Đại tá, nhà văn Văn Phan: Không viết là thiếu vắng...
- Nhà văn Văn Phan và những hồi ức về tác phẩm đầu tay “Lớn lên với Điện Biên”
- Nữ anh hùng của tổ điệp báo A13 trong truyện của nhà văn Văn Phan
Tình cờ đến với văn học từ khi còn là một chiến sĩ thuộc Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), nhà văn Văn Phan trở thành một tên tuổi được nhiều độc giả biết đến với những tác phẩm được khai thác từ những chất liệu, vụ án có thật (thường được gọi là dòng văn học tư liệu) như "Lớn lên với Điện Biên", "Nhóm rắn lục", "Đội Công an số 6", "Lời thú tội", "Làng Chốt"...
Nhà văn Văn Phan cũng từng nhận được giải thưởng Văn học của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cho tập truyện ngắn "Người bị từ chối" (1995) và tiểu thuyết "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'inville" từng được tặng thưởng của Ban Văn học Quốc phòng - An ninh - Hội Nhà văn Việt Nam (1995).
Nhà văn Văn Phan tâm sự rằng, khi bắt tay vào viết cuốn truyện ký đầu tay "Lớn lên với Điện Biên" ông đang là một chiến sĩ cảnh vệ. Nhân vật Phan Văn Tùng trong tác phẩm có nguyên mẫu chính là người anh ruột Phan Văn Nghi của ông. Tác phẩm kể lại hành trình của chiến sĩ trẻ Phan Văn Tùng có mặt trong chiến dịch Điện Biên từ trận đánh đầu tiên đến trận cuối cùng với văn phong giản dị, chân thành đến xúc động nên đã chiếm được cảm tình của độc giả ngay từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 1964.
Đại tá, nhà văn Văn Phan. |
Được tái bản tổng cộng 6 lần, có lần số lượng in lên tới hàng vạn bản, "Lớn lên với Điện Biên" là cuốn sách được nhiều thanh niên tìm đọc, nhất là trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, có bao nhiêu nam thanh niên dũng cảm từ biệt mái ấm gia đình, người yêu, quê hương để lên đường chiến đấu.
Nhớ về những năm tháng chân ướt chân ráo đến với văn chương, nhà văn Văn Phan vẫn còn nhớ như in những cảm xúc chộn rộn, niềm hạnh phúc lớn lao của người chiến sĩ trẻ khi có tác phẩm đầu tay được xuất bản. Nhà văn Văn Phan tâm sự: "Sau khi cuốn "Lớn lên với Điện Biên" được in thành sách, tôi mang sách biếu cha tôi.
Sau mấy phút tư lự ông nói: "Viết được cho chân thật về con người, về cuộc đời thì cũng phải nhận đủ cái đau đời". Phải ngoài 45 tuổi tôi mới hiểu điều cha tôi nói. Tôi viết và luôn luôn hướng tới cái thật và hiểu thêm rằng cái khó, cái đòi hỏi tài năng chính là ở chỗ đó... Sự chân thật trong văn chương là con đường ngắn nhất để đến và ở lại trong trái tim bạn đọc. Sở dĩ tôi có được sự chân thật trong "Lớn lên với Điện Biên" là bởi tôi viết bằng chính những hồi ức, những kỷ niệm và tình cảm của người anh trai Phan Văn Nghi của tôi. Trong những sáng tác sau này, tôi luôn có xu hướng tìm những chất liệu sinh động nhất có được trong đời sống, trong các vụ án để đưa vào tác phẩm của mình...".
Sau thành công của "Lớn lên với Điện Biên", chiến sĩ trẻ Phan Văn Thẩm (tên thật của nhà văn Văn Phan) bắt đầu "xâm nhập" vào công việc viết lách. Cho đến khi truyện dài "Nhóm rắn lục" được in báo và đoạt giải trong một cuộc thi sáng tác về đề tài Công an, phần thưởng nhận được lúc ấy mặc dù chỉ là một phích nước và bộ ấm chén, nhưng tác giả trẻ cảm thấy thật tự hào.
Và rồi, chính nhà văn đàn anh Lê Tri Kỷ đã là người đề xuất "xin" Văn Phan về công tác tại Phòng sáng tác của Cục Tuyên huấn (nay là Cục Công tác chính trị) vừa được thành lập (cùng với "người anh cả" Lê Tri Kỷ và biên kịch Doãn Quế). Được bậc đàn anh là nhà văn Lê Tri Kỷ khi đó đã nổi danh với những tác phẩm như "Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu", "Cây đa xanh", "Phố vắng"... truyền thụ cho nhiều kinh nghiệm quý, nhà văn Văn Phan đã xác định được cho mình hướng đi, sự gắn bó với mảng đề tài về lực lượng Công an.
Nhà văn Văn Phan từng được tham gia khóa bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (khóa 5) của Hội Nhà văn Việt Nam, còn gọi vui là khóa B52 vì năm ấy Hà Nội bị bom B52 của Mỹ đánh phá dữ dội. Sau đó ít năm, cuốn truyện ký "Đội công an số 6" ra đời đã gây được sự chú ý và thích thú cho không chỉ độc giả là cán bộ chiến sĩ của lực lượng Công an mà còn đông đảo độc giả ngoài ngành về những tấm gương gan dạ, mưu trí, quả cảm trong chiến đấu của những chiến sĩ Công an ngoại thành Hà Nội một thời. Sau này, khi NXB Công an Nhân dân ra đời, nhà văn Văn Phan đã trở thành Phó Giám đốc rồi Giám đốc - Tổng biên tập cho đến khi nghỉ hưu năm 2002 với quân hàm Đại tá.
Với bản tính từ tốn, đôn hậu và kỹ lưỡng, lại là người dành nhiều tâm huyết cho dòng văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", nhà văn Văn Phan được nhiều bạn bè, đồng nghiệp yêu quý. Ông cũng là người động viên nhiều cây bút trong và ngoài lực lượng Công an tham gia viết về đề tài này. Nhà văn Văn Phan đặc biệt chú trọng đến các đợt đi xâm nhập thực tế, tiếp xúc với hồ sơ các vụ án lớn để có thể khai thác tư liệu phục vụ công việc sáng tác và khích lệ anh em tham gia.
Ông vẫn nhớ một kỷ niệm với nhà văn Xuân Đức - người bạn học cùng lớp viết văn Quảng Bá có lần tới chơi và muốn ông gợi ý cho một đề tài gì để viết vì "Đói quá, còn phải nuôi đàn con nữa!". Nhà văn Văn Phan đã giới thiệu cho Xuân Đức về vụ án Công an Nghệ An bắt được tên cướp khét tiếng Trương Văn Toọng từng gây ra bao vụ cướp đối với nhân dân trên các chuyến tàu Bắc - Nam.
Sau 10 ngày "nằm vùng" ở Công an Nghệ An để khai thác tài liệu, khi trở ra Hà Nội, nhà văn Xuân Đức đã chia sẻ với bạn mình rằng: "Quá tuyệt vời! Cả cuộc đời đi thực tế của tôi chưa bao giờ được tiếp đón nhiệt tình, chu đáo đến thế. Vừa được gặp phạm nhân, cán bộ điều tra, nhân chứng lại vừa được gặp lãnh đạo cung cấp cho quá nhiều dữ liệu để viết. Chỉ có 10 ngày thôi mà cứ như được đi thực tế sáng tác 6 tháng ở nơi khác...".
Sau đó, cuốn tiểu thuyết "Người không mang họ" của Xuân Đức ra đời đã thực sự tạo ra một "cơn sốt" với số lượng in lên tới vài chục vạn bản, vậy mà vẫn xuất hiện nạn in lậu. Cuốn tiểu thuyết càng nổi tiếng hơn sau khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Long Vân. Sau này, tiểu thuyết "Người không mang họ" đã được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trao giải A trong cuộc bình chọn tác phẩm văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" giai đoạn 1985-1995.
Về nghỉ hưu đã hơn chục năm, thong dong với thú chăm nuôi cá cảnh và mấy lồng chim cứ hót líu lo suốt ngày, lại bận rộn với đàn cháu, nhưng nhà văn Văn Phan vẫn không quên duyên nghiệp chính của đời mình là sáng tác văn chương. Cứ lâu lâu không viết gì là thấy nhớ, là thấy như thiếu vắng điều gì. Đầu năm 2016, ông cho xuất bản cuốn sách "Hai tuyến cờ - Một thời để nhớ" là tập hợp những sáng tác, ghi chép của ông trong chuyến đi công tác vào Quảng Trị năm 1972 cùng với các nhà văn Lê Tri Kỷ, Ngôn Vĩnh và hai nhà làm phim Công an nhân dân là Châu Huế và Anh Sinh.
Thực ra, đây là cuốn sách thứ 2 ra đời sau chuyến đi thực tế sáng tác nhiều kỷ niệm năm ấy. Trước đó, tiểu thuyết "Làng Chốt" đã được nhà văn viết và in sau đó một thời gian. Nhà văn Văn Phan cười vang khi nhắc lại kỷ niệm về cuốn "Làng Chốt" từng có lần được tái bản và đổi tên thành "Vạch mặt điệp viên" để... câu khách vì hồi ấy, các đầu sách có nhân vật là gián điệp, điệp viên được độc giả đặc biệt yêu thích, săn tìm. Và đúng là cuốn sách bán chạy ào ào, về mặt thị trường là quá đạt yêu cầu, song chỉ có tác giả là đến giờ vẫn còn ngạc nhiên không hiểu sao lúc ấy mình lại đồng ý với cái tên sách như thế...
Đến với trại sáng tác Cây bút vàng lần thứ 3 này, nhà văn Văn Phan dự định sẽ từng bước hoàn thiện tiểu thuyết "Bến xưa". Trung thành với dòng văn học tư liệu - một thể loại sáng tác vẫn luôn được coi là "dễ mà khó", nhà văn Văn Phan cho biết ông sẽ tập trung hoàn thành tiểu thuyết này để tham dự cuộc thi Cây bút vàng do Chi hội Nhà văn Công an phối hợp với NXB Công an nhân dân tổ chức. Nhà văn Văn Phan là người rất thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn của người sáng tác truyện, tiểu thuyết mang tính tư liệu nhưng vẫn rất say mê với mảng đề tài này.
Có thể nói, những đóng góp lặng lẽ của nhà văn Văn Phan trong sáng tác cũng như trong việc tìm kiếm, phát hiện những gương mặt, tên tuổi có tài năng văn chương trong và ngoài lực lượng CAND đã góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển một đội ngũ những người sáng tác về đề tài hình tượng chiến sĩ Công an nhân nhân.