Đả kích nhau bằng âm nhạc
Dùng ca khúc để hạ bệ, công kích nhau đang trở thành “mốt” thời thượng của một số ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay. Cuộc đấu khẩu không chỉ dừng lại ở một bài hát mà có khi kéo dài hàng tháng trời với loạt liên khúc “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.
Bị nhạc sĩ Viruss chê MV “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” nhảm nhí, thiếu tôn trọng người nghe, ca sĩ Phí Phương Anh lập tức tung bài hát mới để đáp trả. Bài hát có tên “Cánh bướm dối gian” với đoạn nhá hàng “đá xéo” nam nhạc sĩ: “Người mà hở chút nói đạo lý/ Thì thường là người sống như loài bươm bướm/ Tránh xa tránh xa em một chút/ Biến đi biến trong anh một phút/ Nói nữa chỉ khiến em đau đầu…”.
Viruss không chỉ “gặp hạn” với Phí Phương Anh mà còn đụng độ nảy lửa với Bình Gold. Sau khi nghe Viruss đánh giá không hay về một bản nhạc rap của Sơn Tùng M-TP, Bình Gold bĩu môi chế giễu, đại ý: “Viruss thì biết gì về rap mà chê”. Vậy là cuộc chiến nổ ra. Phía Viruss thách thức Bình Gold tung ra các bản rap công kích nhau để coi thử ai có tài viết rap hay nhất. Dường như sợ thua cuộc trong trận chiến bằng âm nhạc này, Viruss phải nhờ rapper Duy Andy sáng tác bản rap chửi thuê giúp mình. Mới nghe phong phanh thông tin, rapper Karik - huấn luyện viên của Duy Andy tại chương trình “Rap Việt”, ngay lập tức mắng học trò trên trang cá nhân: “Bỏ nhé! Hãy dành thời gian phát triển bản thân... Đừng làm mấy thứ vô bổ hoặc xen vào việc người khác”.
Trước đây, nhạc Việt từng có không ít bài hát dùng để đả kích cá nhân. Mâu thuẫn với nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Miu Lê nhờ Only C viết lời mới cho bài hát "Em chưa 18" để dằn mặt nhạc sĩ. Trên sân khấu, cô không ngại nhấn từng câu hát như nghênh chiến: "Em năm nay 18, nhưng em không thích chơi dương cầm". Hay như ca sĩ Chi Pu có bài hát “Em sai rồi, anh xin lỗi em đi” để chọc ngoáy ca sĩ Minh Quân vì anh chê cô hát dở. Tên bài hát biến thành đoạn điệp khúc và hát đi hát lại đúng 18 lần. Ai theo dõi kỹ vụ việc sẽ dễ dàng đoán ra đòn châm chích sâu cay của Chi Pu khi cô đang nhắc lại 18 lần Minh Quân viết rồi xóa status trên Facebook kêu gọi Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải mạnh tay với dạng ca sĩ tay ngang như cô.
Từ khi dòng nhạc rap lên ngôi, nhạc Việt thường xuất hiện những cuộc khẩu chiến bằng âm nhạc của giới rapper. Rap có một thể loại gọi là rap diss - tức bản rap dùng để đả kích, chê bai, hạ bệ ai đó. Giới rapper vốn có cái tôi cá nhân lớn, lối sống tự do, nên họ không ngại hiềm khích với đồng nghiệp (?!). Mỗi khi có hiềm khích, họ chọn giải quyết mâu thuẫn bằng những bản rap diss.
Cách đây 5, 6 năm đã có nhiều bản rap diss nhắm vào các nghệ sĩ nổi tiếng showbiz. Rapper Binz từng có bài rap nhằm vào Sơn Tùng M-TP khi chàng ca sĩ gốc Thái Bình ngạo mạn tự nhận mình là “Lãng tử hào hoa/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng…” trong một bài hát. BigDaddy cũng có đụng độ căng thẳng với Mr T. Nhưng thời điểm đó, nhạc rap và các rapper chưa nổi đình nổi đám như bây giờ nên những cuộc chiến bằng rap diss không mấy khán giả chú ý.
Bây giờ, rap diss trở thành “mốt” của không ít nghệ sĩ trẻ. Ngoài vụ việc của Viruss và Bình Gold, làng nhạc còn xôn xao với trận so găng của nhạc sĩ, rapper Rhymastic và Torai9. Khi tham gia chương trình “Rap Việt”, Torai9 cao ngạo cho hay mình được mời làm Giám khảo chương trình này nhưng không thích nên từ chối. Đang ngồi ghế Giám khảo, Rhymastic liền nóng mặt dạy dỗ đàn em: “Thay mặt ê kíp “Rap Việt”, chúng tôi xác nhận còn chả biết bạn là ai”. Ấy thế là Torai9 tung ngay bản nhạc “Mất trí nhớ” để cà khịa Rhymastic. Đương nhiên Rhymastic không vừa. Anh đáp trả ngay bằng bài “Tượng”. Trước lời lẽ đay nghiến sâu cay của bậc đàn anh, Torai9 xấu hổ nhận thua rồi rút khỏi giới rapper.
Gần đây nhất là cuộc chiến của rapper ICD và Tage. Khơi mào cho trận chiến này là Tage. Anh chàng tuyên bố mình không phục và nghi ngờ về tài năng của ICD khi ICD đoạt giải quán quân cuộc thi “King of rap” (Vua nhạc rap). Không nói nhiều, ICD liền tung bản rap “Chân chạm đất” với nhiều ca từ khuyên Tage nên cẩn thận cái miệng, đừng phán xét người khác vô căn cứ. Khác với thái độ mềm mỏng của đàn anh, Tage phản pháo ngay bằng bài “Overrated” với giọng điệu gây hấn. Bị chọc tức, ICD trình bài thứ hai mang tên “Rapper số 1” với giọng điệu công kích Tage cực kỳ gay gắt.
Trên lý thuyết, những bản rap diss không chỉ để đả phá, châm chích đối thủ mà còn thể hiện tài năng ngôn từ sâu cay, thâm thúy, trình độ âm nhạc điêu luyện của chủ nhân bản rap. Nhưng lý thuyết là vậy, thực tế lại hoàn toàn khác. Hầu hết bản rap diss của giới rapper Việt vẫn chỉ dừng lại ở mức “chửi cho đã miệng” với ngôn từ chợ búa, hằn học và có khi dung tục. Hai bên thi nhau chửi thề bằng tiếng Việt rồi tiếng Anh, chửi thề từ tên ca khúc đến nội dung bài hát. BigDaddy khiến Mr.T nóng mặt khi bị chửi sa sả trong bản rap diss: "Mày muốn hơn tao? Còn tao nghĩ so với tao mày không thể vượt mặt" hay "Nói mày nghe từ trước đến nay tao chỉ coi mày là bình vôi". Hay như trong bài “Overrated”, Tage dùng lời lẽ hằn học, đầy khiêu khích đối phương như: “Mặt mày dày đi chê người khác suốt bao tháng ngày qua/ Giờ tao chê nhạc nghe chán hay dở vẫn chọc được vào lòng tự ái mày à/ Gáy bẩn là có người viết hộ à/ Danh dự tao nó không rẻ như mày/ Và tao là mục tiêu đơn lẻ…”.
Nghe qua những bài hát này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không khỏi thảng thốt: "Âm nhạc Việt bắt đầu xuất hiện những bài hát được ra đời chỉ để chửi nhau, đánh mất đi vẻ đẹp nghệ thuật và ý nghĩa thơ mộng mà một bài hát nên có. Càng ngày càng giống như cái chợ bán đồ ăn rồi bán thú!". Anh cho biết mình hiểu và tôn trọng văn hóa diss của rap nhưng đó là khi rapper biết dùng câu từ văn minh, lịch sự. Còn nếu họ chỉ dùng những từ chửi thề để mạt sát đối phương thì anh cật lực lên án, nhất là khi sản phẩm đó vẫn bị/ được mặc định là một tác phẩm nghệ thuật.
“Với tôi, âm nhạc phải có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật là phải đẹp, có nghĩa là mỗi nhạc sĩ khi viết ra mỗi bài hát đều phải vươn tới sự hoàn mỹ của cái đẹp, đẹp từ nội dung, giai điệu, ca từ, ý nghĩa đến cái tên. Chính cái đẹp đó là cái giúp cho chúng ta phân biệt được thế nào là một bài nhạc và một bài chửi của mấy người bán hàng ngoài chợ. Âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn mang tính định hướng, gieo trồng cảm xúc tích cực tới khán giả, ươm những mầm thiện và nuôi dưỡng cái đẹp. Vậy nên tôi vô cùng bức xúc khi ai đó biến âm nhạc thành vũ khí hòng thoá mạ, đả phá nhau” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích.
Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, trên thế giới, hiềm khích cá nhân đi vào bài hát là chuyện bình thường. Những ngôi sao âm nhạc như Taylor Swift, Selena Gomez…đều có những bài hát nổi tiếng lấy cảm hứng từ mâu thuẫn với đồng nghiệp. Chẳng hạn Taylor Swift có hai ca khúc nổi đình nổi đám là "Bad blood" và "Look what you made me do". Nếu "Bad blood" ngầm tố cáo người bạn thân - ca sĩ Katty Perry, giật bồ và chơi xấu mình thì "Look what you made me do" lại tổng hợp danh sách những nhân vật mà Taylor ghét cay ghét đắng. Sở dĩ những bài hát của Taylor Swift được công chúng yêu thích là bởi nó được chăm chút ý tứ, câu từ, âm nhạc để vượt thoát khỏi chuyện cá nhân thông thường, vươn lên thành một tác phẩm có hàm lượng nghệ thuật cao, mang tư duy sắc bén, thâm thúy.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng thừa nhận là người sáng tác thì mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố đều có thể trở thành chất liệu cho nhạc phẩm. Nhưng không phải vì thế mà đưa thù ghét cá nhân vào khuôn nhạc một cách sống sượng rồi gọi đó là nghệ thuật. Không ít người sáng tác chỉ cốt làm sao để chửi cho đã mồm, chửi cho đối thủ không ngóc đầu lên nổi chứ không thèm quan tâm đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Thành ra, những bài hát “chửi” ấy chỉ gây sốc phút ban đầu rồi nhanh chóng chìm nghỉm. “Một bài hát có thể hay hoặc chưa hay, có thể dở hoặc không hợp thời, có thể mang tính thị trường hay mang chất học thuật, sao cũng được nhưng tuyệt đối không được vô sỉ, vì đó là đứa con tinh thần của mỗi người nhạc sĩ, là đại diện cho tâm hồn và phông văn hóa của người nhạc sĩ đó” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm niệm.