Cuộc truy nguyên lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam

Thứ Năm, 25/08/2022, 14:43

“Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” không chỉ chứa pho sử liệu đồ sộ mà còn cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh quý giá, lần đầu được công bố về thời kỳ phôi thai của nhiếp ảnh Việt Nam. Cuốn sách như viên gạch đầu tiên, tạo cảm hứng để các nhà nghiên cứu Việt tiếp tục hành trình tìm về cội rễ nhiếp ảnh nước nhà. 

Những bức ảnh đầu tiên chụp Việt Nam

“Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” được coi là cuốn sách đầu tiên về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu viết bằng Anh ngữ. Chính tác giả Terry Bennett thú nhận: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách về nhiếp ảnh thời kỳ đầu ở Việt Nam. Trong hơn 30 năm, tôi chỉ tập trung vào nhiếp ảnh khu vực Đông Á, chủ yếu gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong một phút bốc đồng tôi quyết định ăn năm mới 2013 ở Việt Nam, túc tắc du hành từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Tôi hoàn toàn choáng ngợp và thích thú với mọi thứ nơi đây.

Khi quay lại London, tôi hào hứng tham khảo các nguồn về nhiếp ảnh Việt Nam. So với các quốc gia Đông Nam Á khác, các nguồn thông tin về Việt Nam bằng tiếng Anh không có gì đáng kể. Không kể đến một vài cuốn sách nhỏ về bưu thiếp thế kỷ XX, thì chưa có ai xuất bản sách về nhiếp ảnh Việt Nam, ngoại trừ một vài tiểu luận. Mặc dù tìm thấy một vài tựa sách hữu ích bằng tiếng Pháp, tôi vẫn cảm giác rõ rệt rằng nhiếp ảnh Việt Nam là một đề tài nghiên cứu hãy còn trong trứng nước”.

untitled-18.jpg -0
Bức “Thiếu nữ Bắc Kỳ” do người Pháp chụp năm 1884.

Từ khối tư liệu khổng lồ nhưng phân tán trong các kho lưu trữ, bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, trong đó có bộ sưu tập của riêng mình, Terry Bennett đã dựng lại quá trình nhiếp ảnh phương Tây du nhập và phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc (từ những năm 1850 đến 1950). Chiếc máy ảnh theo chân người Pháp đến Việt Nam bởi những nhà nhiếp ảnh, quan chức quân đội, nhà ngoại giao, nhà truyền giáo, thương nhân hoặc khách du lịch.

Hai bức ảnh sớm nhất chụp Việt Nam được cho là của nhiếp ảnh gia Jules Itier (1802-1877). Năm 1845, khi được bổ nhiệm làm người dẫn đầu một phái bộ thương mại đến vùng Viễn Đông, Jules Itier tháp tùng thuyền trưởng Fornier du Plan trên chiến thuyền mang tên Alcmène, khởi hành đến Đà Nẵng để giải cứu một vị giám mục đang bị triều đình Huế giam giữ.

Sáng ngày 12/6, việc đàm phán để giải thoát cho vị linh mục đã xong, phái đoàn được lệnh phải rời đi ngay. Vừa được phép lên bờ, Jules Itier đã phải vội vã trở lại con tàu. Việc bị bỏ lại phía sau lúc này đã trở thành nguy hiểm cận kề nhưng Jules Itier vẫn tận dụng thời gian ngắn ngủi ấy để giương chiếc Daguerre chụp quang cảnh Đồn Hai và bức thứ hai ghi lại hình ảnh chiến thuyền Alcmène đang chuẩn bị rời vịnh trên nền phong cảnh Đà Nẵng. Tiếc là tiêu bản chụp Đồn Hai lại chưa phơi sáng đủ nên hình ảnh không rõ nét.

Riêng bức ảnh đầu tiên chụp chân dung người Việt lại thuộc về nhiếp ảnh gia Fedor Jagor (1816 - 1900). Đó là bức ảnh lập thể “Ba người An Nam” do Fedor chụp vào cuối năm 1857. Điều đáng chú ý là Fedor chưa từng đặt chân đến Việt Nam, những nhân vật trong bức “Ba người An Nam” được ông bắt gặp ở Singapore!

Bởi ở Việt Nam, sau khi Jules Itier mang hai bức "Đồn Hai" và "Chiến thuyền Alcmène" về Pháp, ngạc nhiên thay không có bất cứ một vết tích nào của hoạt động nhiếp ảnh ở xứ sở chữ S nữa cho đến tận năm 1858. Đó là năm quân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, chính thức xâm lược Việt Nam.

Cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, sự thất thủ của quân lính triều Nguyễn... đều được ống kính của Paul Émile Berranger- một trong các tướng chỉ huy trên chiến thuyền Pháp, đồng thời cũng là nhiếp ảnh gia nghiệp dư - ghi lại. Cũng chính ông là người đầu tiên chụp hình chân dung người Việt sớm nhất tại Việt Nam với hình ảnh các chức sắc Nam Kỳ.

Theo nghiên cứu của tác giả Terry Bennett, nhiếp ảnh gia thương mại người Việt đầu tiên chính là Đặng Huy Trứ, người mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường vào năm 1869 tại Hà Nội. Ông được tôn vinh là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Cũng từ cuốn sách, thật bất ngờ khi được biết nhà khoa học lỗi lạc như Trương Vĩnh Ký cũng có thời gian cầm máy và mở hiệu ảnh.

Không chỉ truy nguyên, phác họa danh tính, sự nghiệp hơn 240 nhiếp ảnh gia và hiệu ảnh của người Pháp lẫn người Việt, cuốn sách còn khắc họa văn hóa đặc sắc của Việt Nam với chân dung 54 dân tộc anh em, cảnh sắc từ Bắc đến Nam, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Phong tục, tập quán của người Việt, chân dung các nhân vật trong triều đình Huế như Vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Đồng Khánh, Thái hậu Từ Cung, Hoàng hậu Nam Phương.... cũng được giới thiệu chi tiết đến bạn đọc

Buổi khởi thủy của nhiếp ảnh Việt Nam trùng với thời kỳ thuộc địa nên Terry Bennett cực kỳ thận trọng trong quá trình nghiên cứu để không mắc phải cái nhìn quy chụp, phán xét về “cái nhìn đế quốc”. Ông cho rằng: “Nhiếp ảnh thế kỉ XIX không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Nghiên cứu cho thấy có rất nhiều nhiếp ảnh gia thời kỳ này quan tâm đến nghệ thuật và tự thân họ cũng là những nghệ sĩ tiềm năng. Ta có thể thấy bằng chứng cho năng lực của họ qua những tấm hình chụp phong cảnh còn sót lại. Việc chụp chân dung thời kỳ đầu cũng khó lòng diễn ra nếu người chụp không có đôi chút thấu nhạy nghệ thuật cũng như khả năng đồng cảm với chủ thể”.

Mở đường cho những nghiên cứu về nhiếp ảnh

Trong buổi giao lưu xoay quanh chủ đề dịch thuật sách nghệ thuật diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, dịch giả Dương Mạnh Hùng không ngần ngại cho biết mình gặp vô vàn khó khăn khi dịch cuốn “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam”. Ở nước ta, lĩnh vực non trẻ như nhiếp ảnh vẫn luôn thiếu các đầu sách tự viết lẫn sách dịch. Trong nghệ thuật thị giác nói chung và nhiếp ảnh nói riêng tại Việt Nam, các thuật ngữ chuyên ngành và tài liệu chuyên môn đều chưa đủ, dẫn tới khó khăn trong truyền bá kiến thức.

untitled-19.jpg -0
Bức “Chức sắc địa phương ở Sài Gòn, Nam Kỳ” (1859) của Paul Émile Berranger được coi là tấm hình chân dung đầu tiên chụp người Việt ở Việt Nam.

Dương Mạnh Hùng thú thật: “Thiệt tình chưa dịch cuốn nào mà phải vận hết hai cuốn tự điển Pháp-Việt và Hán Việt trước 1975 to vật để dịch thuật ngữ, rồi tham khảo đối chiếu hết một núi bài viết về nhiếp ảnh, từ kỹ thuật chụp đến tiểu sử nhiếp ảnh gia. Dịch mà cứ lo nơm nớp là sai tên người chụp hay chọn nhầm Hán tự cho từ chuyên môn thì xong phim”.

Dễ hiểu vì sao dịch giả Dương Mạnh Hùng lao tâm khổ tứ như vậy bởi “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” được coi là cuốn sách nhập môn hiếm hoi về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, góp thêm những sử liệu có giá trị cho các sử gia và nhà nghiên cứu. Quan trọng nhất, cuốn sách chính là bản lề tiên phong để các nhà nghiên cứu Việt đi sâu hơn vào một cánh cửa lịch sử còn đang khép hờ. Bởi dù rất dày công, nhưng tác giả Terry Bennett vẫn chỉ mới tập trung vào sự nghiệp của nhiếp ảnh gia ngoại quốc. Số nhiếp ảnh gia bản xứ vẫn còn rất sơ lược, chung chung.

Chính tác giả Terry Bennett cũng nhận thấy thiếu sót này. Ông tâm sự: “Mặc dù tôi khá tự tin rằng mình đã truy nguyên được hầu hết các nhiếp ảnh gia thương mại người nước ngoài trong giai đoạn thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tôi không chắc chắn lắm rằng mình đã đạt được thành công tương tự với các nhiếp ảnh gia người Việt cùng kỳ. Vì các nguồn tài liệu tôi tham khảo chủ yếu là của phương Tây, đặc biệt là Pháp, nên sẽ thật thú vị khi các nghiên cứu sắp tới trong chủ đề này tiếp cận các kho tư liệu ở Việt Nam.

Cũng vì lý do đó, cuốn sách này hoàn toàn không phải là một pho sử đầy đủ về nhiếp ảnh ở Việt Nam. Dù vậy, nó ít nhất có thể cung cấp một phác thảo ban đầu, một tấm bản đồ sơ khởi ghi chép lại các cung đường nơi nhiều dấu chân đã đi qua. Công cuộc nghiên cứu vẫn còn dài và sẽ được các nghiên cứu sau này bồi đắp thêm, nhất là từ các nhà nghiên cứu người Việt - những người có thể dễ dàng tiếp cận các bộ lưu trữ địa phương và quốc gia.

Mặc dù hiện nay ở Việt Nam chưa có một bảo tàng nhiếp ảnh tầm cỡ quốc gia, hay bất kỳ bộ sưu tập nào cho ảnh chụp thời kỳ đầu, tôi cảm nhận rằng người Việt đang ngày một quan tâm hơn đến lịch sử nghệ thuật thị giác (phim ảnh và mỹ thuật) của đất nước. Mối quan tâm này chắc chắn sẽ dẫn đến việc khai phá các nguồn tư liệu chưa từng thấy trước đây ở Việt Nam”.

Mai Quỳnh Nga
.
.