Cuộc “khiêu vũ” giữa Khoa học và nghệ thuật
Khoa học và nghệ thuật vốn bị công chúng mặc định là hai lĩnh vực chẳng liên quan gì nhau. Một bên lý trí - một bên cảm xúc. Một bên khô khan, logic - một bên lãng mạn, bay bổng. Thực ra, khoa học và nghệ thuật có nhiều điểm gắn bó, giao thoa mà ít người nhận ra. Triển lãm "Phổ hiếu kỳ" giúp khán giả, đặc biệt là giới trẻ, thưởng ngoạn cuộc "khiêu vũ" ảo diệu của cặp đôi tưởng như đối lập này.
Dường như hiếm cuộc triển lãm nào ở Việt Nam có thời gian trưng bày dài và quy mô rộng như "Phổ hiếu kỳ". Sự kiện kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 12-2022) và trưng bày tại hai nơi: Trường Emasi Nam Long, quận 7, TP Hồ Chí Minh và trường Emasi Vạn Phúc ở TP Thủ Đức. Góp mặt có đến 26 nghệ sĩ đương đại nổi bật của Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... như: Bàng Nhất Linh, Bùi Công Khánh, Cam Xanh, Doãn Hoàng Lâm, Alisa Chunchue, Cian Duggan, Regis Golay, Lim Sokchanlina...
"Phổ hiếu kỳ" là một dự án hợp tác giữa hai đơn vị nghệ thuật Nguyễn Art Foundation và Lân Tinh Foundation với sự đồng hành của ba giám tuyển nổi tiếng: nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Lê, giám tuyển Dương Mạnh Hùng và Tâm Nguyễn.
Ban tổ chức và nhóm giám tuyển chọn không gian trường học để tổ chức triển lãm nhằm mục đích giúp học sinh có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về sự tương tác thú vị giữa các thể loại nghệ thuật với từng ngành khoa học cụ thể. Từ kiến thức tươi mới khi học hình học, sinh học, vật lý, hóa học, ngôn ngữ, lịch sử... ở nhà trường, các em sẽ lập tức đối chiếu, so sánh khi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm. Đó là phương pháp học tập trực quan, đồng thời là hình thức tiếp cận nghệ thuật một cách hiệu quả và thú vị dành cho thế hệ trẻ.
Giải thích về cái tên "Phổ hiếu kỳ" của triển lãm, đại diện Nguyễn Art Foundation chia sẻ: "Hình thức sơ khai nhất của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên đã tồn tại ở châu Âu từ thời Phục Hưng dưới cái tên "căn buồng hiếu kỳ", vốn là những phòng riêng của giới hoàng thân quý tộc, thu thập và bày biện những thứ hiếm lạ họ mang về - từ đồ cổ, da thú, hoa cỏ đến các dụng cụ khoa học và tác phẩm nghệ thuật.
Triển lãm "Phổ hiếu kỳ" là một sự hồi đáp và mở rộng khái niệm "căn buồng hiếu kỳ" thuở xưa, vay mượn những góc nhìn của các nghệ sĩ - khoa học gia ngày nay khi họ thử nghiệm với những giới hạn về mặt đề tài, chất liệu và phương tiện để theo đuổi tính hiếu kỳ của bản thân và của xã hội hiện đại.
Sự hiếu kỳ ấy lại diễn ra trên một phổ giao thoa rộng giữa các bộ môn nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, sắp đặt, video, nhiếp ảnh…) và các bộ môn khoa học tự nhiên (hình học, vật lý, hóa học, giải phẫu học, sinh học, công nghệ số…) hay xã hội (nhân chủng học, ngôn ngữ học, thần học…). Như một sự gợi ý, nhóm giám tuyển đã chọn ra tám "điểm hiếu kỳ" trên phổ giao lộ khoa học - nghệ thuật ấy (cơ thể, máy móc, lịch sử, sinh thái, ngôn ngữ, hình thái, hóa chất, vũ trụ) để sắp xếp 46 bộ/tác phẩm từ 26 nghệ sĩ".
Hành trình tham gia triển lãm, công chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì sự độc đáo, thú vị mà các tác phẩm mang lại. Gian trưng bày mang chủ đề "Cơ thể" - "điểm hiếu kỳ" đầu tiên khi loài người biết nhận thức, giới thiệu bộ ảnh "Gỡ rối #1" của Nguyễn Thị Thanh Mai chụp những mảnh tóc của chính chị. Qua việc sử dụng nhiều hình thái khác nhau của tóc như ở dạng sợi, phân đoạn, hay thậm chí vụn mịn như bột, bộ ảnh gợi lên một sự truy vấn về cách mà ta sở hữu, níu kéo, buông thả ký ức và danh tính trong một đời người. Gần bên là tác phẩm video - sắp đặt của Tristan Lim lấy cảm hứng từ hiện tượng bóng đè và giao thoa những biểu tượng về ác mộng trong mỹ thuật, khảo cổ học để thảo luận về các loại sức ép vật lý và tinh thần trong tự nhiên lẫn xã hội.
Bước sang bên kia tường là không gian của chủ đề "Máy móc". Bộ ba bức tranh của nghệ sĩ Nguyễn Kim Thái, Lê Quý Tông và Bùi Công Khánh phân tích số phận chiếc động cơ xe lửa ở ba thế kỷ khác nhau của xã hội Việt Nam. Họ không những thể hiện sự quan sát cơ học thấu đáo, mà còn đặt ra những câu hỏi hiện sinh về đích đến và hệ quả của những sáng chế này. Bộ điêu khắc - video của The Propeller Group xoáy sâu vào sức công phá vật lý của súng đạn từ các phe đối lập trong chiến tranh, qua đó mở ra một cuộc đối thoại triết học về nhu cầu triệt tiêu và tính sống còn.
Ngay cả lĩnh vực tưởng chừng khó bắt tay với nghệ thuật như hóa học, không gian "Hóa chất" khiến khách thưởng lãm bất ngờ khi chứng kiến sự thể nghiệm của nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh. Cô gái sinh năm 1985 này đã dùng chất liệu gom được để tái tạo lại mùi nhận diện những ký ức gắn với chuỗi nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá ở Hà Nội - từng được xem là nhu yếu phẩm trong đời sống thường nhật thời bao cấp.
Nếu những tác phẩm trong các gian trước là cuộc gặp gỡ với bộ môn khoa học tự nhiên thì tại gian "Lịch sử", khán giả được chứng kiến sự giao thoa giữa nghệ thuật với bộ môn khoa học xã hội. Hai tác phẩm sắp đặt đa phương tiện "Chiếc ghế trống" của Bàng Nhất Linh khơi gợi lại những ký ức về một trong những "điểm hiếu kỳ" sâu đậm nhất trong lịch sử thế giới hiện đại: cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Một chiếc ghế rỉ sét từng làm chỗ ngồi cho phi công không chiến trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt, nay được đặt đối diện một tác phẩm video art. Trong video art, hai cựu quân nhân từ hai miền đất nước cắt tóc cho nhau. Ở một góc phòng khác, ta bắt gặp khuông nhạc của bài hát "Chiếc ghế trống" - bài hát thịnh hành trong thời Nội chiến ở Mỹ. Nhìn tổng thể, tác phẩm mời gọi mọi người suy ngẫm về việc tái lập nền hòa bình và những gì đã bị bỏ lại phía sau.
Theo giám tuyển Ace Lê, sau nhiều thế kỷ, cả khoa học và nghệ thuật đã phát triển đa ngành và chuyên sâu, rẽ nhánh thành nhiều bộ môn đặc thù. Điều này khiến ta thường cho rằng đây là hai thế giới riêng biệt, thậm chí đối lập nhau: khoa học xoay quanh bằng cứ, lập luận, dữ liệu và công nghệ để tìm ra đáp án; còn nghệ thuật phát triển từ mỹ cảm, ý niệm, sáng tạo và ngẫu hứng rồi chú trọng về trải nghiệm. Nhưng có hoàn toàn vậy không? Thử quay ngược dòng thời gian về nhiều thế kỷ trước, khi sự phân hóa này còn chưa thai nghén, để điểm danh một số danh nhân - những người vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà khoa học, để xem sức tìm tòi của họ rộng đến thế nào?
Leonardo da Vinci là một danh họa người Ý thiên tài với bức "Mona Lisa", đồng thời cũng là một nhà phát minh có những nghiên cứu mang tính cách mạng trong các ngành thiên văn, giải phẫu, thực vật học, hay địa chất học. Phác thảo "Vitruvian Man" có lẽ biểu đạt rõ nhất niềm tin của ông rằng nghiên cứu khoa học là cánh cửa tiết lộ những vẻ đẹp mỹ học hoàn hảo trong vũ trụ quan của chúng ta.
Ở Việt Nam, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị là một tượng đài về điêu khắc trong lịch sử nghệ thuật hiện đại Việt Nam và thế giới, người sáng tác ra ngôn ngữ tạo hình độc đáo với bảy modul hình học được lắp ghép và biến hóa linh hoạt trong các tác phẩm tượng, tranh và phù điêu, tạo thành một thế giới của riêng bà.
Trước khi gắn bó với điêu khắc, bà là Tiến sĩ Nha khoa, và kiến thức giải phẫu chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong quá trình kiến tạo nên hệ thống mẫu tự của Điềm Phùng Thị. "Những ví dụ trên cho thấy khoa học - nghệ thuật không hề là những lựa chọn nhị nguyên. Cố nhiên, chúng có những cách tiếp cận và giải quyết vấn đề rất khác biệt, nhưng rõ ràng cả hai đều có nhiều điểm tương tác, hỗ trợ, và giao thoa lẫn nhau trong các khâu nghiên cứu, thử nghiệm, mày mò phản tư, và trình tấu kết quả, dù là định lượng hay định tính"- Ace Lê phân tích.
"Phổ hiếu kỳ" là sự kiện mở màn cho "Thể Lân Tinh"- chủ đề bao trùm của chuỗi triển lãm khám phá mối giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học - sẽ thực hiện xuyên suốt ba năm tới đây. Không chỉ trưng bày, sự kiện còn diễn ra các cuộc thảo luận, trò chuyện chuyên đề với sự góp mặt của nghệ sĩ Việt Nam lẫn chuyên gia quốc tế. Qua đó, sự kiện giúp công chúng có cái nhìn tường tận và đối thoại sâu hơn trong hành trình khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật gắn với sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ ngày nay.