“Đàn bà thơ” - Ngôi nhà ấm đón gió thơm về

Thứ Sáu, 23/12/2022, 14:24

Cuộc gặp gỡ của những người phụ nữ làm thơ, yêu thơ và lễ ra mắt tuyển tập “Đàn bà thơ 2” vừa diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2022 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội đã mang lại những cảm xúc nồng ấm và ấn tượng cho những người yêu thơ, trân trọng và nâng niu cái đẹp.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc gặp gỡ “Đàn bà thơ 2” đã chia sẻ: “Thi ca với ngôn từ, vũ trụ và quyền lực đã được các thi sĩ của phái đẹp làm ra một giá trị đời sống tâm hồn. Các bài thơ của nữ tính đã cứu vớt cái đẹp, thức tỉnh đời sống xã hội, ca ngợi nữ quyền.

“Đàn bà thơ” là diễn đàn của những người đàn bà làm thơ, yêu thơ, gặp nhau ở tình yêu đối với thi ca. Nhà thơ Bùi Kim Anh là người chủ trang Đàn bà thơ trên Facebook. Trang đã thu hút được hàng ngàn những người yêu thơ tham gia trong đó không ít các nhà thơ nổi tiếng, đã thành danh trên văn đàn. Trang Đàn bà thơ là Một ngôi nhà thân thương và ấm cúng, nơi các tác giả chia sẻ cho nhau những ngọt lành, xoa dịu vết đau, khơi dậy hy vọng với niềm tin rằng bao điều nhân ái vẫn nở hoa trong cuộc sống bộn bề gian khó.

“Đàn bà thơ” Ngôi nhà ấm đón gió thơm về -0
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tặng hoa và chúc mừng lễ ra mắt tuyển tập “Đàn bà thơ 2”.

Thành lập đã 5 năm, trang Đàn bà thơ hiện có gần 2.000 thành viên tham gia và đã ra được 2 tuyển tập “Đàn bà thơ 1, 2” khá chất lượng. Trong lần gặp gỡ và ra mắt “Đàn bà thơ 2”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có những đánh giá sâu sắc: “Mỗi người một cá tính và họ đã hiện thực hóa cá tính của mình qua thơ, mang lại vẻ đep đa dạng cho thơ ca Việt Nam đương đại. Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức như bệnh dịch, khí hậu và những biến đổi khác, có thể nói các nhà thơ đang giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong con đường đi tới tương lai”.

Với 100 tác giả và gần 300 bài thơ. Đây là một cuộc gặp gỡ đặc biệt của nhiều giọng điệu, nhiều sắc màu thẩm mỹ, của bao gương mặt thơ đến từ mọi miền của Tổ quốc. Có thơ của phái đẹp, có thơ của các nhà thơ nam giới viết về phái đẹp. Tất cả hòa nhập thành một bài ca đa sắc. Không chỉ có thế các tác phẩm còn chất chứa những ngân rung của trái tim, về thế thái nhân tình, về hạnh phúc và khổ đau,nỗi buồn và hy vọng của kiếp nhân sinh.

Đặc điểm nổi bật của tập thơ này là tính đa thanh, với sự đan xen giao hòa của nhiều thế hệ người viết, nhiều cá tính sáng tạo đặc sắc. Đó là giọng điệu đầy nữ tính, tinh tế, khám phá chiều sâu của thế giới tâm hồn phụ nữ với bao mong manh: Bùi Kim Anh với “Bóng”; Đoàn Ngọc Minh với “Mưa Mùa Đông”; Nguyễn Thị Lan Anh với “Đêm nay, giời ạ, đêm nay”; Võ Như Mai với “Giông tố”; Hà Kim Quy với “Đánh mất”, Vũ Thu Hương với “Po ơi”; Bành Phương Lan với “Đàn ông là chiếc gương soi”; Lộc Bích Kiệm với “Vị me rừng”, Võ Thị Kim Liên với “Đừng đẩy em về phía không anh”; Phạm Hồng Oanh với “Còn chăng là tiếng thở dài bơ vơ”; Trần Bạch Diệp với “Người đàn bà vẽ”; Đoàn Thị Ký với “Dẻo thơm Phú Thượng”; Nguyễn Thị Liên Tâm với “Đêm nay làng tre không ngủ”; Phan Thanh Vân với “Mượn lối đi về”; Nguyễn Ánh Tuyết với “Thị Mầu”…

Trong những bài thơ hay của phái đẹp ấy, có những tứ thơ độc đáo đến sững sờ: Lê Phương Liên với “Người đàn bàgốm”; Đặng Thị Minh Kính với “Nhà hình ống”; Hoa Mai với “Sông Lam như khăn mẹ đánh rơi”; Nguyễn Thị Bích Phượng với “Uống rượu với người trong ảnh”; Thúy Khải với “Người núi”,Kim Khánh với “Mùa của ta”, Đặng Tường Vy với “Anh là ngọn gió”…

Những thi phẩm trong “Đàn bà thơ 2” khá chất lượng, tụ họp cả những gương mặt đã cũ, đã thành danh trên văn đàn xen lẫn những gương mặt mới tinh, mới gia nhập làng thi ca nhưng đã mang đến những loé sáng vẻ đẹp của cảm xúc và ngôn ngữ.

Nếu như chúng ta suy tư trước “Bóng” của Bùi Kim Anh, “Tôi là cái bóng của chính tôi/ Người đàn bà thức ngủ trong cái bóng/ Những bài thơ được sinh ra dài ngắn khi đêm khi nắng/ Bóng tôi hay nóng ma/ Ngâm nga một khúc không người”…. Hay xúc động khi gặp gỡ một hình tượng nghệ thuật thật đẹp và ám ảnh trong sáng tác của Võ Thị Hoa Mai: “…Áp mặt vào sông/ Sao sóng nước thơm nồng mùi mẹ/ Ngón tay sóng vuốt tóc con giấu bao dâu bể/ Có giọt lệ rơi làm mặn sông rồi…”.

Thảng thốt bởi chất trí tuệ đằm sâu trong những vần lục bát viết nhẹ như không, như những “hạt muối” thơ mặn mòi trong giản dị: “Thôi đừng làm bó hoa đau/ Cái cần tặng đã nhạt lâu lắm rồi/ Người ơi, xin tặng lại người/ Bó hoa quên lãng của thời đã xa/ Cũ người và cũng cũ ta/ Lọ hoa giờ đã thay hoa mới rồi”. Thì chúng ta càng sững sờ trước vẻ đẹp tươi mới của những tác giả mới góp mặt vào làng văn chương như em Nguyễn Vân Dũng: “Tôi nhìn em bằng 1/2 con mắt/ Bầu trời xám xịt/ Lưng lửng giấc chữ “ô môi”/ Gọi ngày lá rụng/ Tôi nhìn em bằng 1 con mắt/ Thấy cắc ca bay về/ Hoa rũ vàng trên cánh đồng xa/ Đêm chốc dạ khâu mùa bằng túi vải/ Tôi nhìn em bằng hai con mắt/ Có hoa tươi và có cỏ xanh/ Giọt mật trong môi mọng ánh mắt ngọt lành thực ảo/ Chú chim ruồi miên trường….”.

“Đàn bà thơ” Ngôi nhà ấm đón gió thơm về -0
Các thành viên “Đàn bà thơ”.

Đây cũng chính là điều độc đáo trong “Đàn bà thơ” vì không chỉ có đàn bà làm thơ yêu thơ tham gia mà trang còn mở rộng để những người đàn ông làm thơ, yêu thơ và trân quý đàn bà có thể đến với diễn đàn để bày tỏ tình yêu của mình như Đoàn Hữu Nam với “Trả em về cho em”; Phan Đình Minh với “Khóa trên cầu tình yêu”; Trần Long với “Đêm đàn bà”.

Đó còn là giọng điệu trẻ trung, tươi mới, dù còn non tươi nhưng đã lấp lánh tài hoa của rất nhiều cây bút trẻ, để chúng ta chan chứa hy vọng: Chiên Nguyễn, Trần Nguyệt Ánh, Đỗ Hồng Nhung, Hồ Thị Quỳnh Châu, Mai Hoàng Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Duy Dương, Bùi Thị Thanh Hà, Tiết Minh Hà, Phùng Thị Hằng, Hoa Diên Vĩ, Trần Thảo Vy, Trương Thị Phương Hoa, Bùi Minh Huế, Lã Thông, Triệu Thị Kim Loan, Hoàng Bảo Ngọc, Ngọc Châu, Trang Loan, Nhất Chi Mai, Ngọc Thị Thái, Nguyễn Khắc Thắng, Phan Minh Thoại, Cồ Thị Thơm, Võ Thị Cẩm Thúy, Bùi Thị Kim Loan, Lê Phượng…

Đừng đánh phấn, đừng bôi kem em nhé/ Vết chân chim là dấu… đất lành/ Đừng tô son, môi thâm là của anh/ Dấu em cắn môi cơn đau sinh nở/ Bụng rạn nứt như ruộng khô nắng hạn/ Đừng giấu anh, đừng sợ anh nhìn/ Anh thích ngắm tựa bức tranh thuỷ mặc/ Dấu hy sinh khắc bởi những thiên thần”. Đó là những trích đoạn trong bài thơ “Dấu vết hát” của Đoàn Thu Hà.

Không thể kể hết những bài thơ hay, những câu thơ tài hoa của bao gương mặt thơ mà tôi yêu mến, đã gặp và chưa từng gặp. Trang “Đàn bà thơ” như một ngôi nhà thân thương và ấm cúng, thơ của tri âm muôn phương như bao ngọn gió thơm thổi về, gặp gỡ và tương giao, chia sẻ cho nhau những ngọt lành, xoa dịu vết đau, khơi dậy hy vọng với niềm tin về bao điều nhân ái vẫn nở hoa trong cuộc sống bộn bề gian khó. Dù chủ đề lớn nhất, tập trung nhiều thi phẩm nhất trong tập thơ này là tình yêu đôi lứa và khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người, nhưng soi qua ngàn sắc màu tình yêu đan dệt thành thơ ấy, chúng ta vẫn nhìn thấy bao số phận trong cuộc mưu sinh, bao thân phận lấy đắng cay và hạnh phúc viết thành thơ. Chính bởi lẽ đó, những bài thơ trong tuyển tập thơ này, dù điêu luyện hay còn ít nhiều vụng về, vẫn là những tiếng hát chân thành của từng trái tim đi tìm tri âm. Và quả thật, chỉ có lời của trái tim mới chạm đến được trái tim khác mà thôi. Bởi vậy, thơ viết về tình yêu đôi lứa không chỉ bó hẹp trong phạm vi chủ đề này. Nó là hạt muối mặn, để qua đấy chúng ta nhìn thấy cả biển khơi đang vỗ sóng và thì thầm.

Đó không chỉ là một cuốn sách tập hợpnhững bài thơ hay. Đó còn là nơi hội ngộ của các tri âm, nơi gặp gỡ của bao cuộc đời, nằm kề bên nhau bao tiếng hát đẹp và khắc khoải của nhiều trái tim nhân ái, tài hoa. Ở đó kết tụ lại bao mồ hôi, nước mắt, tình yêu, nỗi đau và hy vọng của những trái tim nhân ái và đằm thắm phẩm chất của thi sĩ.

Bởi thế, nó xứng đáng được trân trọng, lưu giữ, chia sẻ cho/ trong/ với những người có tâm. Đàn bà thơ như một ngôi nhà ấm cúng, thơ muôn phương như những ngọn gió thơm tìm về hội tụ. Vượt lên trên câu chữ là những tấm lòng dành cho thơ và cho nhau: Thơ hay trong sự giản dị, chân thành là điều mà nhiều thi phẩm trong tuyển tập này đã chạm tới.

Ngày 17 tháng 12 năm 2022

Nguyễn Đức Hạnh
.
.