Đại tá, NSND Hồng Hạnh: Hát lời lửa cháy bằng trái tim yêu
Không chỉ là nghệ sĩ nổi tiếng với giọng hát sâu lắng, chứa chan tình cảm, ở vai trò "thuyền trưởng" một đơn vị nghệ thuật là "cánh chim đầu đàn" của Quân đội, bằng tài năng, tâm huyết của mình, chị cùng các đồng đội đã và đang tạo nên những dấu ấn mới. Hơn 30 năm làm nghề, tình yêu và đam mê dành cho âm nhạc vẫn dào dạt trong trái tim người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy. Chị là Đại tá, NSND Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.
Chúng tôi gặp Đại tá, NSND Hồng Hạnh ngay sau khi chị cùng đoàn công tác của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tham gia biểu diễn tại Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc). Nhìn cơ ngơi đơn vị khang trang, nề nếp cùng không khí tập luyện vui tươi hăng say của các nghệ sĩ lại càng thấy vị nể người nữ giám đốc này.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng Lễ gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội diễn ra vào trung tuần tháng 3 (15/3/1951-15/3/2024). Những người có mặt tại sự kiện hôm đó rất ấn tượng trước bài phát biểu xúc động của Đại tá, NSND Hồng Hạnh, cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát. Không nói về mình, nữ nghệ sĩ ấy dành trọn vẹn sự biết ơn, tri ân tới cha mẹ, thầy cô, đặc biệt là những thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã yêu thương, dìu dắt và tạo mọi điều kiện để 30 năm qua, từ một cô bé nhà nghèo sinh ra ở Uông Bí, Quảng Ninh trở thành một NSND, Giám đốc Nhà hát hàng đầu Quân đội.
Mỗi lần nhớ lại câu chuyện đến với nghệ thuật, NSND Hồng Hạnh không khỏi nghẹn ngào và có lẽ, ngày hôm nay với chị vẫn như một giấc mơ có thật. Sinh ra trong gia đình không có ai làm nghệ thuật. Là chị cả sau là 3 em nên Hồng Hạnh như già dặn trước tuổi. Ngoài giờ học, Hồng Hạnh tranh thủ trông em, vào rừng lấy củi, mò cua bắt ốc ở con sông cạnh nhà. Và "làm bạn" với cô bé ấy là những bài hát mà cô học lỏm được từ chiếc loa phát thanh của xóm hay từ rạp hát Uông Bí gần nhà. Hát hay nên khi đi học, Hồng Hạnh luôn là hạt nhân tích cực trong các chương trình văn nghệ của lớp, của trường. Khi đang học lớp 8 cũng là năm tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc thi "Tiếng hát Họa mi" lần thứ nhất, Hồng Hạnh dự thi và ẵm luôn Huy chương vàng.
Sở hữu nhiều giải thưởng, được ví là "Họa mi đất Quảng Ninh", cô bé Hồng Hạnh được nhiều đoàn nghệ thuật mời về "đầu quân". Nhưng bước ngoặt để cô bé Hồng Hạnh trở thành nghệ sĩ - chiến sĩ là vào năm lớp 12, đại diện của Đoàn ca múa Quân đội ngày ấy gồm các nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh, Doãn Tần, Mạnh Hưng về tận nhà mời về đoàn.
Hồng Hạnh chia sẻ, ngay từ nhỏ, hình ảnh người lính đã vô cùng thân thuộc bởi trước khi làm thầy giáo dạy triết học tại Trường Chính trị của huyện, cha chị là lính đặc công, từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Vì thế, Hồng Hạnh đã đồng ý về Đoàn ca múa Quân đội ngay sau khi tốt nghiệp lớp 12 với quân hàm Chuẩn úy.
Dù chưa trải qua khóa học thanh nhạc nào nhưng năm 1995, khi mới chỉ tròn 20 tuổi, Hồng Hạnh đã đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi Thanh nhạc toàn quốc với ca khúc "Cho con xin câu hát" (nhạc sĩ Minh Quang). Đó chính là dấu mốc để ngay sau đó, Hồng Hạnh được đơn vị gửi theo học thanh nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Với giọng hát thiên phú và sự chăm chỉ trau dồi rèn luyện, Hồng Hạnh chỉ mất 8 năm để hoàn thành từ hệ trung cấp tới hệ đại học.
"Môi trường quân đội rèn cho tôi tính kỷ luật, nghiêm túc, chỉn chu trong mọi việc. Nhưng hơn tất cả, đó là nơi tôi được cống hiến, được sống trong tình đồng chí, đồng đội ấm áp", chị chia sẻ. Vì thế, với NSND Hồng Hạnh, dù đứng trên bao nhiêu sân khấu rực rỡ ánh đèn thì mỗi lần được hát cho đồng đội nghe trên sân khấu giản dị giữa thao trường, trên boong tàu giữa hải đảo xa xôi hay biên cương địa đầu Tổ quốc… luôn trào dâng những cảm xúc gần gũi, thân thương. Gia tài quý báu mà chị mang theo là tình cảm chân phương của những chiến sĩ, những khán giả trong và ngoài đất nước.
Nhắc tới NSND Hồng Hạnh, khán giả yêu nhạc nhớ tới chất giọng nữ trung sâu lắng, trữ tình, điêu luyện về kỹ thuật, tinh tế trong cảm xúc cùng phong cách biểu diễn dung dị. Đặc biệt, những ca khúc về mẹ không chỉ mang đến cho Hồng Hạnh những giải thưởng đáng mơ ước mà giúp chị ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Năm 2002, với ca khúc "Mẹ tôi" (sáng tác An Thuyên) mang về cho chị Huy chương vàng tại cuộc thi "Mùa xuân và người chiến sĩ" do Bộ Quốc phòng tổ chức. Năm 2009, chị lại nhận được Huy chương bạc Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với ca khúc "Mẹ tôi 2" cũng của nhạc sĩ quân đội này. Ngoài ra, chị còn "đóng đinh" tên tuổi bằng những ca khúc như "Mẹ" (Nguyễn Tiến), "Mẹ" (Phan Long), "Huyền thoại mẹ" (Trịnh Công Sơn), "Khúc mẹ ru" (nhạc Trọng Lưu, thơ: Kiều Công Luận)…
Có lẽ, tuổi thơ đầy kỷ niệm, được sống trong gia đình luôn đầm ấm, tràn ngập yêu thương đã nuôi dưỡng cho Hồng Hạnh trái tim ấm áp và tâm hồn giàu cảm xúc. NSND Hồng Hạnh cũng là người khiến khán giả rung động khi thể hiện những ca khúc viết về Bác Hồ như "Vầng trăng Ba Đình", "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"… Với Hồng Hạnh hát chính là tư duy, là sự chắt chiu của trải nghiệm và cảm xúc. Chính vì thế, ngay cả với ca khúc quen thuộc, được các nghệ sĩ đi trước thể hiện thành công, NSND Hồng Hạnh vẫn tìm được cách thể hiện của riêng mình. Cách hát của Hồng Hạnh khiến khán giả có cảm giác như được trò chuyện tâm tình với cảm xúc chân thành, sâu thẳm.
NSND Hồng Hạnh thú nhận: "Tôi thích thử thách bản thân, vượt khó với năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan". Tinh thần ấy đã được chứng minh bằng những dấu ấn mà Nhà hát làm được trong thời gian qua. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội lại là một điểm sáng. Năm 2021 vẫn xây dựng được 17 chương trình biểu diễn mang tính nghệ thuật cao, đảm bảo chất lượng thời sự và an toàn tuyệt đối.
Tại "Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc" diễn ra tại Đắk Lắk (tháng 7/2022) hay “Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân” (tháng 10/2023), Nhà hát là một trong những đơn vị nhận về "mưa" huy chương và giải thưởng. NSND Hồng Hạnh là lãnh đạo duy nhất trong số 22 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dự liên hoan được trao "Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc". Đại tá Nguyễn Công Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Nhà hát ghi nhận "Là một nữ giám đốc trưởng thành từ công tác biểu diễn, NSND Hồng Hạnh tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là công tác đối ngoại".
Không giống như mọi người vẫn hay hình dung về một nữ nghệ sĩ làm công tác quản lý, NSND Hồng Hạnh luôn phân định rõ ràng vai trò một người quản lý và vai trò nghệ sĩ. Nếu như trên sân khấu, chị luôn hết hát bằng trái tim ấm nóng, thì ở vai trò người quản lý, chị luôn quyết liệt, rành mạch nhưng uyển chuyển trong từng quyết định.
"Tôi luôn tâm niệm lãnh đạo phải là người truyền lửa, gần gũi, chia sẻ với anh em nghệ sĩ. Điều quan trọng nhất là phải tạo cho nghệ sĩ cơ hội được phát huy hết năng lực của mình, tạo sức mạnh tập thể. Tôi thường nhắn nhủ các nghệ sĩ trẻ hãy luôn tôn trọng khán giả, không ngừng sáng tạo khẳng định mình nhưng luôn phải học hỏi, khiêm tốn".
Chị tôn trọng, tranh thủ kinh nghiệm của những nghệ sĩ đi trước và tin tưởng, khuyến khích, trao cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, truyền cho họ khát vọng cống hiến. Dù mới về công tác tại nhà hát chưa lâu nhưng Trung úy, ca sĩ, nhạc sĩ Bùi Tuấn Ngọc rất ấn tượng với sự quan tâm, sát sao, thấu hiểu tâm tư tình cảm của người "thuyền trưởng" tới mỗi nghệ sĩ, cán bộ trong nhà hát. Anh cho rằng, chính sự thấu hiểu và bao dung ở người thủ trưởng là “nam châm” thu hút các nghệ sĩ không ngừng cống hiến.
Còn Thượng tá Nguyễn Dương Quân, Đoàn trưởng Đoàn ca múa nhạc nhẹ, là đồng đội cùng nhập ngũ một ngày với NSND Hồng Hạnh thì ngắn gọn: "Hồng Hạnh đã có tố chất của một người chỉ huy ngay từ trẻ khi luôn chủ động quan sát, tìm tòi chứ không đợi "cầm tay chỉ việc". Ở cương vị chỉ huy chị là lãnh đạo xuất sắc còn ở cương vị biểu diễn, chị là nghệ sĩ hát bằng cả trái tim".
Hỏi NSND Hồng Hạnh bí quyết để chị có thể chu toàn mọi việc, chị chia sẻ ngoài sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm trước sự tin tưởng của các thủ trưởng, sự ủng hộ của anh em nghệ sĩ trong đơn vị thì gia đình đã luôn hỗ trợ và là động lực tinh thần để có được chị của ngày hôm nay. Đó là cha mẹ hai bên, là cậu con trai đang ngày một trưởng thành, đặc biệt là người bạn đời không cùng nghề nhưng luôn thông cảm, chia sẻ để chị toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật.
Thành công trong sự nghiệp nhưng NSND Hồng Hạnh tự nhận mình là người phụ nữ của gia đình, vẫn thấy bình yên, bé nhỏ trong tổ ấm của mình. Dù bận rộn công tác quản lý nhưng mỗi khi có dịp, NSND Hồng Hạnh vẫn tranh thủ tham gia biểu diễn, để được "là mình" ngân nga từng giai điệu, như trong câu hát đã gắn bó với chị như định mệnh "Mẹ cho con câu hát thời con gái/ Đời cho con câu hát người yêu người (Cho con xin câu hát)".