Đa sắc Lương Nguyệt Anh

Thứ Năm, 03/11/2022, 07:26

Có lẽ, trong những ngôi sao của dòng nhạc dân gian, Lương Nguyệt Anh là một cái tên ấn tượng. Ấn tượng bởi niềm đam mê chị dành cho âm nhạc, sự chỉn chu, chuyên nghiệp của một người luôn trân quý những gì mà cuộc sống mang đến cho mình. Âm nhạc, với chị là hơi thở, nơi sẻ chia cùng chị những buồn vui của kiếp người trong hành trình dài của cuộc đời.

Lương Nguyệt Anh không phải là cái tên phổ cập trong làng nhạc, nhưng những ai đã nghe chị hát, sẽ cảm nhận được tình yêu và màu sắc riêng mà chị mang đến cho dòng nhạc dân gian. Ngay từ khi bước chân vào nghề, chị đã chọn một con đường đi riêng, lặng lẽ, bền bỉ theo đuổi những giá trị thực của âm nhạc. Chị gần như đứng ngoài sự xô bồ của đời sống, lặng lẽ làm nghề và khẳng định tên tuổi của mình bằng chính tài năng và sự nỗ lực.

Cô bé Lương Nguyệt Anh ngay từ 4 tuổi đã giành giải nhất ca hát của toàn tỉnh Bắc Giang. Có lẽ nghiệp ca hát đã chọn chị và Tổ nghề đã trao gửi cho chị một sứ mệnh, lan tỏa những bài hát hát về quê hương đất nước đến mọi người. Sinh ra ở vùng quê quan họ, lớn lên trong những câu dân ca, cái chất dân ca thấm vào chị như là hơi thở, để rồi, khi Nguyệt Anh cất tiếng hát, những âm hưởng ngọt ngào, tha thiết ấy cứ tuôn ra một cách tự nhiên. Như thứ men rượu, càng uống càng say.

dsc08940.jpg -0
Ca sĩ Lương Nguyệt Anh.

Nguyệt Anh lên Hà Nội, theo học Học viện Âm nhạc Quốc gia từ hệ trung cấp lên đại học, rồi cao học, lúc nào chị cũng đứng ở vị trí đầu bảng. Còn nhớ, lễ tốt nghiệp cao học của chị được đánh giá giống như một liveshow nhỏ bởi sự chuyên nghiệp và đầu tư kỹ lưỡng. Bạn bè trong nghề, từ những nghệ sĩ hàng đầu như Thanh Hoa, Thu Hiền, rồi cả Anh Thơ, Phạm Phương Thảo, Trọng Tấn… đều yêu quý và trọng tài của Lương Nguyệt Anh. Có lẽ, đó là điều mà chị tự hào, không chỉ chinh phục được khán giả, mà bạn bè làm nghề đều yêu quý, nể trọng. Điều không dễ có trong giới nghệ sĩ.

Giải nhất Sao mai dòng nhạc dân gian đến với chị cách đây 11 năm, khi đó chị đang là sinh viên Nhạc viện. Với chị, đó là một dấu mốc lớn trong cuộc đời, đánh dấu sự trưởng thành và bắt đầu cho con đường ca hát chuyên nghiệp. Nguyệt Anh nói: không như nhiều ca sĩ, được rải thảm đỏ khi theo đuổi nghiệp hát. Nguyệt Anh tự nỗ lực đứng lên bằng chính tài năng của mình. Không một đại gia chống lưng, càng không có bệ phóng từ gia đình, chị nỗ lực và kiên định với con đường chị chọn. Nhìn lại chặng đường vất vả ấy, chị có thể ngẩng cao đầu tự hào khi cái tên Nguyệt Anh luôn được xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc lớn của đất nước, hay các chương trình truyền hình trực tiếp. Đó là sự chuyên nghiệp và đa tài của Nguyệt Anh.

Cũng vì được bạn bè, giới làm nghề nể trọng, nên NSƯT Việt Hoàn đã mời Lương Nguyệt Anh tổ chức một liveshow riêng mang tên "Tự tình quê hương". Việc hai nghệ sĩ tổ chức liveshow chung là điều rất bất ngờ với khán giả, bởi từ trước tới nay, cả hai dường như không có… yếu tố nào liên quan, ngoài việc cùng hát chung những ca khúc trữ tình về tình yêu quê hương, đất nước. Thế nhưng, chính tình yêu âm nhạc, yêu âm hưởng âm nhạc thuần Việt lại là nguyên cớ lớn nhất, mãnh liệt nhất để hai nghệ sĩ của hai thế hệ 6X và 9X "kết duyên", bắt tay với nhau làm liveshow chung.

NSƯT Việt Hoàn chia sẻ: "Lương Nguyệt Anh là thế hệ ca sĩ đàn em 9X. Tuy nhiên, tôi đã quan sát con đường sự nghiệp của Lương Nguyệt Anh và cảm mến cô ấy bởi niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật, tình yêu lúc nào cũng tràn trề, say đắm và vô cùng trong sáng với dòng nhạc âm hưởng dân gian. Lương Nguyệt Anh có giọng hát nội lực, tài năng và rất sáng sân khấu, lúc này cô ấy đang ở độ tròn trịa về nghề".

Còn với Lương Nguyệt Anh, đây là lần đầu tiên chị thực hiện liveshow. Hơn 10 năm qua, chị đã nỗ lực trong nghề nghiệp, liên tục ra mắt các sản phẩm âm nhạc, 4 album và rất nhiều MV, định vị trong lòng khán giả về một giọng hát ngọt ngào, mượt mà về quê hương, đất nước. Nhưng điều ấn tượng ở tài năng của Lương Nguyệt Anh là chị không chỉ là giọng hát mang âm hưởng dân gian đậm nét mà còn rất đa sắc màu.

Nếu như nghe Lương Nguyệt Anh cất giọng hát ca khúc âm hưởng dân gian Bắc bộ, người ta đã thấy ngay cây lúa, dòng sông, những cánh cò trong vạt nắng chiều…, thì khi chị hát các ca khúc âm hưởng dân gian miền Trung hay Nam bộ cũng đều ra "màu" một cách rõ nét. Không chỉ thế, Lương Nguyệt Anh còn được khen ngợi khi hát dòng nhạc cách mạng, trữ tình… Sự đa dạng, đa sắc màu trong giọng hát, tài năng của Lương Nguyệt Anh là nguồn chất liệu phong phú, dồi dào để chị không ngừng sáng tạo trên con đường âm nhạc của mình.

hhkd7278(1).jpg -0
Ca sĩ Lương Nguyệt Anh song ca cùng ca sĩ Việt Hoàn.

 Hồi năm ngoái, nhân 10 năm thành công từ giải Sao mai, chị cũng đã manh nha ấp ủ mong muốn làm liveshow riêng, kỷ niệm chặng đường từ một thí sinh Sao mai đến vai trò nữ giảng viên thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội hôm nay, dìu dắt bao thế hệ học sinh trưởng thành. Nhưng, lại gặp năm đại dịch nên mọi kế hoạch dừng lại. Chị có những trải nghiệm mới, thú vị ở môi trường quân đội. Đó là năm 2021, chị  tham dự giải ArmyGames (Hội thao Quân sự quốc tế) ở Nga. Lần đầu tiên, ở cuộc thi này,  nghệ thuật được đưa vào thành một môn thi chính thức. Và cũng lần đầu tiên ấy, chỉ Lương Nguyệt Anh giành giải ba solo, chỉ đứng sau Nga và Trung Quốc. Đó là những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề.

Nhiều người hỏi Nguyệt Anh, theo đuổi một dòng nhạc đã có quá nhiều tên tuổi được định danh, chị có bị áp lực. Nguyệt Anh cười: "Mỗi nghệ sĩ ở các thế hệ khác nhau đều có cách hát riêng của mình, những bài hát dân ca, cách mạng rất quen thuộc nhưng thế hệ chúng tôi hát sẽ theo cách riêng của mình. Chúng tôi mang vào đó cả hơi thở của đời sống hôm nay, cả nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê của tuổi trẻ". Với chị, sự sáng tạo không bao giờ dừng lại, khi một dòng nhạc mà mọi giá trị đã được định hình, chị vẫn không ngừng tìm kiếm để mang đến những sắc màu mới. Sau liveshow chung với NSƯT Việt Hoàn, chị ấp ủ một album acoustic mộc, chỉ một cây ghita với những bài hát dân gian. Âm nhạc dân gian thường gắn với đàn bầu, sáo, nhị, nhưng chị sẽ hát với ghita, trong một không gian mộc mạc, thuần khiết nhất. Chị muốn đưa âm nhạc trở về với những vẻ đẹp nguyên sơ của nó.

Chị đang ở độ chín của cảm xúc. Cuộc sống trải qua nhiều bước ngoặt khiến chị sống chậm hơn. Nguyệt Anh là một Phật tử. Trong nhà chị có một bàn thờ Phật được đặt trang trọng ngay chính giữa. Tôi trò chuyện với chị trong tiếng kinh Pháp Hoa, nhẹ nhõm, bình an. Cơ duyên chị đến với cửa Phật từ những ngày còn bé, chị theo bà lên chùa. Rồi, sau này, ba mẹ chị cũng xây dựng một ngôi chùa ở trong vườn nhà. Nghe tiếng kinh kệ mỗi ngày, chị cảm nhận rõ mình có nhân duyên với cửa Phật. Vì thế, album đầu tiên khi Nguyệt Anh ra mắt công chúng cũng là một album nhạc Phật mang tên "Tìm về chốn thiêng".

Mỗi sáng tỉnh dậy, chị thay nước, đốt đèn, thắp nến, lên hương và trì kinh, niệm chú. Chậm rãi, an nhiên. Rồi chị đi dạy hoặc vào phòng thu. Chị quan niệm, mình được đến đây, với thế giới này, vẫn phải làm tròn bổn phận của một người con, cáng đáng nhiều trọng trách và cố gắng làm tròn vai. Chỉ có âm nhạc là một tình yêu vô điều kiện, mà ở đó, chị không vướng bận những bổn phận, trách nhiệm. Ở đó, chị đạt được trạng thái tự do của Thiền. Với Lương Nguyệt Anh, hát là một cách Thiền. Vì thế, chị có thể hát bất cứ lúc nào, rất ngẫu hứng và say mê. Bạn bè ngạc nhiên khi chị làm âm nhạc chuyên nghiệp lâu như thế mà vẫn giữ được men say nghề. Còn Nguyệt Anh thì hiểu, âm nhạc ngấm vào chị như hơi thở. Chị chỉ ngừng hát khi không còn thở. Và chị sẽ truyền tình yêu ấy, ngọn lửa ấy cho những học sinh của mình, để những bài ca đẹp về đời sống tiếp tục được cất lên, trao truyền qua các thế hệ.

V. Hà
.
.