DANAFF - kết nối văn hóa từ "cây cầu" điện ảnh
Với hơn 100 phim tham dự cùng nhiều hoạt động mới mẻ và hấp dẫn, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng 2025 (DANAFF III), diễn ra từ 29/6 đến 5/7, ngày càng khẳng định sự năng động, chuyên nghiệp và uy tín với mục đích tôn vinh giá trị sáng tạo, sự đa dạng văn hóa và khát vọng kết nối các nền điện ảnh trong khu vực.
Ban giám khảo uy tín
Lần thứ 3 tổ chức, DANAFF quay trở lại với một bước tiến mới về quy mô và chất lượng nghệ thuật. Bên cạnh khung chương trình của một LHP quốc tế như chương trình dự thi “Phim Châu Á” và “Phim Việt Nam”, chương trình “Điện ảnh Việt Nam ngày nay”, hội thảo, workshop “Ươm mầm tài năng”… DANAFF còn nâng mức độ chuyên nghiệp, uy tín với sự tham gia của nhiều đạo diễn, nhà làm phim tên tuổi trong khu vực và trên thế giới.
Tại DANAFF III, đạo diễn, nhà sản xuất Park Kwang Su, Chủ tịch LHP Quốc tế Busan, một trong những biểu tượng sống của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại là khách mời danh dự. Không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc, ông còn góp phần biến Busan thành “thánh địa điện ảnh” của châu Á như ngày nay. Có mặt tại DANAFF III năm nay, Park Kwang Su sẽ cùng các khách mời quốc tế, góp phần thúc đẩy giao lưu điện ảnh khu vực và truyền cảm hứng cho các thế hệ làm phim trẻ.

Một trong những hạng mục quan trọng tại DANAFF III là “Phim Châu Á dự thi”. Ngồi ở vị trí cầm cân nảy mực là những gương mặt danh giá, giàu kinh nghiệm và uy tín toàn cầu, đại diện cho các góc nhìn điện ảnh quốc tế: Đạo diễn, biên kịch Jang Joon Hwan - Chủ tịch Ban giám khảo, Shozo Ichiyama - Nhà sản xuất, Giám đốc LHP quốc tế Tokyo, Lorna Tee - Nhà sản xuất, Tổng thư ký mạng lưới Liên minh Điện ảnh châu Á, NSND Nguyễn Minh Châu và Giám đốc LHP Vesoul về Điện ảnh Châu Á Martine Thérouanne.
14 phim ở hạng mục này mang đến không gian văn hóa đa dạng. Nổi bật như “Muddy Foot” (Iran) - phim tâm lý với chất liệu hiện thực khắc nghiệt, “Family Secrets” (Hàn Quốc), “Stranger Eyes” (Singapore), “The Father” (Mông Cổ)… khai thác mối quan hệ gia đình, nỗi cô đơn của con người trong xã hội hiện đại. Ngoài ra còn có bộ phim mang tính chính luận như “In the name of Fire” (Ấn Độ)…
Đại diện của Việt Nam tham dự hạng mục này là “Mưa trên cánh bướm” (tên tiếng Anh: “Dont cry, Butterfly”) (đạo diễn Dương Diệu Linh). Bộ phim điện ảnh đầu tay của nữ tác giả này ra rạp tháng 1/2025 là sự kết hợp của nhiều thể loại như chính kịch, hài hước, giả tưởng và kinh dị.
Phim xoay quanh câu chuyện bà Tâm (nghệ sĩ Tú Oanh thủ vai), một người phụ nữ trung niên với nỗi đau chồng ngoại tình và con gái xa lánh. Bộ phim đào sâu khai thác mối quan hệ giữa mẹ và con gái, sự khác biệt trong tư tưởng, lối sống của những người phụ nữ đến từ 2 thế hệ. Câu chuyện phim lý giải nguyên nhân đằng sau nỗi khổ của người phụ nữ, từ đó, trả lời câu hỏi về hạnh phúc đích thực dành cho phái nữ trong xã hội hiện đại.
“Mưa trên cánh bướm” nhận được 2 giải thưởng tại LHP Venice lần thứ 81: Iwonderfull Grand Prize do Ban giám khảo quốc tế trao cho bộ phim xuất sắc nhất và giải Bộ phim sáng tạo nhất do Hội đồng Điện ảnh Verona (Verona Film Club Prize) trao tặng. Mặc dù không tạo được cơn sốt phòng vé như một số bộ phim giải trí khác nhưng cách làm phim hiện đại, đề cập đến những vấn đề đời sống đương đại, và những giải thưởng từ các LHP quốc tế uy tín là sự lựa chọn đúng đắn của đại diện điện ảnh Việt Nam.
Hạng mục “Phim Việt Nam dự thi” là nơi tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc mang đậm tinh thần sáng tạo và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đồng hành cùng hạng mục này là Hội đồng giám khảo gồm 5 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh bao gồm nhà sản xuất Yuji Sadai - Chủ tịch Ban giám khảo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà sản xuất Alexis Dantec - Tổng giám đốc Les Films du Losange, nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh, và diễn viên Huỳnh Kiên An.
12 bộ phim truyện Việt Nam, trong đó có 1 phim truyện hoạt hình tham gia hạng mục này. Đây đều là những bộ phim nổi bật của Việt Nam trong năm qua như “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”, “Cám”, “Nhà gia tiên”, “Đèn âm hồn”, “Nụ hôn bạc tỷ”, “Chị dâu”, “Làm giàu mới ma”, “Ngày xưa có một chuyện tình”, “Bà già đi bụi”, “Yêu nhầm bạn thân”…
Phạm vi đề tài trong bức tranh phim Việt khá mở rộng, đặc biệt là sự áp đảo của dòng phim kinh dị. Sự hiện diện của những đạo diễn tên tuổi như Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Trịnh Đình Lê Minh và các gương mặt mới như Trần Ngọc Thu Trang, Lê Hoàng Nam, Trung Lùn… cho thấy sự kế thừa, chuyển giao và không ngừng tiến bộ của thế hệ đạo diễn.
Nhiều tác phẩm của những nhà làm phim trẻ cho thấy nỗ lực đổi mới đáng kể, không ngại đi vào những dòng phim vốn không phải là thế như trinh thám cổ trang, kỳ ảo tâm linh, hoạt hình… Những sắc màu dân gian, truyền thống cũng đậm nét hơn trong mỗi bộ phim, sự tập trung vào chủ đề gia đình, niềm tin dân gian, ký ức văn hóa… đã cho thấy bản lĩnh của các nhà làm phim trong việc góp phần định hình hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam.
Phát triển bền vững từ kinh nghiệm quốc tế

Lần đầu tiên xuất hiện tại DANAFF III, chương trình “Toàn cảnh điện ảnh Châu Á” đánh dấu một bước phát triển toàn diện và chuyên nghiệp của LHP. Không chỉ quy tụ những bộ phim xuất sắc từng đoạt giải tại các LHP uy tín, chương trình còn giới thiệu 7 tác phẩm lần đầu công chiếu quốc tế - một tín hiệu cho thấy sự tin tưởng của các nhà làm phim dành cho DANAFF.
Những nhà làm phim trong khu vực đã chọn DANAFF để ra mắt “đứa con tinh thần” của mình cho thấy uy tín, tầm vóc của sự kiện ngày một nâng cao trong những người làm điện ảnh chuyên nghiệp. Trong đó, việc những nhà làm phim uy tín, tên tuổi ngồi ghế giám khảo, tham gia hội thảo… không chỉ khẳng định giá trị giải thưởng mà còn thúc đẩy sự chuyên nghiệp và tăng cường trao đổi chuyên môn. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của giới phê bình qua các hạng mục và giải “Phê bình phim châu Á” (thuộc chương trình “Toàn cảnh điện ảnh châu Á”).
Bên cạnh đó, DANAFF III mang đến một “bữa tiệc điện ảnh” thực sự với nhiều bộ phim chất lượng cao. Đó là những bộ phim xuất sắc đến từ các nền điện ảnh châu Á và Việt Nam. Đặc biệt, chương trình “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” với 22 bộ phim là sự tôn vinh di sản điện ảnh Việt Nam, ghi nhớ những thế hệ làm điện ảnh đi trước đã vượt qua muôn vàn khó khăn để lại cho đời nhiều tác phẩm kinh điển. Chương trình “Điện ảnh Việt Nam hôm nay” với 18 bộ phim mới sản xuất… Khán giả được giao lưu với các nghệ sĩ, đạo diễn, các đoàn làm phim. Những người làm điện ảnh có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với các nhà làm phim, diễn viên nổi tiếng trong và ngoài nước…
Đặc biệt, với sự có mặt của các diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc như Ji Seung - hyun, Park Sung woong, Moon So -ri… người dân và du khách Đà Nẵng thực sự được đắm mình trong không khí náo nhiệt, thú vị, đậm chất điện ảnh. Cùng với những trải nghiệm ấy, LHP là nơi hội tụ tinh hóa văn hóa, điện ảnh Châu Á, giúp công chúng mở rộng góc nhìn và cảm nhận được sự đa dạng văn hóa qua màn ảnh.
Không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh những tác phẩm xuất sắc, điều quan trọng mà LHP hướng tới là mở ra những cơ hội phát triển cho điện ảnh Việt Nam. Chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” với điểm nhấn là “Những dấu ấn của điện ảnh Hàn Quốc qua từng mốc thời gian” là sự hiện thực hóa mục tiêu này.
Như khẳng định của Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Giám đốc DANAFF, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam: “Nếu chọn nền điện ảnh để học tập, có lẽ Hàn Quốc là mô hình hiệu quả. Sự tiếp cận gần hơn với nền điện ảnh phát triển nhanh như Hàn Quốc sẽ giúp những người làm điện ảnh Việt Nam có được những kinh nghiệm, học hỏi thiết thực nhất”.
Đúng như chủ đề “DANAFF - Nhịp cầu Châu Á”, LHP nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu giá trị nhân văn, có khám phá mới mẻ; kết nối và khích lệ những tài năng mới của điện ảnh Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, LHP sẽ là bệ đỡ cho thế hệ làm phim trẻ phát triển bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng như một trung tâm sáng tạo văn hóa du lịch đẳng cấp trong khu vực.