Cuộc hội ngộ của cái đẹp
Hội tụ tài hoa, niềm tin và sự khác lạ để làm nên cái Đẹp là dấu ấn “Viết và Đọc” mang đến cho công chúng. Đến nay, ấn phẩm này đã đi trọn vẹn được 4 năm với 16 số, một chặng đường chưa quá dài nhưng không hề đơn giản, dễ dàng...
Trong bốn năm ấy, ở những thời điểm đặc biệt, chẳng hạn như mùa thu thứ 5, năm 2022, Ban Biên tập ''Viết và Đọc'' lại tổ chức một Lễ kỷ niệm thật sang trọng, nền nã và ấm áp. Những loài hoa đẹp nhất của mùa, nào cúc họa mi, cúc vàng, hoàng lan…; những thức quà thảo thơm như cốm lá me, hồng ngâm, bánh cốm, trà hoa cúc… sẽ được chọn lựa, bày biện thật tao nhã, góp vào không gian văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh các cộng tác viên, bạn đọc đã làm nên thành công của ấn phẩm thuộc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, chủ biên Viết và Đọc chia sẻ: “Phải trung thực nói rằng, nếu không có những cộng tác viên, bạn đọc bền bỉ thì có thể ấn phẩm sẽ phải dừng lại dù đội ngũ thực hiện đã có cuộc dấn thân đầy đắm say. Một điều làm chúng tôi vui nhất đó là tính cho tới bây giờ, ''Viết và Đọc'' đã không rời bỏ mục đích của mình như bức thư đầu tiên từ Ban biên tập”. Trong bức thư ấy, ấn phẩm Viết và Đọc được nhìn nhận như một nỗ lực dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho “những người kể chuyện chân chính của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng”. Ở đó, mỗi nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà báo… và bạn đọc chính là một người kể chuyện.
Cuộc gặp gỡ mùa thu năm 2022, ''Viết và Đọc'' đã tri ân hơn 400 nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu, hoạ sĩ, nhà báo... trong và ngoài nước cùng hàng nghìn bạn đọc đã đồng hành không mệt mỏi, và “không đánh mất lòng tin”. Trong cuộc trò chuyện cuối năm, khi bầu không khí đẹp đẽ, ngập tràn hương sắc của mùa thu thứ 5 vẫn vương vấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có dịp giãi bày nhiều tâm sự.
“Tôi có xem một bộ phim của Hollywood và thường nghĩ về câu chuyện mà bộ phim đề cập. Bộ phim nói về một nhóm người đi khắp thế gian kể những câu chuyện tốt đẹp để đánh thức lương tri con người. Nếu những người ấy ngừng kể thì trục trái đất sẽ ngừng quay và bóng tối sẽ phủ ngập thế gian. Bởi vậy, một thế lực hắc ám đã tìm mọi cách ngăn cản những người kể chuyện kia không thể tiếp tục được sứ mệnh của họ. Chúng muốn đẩy thế gian ngập chìm trong bóng tối vĩnh viễn để thống trị loài người. Chính vì lý do đó mà chúng đã dùng mọi ma thuật để làm biến mất miệng của những người kể chuyện. Câu chuyện mà bộ phim đề cập là một câu chuyện giả tưởng nhưng nó lại chứa đựng toàn bộ hiện thực trong đời sống thế gian, chứa đựng cuộc đấu tranh giữa thiện và ác của con người kéo dài trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Lúc nào nghĩ tới bộ phim ấy, tôi lại nghĩ đến những nghệ sĩ chân chính còn lại trên thế gian này. Họ chính là những người làm cho trục trái đất vẫn quay”, ông nói.
Có lẽ, khởi nguồn từ nỗi ám ảnh, suy ngẫm này mà ''Viết và Đọc'' dần “cựa quậy”, hình thành và giờ đây xác lập một vị thế vững vàng với sứ mệnh giản dị của những Người kể chuyện. Đó là những câu chuyện văn chương chứa đầy vẻ đẹp của đời sống, lan tỏa một cách tự nhiên và mạnh mẽ. Đó đôi khi là cách mỗi người thử đặt câu hỏi và thử trả lời một cách trung thực xem ai lắng nghe câu chuyện về một bông hoa nở bình yên và huy hoàng trong bóng tối, ai lắng nghe câu chuyện về một con chim non run rẩy trong chiếc tổ nhỏ bé, ai lắng nghe câu chuyện về những tiếng mưa rơi trên mái ngói đêm mưa, ai lắng nghe câu chuyện về một đêm trăng thôn dã, ai lắng nghe câu chuyện về bầy chim trở lại khu rừng, ai lắng nghe câu chuyện về một người nhặt được của rơi mang trả lại, ai lắng nghe câu chuyện về sự bất hạnh của một con người vô danh, ai lắng nghe câu chuyện về sự bất công, ai lắng nghe câu chuyện về những số phận bị chà đạp nhân phẩm...
Niềm vui, hạnh phúc của đội ngũ thực hiện nội dung ''Viết và Đọc'' còn ở những câu chuyện đầy xúc động về những độc giả đặc biệt. Tiến sĩ Luật gia Ngô Quốc Kỳ là một trong những người như thế. Cứ mỗi số ''Viết và Đọc'' ra đời, có trên tay, ông lại mở tiệc rượu, mời bạn bè thân thiết quây quần, chung vui, nói những câu chuyện đẹp đẽ, nhân văn và sâu nặng được gợi mở từ những tác phẩm in trong ''Viết và Đọc''. Đây cũng là ấn phẩm hiếm hoi dành sự tôn vinh đặc biệt cho độc giả. Suốt những năm qua, bao giờ trong Lễ kỷ niệm cũng có phần thời lượng đáng kể Ban Biên tập gặp gỡ, tặng quà và nói lời tri ân độc giả. Cũng lại có những độc giả tặng quà sách, quà chữ tới Ban Biên tập như lời cảm ơn.
Để có thể tạo ra được một ấn phẩm văn chương có thương hiệu, uy tín và lan tỏa là sự cống hiến nỗ lực thầm lặng của nhóm thực hiện (chủ biên là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các nhà văn: Đào Bá Đoàn, Nguyễn Chí Hoan, Thái Bá Lợi, Tạ Duy Anh, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhã Thụy, Văn Cầm Hải; nhà thơ Trần Lê Khánh, nhà báo Nguyễn Trung Dân, Yên Ba, Phó Giám đốc NXB Nguyễn Thúy Hằng và nhiếp ảnh Dương Minh Long)… Nhờ đó, ''Viết và Đọc'' không chỉ là một ấn phẩm hay, mà quan trọng hơn hết, đó là một ấn phẩm đẹp, một câu chuyện đẹp. Mỗi chặng đường đã qua đều lưu lại những dấu ấn rõ nét nhất.
Không đơn thuần mở ra cánh cửa cho văn chương cất tiếng, ấn phẩm còn có sự hiện diện đầy sắc màu, cuốn hút của hội họa, phê bình, dịch thuật… Bên cạnh đó, không thể không kể tới những “thửa đất” rộng rãi, sang trọng mà ấn phẩm đã ưu ái dành cho những người viết trẻ. Có thể đó là một tác giả chưa “danh phận”, chưa được đăng tải tác phẩm ở bất cứ đâu mà trên hành trình của mình ''Viết và Đọc'' đã phát hiện được. Có thể đó là một tác giả đang sinh sống, học tập ở xứ người, đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. ''Viết và Đọc'' đã chắp thêm một đôi cánh, để họ được cất lên tiếng nói của mình, được kể câu chuyện của mình. Dù nhỏ, dù giản đơn hay còn vấn đề gì khác, ''Viết và Đọc'' - đúng như tên gọi - vẫn luôn đứng về phía người viết, người đọc, như một sứ mệnh phụng sự cho những khát khao, niềm tin chính đáng nhất và cháy bỏng nhất trên con đường hướng đến cái Đẹp.