịch sử. Thêm nữa, kịch bản đề cập đến vấn đề truy tầm lại nguồn gốc, trong đó có truy tìm lại quá khứ, truy tìm lại những kỷ niệm đã mất. Tất cả kết hợp trong một kịch bản đơn giản nhưng  nhiều lớp và giàu chất thơ - một kịch bản rất đặc biệt. Các vấn đề được trình bày vừa cá nhân vừa sâu lắng. Nó rất thú vị. Tất nhiên, với một kịch bản như vậy thì tìm nguồn tiền để làm phim thương mại là rất khó. Dạng kịch bản như này đi sâu vào tìm tòi sáng tạo, có những suy ngẫm về lịch sử.

đoàn phim culi không bao giờ khóc trên thảm đỏ lhp berlin 2024.jpg -0
Đoàn phim "Culi không bao giờ khóc" trên thảm đỏ Liên hoan phim Berlin 2024.

- Làm phim nghệ thuật, nhất là ở Việt Nam không đơn giản. Bộ phim này trải qua 8 năm mới đến quả ngọt vào năm nay. Anh theo phim và quan sát hành trình làm phim sau đó, đâu là lúc khó khăn nhất?

+ Giai đoạn đầu khá thuận tiện vì phim đã được giới thiệu tại những khu vực quan trọng nhất của điện ảnh thế giới. Khởi thủy là Busan, rồi Cannes, sau đó là Locarno... Khi vào giai đoạn sản xuất, lúc đó tôi không làm nhà sản xuất chính nữa, đó là giai đoạn khó khăn. Một đạo diễn trẻ với dự án đòi hỏi sự chính xác và chỉn chu trong sản xuất, nhiều lúc là một thách thức lớn.Trong quá trình sản xuất, nhiều cộng sự với Lân cảm giác không theo được, phải đổi nhân sự nhiều, khiến đạo diễn rất căng thẳng. Làm xong Lân không hoàn toàn hài lòng. Có những cảnh quay Lân muốn nhưng không thực hiện được. Phim đáng lẽ còn có sức nặng hơn nữa. Cũng may sau mọi khó khăn thì đi đến kết quả xứng đáng.

Cảm ơn dấu mốc điện ảnh tư nhân

- Năm nay "Culi không bao giờ khóc" của Lân đoạt giải phim đầu tay tại LHP Berlin. Năm ngoái thì "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân giành giải phim đầu tay tại LHP Cannes. Năm 2021, phim "Vị" của Lê Bảo đoạt giải Encounters Award - Special Jury Prize. Và trước đó nữa, phim "Ròm" của Trần Dũng Thanh Huy nhận giải New Current tại LHP Busan 2019. Anh đánh giá gì về sự trỗi dậy của điện ảnh Việt những năm gần đây?

+ À, tất nhiên mình có thể tự hào. Cũng nên hiểu đầy đủ hơn về bối cảnh, điều gì đã làm cho ta có một thế hệ như vậy. Nhìn lại, lịch sử làm phim của Việt Nam có rất nhiều gương mặt tài năng. Nhưng trước đây điện ảnh của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước.Tiền hoàn toàn từ nhà nước, những chủ đề được ủng hộ thì may ra đạo diễn mới có thể thể hiện được. Những cái tìm tòi quá cá nhân thì không có chỗ đứng. Điện ảnh của chúng ta trước đây cũng có nhiều tác phẩm hay nhưng chưa đi đến các LHP quốc tế lớn. Vì ở những nơi đó tiếng nói cá nhân quan trọng. Cần có hệ thống sản xuất phục vụ cho điều đó. Hệ thống sản xuất ấy chỉ có khi chúng ta có điện ảnh tư nhân, khi nhà nước mở cho mọi người quyền làm phim. Sự ra đời của điện ảnh tư nhân năm 2002 (Luật Điện ảnh cho phép sự tham gia của điện ảnh tư nhân - PV) là vô cùng quan trọng. Chính lúc đó, các đạo diễn tìm tòi thể hiện những tiếng nói cá nhân, họ mới bắt đầu có cơ hội. Nhờ những điều kiện như vậy mới dần dần có một thế hệ làm phim mà bây giờ họ được ghi nhận từ thế giới.

- Nhìn một loạt tín hiệu vui của điện ảnh nghệ thuật và cả điện ảnh thương mại, thấy nền điện ảnh Việt Nam đang ở vào giai đoạn nhiều cảm hứng nhất. Anh Lê Hồng Lâm (nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm - PV) có chia sẻ cảm giác "không khí điện ảnh này từa tựa như không khí điện ảnh Hàn Quốc cách đây hai thập niên". Với góc nhìn của anh, một người có điều kiện quan sát và tham dự vào dòng chảy điện ảnh thế giới rộng lớn, anh có chia sẻ niềm lạc quan này không?

+ Mỗi nền điện ảnh không thể tự nhiên bừng lên được. Điện ảnh bao giờ cũng gắn với thế nước. Hai cái đó gắn liền chặt chẽ với nhau và quan hệ cộng sinh với nhau. Một nền điện ảnh chỉ có thể phát triển được khi mà đất nước bắt đầu phát triển về mặt kinh tế đồng thời cũng có những cởi mở về mặt xã hội. Đó phải là những yếu tố đầu tiên.

Điện ảnh của hầu hết các nước Đông Nam Á ra thế giới từ lâu rồi. Thái Lan, Philippines, hay Singapore đều đã có những giải quan trọng ở các LHP lớn nhất. Bây giờ mới đến lượt Việt Nam thì rõ ràng mình đi chậm hơn. Điện ảnh Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên khởi sắc ra thế giới. Điều đó là vô cùng quan trọng về mặt đối ngoại. Đó là một sức mạnh mềm rất quan trọng.

Giai đoạn đầu Trung Quốc bắt đầu đổi mới, điều khiến họ được biết đến nhiều nhất ngoài tăng trưởng về mặt kinh tế chính là điện ảnh. Giai đoạn những năm 1990 đầu 2000, sự xuất hiện thường xuyên của phim Trung Quốc tại các LHP lớn là một nhiệm vụ mà cả hệ thống của họ rất chú tâm để có được.

Sau khi có những thành tựu về kinh tế thì phải có những tiếng nói trong nghệ thuật, trong sáng tạo. Nếu không làm được thì diện mạo quốc gia của Việt Nam vẫn chỉ là một nước gia công công nghệ hay xuất khẩu gạo lúa. Để bình diện một quốc gia trở nên đáng tự hào thì phải có tiếng nói trong nghệ thuật. Nhà làm phim phải nhìn theo hướng đó, chứ không phải là chỉ làm ra những bộ phim mà nhà nước hài lòng.

- Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Lê (thực hiện)
.
.