Cuộc chơi của người có "5 mắt"
Một nhóm họa sĩ yêu nhiếp ảnh đã ngẫu hứng tạo ra một sân chơi cùng nhau, để rồi, cứ hai năm, họ lại có một cuộc trình làng ảnh ấn tượng. "Tay Trái 3" đang triển lãm tại Hà Nội được nhà phê bình, lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến đánh giá cao, ông cho rằng, họ chính là những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và họ có "5 mắt", của hội họa và nhiếp ảnh. Còn với các họa sĩ, đó là cuộc chơi của niềm vui, của đam mê, mang lại những sắc màu tươi mới cho cuộc sống.
Những người có "5 mắt"
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng có mặt tại triển lãm đã chia sẻ rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của những sự phá bỏ những giới hạn, và sự kết nối của các loại hình nghệ thuật. Vì thế, có thể nói, sự trở lại của triển lãm nhiếp ảnh "Tay trái" là một dấu ấn trong sự giao thoa đó. Hội họa và nhiếp ảnh luôn có mối tương giao. Nếu ở hội họa, đặc trưng là hình ảnh tĩnh và giới hạn trong khuôn khổ bức vẽ, thì nhiếp ảnh cũng luôn bị giới hạn trong khuôn khổ của khuôn hình. Chúng luôn bị đồng giới hạn trong khoảng nhìn cho phép, vì vậy chúng luôn có một kết quả tương đồng.
Khi nhiếp ảnh bắt đầu có sự tách biệt mối liên hệ với hội họa để khuyếch trương và phát huy tối đa những thế mạnh của công nghệ thì tại điểm bão hòa ấy, nhiếp ảnh có một cuộc trở về với hội họa cùng những giá trị truyền thống trong việc biểu lộ cái đẹp tiềm ẩn vô tận từ hội họa. Vì vậy, góc nhìn hội họa qua nét cọ "ống kính" là sự khai thác không giới hạn trong miền giao "vô hình" ấy.
"Tay Trái" là cuộc chơi liên tục trong sự khai thác mỹ học đó. Đây cũng là lần thứ 3 trong 7 năm qua 12 họa sĩ Phạm Tô Chiêm, Hoàn Phương Liên, Nguyễn Quang Trung, Ngô Xuân Phú, Phạm Chính Trung... trong nhóm "Tay Trái" đã đồng hành cùng nhau. Sự trở lại lần này đã giới thiệu đến cho công chúng Thủ đô 12 sắc thái hình ảnh, là thực tiễn trải nghiệm đời sống và tinh thần mà họ đã đi qua, không định hình, không đóng khuôn. Từng mảng màu tại không gian của triển lãm tạo sức hút riêng đối với người xem.
Những nghệ sĩ gặp nhau, ở nhiều lĩnh vực, cùng chơi chung một cuộc chơi, không vụ lợi, cùng một mục đích chia sẻ những khoảnh khắc giản dị, những trải nghiệm mà họ đã cảm nhận trong cuộc sống. Đơn giản, tinh tế có lẽ là nét khái quát chung và cũng là điểm nhấn xuyên suốt của lần trở lại này.
Có mặt tại triển lãm, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà nhóm họa sĩ "Tay Trái" đã đạt được: "Chúng tôi nhìn thấy trong này ngôn ngữ của mỹ thuật tạo hình, những khoảnh khắc của nhiếp ảnh và sự chuyển động của điện ảnh. Chúng tôi biết rằng đây là sự tương tác của thời đại".
Còn nhà phê bình Vũ Huyến cho rằng: "Các họa sĩ đã chọn cho mình một sân chơi rất thú vị. Các bạn tận dụng được sức mạnh của nhiếp ảnh, sự tận dụng ấy rất phù hợp với lối làm việc và sáng tác vì cả hai đều là nghệ thuật thị giác. Nó là một cuộc chơi khôn ngoan vì chơi mà học được cách tiếp cận nhanh của nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh luôn luôn được hiện thực ập vào và phản ánh rất nhanh, còn họa sĩ có thể vẽ bức tranh rất lâu. Cái nhanh của nhiếp ảnh làm cho hội họa cập nhật đời sống hơn, nó giúp cuộc sống cá nhân của người nghệ sĩ năng động, thú vị.
Tôi đánh giá cao chất lượng ảnh của các tác giả, nó đậm chất hội họa từ bố cục, màu sắc đến hình khối. Góc máy của các tác giả rất đa dạng và cách chọn chi tiết đưa vào khuôn hình cũng rất tự nhiên, chặt chẽ. Ngoài ra, chúng ta thấy ở đây còn cách dùng màu, những mảng miếng của hội họa đậm nét. Đây phải coi các bạn là nhà nhiếp ảnh rồi. Họ vừa là họa sĩ, vừa là nhà nhiếp ảnh, vậy họ là những người có 5 mắt, hai mắt của họa sĩ và 3 mắt của nhiếp ảnh, rất đặc biệt".
Và hiện thực sống động
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 104 bức ảnh màu và đen trắng với nhiều kích thước khổ lớn khác nhau, được chụp bởi 12 tác giả là họa sĩ, nhiếp ảnh thuộc nhóm "Tay Trái". Tất cả những bức ảnh được trưng bày đều là hình ảnh bình dị, đời thường của người dân Việt Nam. Ngắm những tác phẩm trong triển lãm "Tay Trái" lần này, người xem cảm nhận đươc sự chuyển động trong từng bức ảnh. Đó là sự chuyển động của ánh sáng, của sắc màu, của cuộc sống ở nhiều góc nhìn đa dạng, phong phú và rất tinh tế. Đó là những vệt nắng chiếu qua những cầu thang khu tập thể cũ kỹ.
Hay series ảnh về một đô thị vẫn giữ nguyên những vẻ đẹp giản dị giữa thành phố hoa lệ, những bức ảnh về người dân miền núi hay giản dị chỉ là những vệt nắng ở nhiều góc nhìn phản chiếu từ những bức tường cũ... Những vẻ đẹp trong veo, tinh khiết của đời sống đã được các tác giả chắt lọc, tinh tế và hấp dẫn.
Đặc biệt, tôi ấn tượng với chùm ảnh về sân khấu, ở đó ta gặp lại những vẻ đẹp của sân khấu truyền thống được các tác giả lưu giữ lại bằng những khoảnh khắc của nhiếp ảnh như những gương mặt, những biểu cảm của các nghệ sĩ chèo, tuồng trên sân khấu.
Họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ: "Triển lãm lần này được giới chuyên môn đánh giá chất lượng tốt hơn, các đề tài phong phú hơn, trong đó có đề tài về sấn khấu của anh Chính Trung, tĩnh vật của họa sĩ Hồng Mai, mới tham gia nhóm nhưng đã có nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, nó đem lại một không khí mới, tươi mát hơn cho triển lãm. Với chúng tôi, tuy gọi là "Tay Trái" nhưng chúng tôi làm việc hết sức hết lòng, toàn tâm toàn ý cho từng tác phẩm".
Lần này, họa sĩ Tô Chiêm trình làng series ảnh chân dung đen trắng về những nhân vật nổi tiếng như nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Trí, họa sĩ Mai Long.... "Tôi rất thích bức ảnh chụp cụ Tô Hoài với gương mặt trầm tư, có chút mỏi mệt của tuổi già. Chúng ta luôn quen với hình ảnh cụ lúc nào cũng vui tươi, hóm hỉnh, thì đây là một khoảnh khắc đời thường mà chúng ta ít biết về cụ. Nó thể hiện một khoảnh khắc chân thực trong cuộc đời. Hay như bức ảnh về họa sĩ Mai Long, khi tôi làm sách về cụ, cụ kể về những kỷ niệm ngày xưa, gương mặt đượm buồn. Tôi đã chộp được những khoảnh khắc quý giá đó. Tôi nghĩ, quan trọng nhất với nhiếp ảnh đó là chụp được những khoảnh khắc, làm sao bóc được cái thần của nhân vật. Tôi đã đọc và tìm hiểu về những con người mình định chụp trước khi cầm máy".
Họa sĩ Hồng Mai, gương mặt mới của nhóm "Tay Trái", người góp phần mang đến một sắc màu mới cho triển lãm lần này với những bức ảnh tĩnh vật và sân khấu chia sẻ: "Nhiếp ảnh với tôi là niềm vui, nghề của tôi là họa sĩ đồ họa, vẽ trên máy nhiều hơn nên tôi muốn làm gì đó sáng tạo để cho óc nghệ thuật của mình bị thu hút bởi những vẻ đẹp kỳ diệu của tự nhiên. Một bông hoa nhọ nồi, có cánh và nhụy, khi chụp gần tôi phát hiện có hàng trăm bông hoa nhỏ xếp thành nhụy, hoa cũng sống động như con người, khiến tôi rất xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tự nhiên. Mảng thứ 2 tôi lựa chọn là sân khấu, tôi thích chụp sự chuyển động của sân khấu dân gian, những mảng màu hơi giống hội họa. Những chuyển động của sân khấu khi các nghệ sĩ múa, hát, tay tôi cũng múa theo diễn viên, để đưa được vẻ đẹp của họ vào khuôn hình, rất hấp dẫn".
Chia sẻ về những tác phẩm mang đến triển lãm lần này, tác giả Nguyễn Thế Cường cho biết: "Ảnh tôi chụp chỉ có thế. Tôi bị ám ảnh bởi những vệt nắng, bóng râm hoặc ánh sáng của sự vật trong cuộc sống. Nó cuốn hút tôi dù chỉ là một đốm nhỏ. Nhưng cái chính là làm sao bắt được nó trong sự bất ngờ khi xuất hiện. Tôi tìm trong cái sáng tối, đen trắng của sự vật trong cuộc sống. Với tôi, khi bấm máy chưa cần biết xấu đẹp thế nào, cứ thấy nắng xuất hiện ở đâu là lia máy tới đó. Những bóng đổ, những mảng màu… thêm tí lặt vặt của cuộc sống vào, thế là xong".
Mỗi người một góc nhìn mang dấu ấn cá nhân, nhưng có lẽ, "với các hoạ sĩ, ảnh phong cảnh, ảnh chân dung, ảnh ý niệm hay ảnh đời thường... chỉ là những góc nhìn khác nhau trong một tinh thần chung nhất hướng về mỹ học của hình ảnh", mang đến những cảm xúc đẹp và xúc động cho người xem.